Từ địa ngục hàn băng đến tiêu điểm địa cầu – Kỳ 1: Nơi tận cùng thế giới

Tác giả La Gia Thịnh
Từ địa ngục hàn băng đến tiêu điểm địa cầu – Kỳ 1: Nơi tận cùng thế giới

Vùng đất Nam Cực, ‘đáy của quả địa cầu’ theo đúng nghĩa đen, từ ngàn xưa đã là một thỏi nam châm lạnh lùng, thu hút sự chú ý của những kẻ có máu chinh phục, và khiến bao kẻ đánh đổi mạng sống để chinh phục nó. Đây là câu chuyện của Nam Cực, từ một vùng đất lạnh lẽo chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của cổ nhân, giờ đây đã trở thành châu lục có nhiều dữ liệu phân tích nhất trên bản đồ.

Từ thuở sơ khai, con người vốn luôn là giống loài tò mò, ưa khám phá và thích chinh phục. Chúng ta đã tìm cách đi đến nhiều vùng đất lạ, bất chấp bao hiểm nguy và gian khổ. Dù là chốn rừng thiên nước độc, hay nơi đảo hoảng không bóng người, chỉ cần nơi đó có oxy và nước, loài người sẽ cố tìm ra bằng mọi cách, rồi sau đó tìm cách sinh tồn, an cư lạc nghiệp, rồi tự biến mình thành người ‘bản địa’ của xứ đó. Và ‘công thức’ này đã vận hành bánh xe lịch sử, đưa loài người đến khắp mọi ngóc ngách trên bề mặt địa cầu.

Chiếc xe được chế tạo đặc biệt mà Ngài Edmund Hillary đã sử dụng để băng qua Nam Cực.

Nhưng kỳ thật, suốt thời kỳ ‘mở cõi’ và ‘khai hoang’ đó, tổ tiên chúng ta vẫn không tài nào tìm đặt chân đến vùng đất lạnh lẽo, xa tít về phương Nam trên quả địa cầu. Đã có một thời gian dài, người ta luôn bàn tán và tưởng tượng về Nam Cực như một chốn xa xôi, hoàn toàn khác xa với những nơi khác trên Trái Đất.

Nhiều học giả thời bấy giờ còn ‘đi rất xa’, và cho rằng rằng Nam Cực là nơi có những dân tộc sống rất hạnh phúc, khí hậu ấm áp quanh năm, không khác nào một thiên đường trên hạ giới. Đó là nơi chỉ dành cho thần linh, loài người không thể (và không nên) tìm tới! Một số khác lại cho rằng, vùng Nam Cực này là nơi của các tộc người man rợ, sống với luật rừng, không được ánh sáng văn minh soi rọi. Nhưng tất cả, dù sao đi nữa, cũng chỉ là phỏng đoán. Điều đó phần nào nói lên sự bất lực của chúng ta trong việc chinh phục và giải mã vùng đất xa xôi lạnh lẽo này.  

Tới thế kỷ 18, cùng với sự phát triển của tàu thuyền và khao khát mở rộng lãnh thổ của các cường quốc, hầu hết mọi ngóc ngách trên mặt địa cầu đều được con người chinh phục, giải mã, và thể hiện lên bản đồ. Và rồi, chúng ta dần không chấp nhận sự thật rằng Nam Cực là chỉ là vùng đất chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng nữa. Bằng mọi giá, chúng ta phải đặt chân lên được đây, chinh phục vùng đất huyền bí này.

Với niềm tin này, các cường quốc thời bấy giờ đã không tiếc tiền của, tài trợ cho những chuyến thám hiểm vượt trùng dương về phía Nam để tìm câu trả lời về vùng đất này. Nhưng tất cả đều thất bại, bởi đơn giản, đại dương thì mênh mông vô tận, còn con người thì vẫn còn rất hạn hẹp, về cả sức khoẻ thể chất, kiến thức. và trình độ khoa học kỹ thuật để chinh phục vùng đất cuối cùng trên bản đồ này. 

Năm 1772, một người cứu rỗi xuất hiện, đó chính là Thuyền trưởng James Cook. Với sự hẫu thuẫn của từ khát vọng bành trướng và nguồn lực vô tận thực dân Anh, cùng sự tham vấn của Hội Hoàng gia London, ông cùng với một đoàn thủy thủ gần 200 người, đi trên hai chiếc thuyền lớn, căng buồm ra khơi. Chuyến đi này được lịch sử ghi nhận với tên gọi Chuyến Hải trình Thứ Hai (The Second Voyage), kéo dài từ năm 1772 đến 1775. 

Trước đó, trong giai đoạn 1768-1771, Chuyến Hải Trình Thứ Nhất (The First Voyage) đã đưa Cook đi rất xa, đến tận vùng biển phía Nam của New Zealand, để chứng tỏ rằng New Zealand không hề ‘dính’ vào một vùng đất to lớn nào về phía Nam cả. Quan trọng hơn, chuyến đi đó đã giúp ông vẽ thành công bản đồ của vùng bờ Đông châu Úc.

Ảnh minh hoạ chuyến hải trình về phương Nam của James Cook.

Chuyến Hải trình Thứ Hai khởi hành từ Anh, mang theo các thiết bị tối tân nhất thời bấy giờ để tiến về phương Nam, với một sứ mệnh đầy kiêu hãnh – khám phá Nam Cực. Trước chuyến đi, James Cook rất tự tin vào hành trình lần này, ông đã nói một cách đầy tham vọng: “Tôi sẽ đi xa về hướng Nam nhất có thể, xa hơn bất kỳ ai trên thế gian này”.

Điều đó đúng là đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên, đại sự thì vẫn chưa thành, chinh phục Nam Cực là ước mơ mãi mãi dang dở của James Cook. Đoàn thám hiểm của ông, dù đã đi rất xa về phía Nam, chỉ nhìn thấy đại dương mênh mông, những tảng băng trôi, và các dòng nước lạnh giá quanh năm. Điều đó có nghĩa là ông chưa bao giờ nhìn thấy, chứ đừng nói đến việc đặt chân lên Nam Cực. 

Tuy nhiên, chuyến thám hiểm của James Cook lần này đã làm được điều mà chưa từng ai làm được, đó chính là vào đến khu vực The Antarctic Circle (Vòng tròn Nam Cực), không chỉ một mà đến tận hai lần. Nhưng rồi sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã khiến ông phải quay ngược ra để đảm bảo an toàn cho đoàn thủy thủ. 

Dẫu sao, chiến công của ông cũng được lịch sử ghi nhận. Cook đã giúp cả thế giới nhận thấy rằng đây không phải “chốn thiên đường ấm áp xa xôi”, mà hoàn toàn ngược lại. Khi trở về, James Cook mang theo các tài liệu khoa học vô giá gồm những bản tường trình, các hình vẽ, các biểu đồ, và vô số những ghi chép về vùng đất mới được phát hiện. Nguyên văn theo ghi chép của ông sau chuyến đi như sau: 

Đây là vùng đất lạnh lẽo hoang tàn chẳng bao giờ thấy được mặt trời. Quanh năm bị chôn vùi trong cái tê cóng đáng sợ của băng giá”.

Bản đồ thể hiện hai lần đi vào Vòng tròn Nam Cực (the Antarctic Circle) của James Cook.

Lúc này, Nam Cực trở thành một ‘mục tiêu chung’ của những cường quốc. Kẻ nào tìm tới đây trước sẽ có thể sẽ chiếm được đất đai, những bãi đánh cá quý hiếm, có cơ hội tìm ra những vùng đất mới phục vụ cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật, từ đó có ảnh hưởng trên trường quốc tế. 

Cuộc đua đến Nam Cực chính thức bắt đầu. Sau rất nhiều nỗ lực, người thắng cuộc đã xuất hiện. Lịch sử ghi nhận rằng nhà thám hiểm người Na Uy Roald Amundsen và bốn cộng sự của mình chính là những người đầu tiên đến được Nam Cực, vào ngày 14/12/1911. Khoảnh khắc đó đã chính thức lấy đi sự “linh thiêng” của Nam Cực, sự thật là rằng chẳng có thiên đường nào ở đây cả, thứ duy nhất tồn tại chỉ có một châu lục mới, cùng với vô vàn những hứa hẹn cho “những ông chủ mới” – các cường quốc với lòng tham vô tận. 

Mục tiêu kế đến bây giờ sẽ là đi xuyên qua lục địa Nam Cực, đi đến tâm của châu lục này – một cách để chúng ta thật sự chinh phục vùng băng giá này. Sir Ernest Shackleton là người dẫn đầu sứ mệnh lần này. Theo lời của ông: “Việc băng xuyên qua Nam Cực chính là mục tiêu vĩ đại nhất mà loài người có thể chinh phục tại Nam Cực”.

Tiếc thay, Shackleton đã không thể hoàn thành sứ mệnh lần này. Đây là một nhiệm vụ thất bại, tuy nhiên chuyến đi của ông đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, sự kiên cường và gan lì, trước sự khắc nghiệt và tàn nhẫn đến lạnh lùng của thiên nhiên. Toàn bộ câu chuyện về chuyến đi đầy cảm hứng của Shackleton đã được kể lại trong bộ phim tài liệu có tên The Endurance, do đài BBC sản xuất vào năm 2000. 

Chuyến đi của Shackleton đã truyền cảm hứng cho những chuyến thám hiểm sau đó, dần dần góp phần đẩy giới hạn của chúng ta lên một tầm cao mới. Dù vẫn còn đó những khoảng trống mênh mông trong cách mà chúng ta hiểu về Nam Cực, con người đã cho thấy rằng họ đã sẵn sàng thách thức mọi giới hạn, và chinh phục vùng đất này.

Chia sẻ câu chuyện này
Share