Luyến mây Tam Đảo, nhớ sương Bạch Mã

Luyến mây Tam Đảo, nhớ sương Bạch Mã

Bởi, ngay cả trong những ngày đông Tam Đảo cũng không còn yên tĩnh nữa. Bởi, giữa trưa trên đỉnh Bạch Mã, không gian mênh mang đủ cho tiếng chuông ngân dài vang xa, nhưng mặt đất thì tấp nập những người chen chúc trên con đường đã được mở rộng cho xe hơi lên đến tận chùa…

Một ngày hè Tam Đảo

Vào mùa hè năm 2009, có một khóa học về khoa học xã hội và nhân văn với khoảng gần trăm học viên từ Sài Gòn, Hà Nội, Huế… Khóa học đó gồm các giảng viên từ Pháp qua, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu nhân học dày dạn kinh nghiệm ở châu Phi và các nước Đông Nam Á tham dự. Sau hai ngày nóng nực ở Hà Nội, lớp học được tổ chức tại Tam Đảo – lúc đó còn là một thị trấn nhỏ cách Hà Nội hơn 80 km.

Sống ở Hà Nội bao nhiêu năm nhưng đây là lần đầu tiên tôi lên Tam Đảo. Hồi nhỏ có lần xem cái tranh vui: trên con đường núi dốc ngoằn nghèo, ông chồng hớn hở đi trước miệng tấm tắc: Tam Đảo thật là mát mẻ, thế nhưng phía sau là bà vợ tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ đạc, mồ hôi mồ kê nhễ nhại.

Thị trấn Tam Ðảo rộng hơn 300ha, nằm gọn trong một thung lũng nhỏ của dãy Tam Ðảo, đồng thời cũng là một trong những vườn quốc gia lớn nhất miền Bắc. Ðầu thế kỷ 20 người Pháp phát hiện ra Tam Ðảo và xây dựng ở nơi đây thành nơi du lịch nghỉ dưỡng cho quan chức thuộc địa người Pháp với khoảng hơn 160 ngôi biệt thự nằm rải rác trên các sườn núi.

Thời gian trôi qua, đến cuối thế kỷ 20 những toà nhà Tây chỉ còn là phế tích trong hoang tàn, đổ nát, trơ ra những móng, tường, công trình ngầm nằm lẫn với cỏ cây, rêu phong, nắng mưa… Nhìn mà xót xa. Một thời gian dài chẳng ai biết đến và cần đến cái đẹp như thế…

Mười năm trước Tam Đảo còn là một thị trấn xinh xắn với những con đường lên xuống quanh co nho nhỏ, một dòng suối như vệt nước cắt ngang chảy suốt bốn mùa… Khí hậu ở đây rất độc đáo, bốn mùa trong một ngày. Buổi sáng se se gió xuân, buổi trưa nắng ấm mùa hạ, buổi chiều lãng đãng heo may mùa thu, buổi tối lạnh giá mùa đông.

Tam Đảo mù sương

Và hoa. Hoa dại trên sườn núi, trong khuôn viên các ngôi nhà cổ, hoa trên tường rào những ngôi nhà mới, đủ sắc màu… nhưng màu tím vẫn nhiều sắc thái nhất: tím ngả xanh của bìm bìm, tím hồng nâu của anh đào, tím huế của bằng lăng, tím đỏ rực rỡ của bông giấy…

Và rau. Ngọn susu vươn bò khắp nơi, trên ruộng, trong vườn nhà… mỗi sáng đầy trên con đường có cái chợ nhỏ toàn khách du lịch. Bữa ăn nào cũng có món ăn dân dã susu luộc ngọt mát chấm muối vừng hay ngọn susu xào tỏi bùi bùi.

Và mây… mây sáng mây chiều là là mặt đất. Đường đi lẫn trong mây, người đi lẫn vào sương. Hơi sương thẫm đẫm mà không lạnh, chỉ se se, và làm người ta thèm quá một vòng tay…

Và rừng ngút ngàn xanh. Dù là rừng nguyên sinh được che phủ bởi một lớp thảm thực vật dày đặc, nhiều tầng và đa dạng về loài, đa dạng về sinh học và hệ sinh thái nhưng hiền hòa bởi những loài cây đã quen thuộc với con người qua hàng ngàn năm.

Vài năm sau tôi quay lại nơi này. Đường lên Tam Đảo vẫn dốc núi ngoằn nghèo như thế nhưng đã rộng hơn, xe hơi đủ loại đủ kiểu lên xuống tuy ở đoạn cua gấp khúc vẫn phải nhường đường tránh nhau. Giống hệt nhiều thành phố mới khác, Tam Đảo nhan nhản những “biệt thự” kiểu dáng phô trương. Phần lớn là khách sạn và nhà nghỉ.

Bởi vậy ngay cả trong những ngày đông, Tam Đảo cũng không còn yên tĩnh nữa…

Voọc chà vá chân nâu hiện hữu ở Vườn quốc gia Bạch Mã góp phần tạo nên quần thể sinh học đa dạng, phong phú nơi đây.

Tôi đến Bạch Mã vào một ngày thu từ nhiều năm trước. Ngay từ khi ấy núi Bạch Mã cũng đã mất dần vẻ hoang sơ vì một ngôi chùa đang được hoàn thành trên đỉnh núi. Trước sân là đôi ngựa đá màu trắng, trong chùa những đồ thờ cúng cũng là đá trắng, loại đá Ngũ Hành Sơn. Tháp chuông mới dựng, chuông quý cũng đã được thỉnh về.

Giữa trưa, không gian mênh mang đủ cho tiếng chuông ngân dài vang xa, nhưng mặt đất thì tấp nập những người chen chúc trên con đường đã được mở rộng cho xe hơi lên đến tận chùa!

Đứng trên đỉnh Bạch Mã nhìn xuống đèo Hải Vân uốn lượn rồi mất hút, nhìn xuống phá Tam Giang xa mờ biển lẫn vào mây, nhìn xuống rừng xanh ngút ngát. Chợt ước ao được biến thành hạt bụi hay một giọt sương, tan trong không trung, nhẹ nhàng, không dấu tích…

Rồi nơi đây sẽ trở thành Hương Tích, Yên Tử chăng? Dù không thế thì tôi cũng may mắn khi đã đến Bạch Mã khi nơi đấy còn chưa nhuốm nhiều màu đời trần tục.

Bài ca trên đỉnh núi

Có một buổi chiều đi làm về bị kẹt xe. Một đoạn đường ngắn “ùn tắc giao thông” do giao lộ có đèn mà không có công an, do xe bus dừng trả đón khách giữa đường, do đúng giờ tan trường học trò ào ra, phụ huynh đứng kín hai bên vỉa hè tràn xuống lòng đường. Trời thì oi bức vì đang chuyển mưa ầm ì, vì khói xăng xe, vì bụi, vì ồn, vì bực bội do phải chen chúc trong cái dòng người xe như kiến vỡ tổ.

Khi tôi nhích chiếc xe máy ngang qua một chiếc xe hơi sang trọng, người trong xe hạ cửa kính ngó nghiêng phía trước, bỗng nghe thấy một bài hát xa xưa…

Ớ… bầu trời… có sao chiều sao sớm…
Đầu núi kia có ở hai người
Dù đi cùng trời dù đi khắp núi
Rừng chỉ có… chỉ có sao sớm sao chiều
Núi chỉ có hai người
Hai người… yêu nhau… (*)

 

Ôi, sao những lời ca tình yêu đẹp mênh mang như thế lại vang lên trong cái oi bức bực bội giữa thành phố chật chội này nhỉ…

Ngoái lại nhìn, cánh cửa xe đã đóng kín, lớp kính đen mờ không thể trông thấy chủ nhân chiếc xe sang trọng. Ừ, được ngồi trong xe máy lạnh kia mà nghe bài hát cũ mà mơ về một chốn núi cao rừng sâu, bầu trời đêm thăm thẳm lấp lánh những vì sao xa, và có hai người yêu nhau… Mặc kệ tắc đường với kẹt xe, mặc kệ cơn giông mùa hè đang dậm dọa, mặc kệ bụi mặc kệ khói… chỉ có hai người yêu nhau…

Suốt đoạn đường còn lại tôi cứ tò mò, không biết ai ngồi trong chiếc xe ấy nhỉ…?

(*) Bài hát trong phim “Vợ chồng A Phủ”.

Chia sẻ câu chuyện này
Share