Trước hết, để hiểu về tầm quan trọng của quốc đảo Đài Loan, ta phải hiểu về một thứ có vẻ không liên quan gì lắm – chip điện tử.
Chip điện tử quan trọng như thế nào thì chẳng cần phải bàn thêm nữa. Tôi chắc chắn rằng mọi thứ xung quanh bạn bây giờ đều hoạt động dựa vào một hệ thống các “bộ não” bé tí này. Từ chiếc laptop hay smartphone bạn đang dùng để đọc bài viết này, hay cái điều hòa khiến cho bạn cảm thấy thoải mái làm việc, hay chiếc xe máy bạn vẫn chạy đi làm mỗi sáng, và hàng tỉ tỉ thứ khác nữa, chúng là kết quả của những sự lập trình bên trong chip điện tử. Nói cách khác, Trái Đất “sẽ ngừng quay”, kinh tế và liên lạc toàn cầu sụp đổ, cuộc sống sẽ quay lại vài thế kỷ trước, nếu đột nhiên chip điện tử biến mất.
Tuy nhiên, con người đâu chỉ cần chip cho đồ điện gia dụng, hay máy móc sản xuất. Quan trọng hơn, các quốc gia thời nay còn cần chip cho quân sự. Máy bay chiến đấu, tàu sân bay, drone trinh thám, tất cả chỉ là một vài ví dụ cho thấy rằng quốc gia nào đi trước trong cuộc chơi chip điện tử, sẽ có khả năng làm chủ bàn cờ thế giới trong tương lai. Nhưng để có được một hệ thống vi mạch tinh vi và phức tạp khủng khiếp như ngày nay, nhân loại đã đi một chặng đường không hề ngắn.
Ở buổi bình minh của công nghệ, máy móc rất cồng kềnh. Chúng to đùng với đủ loại dây nhợ chằng chịt. Đương nhiên chỉ dành cho chính phủ hay các tập đoàn lớn. Và rồi mọi thứ thay đổi chóng mặt khi những “người cứu rỗi” đã xuất hiện. Đó là thời điểm mà hai kỹ sư người Mỹ, không quen biết gì nhau, lại vô tình có chung ý tưởng rằng sẽ giải cứu thế giới khỏi các sợi dây điện phiền toái này. Hai ông đã lần lượt trình làng ý tưởng về transistor (công tắc điện tử trên vi mạch).
Ngắn gọn, transistor hoạt động như những “công tắc điện” siêu chính xác. Chúng được bật tắt liên tục, theo chủ ý của người lập trình, để “truyền tín hiệu” trong vi mạch. Sự bật-tắt liên tục và hài hòa của các transistor này, chính là mấu chốt để vi mạch hoạt động, hệt như cách não bộ chúng ta truyền thông tin vậy. Nói cách khác, chính các transistor này đã vận hành các vi mạch phức tạp đang điều khiển thế giới của chúng ta. Dù là một phát minh đỉnh cao thời điểm ấy, các transistor cũng khá cồng kềnh, chưa thể mang tính cách mạng.