[Truyện ngắn] Giấc mơ của bướm – Kỳ 1

Tác giả Huyết Vy
[Truyện ngắn] Giấc mơ của bướm – Kỳ 1

“Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp,

Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên.”

[Cẩm Sắt – Lý Thương Ẩn]

Giấc mơ của bướm

Hồi 1. Nở

1.

– Nhớ kỹ, nàng là Đồng Nhân… sinh cơ… của ta… Đồng Nhân… Đồng… Nhân. 

Thanh âm dịu dàng trong trẻo đến mức yêu mị không ngừng vang vọng trong đầu, tạo thành một nguồn lực như ánh sáng cuối hầm. Liên tục chạy về phía ánh sáng duy nhất giữa mịt mờ hỗn độn. Nàng chạy như như thiêu thân lao vào lửa, đến khi ánh sáng chói lòa ấy kéo nàng khỏi u mê. 

Choàng tỉnh. 

Đời này của nàng được tính từ giây khắc đó, dòng ký ức chảy xuôi từ đó. Trước đó là ai, thân thể từ đâu mà thành, thân nhân phụ mẫu, tên tuổi cố hương, nàng không mảy may nhớ. Nàng chỉ còn lại giác quan và tri nhận về thế giới này, mọi thứ liên quan sinh mệnh chính mình đã bị bóng đêm đằng đẵng cướp đi mất.

Tri giác trở về, nhìn thấy xung quanh một mảnh hoang liêu tiêu điều. Nam, nữ, lão, ấu tha hương thất thểu, mặt mũi lem luốc, tay nải quấn thân, rúc mình dưới mái tranh đã bị lửa thiêu hơn phân nửa. Nàng soi mình qua vũng nước đục, da dẻ đen sạm, tóc tai bù xù, áo quần nhơ nhuốc, không thể phân biệt nam nữ.

Mải miết chạy theo những cơn gió trưa và ánh sao đêm về hướng Tây Bắc, như bị chú định. Một đường băng qua, thôn xóm đìu hiu hoang tàn, ăn trái dại rễ cây, đề phòng kẻ cùng đường mạt lộ. Đến tận khi thân thể kiệt quệ mới ý thức sinh cơ trong người. Cơ thể nàng còn cảm nhận được mỏi mệt và đói khát. 

Đằng sau lại vang lên tiếng hô hét, đoàn người lán toạn bỏ chạy. Nàng cũng dồn hết sức cùng lực kiệt lê bước về phía trước, đến khi cơ thể không còn khả năng chống đỡ, ngã khụy. Ý thức chìm vào đêm đen.

Giấc mơ của bướm

2.

Đêm xuân trăng lạnh, nàng thấy một thư sinh, thong dong ôm sách từ chỗ tiên sinh về nhà. Đường về, chàng bẻ vài nhánh hoa cải đương đơm hoa vàng rộ, rồi tiện tay cứu một con bướm lầm lỡ vướng vào lưới nhện, nghêu ngao hát. 

Nhưng đến nhà, bếp lạnh buồng hoang, nồi không bát nhẵn, người phụ nữ trung niên không phải mẹ nặng lời mắng nhiếc. Bà mắng đồ con hoang vô công rỗi nghề, đồng áng không tích sự, học hành cũng không tu chí. Thư sinh lặng lẽ nghe mắng, rồi cắp sách đi về một căn nhà cũ nát bên vách núi. Bóng lưng đơn côi đến xót xa.

Nhà cũ lâu không người ở, bị rừng hoang xâm chiếm hầu hết. Ánh trăng hoang lạnh phủ lên cửa nẻo chông gai, phòng ốc rậm cỏ, góc tường lủng lẳng kén trùng để lại. Chàng bước vào nhà, nhìn quanh quất cũng chỉ thấy một chiếc ghế mọt, một chiếc giường và nửa manh chiếu rách. Đặt sách lên ghế, đến giường ngả lưng, lòng không oán giận buồn rầu, rất nhanh đã đi vào giấc ngủ. Dường như vạn sự chốn trần gian chẳng can hệ gì đến chàng.

Vài ngày sau, thi thoảng một người đàn ông trung niên lại tìm đến, tiếp tế ít gạo, cũng khuyên bảo chàng về nhà. Thư sinh vẫn nằm lì nhà cũ, ăn hết gạo thì gặm lá uống sương, trêu đùa cùng mấy con bướm lạc lỡ bay vào nhà. Chàng sống như thể sẵn sàng hiến dâng sinh mệnh bất cứ lúc nào vậy. 

Một ngày mưa lâm râm, người đàn ông trung niên lại đến tiếp tế rồi tức tối ra về trong nước mắt, ông thề mình sẽ bỏ mặc chàng. Thư sinh tỏ ra chẳng bận tâm, ngẩn người đọc sách. Nhưng chữ thánh hiền không níu giữ nổi thần hồn chàng, nó lênh đênh với những viễn tưởng trong lòng rồi bay theo đôi bướm mất rồi. Thả sách, chàng lơ đễnh đuổi theo đôi bướm vào rừng.

Nàng cũng mơ hồ cất bước, theo chàng dấn thân vào rừng mưa. Đi mãi vào trái tim của rừng, mất dấu đôi bướm vẫn đi, như thể có một hấp lực mạnh mẽ tỏa ra từ thâm lâm. Đến khi mưa tạnh nắng lên, đường hầm thẫm xanh tít tắp của rừng mở ra, họ lại thấy bướm, hàng vạn con bướm xanh ngọc.

Chúng chập chờn chi chít bên bờ suối, như một đường viền tuôn ra từ sau lưng sơn động hun hút, uốn lượn quanh cổ thụ ngàn năm. Chúng phủ kín thân cây, ngỡ như trường bào ôm choàng cổ thụ già cỗi. Hàng vạn đôi cánh mấp máy dưới nắng vàng tàn ngày. Chúng khẽ khàng vỗ vào nhau, phát tiếng ù ù như lời vọng thiêng liêng của rừng. Dưới chùm nắng, phấn bướm bãng lãng thinh không, tỏa hương nồng đượm, động phách kinh tâm. Đó là phong quang nơi sinh mệnh hiện hữu mạnh mẽ, sinh trưởng sống động. Chúng dạt dào hơi thở cuộc sống mà con chữ vuông vức trong sách không tài nào bộc bạch.

Trong lòng rừng, chàng cẩn thận tiếp cận đàn bướm, không để chân giẫm phải một sinh mệnh nào. Nàng cũng vô thức bước theo, nhưng chân không thể cất tiếp. Lòng nàng gào thét, chờ em, nhưng không một thanh âm nào vang lên ngoài tiếng đập dồn dập của cánh bướm. Nàng bất lực nhìn chàng bước sâu về gốc cổ thụ, ý chí muốn rướn về trước nhưng thân thể vô lực. Nàng chẳng kịp nhìn rõ mặt chàng, chẳng rõ mặt ai kể cả chính mình.

Tiếng lòng thét lên, chờ em. Không một lời hồi đáp, không gian vặn vẹo rồi hóa trắng lòa.

3.

– Tỉnh rồi hả cháu?

Lần thứ hai tỉnh mộng, Đồng Nhân đã được nằm dưới một mái tranh che nắng chắn mưa. Nhà đất đơn sơ, chăn gối sờn cũ nhưng khô ráo sạch sẽ. Thử cựa quậy, bụng ấm, cổ nhuận, trạng thái cơ thể khá tốt. Người đàn ông cất tiếng ngồi quay lưng trên bàn trà áng ngữ trước cửa ra vào, tuổi độ trung niên, xưng mình là chú Chu. Chú nhặt được nàng trên đường đi buôn. Chiến loạn quét qua, nạn đói dịch bệnh tràn lan, người chết la liệt, mà nàng ngã dưới gốc đa, thoi thóp hơi tàn. 

Mơ màng trước những câu hỏi về nhân thân, nguyên quán, nàng được chú Chu khuyên lưu lại với gia đình. Thím nhà vừa mất không lâu. Nhà tranh vách đất giờ chỉ còn người đàn ông trung niên góa vợ và đứa cháu mồ côi theo nghiệp sách đèn. Gia cảnh bần hàn, nhưng cổ nhân có bảo “Thêm bát thêm đũa, gạo không phải thêm”. Nuôi thêm một cô gái nhỏ đỡ được cảnh nhà heo hút mà cũng chẳng tốn hơn bao nhiêu cơm.

Còn nàng thì sao. Thân gái dặm trường, đã đánh mất ký ức và chốn quy túc. Ngoài căn nhà đơn sơ này là nắng mưa, là loạn lạc, là đầy rẫy ác tâm và bạo tàn. Ơn cứu mạng vốn đã phải lấy thân trâu ngựa báo đáp mới thỏa, huống chi còn được người ta cho lưu lại. Trước lời đề nghị của ân nhân, nàng ngàn ân vạn tạ, đồng ý không do dự. 

– Cháu không nhớ cả tên mình luôn sao?

Nàng suy nghĩ rất lung rất lâu, đến khi sắp được đặt cho một cái tên mới dè dặt trả lời:

– Cháu là Đồng… Đồng Nhân.

– Em không còn nhớ gì thật hả?

Giọng thiếu niên mang bất ngờ cất lên, vô cùng trầm ấm.  Nghe được giọng nói này, xúc giác nhạy bén khiến nàng bất giác bị hút vào. Người cháu ngồi khuất sau lưng chú Chu, gọi là Chu Sinh. Nàng ngồi trên sạp sâu trong góc, rướn nhìn  qua nhưng chỉ thấy nắng ngoài cửa hắt vào, phủ khắp người anh một vầng chói lóa. Nhìn đến váng vất cũng không sao rõ mặt.

Giấc mơ của bướm

4.

Từ đó, việc nhà họ Chu đã có thêm Đồng Nhân quán xuyến. Nàng sợ không được việc bị đuổi đi nên rất chịu khó. Gieo thêm một vườn rau, cắm thêm vài gốc nhài. Hạ về, cây ngậm mưa bung hoa lấm tấm, hương đài các vấn vít góc vườn, gọi về không ít bướm ong. 

Chú Chu thường đi buôn xa. Chu Sinh sống ở chái Đông cả ngày cặm cụi bút nghiên, không rời sách Khổng. Anh dậy sớm thức khuya hơn bất cứ ai trong nhà. Đồng Nhân chưa từng quấy rầy anh đèn sách. Nàng xong việc nhà, đủ ngày hai bữa thì tự giác về buồng Tây của mình nghỉ ngơi. Ngày qua tháng lại, cả hai chẳng nói với nhau được mấy lời. Chỉ là đôi lúc Đồng Nhân thấy anh đưa theo lên ngực vân vê một mặt ngọc hình trụ, mắt thơ thẩn dõi theo đôi bướm lượn quanh đóa nhài. Trông sao cũng thấy xa xôi cô độc vô vàn.

Sang thu, trời đất xuống màu, chưa kịp cảm nhận nỗi man mác thê thê thì cả làng rộn ràng nhận tin vui. Chu Sinh nộp quyển vào trường thi Hương, đỗ Hương cống thứ mười tám. Ngày biết tin, cả làng đem long đình cùng đồ nghi trượng sự thần đến tận trường thi mà rước về. Ai ai cũng hoan hỷ thơm lây, chỉ có Đồng Nhân thoáng vài nét tư lự. 

Mấy ngày sau, hai chú cháu nhà họ bận rộn không ngớt. Sau khi vinh quy, không những phải tiếp đãi thân bằng quý hữu đến chúc mừng, Chu Sinh phải theo chú đi khắp thành thị đến thôn quê dạm vợ. Sáng đi hớn hở, chiều về ủ ê.

– Quan Hương cống định lấy công chúa đấy phỏng?

Mấy mối liên tiếp Chu Sinh đều không vừa ý, chú Chu bực bội quở mắng từ ngoài ngõ. Lẩm bẩm một hồi, quay qua thấy anh chẳng để tâm chút nào, cũng không buồn không giận, chỉ nhìn gì đó rất lung, ra chiều nghiền ngẫm. Chú Chu ngoảnh mặt trông theo, thấy Đồng Nhân đang cắm cúi xỏ giẻ lau từng ngóc ngách hoa văn trên áng thờ.

Xong bữa trưa, Đồng Nhân được chú Chu trịnh trọng gọi ra phòng khách nói chuyện. Chú hỏi, nàng thấy sao về anh Chu Sinh. Tất nhiên là nàng thấy rất tốt rồi, đang ăn nhờ ở đậu nhà người ta mà. Nhấp một ngụm trà nụ, nàng thản nhiên nịnh bợ. 

– Anh Sinh chăm chỉ, đĩnh đạc, nay lại rộng đường khoa cử, tiền đồ vô lượng. Là thanh niên số một ở động Sơn La này.

– Thế, con có nguyện ý nâng khăn sửa túi, làm thiếp cho anh Sinh không?

Chú Chu đột nhiên hỏi lấn tới, làm nàng không khỏi bất ngờ, suýt nữa thì sặc trà. Nàng nay đã rớt rơi gốc tích, thất thế sa cơ, phận hẩm duyên hôi, thân cát đằng đà phải nương nhờ đến bóng tùng quân thì may ra mới có đường sống tiếp. Rõ ràng, sánh với Chu Sinh nay đã đỗ Hương cống, chỉ đáng làm thiếp. Lời đề nghị vừa hay giải quyết được nỗi lo trở thành người thừa khi anh Sinh lấy vợ. Liếc nhìn Chu Sinh đang vờ vĩnh tỉa cây ngoài sân nhưng vẫn để ý động tĩnh trong này. Bóng nắng nhảy múa trên mặt anh như bướm bướm bay lượn, thật là đẹp. Đồng Nhân ngơ ngác gật đầu.

Từ nay, nàng đã có một danh xưng mới. Là thiếp của Chu Sinh. Là Chu Thiếp.

Giấc mơ của bướm

5.

Nàng mặc yếm nhiễu điều, thắt lưng nhiễu tam giang, quần lĩnh hoa chanh, xà tích, kiềng bạc leng keng lúc lắc đi giữa đoàn người đưa dâu hùng hậu. Pháo hoa đì đùng rợp trời, nón quai thúng cản bớt xác pháo rụng và những khuôn mặt cười căng quái dị, nàng được tân lang cẩn thận đỡ qua lò than rực hồng. Đôi uyên ương cầm tay nhau quỳ trước hương áng, tế Tơ Hồng, cảm tạ Nguyệt Lão chắp mối duyên lành, se dây chỉ thắm, nguyện mong ăn ở đời đời kiếp kiếp, sinh năm đẻ bảy vuông tròn. Rồi nàng được chàng dắt đi chào hỏi khắp họ hàng thân tộc. Những lời chúc phúc hoan hỷ rầm rì bên tai.

Sắt cầm hòa hợp, bách niên giai lão.
Ăn ở hòa thuận, trên kính dưới nhường.
Đầu năm sinh con trai, cuối năm sinh con gái.

Cúi đầu dưới nón, thứ nhìn thấy cũng chỉ là bàn tay thon dài mạnh mẽ như tùng bách của chồng đang nắm lấy tay nàng. Thư sinh trong rừng bướm năm đó đang cạnh bên nàng, là trượng phu của nàng. Theo chàng, nàng ngả đầu đi qua cửa chính rồi bước qua bậc thềm buồng hỉ. Bóng nến lấp loáng như bướm đập cánh, tân lang dịu dàng đưa tay tháo dây nón cho vợ, đầu ngón tay khẽ khàng lướt qua cằm khiến nàng run rẩy tê dại.

– Nàng là người trong mộng của ta…

Chàng ôm má nàng khẽ nâng, nàng thuận theo ngẩng mặt nhìn mặt chồng. Nhưng chỉ có một khuôn mặt trắng trơn không tìm thấy ngũ quan. Không gian bất chợt nhòe đi như cách biệt một lớp rèm mưa, càng gắng nhìn càng nhạt nhòa vỡ vụn.

Lại thế. Chu Thiếp lại nằm mộng và tỉnh giấc khi cố nhìn rõ gương mặt người con trai. Chàng vẫn chưa cho nàng nhìn thấy mặt hay có một thế lực nào đang ngăn chặn nhận thức của nàng. Chàng là ai, là vụn ký ức còn lưu lại trong tâm trí hay mấy ngày qua chuẩn bị hôn lễ cùng anh Sinh mệt quá mà nàng nhập nhằng hư thực.

Giấc mơ của bướm

6.

Hôn lễ diễn ra vào một ngày râm giữa tháng Mười, nghi lễ giản dị, nhắc nhở thực tế nàng chỉ là một thiếp thất không danh phận. Sợ nàng tủi thân, anh Sinh dắt nàng đi mua trang sức bạc và bộ đồ mới. Anh ngại ngùng bảo rằng hiện giờ ta chỉ có thế, mong em đừng chê cười. 

Ngày rước dâu, hai anh em tế bái vong linh cha mẹ Chu Sinh, rồi anh dắt nàng ra mắt xóm giềng thân tộc. Nàng chẳng còn gốc gác như hoa lan không rễ, nay gả vào nhà họ Chu làm thiếp, làng thuận miệng gọi nàng là Chu Thiếp. Anh Sinh bảo ít ra cái tên này cho biết em là người của anh, tốt hơn cái tên trước kia (Đồng Nhân có nghĩa là người giống người)

Đêm tân hôn, Chu Thiếp lần đầu bước vào buồng Tây của Chu Sinh. Buồng đất đơn sơ được quét tước gọn gàng, nến đỏ bập bùng phủ ánh vàng lên gối chăn thanh sạch mùi nắng. Góc bàn học của Chu Sinh, bình hoa nhài vừa cắt còn ngậm sương, bung hương nồng nàn. Không ngờ anh dụng tâm bài trí tân phòng tinh tươm tươi mới như vậy. 

Trăng treo đỉnh đầu, Chu Sinh tiễn hết khách khứa mới bước vào buồng hỉ. Thấy cô dâu mới ngồi im thin thin đến tê chân, anh trêu:

– Em không ngồi ở đầu giường sao? (Tục người Việt xưa tân nương ngồi đầu giường tân hôn càng lâu thì càng dễ sai khiến, đè đầu cưỡi cổ chồng)

Chu Thiếp lập tức đỏ bừng mặt, ngước lên phân bua:

– Em… em đâu định thế? Em chỉ là… thiếp thất của anh. – Tiếng nàng nhỏ dần.

Lâu nay bận bịu đồng áng nên da nàng không trắng hơn ngày đầu về nhà là bao. Tuy vậy, nước da ngăm lại làm bật hàng mày sắc bén như xuân sơn. Chu Sinh tỉ mẩn ngắm nghía. Cô dâu mới có thoa một ít son và má hồng ngày gả đi, dưới nến đỏ hây hây xuân sắc. Anh tự nhiên xõa búi tóc giúp nàng, ngậm cười hỏi tiếp:  

– Vậy em định gì?

– Em hàm ơn nhà anh mà. Có nơi nương náu, có cả chồng. Em… em chỉ muốn nâng khăn sửa túi, sinh con đẻ cái cho anh. Sau này chị về, em sẽ hầu hạ hai anh chị thật tốt. – Mắt nàng đảo nhanh một vòng, khéo léo đối đáp.

Chu Sinh nghe nàng đáp thế thì không nói gì nữa, ra chiều như đã biết cả. Anh chỉ dịu dàng tháo thắt lưng, luồn tay vào xoa vòng eo cả ngày nay bị buộc chặt đến sưng đỏ của nàng. Tay anh lần lên lần xuống như muốn xoa dịu vết hằn, lại như muốn lần tìm một ấn ký gì vậy. Nàng vừa nhột vừa ngại, né tay anh, nhắm mắt hỏi:

– Sao anh lại chịu chọn em làm thiếp?

Lần này Chu Sinh không hàm ý trêu đùa nữa. Anh lặng một hồi lâu mới đáp:

– Anh không phải là người chọn.

Anh không chọn, vậy là do chú Chu ép sao? Chu Sinh không chia sẻ gì thêm nữa, anh bận dẫn dắt cô dâu làm sao có thể sinh con đẻ cái rồi. Chu Thiếp muốn hỏi thêm nhưng nỗi xa lạ với người trước mắt khiến nàng không thốt nổi lời. 

Nến tắt rèm buông, trên thân non, đường nét mạnh mẽ của Chu Sinh nhấp nhô tranh sáng tranh tối. Miếng ngọc hình trụ anh đeo trên cổ trượt khỏi vạt áo mỏng, theo chuyển động của anh trượt lên trượt xuống trên khe ngực nàng. Dịu dàng mà lạnh nhạt. Chu Thiếp bị nhấn chìm trong cảm giác trống rỗng khi cơ thể xa lạ cận kề. Nàng nghe thấy cổ họng mình phát ra tiếng rên đau đớn cô đơn. Nhỏ xíu như bóng nước tan vỡ.

Giấc mơ của bướm
Chia sẻ câu chuyện này
Giấc mơ của bướm
Giấc mơ của bướm
Share