Giới khảo cổ bỏ tâm sức tìm ra hiểu vị trí của Titanoboa trên địa bàn sinh sống của nó. Những cánh rừng nhiệt đới nóng ẩm hoàn toàn phù hợp với Titanoboa: Lớp da dễ dàng ngụy trang dưới làn nước đục giúp nó phát huy tối đa sức mạnh ở môi trường sông nước. Các nhà khoa học lại chia làm hai trường phái tranh cãi rằng con rắn to như vậy sẽ săn mồi như thế nào?
Một bên thì cho rằng Titanoboa quấn chặt con mồi và siết chúng đến tắt thở, số khác còn lại thì kết luận loài rắn này đi săn như Anaconda, ẩn thân trong vùng nước nông rồi tung một đòn kết liễu con mồi xấu số trước khi chúng kịp nhận biết. Tuy nhiên, có một điều mà họ đều nhất trí: Con rắn này nuốt trộng nạn nhân, nuốt hết không chừa thứ gì.
5 triệu năm sau khi khủng long đã bị quét sạch, loài quái thú này trỗi dậy. Sự kiện khủng long tuyệt chủng để lại một khoảng trống quá lớn cho chuỗi thức ăn mà Titanoboa rất vui lòng kế thừa đế vị. Khi đặt lên bàn cân với những sinh vật khổng lồ từng sinh sống trong những cánh rừng già nhiệt đới cổ đại, Titanoboa vẫn là trùm cuối, đủ sức làm lu mờ khủng long bạo chúa T-Rex.
Nhằm giới thiệu rộng rãi cho công chúng biết đến sự hiện diện của nó, một cuộc triển lãm ở New York đã trưng bày mô hình Titanoboa đang nuốt gọn một con cá sấu. Họ còn chiếu một đoạn phim giả tưởng về cuộc quyết đấu giữa Titanoboa và T-Rex. Với kích thước vượt trội, phần thắng nhiều khả năng sẽ thuộc về đại mãng xà.
Sau tất cả, Titanoboa là một phát hiện khảo cổ chấn động: Một sinh vật vừa kỳ vĩ, vừa đáng sợ như trong truyện cổ bước ra. Nếu không có những phát hiện mới trong tương lai, Titanoboa sẽ mãi mãi được gọi tên như chúa tể loài rắn. Điều tốt duy nhất ở đây là gì? Nếu lỡ lạc vào rừng già Nam Mỹ, bạn không còn sợ chạm mặt chúng nữa.
Thông tin cập nhật: Vào tháng 4 năm 2024, người ta phát hiện ra hài cốt của một loài rắn ước tính còn dài hơn Titanoboa 2m, tên của nó là Vasuki Indicus. Nếu được chứng thực về kích thước, có lẽ đây sẽ là kẻ giành được vương miện của Mãng xà đại đế.