Tôi chào xã giao vài câu. Anh Tuấn chỉ vào Hùng, nói tiếp:
– Thấy dáng nó thư sinh vậy chứ nó chơi thứ dữ không à. Trồng bonsai mà thực ra là băng rừng vượt núi, lựa những cây có dáng đẹp trong tự nhiên rồi đem về.
Hùng chỉ cười với những lời nói đó, không hiểu sao ánh nhìn của gã này làm tôi nhói nhói ở vai.
Tuấn dụi điếu đầu tiên, nhấp ngụm cà phê, anh hạ giọng:
– Coi nào, có chuyện gì xảy ra ở An Giang làm chú em coi ma quỷ bằng một phần mười con mắt này bận tâm đến vậy!
Tôi cũng dụi điếu thuốc, bắt đầu kể lại trải nghiệm khó hiểu của mình bằng một câu thản nhiên:
– Tất cả bắt đầu từ một tấm ảnh không rõ nguồn gốc!
Trước mỗi chuyến đi, tôi có thói quen lên mạng tìm hiểu các thắng cảnh chỗ đó. Cung đường đầu tiên tôi biết đến An Giang là qua ngả Thọai Sơn, Long Xuyên, Châu Đốc, Phú Tân. Đến đợt thứ hai thì đi Tri Tôn, Núi Cấm, Tịnh Biên. Đang chưa biết An Giang còn gì hay không, tôi bỗng thấy tấm ảnh chụp một vách núi đá bị khoét non nửa, tạo thành hình vòng cung đều đặn như ai đó cắt một nhát hết sức dứt khoát. Tuy nhiên, chú thích cho bức ảnh đó lại là Hồ Đá Latina.
Không đúng, tôi đã đi Hồ Đá trong đợt thứ hai rồi, nó hoàn toàn không có vách núi này. Tôi lấy bức ảnh lên tìm kiếm, các kết quả đều ra chung một hình, không rõ là ai chụp, nhưng tất cả đều chú thích đó chính là Hồ Đá. Vớ vẩn!
Đến lúc này, cảm giác đi chơi khuây khỏa của tôi ngay lập tức thay bằng cảm giác ham muốn khám phá. Bức ảnh đó như cuốn lấy tâm trí tôi. Thực ra nếu nó được giới thiệu rõ ràng, có nơi chốn, có tung tích người chụp tấm ảnh đó thì cái ham muốn trong tôi sẽ giảm đi ngay, thậm chí còn chưa kịp nhen nhóm. Thế là tôi xác định rằng mục đích chuyến đi tiếp theo sẽ tìm cho ra vách núi đó ở đâu.