Tản mạn về vườn cảnh, hoa viên thời Lý – Trần

Tác giả Huyết Vy
Tản mạn về vườn cảnh, hoa viên thời Lý – Trần

Người Việt quần cư trong làng xã, nhưng có lẽ trong bộ gen vẫn giữ lại niềm hạnh phúc trong những ngày hòa mình hái lượm trong tự nhiên. Khi mùa màng đủ đầy, mảnh vườn ngoài hiên không chỉ để đáp ứng nhu cầu vật chất mà còn phải thỏa đời sống phong lưu. Thế rồi, vườn cảnh, hoa viên được gieo lên, kiến tạo thêm một “thiên nhiên thứ hai” bên trong thiên nhiên thứ nhất.

Đất Việt là xứ sở nhiệt đới gió mùa lắm nắng nhiều mưa, là rẻo đất nơi đại lục gặp gỡ đại dương. Khí hậu thuận lợi , địa hình đa dạng gầy nên một hệ thực vật phong phú dọc Bắc chí Nam. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã nhận định từ thế kỷ 18: “Cây cỏ miền nhiệt đới hương nồng thắm hơn, sắc nhiều màu hơn cây cỏ xứ lạnh…”

Cây cỏ là năng lượng mà ánh sáng mặt trời kết đọng lại và biểu lộ ra. Trong tự nhiên, chỉ có cây cỏ, với diệp lục tố dưới ánh mặt trời, mới có khả năng tổng hợp và chuyển hóa các chất vô cơ thành hữu cơ. Sự sống của muôn vật và con người đều được nuôi dưỡng bởi những hạt mầm nảy lên từ lòng đất buổi ban sơ.

Một đời người Việt, từ lúc sinh thời đến hồi chung cực, dù ở nơi sơn thủy hay lạc chốn phù hoa cũng chưa bao giờ rời bỏ được cây cỏ. Hoa màu dung dưỡng sinh mệnh. Vỏ cây cung cấp nguyên liệu may mặc, bảo bọc nhục thể. Gỗ cây dựng cột kèo, đóng nội thất, rào giậu lũy, che chắn hung hiểm gió mưa. Thuyền nan, bè gỗ, ghe bàu xuôi sông biển, kết nối con người, giao thương kinh tế, giao lưu văn hóa, tất thảy từng từ một thân gỗ mà nên.

Một bông hoa mẫu đơn nở dưới chân bàn thờ tổ tiên vào dịp Tết Nguyên đán, Đông Dương, 1915, Ảnh của Léon Busy.
Một bông hoa mẫu đơn nở dưới chân bàn thờ tổ tiên vào dịp Tết Nguyên đán, Đông Dương, 1915. Ảnh chụp của Léon Busy.

1. Kiến tạo thiên nhiên thành hoa viên, vườn cảnh

Thời đại thu lượm tính bằng triệu năm, tổ tiên ta hoàn toàn dựa vào những thứ có sẵn trong tự nhiên. Bắt đầu từ thời đại nông nghiệp, từ tự nhiên, cây cỏ dần được thuần dưỡng, đâm chồi nảy lộc trong mảnh vườn của người Việt.

Từ lúc manh nha nông nghiệp, dân gian Việt đã đúc kết ngàn năm kinh nghiệm, quyết không bỏ dư một tấc đất trồng: “Nhất canh trì (ao) – Nhì canh viên (vườn) – Ba canh điền (ruộng)”; “Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc”. Triết lý canh nông thông minh này chính là tiền đề của hệ sinh thái VAC (Vườn – Ao – Chuồng) mà các mô hình nông nghiệp sạch hiện nay đang phát huy.

Một mảnh vườn có cây chuối và giàn trầu tại một ngôi làng miền Bắc năm 1921. Ảnh của Léon Busy.

Một mảnh vườn với cây cau, bụi chuối, giàn trầu ở miền Bắc Việt Nam năm 1921.
Ảnh chụp của Léon Busy

Nhưng một đời, bên cạnh nhu cầu ăn – ngủ – tồn sinh, con người cũng tha thiết được giải tỏa tinh thần, hòa mình vào tự nhiên. Người Việt quần cư trong làng xã, nhưng có lẽ trong bộ gen vẫn giữ lại niềm hạnh phúc trong những ngày hòa mình hái lượm trong tự nhiên.

Khi mùa màng đủ đầy, mảnh vườn ngoài hiên không chỉ để đáp ứng nhu cầu vật chất mà còn phải thỏa đời sống phong lưu. Thế rồi, vườn cảnh, hoa viên được gieo lên, kiến tạo thêm một “thiên nhiên thứ hai” bên trong thiên nhiên thứ nhất.

Tiểu thư con một gia đình giàu có ở miền Bắc Việt Nam ngồi trong vườn cảnh nhà mình.
Tiểu thư con một gia đình giàu có ở miền Bắc Việt Nam ngồi trong vườn cảnh nhà mình.

Tiểu thư con một gia đình giàu có ở miền Bắc Việt Nam ngồi trong vườn cảnh nhà mình.
Ảnh chụp của Léon Busy

Không rõ chính xác vườn cảnh, hoa viên điểm mặt trên nước ta vào thời gian nào. Hiếm hoi những công trình lịch sử về nghệ thuật trồng hoa, thưởng hoa. Bộ mặt điền trang – thái ấp thời Lý Trần mù mờ trong tâm tưởng hậu nhân. Những gì còn lưu lại đến nay chỉ là đôi dấu tích trên văn vật, thơ văn cùng những loại – suy của người nghiên cứu. Người mang lòng tìm tòi, có thể mường tượng được ít nhiều theo cách tiếp cận lịch sử bằng thơ văn mà người Mỹ gọi là Intellectual History.

Bằng cách tiếp cận đó, các nhà nghiên cứu lớn như Giáo sư Trần Quốc Vượng, nhà văn Tô Hoài, Hoàng Phủ Ngọc Tường đoán rằng, vườn hoa khởi nguyên từ cung đình và tư gia vương hầu quý tộc Lý Trần, rồi dần dà mới truyền ra phồn hoa thị thành rồi ra khắp nẻo dân gian.

2. Hoa viên, vườn cảnh thời Lý - Trần

Ít nhất là vào những năm đầu tự chủ sau Bắc thuộc, kinh kỳ đã có hoa viên. Văn bia chùa Đọi, dựng năm 1121 có đoạn khắc “Hướng Tây cấm chi danh viện”, như một dấu chỉ về vườn thượng uyển ở phía Tây cấm thành thời Lý. Dưới triều đại này, đất rồng bay còn có vườn thượng uyển Hoa Lâm (nghĩa là rừng hoa, nay thuộc Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội), còn gọi là Hoa Viên, nơi thờ tổ tiên nhà Lý.

Quanh kinh kỳ, các làng trồng hoa cổ truyền cũng mọc lên để phục vụ thú điền viên hoa cảnh của người thượng lưu. Đại Việt sử ký toàn thư còn có ghi chép về Làng Hoa Ngọc Hà thời Lý: Làng thờ Bà Chúa Hoa – Hoa Nương như một nữ thần bảo hộ cộng đồng.

Đất Ngọc Hà tốt tươi phong cảnh
Gái Ngọc Hà vừa đảm vừa xinh

Nhiều tên làng tên trại cũng ướm lên mình tên một loài hoa: làng Kim Liên, làng Hoàng Mai, chợ Hoàng Hoa, phố Hòe Nhai, phố Liên Trì, chùa Liên Phái… Không rõ là vì lòng người mộ hoa hay đây đều là những làng có truyền thống trồng hoa xưa cũ.

Ảnh xưa chụp các loài hoa cảnh thông dụng ở miền Bắc Việt Nam thời Pháp thuộc.
Ảnh xưa chụp hoa cúc ở miền Bắc Việt Nam thời Pháp thuộc
Ảnh xưa chụp hoa sen ở miền Bắc Việt Nam thời Pháp thuộc

Một số loài hoa thông dụng ở miền Bắc Việt Nam như cúc, cẩm chướng, hoa trà, hoa sen,…
Ảnh chụp của Léon Busy

Có những địa danh trên đất Thăng Long được gọi xuyên suốt các triều đại của Lý, Trần, Lê: Phường Yên Hoa – đời Nguyễn đổi thành Yên Phụ có cánh cánh đồng Bông (trước thế kỷ 18 người miền Bắc gọi Hoa Bông như người miền Nam hiện nay); và phường Kim Hoa – đời Nguyễn đổi thành Kim Liên – nay là công viên Bảy Mẫu (Thống Nhất) thì có đầm sen.

Phiên rằm chợ chính Yên Quang
Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua

Sang thời Trần, phong quang của hoa viên, vườn cảnh, bộ mặt của thái ấp điền trang cũng được gợi lên ít nhiều khi rảo chân qua những dòng thi văn của tầng lớp quý tộc. Đại tư đồ Trần Nguyên Đán (1) – ông ngoại Nguyễn Trãi mượn nhiều cảnh điền trang để bộc cái lòng với thời cuộc:

“Ngoài cửa quân hầu báo hiệu chuông,
Trước hiên mừng đón khách văn chương.
Vui nhìn khắp viện hoa tươi khóm,
Lặng ngắm đầy sân cỏ mượt hàng.
Đai áo thênh thang làn tóc bạc,
Ngựa xe nghễu nghện giấc kê vàng.
Chén đền tiết đẹp nâng say gượng,
Lau sậy nề chi đượm móc sương.”

Một nhóm hương chức ngồi trong một sân nhà ở miền Bắc Việt Nam. Sân vườn bài trí chậu quất, bình hoa, gợi không khí về phong quang mời khách ngâm thơ trong vườn nhà trong thơ của Trần Phi Khanh
Một nhóm hương chức ngồi trong một sân nhà ở miền Bắc Việt Nam. Sân vườn bài trí chậu quất, bình hoa, gợi không khí về phong quang mời khách ngâm thơ trong vườn nhà trong thơ của Trần Phi Khanh

Một nhóm hương chức ngồi trong một sân nhà ở miền Bắc Việt Nam. Sân vườn bài trí chậu quất, bình hoa, gợi không khí về phong quang mời khách ngâm thơ trong vườn nhà trong thơ của Trần Phi Khanh.
Ảnh chụp của Léon Busy

Thiên Trường ngày nay, nào còn bến liễu, vườn hoa. Hồn hoa viên có chăng chỉ còn vương lại trong lòng người còn trụ lại đất xưa. Để rồi, bên dòng Trần Xuyên, đầu thôn Tức Mặc, những làng hoa – cây cảnh cổ truyền, đang được phục hồi. Những vườn cảnh “hồi xuân” ấy vừa phục dựng nét đẹp cổ truyền, vừa đưa thần hồn của xứ sở gia nhập kinh tế thị trường trong thời đại mới.

Ra khỏi hoài cảm thi thơ của quan lại, quý tộc, Hoa viên Lý – Trần cũng để lại dấu tích trong ký ức dân gian với truyền thuyết Hà Ô Lôi, Lĩnh Nam chích quái. Vườn cảnh xuất hiện với một tình tiết rất đời: Nhà quận chúa Trần bên bờ sông Tô có cả một vườn hoa đua sắc, Hà Ô Lôi giả xin một chân cắt cỏ, rồi vào vườn cắt sạch cả cỏ cả hoa để gây chú ý, sau đó kiếm cớ hát ca gần gũi quận chúa.

Ảnh Léon chụp hoa râm bụt trong bộ ảnh chụp miền Bắc Việt Nam thời Pháp thuộc
Hoa râm bụt trong bộ ảnh chụp miền Bắc Việt Nam thời Pháp thuộc. Ảnh chụp của Léon Busy

Đã có nền tảng lâu đời từ Lý – Trần, đến đầu thời Lê, thú xây hoa viên, vườn cảnh còn phát triển rầm rộ. Niềm mê hoặc thậm chí còn góp thêm con sóng cho đà hưng phế của thời đại – Trịnh Nguyễn chia cắt, Tây Sơn trỗi dậy, rồi thống nhất dưới thời Gia Long. 

Chi tiết, mời các bạn đón đọc bài viết Bóng dáng vườn cảnh, hoa viên thời Lê – Trịnh vào kỳ sau.

Share