Napoleon Đại đế: Kẻ chinh phục cuối cùng trên lưng ngựa – Kỳ 2: Vinh quang và sụp đổ

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Napoleon Đại đế: Kẻ chinh phục cuối cùng trên lưng ngựa – Kỳ 2: Vinh quang và sụp đổ

Napoleon là một trong những nhân vật “from zero to hero” kinh điển trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên, bạn có thắc mắc làm thế nào để cậu con thứ trong một gia đình quý tộc nghèo trên đảo Corsica lại khuynh đảo cả châu Âu?

1. Một thời chiến thắng

Nếu ở lại phương Đông, tôi đã có thể lập nên một đế chế giống như Alexander Đại đế vậy!

Napoleon
Napoleon I lên ngôi hoàng đế, do Jean-Auguste-Dominique Ingres vẽ 1806

Gác lại chuyện cai trị, Napoleon vẫn nổi tiếng nhất với tài cầm quân hiếm thấy tự cổ chí kim. Nhắc đến Napoleon là nhắc đến những trận đánh kinh điển được dùng cho các giáo trình quân sự. 

Napoleon cầm quân lần đầu năm 26 tuổi. Lúc đó ông ta có gì? Một đội quân tàn tạ mang tâm lý bất mãn, nghèo nàn tiền bạc, thiếu thốn quân trang, ngay cả ăn cũng không được no. Các chiến thắng ban đầu của Napoleon phải nói là rất sát nút. 

Dù vậy, một nhà cầm quân nếu chỉ dựa vào may mắn thì làm sao cứ ăn may mãi được?

Trận Firedland, ngày 14 tháng Sáu năm 1807
Napoleon ra lệnh tướng Nicolas Charles Udinot truy đuổi quân Phổ

Một kẻ chinh phạt luôn gian nan hơn những vị tướng kháng chiến vì họ phải đánh nhau trên những xứ sở lạ lẫm, trên những địa hình khó khăn, ở những vùng khí hậu khắc nghiệt và hoàn toàn bị nhân dân vùng đó căm ghét. Napoleon, kẻ chinh phạt vĩ đại cuối cùng trên lưng ngựa, đã bộc lộ thiên khiếu của mình ở phương diện này.

Từ mấy năm ngắn ngủi cuối thế kỷ 18, khả năng của Napoleon đã được kiểm chứng qua loạt chiến dịch, từ gồm thâu toàn bộ Bắc Italy, ép hoàng triều Habsburg lừng lẫy phải nhượng bộ nước Pháp, cho đến phóng tầm mắt đến Hà Lan. Napoleon đánh tất cả những vùng đất ông ta đến. 

Sự kiện Pháp chiếm đóng Tây Ban Nha đã trực tiếp chấm dứt đế quốc toàn cầu của họ. Hoàng gia Bồ Đào Nha phải bỏ chạy qua tị nạn bên Brazil. Napoleon xoá sổ Venice, đánh phá Vatican, và tiêu diệt Thánh chế La Mã ngàn năm tuổi. Trước đó, ngay cả Ai Cập xa xôi bên kia Địa Trung Hải cũng không thoát được bàn tay Napoleon. Mặc dù chiến dịch Ai Cập không thu được kết quả như ý, nhưng Napoleon cũng sở hữu loạt chiến thắng ấn tượng. 

Pháp, Napoleon trở thành một cái tên “quốc dân”. Ông cực kỳ xem trọng việc xây dựng hình ảnh vì biết binh lính cần một thần tượng để hướng về.

Napoleon cùng Đại Quân

Đại Quân của Napoleon (Grande Armee) chia ra thành nhiều tập đoàn quân. Mỗi tập đoàn quân sở hữu nhiều binh chủng khác nhau, do các Thống chế được tuyển dụng từ Cách mạng Pháp chỉ huy. Ngoài người Pháp, Napoleon cũng trưng binh từ dân chúng các nước bại trận.

Điều gì làm nên sức mạnh của Đại Quân Napoleon? Chính là tốc độ.

Nhờ tốc độ hành binh thần tốc bằng cách tổ chức Đại Quân thành nhiều quân đoàn, Napoleon thường trên cơ đối phương. Đại Quân có thể bất thình lình xuất hiện vào khoảnh khắc hoặc vị trí địch không ngờ đến. Đối mặt với lực lượng đông hơn, Napoleon vẫn áp đảo bằng nhiều đợt công kích dồn dập như sóng vỗ.

Chiến thuật ưa thích của Napoleon là dẫn dụ đối phương tập trung tấn công vào một cánh bên mình. Kế đó, khi đội hình họ đã phơi bày điểm yếu, ông lập tức dồn toàn lực giã vào chỗ sơ hở nào là bộ binh, thiết kỵ và cả đại pháo.

Bức Napoleon trước Nhân sư (khoảng 1868) của Jean-Léon Gérôme, Lâu đài Hearst

Xét về toàn diện, Napoleon là một người không sợ trời, không sợ đất, cái nóng bỏng của sa mạc Ai Cập không khuất phục được, cái lạnh giá của băng tuyết nước Nga vẫn không đánh bại ý chí của ông. Một gã đàn ông trẻ tuổi dám bắt Giáo hoàng tới Paris để chứng kiến lễ đăng quang Hoàng đế, rồi giật vương miện từ tay Giáo hoàng để tự đội lên đầu, quả là cổ kim chưa thấy.

Rất ít khi nào người ta thấy các nước châu Âu cùng đồng tâm hiệp lực lại để đánh một nước châu Âu khác như vậy. Đệ nhất Đế chế Pháp tỏ ra mạnh vượt trội so với phần còn lại. Không một nước nào đánh tay đôi mà ăn được Đại Quân của Napoleon. Napoleon luôn ở thế tiến công và rất ít khi đánh thủ. Tại trận Austerlitz, hay trận chiến ba vua, Napoleon đánh bại cùng lúc cả hai vua Nga và Áo. Trận đó đã thành huyền thoại.

Ông là nhân vật vĩ đại nhất từng xuất hiện trên thế gian này, cổ đại cũng như hiện đại. Không tướng nào thắng nhiều trận lớn như thế trong một khoảng thời gian ngắn như thế.

Stendhal, cuộc đời Napoleon, năm 1817 - 1818.

Beethoven từng là fan cứng của Napoleon. Trong mắt Beethoven, anh ấy là biểu tượng đẹp nhất của cái thiện và lý tưởng tự do. Việc Napoleon lật đổ đám vua chúa và lập nên nền Cộng hòa khiến Beethoven tin rằng điều này sẽ đem tới một kỷ nguyên hạnh phúc cho nhân loại. Chàng nhạc sĩ làm hẳn bản giao hưởng số 3 tặng thần tượng. Eroica (Giao hưởng Anh hùng) được sáng tác để tôn vinh hồi ức về một con người vĩ đại, cũng là bản hay nhất trong sự nghiệp của Beethoven.

Cuối cùng thì sao?

Napoleon lật đổ vua Pháp để rồi chính mình làm vua và sau đó tấn công… luôn quê hương Beethoven. Chàng cay cú chửi thần tượng:

Hóa ra kẻ đó cũng tầm thường. Bây giờ ông ta sẽ chà đạp lên tất cả các quyền con người, chạy theo sự hiếu danh, hiếu thắng và sẽ trở thành một tên bạo chúa!

Beethoven
Bản giao hưởng No. 3: Sinfonia Eroica (Beethoven)

Giống như fan Việt Nam tẩy chay nghệ sĩ ủng hộ đường lưỡi bò vậy, Beethoven cũng hoàn toàn vỡ mộng. Trong cơn tức giận, chàng xé luôn hình Napoleon trên trang bìa. Chưa hết, thiên tài âm nhạc dùng bút chì gạch xóa kỹ lời đề “tặng Bonaparte” đến nỗi khoét thành lỗ thủng trên bản nhạc.

“Thái độ suốt đời của Beethoven với Napoleon dao động giữa ngưỡng mộ và chán ghét, giữa tán thành và khiếp sợ, nhưng nó luôn mang một cảm giác gắn bó cá nhân mạnh mẽ với một người cùng thời, người có tham vọng khổng lồ, ý chí quyền lực và ý thức số phận, song được bộc lộ theo cách khác, dường như phản chiếu bản thân ông.”

2.Đại Quân tan vỡ

Nguyên tắc tiên quyết trên trang đầu tiên của một cuốn sách về chiến tranh là: Không hành quân về Moscow.

Thống chế Montgomery

Napoleon tính toán rất kỹ từng nước đi của mình. Để củng cố quyền lực, ông ly dị vợ để cưới công chúa Áo. Đồng thời, Napoleon còn đưa họ hàng và tướng lĩnh của mình lên ngôi vua khắp nơi. Pháp tiến rất gần đến vị thế thống trị toàn bộ châu Âu. Dù vậy, tham vọng của Napoleon không có điểm dừng. Chừng nào nước Anh chưa quy phục, chừng đó con dao bén vẫn còn kê vào sườn nước Pháp.

Napoleon tiến hành hệ thống phong toả lục địa, ép buộc châu Âu phải tẩy chay Anh. Bởi vì Anh không có gì ngoài tiền và thuộc địa khắp nơi, nên cuối cùng việc này lại ảnh hưởng đến kinh tế những nước khác trên lục địa. Nga âm thầm buôn bán với Anh. Pháp biết điều đó và mục tiêu tiếp theo đã được xác định.

Napoleon tại thành phố Moskva hoang tàn - Adam Albrecht

Napoleon không phải là thần thánh. Mà kể cả thần thánh thì cũng phải mắc sai lầm. Sự nghiệp Napoleon do ông gầy dựng mà cũng do ông chôn vùi. Thất bại lớn nhất chính là tấn công vào trung tâm nước Nga. Đây cũng không hẳn là sai lầm, Napoleon buộc phải đánh cho Nga đầu hàng, trước khi có thể bóp chết được kình địch là Anh. Đó là thế chẳng đặng đừng.

Mặc dù Napoleon xuất quân vào mùa hè, và đã đánh bại người Nga liên tiếp, thậm chí còn đẩy lui được đại tướng Nga Kutuzov và chiếm được Moscow sau đại chiến Borodino, nhưng đó chỉ là khởi đầu cho thảm họa.  Cũng giống Đại Việt, người Nga sử dụng kế vườn không nhà trống. Một ngọn lửa bùng lên thiêu rụi Moscow và Đại Quân Napoleon rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Cuối cùng, Napoleon buộc phải rút lui và đương đầu với một mùa đông khắc nghiệt nhất trong đời, có lúc nhiệt độ xuống gần âm 40 độ, ngang ngửa Bắc Cực.

Địa lý của một quốc gia luôn ảnh hưởng mạnh đến lịch sử của quốc gia đó và lịch sử vệ quốc nước Nga được dựng nên từ những mùa đông. Mùa đông nước Nga không chỉ đi vào trong thơ ca nhờ sự lãng mạn, mà còn vì mức độ bạo liệt của nó. Nga là một quốc gia hàn đới tiếp giáp vùng cực nên vô tình được trời ban cho một lá chắn tự nhiên rất hữu hiệu, được gọi hẳn hoi là Tướng quân Mùa đông. Chiến thuật phổ biến của Nga là dẫn dụ đối thủ vào bên trong lãnh địa khổng lồ của mình để chết dần chết mòn trong địa ngục hàn băng, khi ấy mới tung hết quân ra truy sát.

Thụy Điển vào thế kỷ 18 từng cả gan xâm lược Nga. Mùa đông ấy lạnh đến mức cảng Venice của Ý cũng phải đóng băng dù cách xa hàng ngàn cây số. Thụy Điển bối rối và bị gấu Nga vả liên tiếp, cuối cùng cả đế chế sụp đổ.

Ngày sau, tướng giỏi nhất của Đức quốc xã là Erich Von Manstein cũng ngấm đòn khi Hitler quá tự tin là sẽ hủy diệt nước Nga trước khi mùa lạnh đến. Khả năng tiếp vận và hành quân suy giảm khủng khiếp vì tuyết. Súng pháo, xăng dầu và mô tơ đóng băng hết, xe chạy không được. Thậm chí bỏng lạnh còn đau đớn hơn cả bỏng nóng vì có thể gây ra tổn thương các mô sâu như gân cơ, thần kinh, dẫn đến hoại tử. Nhưng đáng sợ nhất là sốc nhiệt, là trạng thái thay đổi nhiệt độ của cơ thể một cách đột ngột, từ lạnh sang nóng hay từ nóng sang lạnh, cực kỳ nguy hiểm và có thể dẫn tới tử vong ngay lập tức.

Đại Quân ngã quỵ trên đường rút về

Lang thang giữa một xứ sở xa lạ buốt giá, lại thiếu lương thực, Đại Quân ngã quỵ trên đường rút về. Họ phải cuốc bộ trên một đất nước khổng lồ trong mùa đông khốc liệt chưa từng có. Bị địa ngục hàn băng hành hạ, lại thêm quân của Kutuzov mai phục và kỵ binh Cossack đuổi giết, đây là chiến bại cay đắng nhất của Napoleon, tệ hơn cả trận cuối cùng Waterloo. Napoleon cay đắng ngẩng đầu lên trời, trước mắt ông chỉ thấy một vùng trắng xóa mênh mông. Hoàng đế Pháp vô địch thiên hạ mà bị mùa đông nước Nga quật tơi bời đến mức trên đường lui quân phải thủ sẵn thuốc độc để uống nếu bị bắt.

Napoleon từ 60 vạn quân mang theo, vượt qua được sông Niemen trở về chỉ còn 10 vạn. Đại Quân Pháp lừng danh gây khiếp hãi châu Âu gần như bị xóa sổ. 

Napoleon là người thế nào? Ông ta là thiên tài quân sự ngàn năm có một. Là người để lại di sản đồ sộ còn được giảng dạy trong các trường quân sự trên khắp thế giới ngày nay. Là người giúp Pháp từ một quốc gia bạc nhược trở thành một thế lực hùng bá, khiến cả châu Âu phải cuống cuồng liên minh lại để đánh ông. Vậy mà mùa đông nước Nga và đại tướng Kutuzov gần như đã dập tắt ngọn lửa hừng hực đó.

3. Mãnh hổ nan địch quần hồ

Ta cảm thấy vận may đang rời bỏ ta...

Napoleon

Mặc dù Napoleon thẳng tay đàn áp bất cứ mầm mống nổi loạn nào, người dân vẫn rất ủng hộ. Đa phần dân chúng tin rằng đây là chế độ xứng đáng kế thừa thành quả của cuộc Cách mạng vĩ đại đã lật đổ nhà Bourbon. 

Trận đại bại ở Nga khiến Napoleon tổn thất rất lớn về nhân mạng, ảnh hưởng trực tiếp đến binh lực để theo đuổi chiến tranh. Sức khoẻ của ông cũng suy giảm vì thường xuyên đồng hành cùng binh sĩ trên những quãng đường dài dằng dặc. Tiếp tục bị liên minh các nước châu Âu đánh thắng tại Leipzig và chiếm đóng Pháp, Napoleon phải chịu cảnh lưu đày. 

Thế nhưng ông ta đã nhanh chóng trốn thoát trở về. Toàn châu Âu rúng động trước hung tin. Nước Pháp lâm vào cảnh thập diện mai phục khi tất cả kẻ thù cũ đã bắt đầu động binh tuyên chiến với đích danh Napoleon. Tất nhiên, đối thủ đáng gờm nhất là đế quốc Anh

Đảo quốc hùng mạnh ở biển Bắc kia luôn là kẻ ngáng đường cho sự thống trị của Napoleon lên toàn cõi châu Âu. Trận thuỷ chiến sông Nile và hải chiến Trafalgar là những đòn đánh đau điếng. Nếu lần này tiếp tục thua trước Anh, đó sẽ là dấu chấm hết. Gom sạch vốn liếng còn lại, Napoleon tung mọi thứ mình có ra để đánh canh bạc cuối cùng.

Công tước Wellington tại Waterloo, 1815

Waterloo – trận đánh trên đất Bỉ đã đi vào huyền thoại. Vét đại một đội quân mệt mỏi và thiếu kinh nghiệm, lại phải đương đầu với hàng loạt đối thủ đương hăng hái cùng một lúc, trong điều kiện thời tiết tồi tệ, thật không còn gì để nói về khó khăn của hoàng đế Pháp.

Thiên thời, địa lợi, nhân hoà không còn đứng về phía Napoleon nữa rồi.

Trận Waterloo bắt đầu. 

Napoleon trong trận Waterloo,1815 (Ảnh: National Army Museum)

Liên quân do Anh dẫn đầu và Pháp chạm trán cho trận chiến một mất một còn. Napoleon dự định giáng những đòn sấm sét tiêu diệt kình địch Wellington trước khi Blucher kéo quân Phổ tới.

Kế hoạch có lẽ đã thành công nếu không phải một yếu tố xuất hiện: ý trời. Bạn nào đọc tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa chắc cũng sẽ nhớ trận chiến Gia Cát Lượng dồn cha con Tư Mã Ý vào hang Thượng Phương rồi đốt lửa. Bỗng dưng trời đổ mưa lớn, Gia Cát Lượng cay đắng nhìn Tư Mã Ý chạy thoát và về sau nhà Thục Hán mất nước. Trận Waterloo cũng nhuốm một màu sắc như vậy.

Bản đồ trận Waterloo in vào năm sau, tức 1816
Nếu mọi thứ ổn thoả, có lẽ Napoleon đã quét sạch quân của Wellington. Thế nhưng hôm đó mưa lớn và sương mù dày đặc, cả vùng đất biến thành một bãi bùn sình lầy lội. Napoleon quyết định hoãn lại để đợi. Bản thân Napoleon là một tướng pháo binh, ông cũng thừa hiểu rằng cần chờ mặt đất khô hơn để di chuyển pháo. Di động và tập trung hoả lực pháo lại tiêu diệt một mục tiêu là phong cách của Napoleon. Mặt đất toàn bùn nhão thì làm sao mà triển khai được. Chỉ một quyết định bất đắc dĩ hôm đó mà thay đổi cả lịch sử nhân loại. 
'Dawn of Waterloo' (1895) diễn tả lại buổi sáng của cuộc chiến, 1815

Trưa hôm sau, Napoleon phát động tấn công tổng lực. Quân Pháp đánh dữ đến mức có cảm tưởng liên quân do Anh cầm đầu tan đàn xẻ nghé tới nơi.

“Trẫm đã nói với các khanh, Wellington là một tướng dở. Quân Anh cũng dở nốt. Trận này dễ như ăn bánh”

Wellington cố gắng cầm cự, hy vọng rằng đồng minh sẽ tới kịp. Gần như chắc chắn quân Anh sẽ toang. Bất ngờ tối hôm đó, Blucher xuất hiện như một vị thần. Quân Pháp bị quân Phổ đánh tạt sườn, cộng thêm một chút tính toán sai lầm khác của Napoleon khiến binh bại như núi đổ. Thế trận đã an bài. Đế chế Napoleon đến hồi cáo chung.

Kỵ binh Pháp tấn công đội hình vuông của Anh tại Waterloo, 1815

Wellington thảng thốt trước sự kinh hoàng của trận Waterloo, đến mức ông ta nói rằng:

“Lạy Chúa, hy vọng đây là trận chiến cuối cùng trong đời tôi”

Đại thắng Waterloo này giúp công tước Wellington lên thẳng cấp anh hùng dân tộc. Giả sử Napoleon mà không bại trận ở Waterloo thì có khi giờ tiếng Pháp là ngôn ngữ quốc tế thay cho tiếng Anh rồi. Sau trận này, trung tâm kinh tế thế giới chuyển dịch về London, nước Pháp chính thức quỳ gối trước Anh quốc. Từ đây đế chế mặt trời không bao giờ lặn sẽ đứng đầu Trái Đất suốt 1 thế kỷ. Napoleon đánh hơn 70 trận, chỉ thua 9 trận, và Waterloo là một trong số đó. 

Có một chuyện thú vị cần phải kể. Đó là 1789, khi Quang Trung đã là hoàng đế và đang ở đỉnh cao sự nghiệp với chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, thì Napoleon vẫn chỉ mới là một anh chỉ huy trong đội pháo binh. Tuy nhiên Quang Trung chưa bắt được Gia Long nên để nhà Nguyễn trung hưng lần nữa, như phượng hoàng tái sinh từ tro tàn. Napoleon cũng vậy, sau thời đại của ông thì nhà Bourbon lại trung hưng thêm 2 đời. 

Vị vua cuối cùng của nước Pháp là cháu Napoleon đã cho nổ phát súng tại Đà Nẵng, mở đầu quá trình xâm lược Việt Nam. Lê Văn Duyệt hết sức tán thưởng sự nghiệp của Napoleon Bonaparte, nhưng vua Minh Mạng lại không ưa, hai người này chưa bao giờ hết hục hặc nhau vì nhiều quan điểm trái chiều.

Jacques-Louis David's "Napoleon Crossing the Alps," 1802 (Ảnh: RMN (Château de Versailles)

Sau tất cả, thật sự Napoleon đã đem sự hùng cường của nước Pháp quay lại vũ đài lịch sử. Paris lại một lần nữa trở thành trung tâm của văn minh phương Tây. Các chiến dịch của ông được giảng dạy ở tất cả các trường quân sự lớn trên thế giới, và Luật Dân sự Napoleon là bộ luật rất quan trọng trong lịch sử nhân loại. 

Dù mọi thứ đã sụp đổ sau trận Waterloo, nhưng ánh hào quang về một thời huy hoàng mà người Pháp hành quân khắp châu Âu đã để lại ấn tượng mãi mãi không bao giờ phai: thời đại Napoleon. 

Tôi có thể thất bại trong một trận đánh, nhưng tôi sẽ thắng cả một cuộc chiến tranh.

Napoleon

* Khuyến cáo: Bài viết này được trình bày theo thể loại Docu-Drama. Ngoài thông tin lịch sử, người viết cũng dẫn dắt cốt truyện như một bộ phim. Người đọc không nên trích dẫn với mục đích học thuật.

Chia sẻ câu chuyện này
Share