Ả đào phong nguyệt, phía sau nhịp phách hương đàn – Kỳ 2

Tác giả Huyết Vy
Ả đào phong nguyệt, phía sau nhịp phách hương đàn – Kỳ 2

Ả đào, phảng phất trong thơ ca với thân phận thấp hèn nhưng lại sống một đời phong trần quyến rũ. Để rồi nàng ta hiện diện trong văn chương muôn hình vạn trạng với nhiều yêu thương sân hận, định kiến và bi kịch.

Thú tiêu sầu rượu rót thơ đề
Có yến yến hường hường mới thú
Khi đắc ý mắt đi mày lại
Đủ thiên thiên thập thập thêm nồng

Tài tình, Nguyễn Công Trứ

Trong văn thơ của khách nhân đa tình phảng phất một bóng dáng, say đắm phong tình. Nàng là “yến yến hường hường” vui thú, là mày qua mắt lại nồng nàn. Nàng là đào nương, người ca nhi trong lối hát ả đào, nhân vật chính trong những cuộc vui chiếu nguyệt hương đàn. Nàng là hoa, là mộng, là giai nhân đem lời ca tiếng hát lưu giữ hồn phách khách nghe trong những đêm say sưa chìm đắm:

Mặt tròn thu nguyệt.
Mắt sắc dao cau.
Vào – duyên khuê các.
Ra – vẻ hồng lâu.
Lời ấy gấm
Miệng ấy thêu
Tài lỗi lạc chẳng thua nàng Ban – Tạ.
Dịu như mai
Trong như tuyết
Nét phong lưu chi kém bạn Vân – Kiều

Tự cổ chí kim, Nho gia xem cầm kỳ thi họa là thú chơi thanh nhã để di dưỡng tính tình. Mà ca trù hội được cầm – thi, thể hiện qua làn điệu và lời ca, đã thành công đi vào đời sống giải trí của văn nhân thi sĩ đương thời. Chẳng biết bắt đầu từ lúc nào, nhưng rõ ràng ở thế kỷ 18, nghe hát ả đào đã là một thú chơi thời thượng. Nó điểm tô phong hoa cho tài tử, phủ lên các nhân vật thời đại sắc thái đa tình, bên cạnh một con người chính trị đang ngày giờ đối diện với những biến cố long trời lở đất. 
Chiều chuộng thị hiếu người nghe, ca trù hát chơi cũng đã lược bỏ những yếu tố rườm rà mang tính nghi lễ cửa đình để chú trọng vào giọng hát, tiếng đàn và nhịp phách – những thứ nhà Nho ưu ái. Từ đó, lúc ca quán, tư gia, khi khoang thuyền bập bềnh sóng nguyệt; chiếu đàn hội ngộ với rượu thơ; giai nhân ngả nghiêng cùng tài tử. Giữa nhập nhòa hoa mộng, miệng thuyền quyên nhấn nhả thanh ca, rượu nồng đốt rực bầu không, người với người sát vai kề cận. 
Nơi đó, nào còn phân biệt kẻ hát người nghe, chỉ còn hương sắc ngút ngàn chọc thủng những giáo điều kiềm tỏa, một bức rèm mỏng manh ngăn hờ đàn hát và ái tình. Để rồi đằng sau nhịp phách hương đàn là âm ỉ những cuộc tình phức tạp và nhạy cảm. Chúng ảnh hưởng không nhỏ đến dáng hình và số phận của nhiều nhân vật thời đại, cũng góp phần đưa đẩy ca trù vào những biến dời hữu lý sau này. Lần giở lại những điển tích, văn thơ còn lưu lại, ta phần nào bắt được những manh mối mơ hồ:

Ả đào, người quanh những mối

Bước vào nghiệp gõ phách ôm đàn, cũng là lúc ả đào dấn thân vào một đời gặp gỡ tương phùng, đến đến đi đi. Tiếp xúc muôn lớp người nghe khiến đào nương sống một đời bên lề những người phụ nữ phong kiến bị lễ giáo đóng khung. Nàng ta đứng ngoài khuôn khổ, khiến những giáo điều Nho gia khó lòng giám sát và quản lý, đến nỗi sinh ra những luật lệ ngăn cấm đào nương kết hôn cùng quan lại, quý tộc. Những mối quan hệ giữa đào nương và khách nghe đủ tầng lớp cũng chằng chéo nhiều tính chất, đơn giản – phức tạp, nông cạn – sâu sắc, góp phần tạo nên hình tượng ả đào đa tài, đa tình nhưng cũng đa đoan trong thơ văn sau này.

Mối quan hệ căn bản nhất giữa ả đào và người nghe là mối quan hệ thực tế “tiền trao cháo múc”, tức là giữa người phục vụ giải trí và người trả tiền để được phục vụ. Mà ở tên nghệ thuật “ca trù” ả đào thuộc về cũng đã bộc bạch được bản chất này: khách nghe trả thưởng bằng các thẻ, tiếng Hán gọi là trù. Sau này, thưởng “trù” dường như đã vắng bóng trong những cuộc hát chơi ở ca quán, tư gia. Thay vào đó là lụa là, tiền bạc, như trong một số áng văn thơ cổ nhân còn lưu lại. Ca nhi họ Nguyễn trong Lan Trì kiến văn lục:

“Mỗi khi lên sân khấu cất giọng ca thì người xem đều ngây ngất không sao tự kiềm chế nổi. Tiền và lụa thưởng rào rào ném lên đầy bàn.”

Hay phong hoa vô hạn của cô Cầm trước sự ngưỡng mộ của tướng sĩ Tây Sơn trong Long thành cầm giả ca của Nguyễn Du:

Tây Sơn quân tướng thẫn thờ
Ngả nghiêng đến sáng còn chưa thỏa lòng
Quăng lụa thưởng tây đông tíu tít
Vàng tựa bùn cứ việc vung tay

Minh họa đào nương ca trù
Chẳng rõ những bạc vàng, lụa là đó là chứng nhân không lời cho một thời hoàng kim của ả đào, hay chỉ là một hình ảnh ước lệ, được sử dụng khắp kim cổ Bắc Nam (1) để tán tụng một tài năng người đời mến mộ. Dẫu là gì, cũng có thể thấy được một cuộc sống dư dả vật chất, đối nghịch với một danh phận không mấy vẻ vang của người ca kỹ. Chẳng vì thế mà Ca nhi họ Nguyễn có thể nuôi được Vũ Khâm Lân một đường học hành đến khi công thành danh toại đó sao.
Vượt ngoài kim tiền, có một mối quan hệ đẹp đẽ và thanh nhã hơn được hình thành giữa người biểu diễn – sáng tạo và người thưởng thức – đánh giá. Mượn một cụm từ của Nguyễn Tuân gọi là “biệt nhỡn liên tài”. Ở đó, khán giả của cô đào là những người cầm chầu thông hiểu thơ văn và nhạc luật. Những bậc hào hoa đó không chỉ là người cầm chầu đánh giá, thưởng thức giọng ca, mà còn là người sáng tác nhạc phẩm cho ả đào.
Về phía mình, ả đào vừa là người tiếp nhận và thưởng thức, vừa là người biểu diễn chính những nhạc phẩm đó. Thậm chí, những nàng đào văn hay chữ tốt còn có thể góp tài góp tình hoàn chỉnh tác phẩm. Thưởng thức nhau, cũng ngưỡng mộ lẫn nhau, sự hoán đổi vai trò diễn ra liên tục, kết nên mối đồng cảm nghệ thuật sâu sắc giữa đào nương và các thính giả của mình. Chính mối giao hảo đó đã gầy nên hình hài thể cách hát nói, góp thêm đặc sắc vào kho tàng văn chương Việt Nam. Nhưng cũng chính mối thâm tình mật thiết đó đã nhóm lên lửa tình khó tránh giữa giai nhân – tài tử.
Giai thoại giữa Nguyễn Công Trứ và cô đào Hiệu Thư là câu chuyện điển hình của tài tử giai nhân trong cuộc phiêu lưu của những tương phùng – tái ngộ. Tương truyền thuở thiếu thời, Nguyễn Công Trứ đem lòng say mê nhưng không lọt nổi vào mắt xanh cô đào Hiệu Thư tài sắc và kiêu kỳ. Ông không ngại xin làm kép đàn, trăm phương ngàn kế để được ở cạnh mỹ nhân, cợt nhả trêu ghẹo, bị người đẹp  “ứ hự” tỏ ý không hài lòng. Về sau hoạn hải ba đào rồi tái ngộ, anh kép trêu hoa ghẹo nguyệt ngày xưa đã thành quan lớn cầm chầu – tổng đốc Hải An.

Giang sơn một gánh giữa đồng
Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng?

Một câu mưỡu gợi nhắc đã giúp bóng hồng lênh đênh được cập bến anh hùng. Dù cô đào Hiệu Thư chỉ có thể làm hầu thiếp của một anh hùng đa tình, nhưng dẫu sao đây cũng là một kết cục đẹp so với những đồng nghiệp bạc phận chịu kiếp lỡ làng tan vỡ.
Ca nhi họ Nguyễn trong Lan Trì kiến văn lục, một đời truân chuyên. Nàng ca nhi gặp vừa gặp tài tử Vũ Khâm Lân đã nhất kiến chung tình, đem hết bạc vàng, tâm sức hỗ trợ chàng học hành thuở hàn vi. Dẫu có tình ý cũng không buông thân tùy tiện, có lòng gửi gắm chuyện chung thân cũng không đem ân nghĩa ra nài ép. Trong suốt câu chuyện dài với nhiều ý nghĩa được gửi gắm, tôi chỉ khắc ghi ba câu thoại thanh cao từ một ca nữ dày dạn gió sương. Đó là lúc cáo biệt Khâm Lân, được chàng hỏi tên họ để tạ từ:
Chàng không phụ thiếp, thiếp sẽ tự tìm đến chàng. Lỡ ra việc chẳng ra sao, chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Việc gì phải gặng hỏi nữa.
Khi bị bội bạc vì ý trung nhân không thể vượt qua nổi những giáo điều và định kiến xã hội:
Thiếp biết cả rồi, chẳng cần chàng nói. Tiền trinh của chàng còn xa muôn dặm, thiếp hàn hạ không xứng hầu hạ khăn lược cho chàng. Đó là số phận của thiếp.
Và khi lưu lạc phong trần, tái ngộ cố nhân, được chàng ngỏ ý hậu đãi:
Thiếp không có phúc để làm vợ chàng thì những tiền bạc này đâu có phúc tiêu mà nhận!
Nàng ca nhi không vì thân phận lạc loài mà buông bỏ thanh khí. Trải muôn đắng ngọt thế gian, bị bội bạc, mất chồng, tán gia bại sản, đưa mẹ lưu lạc chân trời góc biển khiến nàng thấu được nhân tình thế thái, hay kinh qua lắm khổ đau đã khiến nàng thâm ngấm thiền ý mà biết buông lơi. Trăm nghìn năm nay, như một lẽ hiển nhiên hồng nhan bạc mệnh ở đời, những đào nương đều đang nỉ non cùng những tình tiết xót xa như thế. 

Ả đào, hồng nhan bạc mệnh 

Minh họa đào nương ca trù

Vào thời đại mà ca trù trở thành kế sinh nhai duy nhất, ắt hẳn giữa các giáo phường và ả đào cũng có sự cạnh tranh và phân chia thứ bậc. Ở đó tư dung và tài năng chính là cái vốn trời ban quyết định danh vọng thành bại của một ả đào. Bản chất yêu thích cái tài cái sắc của những khách chơi khó tính vô tình đào thải những đào nương không đủ tố chất. Trụ lại với nghề đều là những cô đào có ưu thế về nhan sắc và tài ca hát. Quả thực, ả đào trong văn chương, qua cái nhìn của những khán giả nam giới luôn là những giai nhân dung mạo đảo điên.

Chẳng rõ được soi qua con mắt phong tình của bậc phong lưu hay vốn dĩ “tình nhân trong mắt hóa Tây Thi”, mà nàng đào được ví von không tiếc lời bằng nhiều từ ngữ, điển tích ước lệ hoa mỹ. Muôn hồng nghìn tía hình dung lướt qua văn đàn. Đó có khi giai nhân sắc nước hương trời, liễu lục đào hồng, mày liễu má đào, mày như mây xanh, gót quấn quýt hương,… Đó cũng có khi là những người đẹp mang nụ cười đáng giá nghìn vàng, thành tan nước đổ – “nhất tiếu thiên kim”, “khuynh quốc khuynh thành”. Nguyễn Công Trứ làm thơ tặng một cô đào luống tuổi mà vẫn mặn mà phong tư:

Liếc trông giá đáng mấy mười mươi
Đem lạng vàng mua lấy tiếng cười

Bỡn Cô Đào Già, Nguyễn Công Trứ

Còn Tản Đà thì viết:

Giá khuynh thành nhất tiếu thiên câm
Mắt xanh trắng đổi nhằm bao khách tục

Đời Đáng Chán , Tản Đà

Trong con mắt của những khách chơi đang đà say đắm, sắc nước hương trời của ả đào được đặt trong thế cân xứng với cái phong lưu đa tình của các bậc tài tử. Trong ảnh hưởng sâu sắc của quan điểm “tài tử – giai nhân”, tình cảm manh nha nảy sinh từ sự cân xứng sắc tài đó:

Ngã thị phong lưu hiền thái thú,
Quân ưng hồng phấn cổ danh ca.
Khách trâm anh với khách quần thoa,
Cách phong nhã hào hoa là thế thế

Tặng Cô Đầu Kim, Dương Tự Nhu

Trong thơ, thái thú phong lưu hiền từ gặp ả đào hát hay mà xinh đẹp, tạo đà cho khách trâm anh cùng khách quần thoa nên duyên tri kỷ. Cũng trong bài hát nói này, tài hát hay của cô đào Kim được nhắc tới và sánh cùng nhan sắc hồng phấn. Tuy vậy, so với cái sắc, cái tài cầm ca thơ phú của ca nữ dường như vắng bóng hơn trong văn đàn, vì nhà Nho với quan điểm nam quyền thường giữ cái tài cho riêng mình. Hiếm hoi có người cực tả cái tài đó là Nguyễn Du trong Long thành cầm giả ca. Dung nhan như hoa đào nở trong ánh mặt trời ngày xuân của cô Cầm chỉ được tác giả thoáng nhắc qua trong một câu, còn phần lớn bài thơ, tác giả dành để cực tả cái tài cầm ca xuất thế. Từ hồng nhan tóc xanh, đến khi ngoảnh lại đã thấy hoa râm một đầu, trong dung nhan hao gầy, tiếng đàn cô Cầm vẫn nổi bật giữa yến yến oanh oanh tươi đẹp: 

Tuyên phủ sứ lại mời dự tiệc
Thiếu chi người mày biếc má hồng
Cuối bàn phảng phất não nùng
Một nàng đầu tóc hình dung bơ phờ
Mình gầy võ mày thưa duyên nhạt
Ai biết nàng oanh liệt xưa kia
Khúc đâu lệ chảy đầm đìa
Khiến người nghe những đê mê xót thầm

Ngẫm lại, đã mang kiếp cầm ca mà dung mạo – tư chất tầm thường, nào đâu nên những đêm “nhịp gõ chia tan vành lược bạc, rượu rơi hoen ố bức quần hồng”.  Trong thời đại khủng hoảng những giá trị Nho giáo, chuộng khí độ tài tử phong lưu, những tài sắc ấy dễ dàng thành men nồng thắp lên ý tình phong nguyệt. Nhưng cũng vì được nhen nhóm ngoài vòng cương tỏa, đến đến đi đi tự do, nên những mối tình ấy cũng lửng lơ, mơ hồ, buông lơi những ràng buộc lễ nghĩa cũng như trách nhiệm, nảy nở mầm mống bất hạnh cho đời người ca nữ sau này:

Một mảnh tơ con tạo khéo trêu
Đương đầm ấm lại xen vào cay nghiệt
Mặn không mặn, nhạt thời không nhạt
Gần không gần mà xa cũng chẳng xa

Ở nhà hát ngẫu hứng, Dương Khuê

Tự do bất tuân khuôn khổ, nên cô đào trẻ cũng có thể nảy tình với với khách chơi bạc đầu:

Ngã lãng du thì quân thượng thiếu
Quân kim hứa giá ngã thành ông
Cười cười nói nói thẹn thùng
Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại

Hồng Hồng Tuyết Tuyết, Dương Khuê

Rồi thì, làm sao tránh được những mối tình vụng trộm ngoài bên ngoài hôn thú nhuốm đẫm ghen tuông:

Buổi tân tri chưa vướng lục lây hồng
Phòng trong đã Hà Đông sang sảng tiếng

Vợ ghen với cô đầu oanh, Dương Khuê

Đào nương ca trù
Đáp lại bướm ong, tình cảm của ả đào cũng uyển chuyển sinh động như những ca từ nàng cất lên hằng đêm. Cơ duyên đưa đẩy, mỗi ả đào lại ôm một mối tư tình, có thể vừa gặp đã yêu, hay thâm giao tri kỷ, hay tình cũ tái ngộ. Để rồi sắc thái tình cảm cũng muôn hình vạn trạng với những nỗi yêu mà ly biệt, tưởng nhớ tương tư. Như cô đầu Cần của Dương Khuê, sớm lăn lộn chốn phong trần, nên cách bộc lộ tình yêu cũng chẳng hề ngại ngùng, giấu diếm: “Tình thư một bức/ Hỏi tình quân rằng có nhớ hay quên?”. Tình vừa mới chớm mà đã sâu nặng thề nguyền. Cô đào chẳng rụt rè mà nhắc nhở tình quân chớ quên hẹn xưa, chốn cũ:

Khách má hồng vừa mới bén hơi duyên
Lúc tương ngộ lại thêm phiền tương biệt
Ai nhớ ai luống những tần ngần
Để quạt ước hương nguyền chờ đợi đó

Tặng cô đầu Cần, Dương Khuê

Cũng dưới tâm tình và ngòi bút của Dương Khuê, cô đầu Oanh lại hiện hiện với một sắc thái tình yêu khác. Nàng không chối bỏ cảm tình với khách, nhưng cái yêu khuất lấp sau nỗi e ngại ghen tuông, nên đành nén lòng mà khuyên can:

Ngắm vẻ anh hào coi cũng mến,
Kìa ghen hoa còn để truyện ngày xưa.
Chén khuyên chàng xin hãy gượng làm ngơ,
Đừng liễu cợt, trăng mờ chi thóc mách

Vợ ghen với cô đầu Oanh, Dương Khuê

 Câu chuyện của cô Oanh cũng là chuyện thường tình nơi quán hát phong trần, ngập ngụa trong những tình tứ gió trăng, say đắm nhưng cũng lắm nỗi thiệt thòi, nhiêu khê. Trong xã hội nam quyền Nho giáo đó, khi người đàn ông đến ca quán để được thỏa chí phong lưu và phiêu du tình ái, thì người phụ nữ cầm ca vừa phải chịu đánh giá nghiệt ngã của dư luận, vừa chua chát trong những mối quan hệ tình ái bên lề.
Những tình quân cùng ả đào thề non hẹn biển, rồi cũng bạc bẽo theo duyên mới. Dương Tự Nhu nói với cô đầu Văn: “Xin ai đừng có quên ai” (Tặng cô đầu Văn), lại nói với cô đầu Khanh: “Thế thượng tri âm tối nan đắc/ Độc khanh tri ngã, ngã tri khanh” (Ở đời rất khó gặp tri âm/ Chỉ có nàng biết ta, ta biết nàng – Gặp cô đầu Khanh). Thơ hay ý đẹp cũng là của khách phong lưu sớm mận tối đào.
Còn Nguyễn Công Trứ, cho dù ca trù không phải là chủ đề sinh mệnh, những cuối cùng nó vẫn là một phong cảnh không thể thiếu trong cuộc đời phong lưu ngất ngưởng của ông. Vài lời rót mật cũng khiến nhiều cô đào ôm mối tương tư : “Trót đa mang khúc hát cung đàn/ Nên dan díu mối tình chưa dứt/ Sá nghĩ xa xôi nghìn dặm đất/ Tiếc công đeo đẳng mấy năm trời/ Khi ra vào tiếng nói giọng cười/ Một ngày cũng là người tri kỷ” (Ca tự biệt).
Nhưng vốn là khách đa tình chứa hơn mươi cơ thiếp, trái tim có dừng lại nơi ai. Tài tử giai nhân nên giai thoại với cô đào Hiệu Thư ngỡ là câu chuyện đẹp của trùng phùng cố nhân, nối lại duyên cũ, nhưng cuối đời, anh hùng đa tình vẫn nạp thêm vợ trẻ, trong niềm đắc ý thỏa chí phong lưu:

Kìa những người mái tuyết đã phau phau
Run rẩy kẻ tơ đào còn mảnh mảnh
Trong trướng gấm ngọn đèn hoa nhấp nhánh
Nhất tọa lê hoa áp hải đường

Tuổi già lấy vợ hầu, Nguyễn Công Trứ

Minh họa đào nương ca trù
Ngoảnh đầu nhìn lại, ý tình cũng chỉ là lúc vui cuộc rượu cung đàn. Nàng đào ê hề tấm thân bồ liễu mặc người ngắt bẻ, bàng hoàng duyên tình bạc bẽo mặc người đùa chơi. Để rồi nàng tự an ủi thân tâm bằng cách dấn thân vào những cuộc chơi mới, cứ thế tuần hoàn bi kịch đời mình trong trầm luân lưu lạc:

Sách có chữ vô tình tiễn biệt,
Khách với mình xưa quen biết chi nhau.
Quê quán đâu mà nhà cửa ở đâu,
Ngán vì nỗi nước lã ao bèo thêm đểnh đoảng.
Dưới nguyệt chén quỳnh khi thắng thưởng,
Tôi hát chơi mà khách cũng nghe chơi.
Thảm thiết chi mà giọt ngọc tuôn rơi,
Mai mốt đã ngược xuôi người một xứ.
Cô nhạn nam phi hồng bắc khứ,
Nhàn vân tây vãng thuỷ đông lưu.
Khách về nhà đã có bạn khâm trù,
Vui vẻ đêm thu cùng mở tiệc.
Đây cũng ôm cầm theo liễu mạch,
Thú cầm ca còn lắm khách vui chơi.
Kìa kìa cá nước chim trời

Cuốn Chiếu Nhân Tình Hết, Khuyết Danh

Đây có chăng là bài hát nói do chính một đào nương sáng tác, vậy mới lột tả chân thực tâm tình người ca kỹ đến vậy, nên đề tự mới khuyết danh? Còn nàng ca kỹ trong thơ Xuân Diệu, ảnh hưởng bầu không của con người lãng mạn đầu thế kỷ 20, nên đem cõi lòng cô độc mà hành động mãnh liệt, tha thiết níu kéo bước chân du khách:

Khách ngồi lại cùng em thêm chút nữa
Vội vàng chi, trăng sáng quá, khách ơi
Đêm nay rằm, yến tiệc sáng trên trời
Khách không ở, lòng em cô độc quá

Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da

Để rồi ngần ấy thiết tha da diết cũng không giúp nàng đổi mệnh. Tình cảm của nàng vẫn đi vào ngõ cụt với bến đợi mênh mang, nức nở sầu thương như các tiền bối trăm năm trước:

Người giai nhân: Bến đợi dưới cây già
Tình du khách: Thuyền qua không buộc chặt

Lời Kỹ Nữ, Xuân Diệu

Đào nương ca trù

Khi phong lưu lãng mạn vượt ngoài cương tỏa, sẽ đẩy đưa đến những kết cục bất hạnh, mà trong một xã hội nam quyền thì phần thiệt thường thuộc về người phụ nữ. Thế nhân đều nói ả đào đa tình, tô son dặm phấn, đem giọng ca lả lơi giữ chân vãn khách. Nhưng dẫu cố gắng chiều lòng khách chơi nhường nào, nàng ta vẫn chỉ là vật mua vui cho người, sống một đời như bèo trôi không nơi bám rễ. Tụ tán chẳng nơi nương tựa, không thể làm chủ vận mệnh của mình.

Thế gian muôn hình vạn trạng, kẻ đến người đi, ai nói rõ được là ai lợi dụng ai. Các thi nhân có mối giao tình sâu đậm với ả đào, dốc lòng vui chơi đó nhưng cũng hững hờ tỏ lòng khinh bạc đó. Nghe chót lưỡi đầu môi thề hẹn, làm hoa vô chủ giữa đường, cuối đời heo hút đói nghèo như đào nương trong Điếu La Thành ca giả của Nguyễn Du.

Núi cao sông dài, mỗi con đường đi qua đều chẳng thể vãn hồi. Những nhục nhã ê chề đằng sau chiếu hát cung đàn đưa ca trù bước vào thời mạt vận, chẳng còn mấy ai tìm đến ca trù chỉ để thưởng thức một bài từ, một điệu nhạc. Những yêu thương sân hận vẫn từng phút lướt qua nơi cung đàn chiếu nguyệt, trên chiếu là thanh tao, ngoài chiếu là nhục dục. Nhã và tục đến mức cùng cực, đọng lại thành một quang cảnh ủ ê lởn vởn sau nhịp phách hương đàn. Trong mắt người đương thời, ca trù như một viên ngọc trong đã nhuốm đục.
Rồi cùng những biến dời không tưởng cuối thế kỷ 20, tiếng đàn đáy cùng giọng oanh đã thôi ứ hự nơi quán hát xóm đàn một thưở lừng danh. Chỉ còn những âm vọng phảng phất nơi hoang tường phế tích, trong câu văn và chuyện kể của những con người đa tình thời đại.
Trong văn thơ của khách nhân đa tình phảng phất một bóng dáng, say đắm phong tình. Rồi nàng soi gương điểm trang, chợt thấy tuyết sương điểm màu tóc xưa, tháng năm khắc lên mày mắt.
Tuổi xuân tạ từ, người xưa bái biệt.
Chỉ còn những ngóng đợi lỡ làng, lênh đênh bèo bọt ở lại cùng nàng.

Tham khảo:
– Ca trù, phía sau đàn phách của Nguyễn Xuân Diện, Nhà xuất bản Phụ nữ.
– Luận văn Nhân vật ả đào, từ cuộc sống đến thơ văn của Đào Duy Anh

Chú thích:
(1) Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị lấy thưởng lụa để nói lên phong hoa vô hạn của người ca nữ:
Ngũ lăng thiếu niên tranh chiền đầu
Nhất khúc hồng tiêu bất tri sổ
Dịch nghĩa:
Những thiếu niên Ngũ lăng tranh nhau đưa gấm quấn lên đầu
Một khúc đàn được thưởng không biết bao nhiêu lụa đỏ
Tỳ bà hành – Bạch Cư Dị

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Mythz
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share