Đêm trước khi lên tàu, Margaret âm thầm giã biệt gia đình. Cô mang theo tất cả quần áo đến nhà John, khi đó đang tổ chức tiệc chia tay. Cùng với một số anh chị em của cả hai, họ mua vé lên tàu Titanic.
Chuyến hải trình của Titanic bắt đầu ngày 10 tháng 4 năm 1912, tương ứng với thời điểm Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer khởi công đường sắt Phan Rang – Đà Lạt.
Bốn ngày đầu tiên trời rất đẹp. Hải trình diễn ra mượt mà theo đúng kế hoạch của hãng White Star Line. Giữa làn gió biển hiu hiu thổi, hành khách thư thái tản bộ trên boong tàu. Dường như chẳng điều gì đáng để họ phải bận tâm nữa. Đây là những ngày hiếm hoi để tận hưởng tiện nghi trên con tàu lộng lẫy nhất hành tinh trước khi trở lại guồng quay mưu sinh hối hả.
Vào sáng thứ năm, Titanic nhận được cảnh báo băng trôi. Cả ngày hôm đó, ít nhất họ nhận được sáu cuộc gọi như vậy từ các tàu khác nhau. Thời điểm bấy giờ, hầu như điện báo viên trên các tàu khách là nhân viên của hãng Marconi và không thuộc thủy thủ đoàn. Công việc chính của họ là gửi tin cho hành khách, còn báo cáo thời tiết là phụ thôi.
Đêm ấy, điện báo viên Jack Phillips rất bận rộn. Anh ta cố liên lạc với trạm Cape Race ở Canada để xử lý tin nhắn của hành khách. Vào 21 giờ 30 phút, Phillips đón lấy tín hiệu cảnh báo từ tàu Mesaba ngay trên đường đi của Titanic. Anh ta chỉ nghe xong để đó, rồi tiếp tục làm việc với Cape Race. Tàu Mesaba đợi hoài không thấy hồi đáp. Chàng điện báo viên Philips đã quá mải mê với công việc của mình đến mức quên báo cáo lại cho những người điều khiển Titanic.
Đến 22 giờ 55, tàu Californian tiếp tục đánh điện cho Titanic bảo rằng họ đang bị hàng loạt băng trôi bao vây và quyết định sẽ ngừng chạy. Tín hiệu từ Californian quá ồn ào khiến Philips không nghe rõ tín hiệu từ Cape Race. Anh ta nổi cáu:
– Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Mình đang bận làm việc với Cape Race bạn ơi.
Khoảnh khắc đó, Jack Philips không ý thức được rằng con tàu sắp phải đối mặt với tình trạng băng giá tồi tệ nhất trên Đại Tây Dương trong vòng nhiều thập niên qua. Băng từ Greenland tan chảy và theo dòng hải lưu trôi về phương Nam. Đây chính là lý do tại sao Philips chủ quan đến vậy. Titanic tiến vào hành lang băng trôi chết chóc với tốc độ tối đa.
Nhà khí tượng Frank Lowenstein giải thích về hiện tượng này:
“Ở Bắc Đại Tây Dương, gần như mọi tảng băng trôi đều từ các sông băng chảy ra biển. Nhiệt độ ấm hơn của nước biển khiến các tảng băng tan dần, tạo thành chất bôi trơn như dầu nhờn, khiến chúng di chuyển nhanh hơn. Những vùng biển phía Nam thì phổ biến băng trôi được tách ra từ tảng băng lớn sẵn có trên đại dương”.