Ma Cà Rồng Việt Nam – Kỳ 2: Ma Lai và Tà thần Phạm Nhan

Tác giả Huyết Vy
Ma Cà Rồng Việt Nam – Kỳ 2: Ma Lai và Tà thần Phạm Nhan

1. Ma Lai Rút Ruột, một loại Ma Cà Rồng Việt Nam

Đi về vùng rừng núi Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, lẩn lút trong nước độc rừng thiêng và những câu chuyện kể lúc canh khuya, cũng có một giống “ma cà rồng Việt Nam”, chuyên đi tìm hút tinh huyết con người với tên gọi Ma Lai Rút Ruột

Chúng thường xuất hiện với một quả đầu phụ nữ nối lủng lẳng khí quản với nội tạng, không thân thể, chân tay bao bọc. Cơn đói khát được phô trương bằng bộ lòng đầy đủ tim, gan, ruột, dạ dày, nhầy nhụa máu thịt hoặc phát ra ánh sáng nhẹ.

Tương truyền rằng, cũng như Phí Phông, Ma Lai hiển hiện dưới hình hài một cô gái đẹp, cổ cao 3 ngấn. Dân làng đồn đoán những cô gái có làn da trắng dị thường, hay dùng khăn choàng hoặc trang sức giấu đi ngấn cổ, với thậm chí cả chồng mình, chính là hiện thân của Ma Lai. 

Những đêm trăng khuyết, Ma Lai hiện hình khi đầu tách ra khỏi cơ thể, mang theo bộ lòng la đà khắp nơi kiếm ăn. Trong cùng cực cơn đói, nó quét sạch tất cả những gì đầy máu, xú uế và ghê tởm bắt gặp từ quần áo, trẻ em đến xác chết động vật phân huỷ, thậm chí phân người…

Ma Lai Rút Ruột. Ma Cà Rồng Việt Nam

Người bị chúng ăn phải phân sẽ bị bệnh tiêu hóa, trở nặng nhanh chóng và kết cục là cái chết trong tình trạng bụng trương phềnh và nội tạng hư hao. Ma Lai đi ăn trong đêm nhưng phải trở về cơ thể trước giờ Dần, trước khi ánh mặt trời thiêu hủy phần ruột; hoặc nếu cơ thể bị thay đổi vị trí thì Ma Lai cũng không thể nhập đầu vào.

Thực ra, con ma lòi ruột này đã xuất hiện từ lâu và không mấy xa lạ với đêm đen vùng Đông Nam Á. Được nhiều người mệnh danh là Ma Cà Rồng của miền Nam Việt Nam, nhưng khi bay đến từng vùng đất chúng sẽ có những tên gọi khác nhau. Thậm chí hình dung về ma nữ đầu bay còn vượt Thái Bình Dương, đến tận quốc đảo mặt trời mọc dưới cái tên Rokurokubi. 

Rất giống Phí Phông và Ma Lai Rút Ruột, Rokurokubi ở trong hình dạng một phụ nữ xinh đẹp động lòng người. Khi đêm xuống, ả hiện nguyên hình ma nữ với cái cổ dài vắt vẻo như sợi cao su. Chẳng những vậy, Rokurokubi còn chia làm hai loại khác nhau: cổ rắnđầu bay.

Con cổ rắn truy tìm những ham muốn thể xác và tinh thần trú ngụ trong cơ thể đàn ông khỏe mạnh rồi hút hết nguyên khí. Còn đầu bay lại nguy hiểm hơn với cái đầu có thể tách rời hoàn toàn ra khỏi cổ để bay lượn khắp trời đêm săn máu thịt.

2. Tà Thần Phạm Nhan

Câu chuyện quanh đóm lửa lại dẫn dắt chúng tôi từ vùng rừng núi phía Tây xuôi về sông nước phương Đông, để lại bắt gặp một con ma hút máu, lẩn lút trong tín niệm dân gian quanh vùng đất thiêng Kiếp Bạc của Đức Thánh Trần. Khác với lai lịch mơ hồ của những con Phí Phông, Ma Cà Rồng và Ma Lai Rút Ruột, con ma chốn này lại có nguồn gốc, tên gọi và miếu thờ hẳn hoi: Tà thần Phạm Nhan.

Cách đây chừng bốn thập kỷ, cách đền Kiếp Bạc khoảng 25 km về phía Đông, có một miếu nhỏ bên dòng Thanh Lương, xã An Bài, Đông Triều, Quảng Ninh, bên trong thờ tượng một con đỉa. Theo truyền thuyết dân gian và ghi chép của nhiều điển tịch cổ, phổ biến nhất là Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, thì con đỉa ấy chính là âm hồn bất tán của Phạm Nhan – một tướng giặc Nguyên tinh thông tà thuật. 

Tên giặc ấy có cha Tàu mẹ Việt nhưng lại đầu quân cho Mông Nguyên, dẫn giặc về nhà. Lúc sống thì dùng âm binh, hô mưa gọi gió, chỉ bị trói khi dùng chỉ ngũ sắc, đến khi chết dưới thần kiếm thì các mảnh thân xác hóa thành đỉa chuyên đi hút máu, đặc biệt là máu phụ nữ theo lời nguyền sau cuối của Hưng Đạo Vương. 

Lại có lời đồn rằng, đầu của Phạm Nhan bị quăng xuống sông Thanh Lương. Dân chài quăng lưới chỉ vớt trúng  đầu quỷ mà chẳng thấy cá đâu. Trong nỗi sợ hồn ma quấy quả, họ đem chôn đầu giặc ở cạnh bờ sông, vô tình dẫn đường cho hồn ma ác quỷ hiện về vùng Đông Triều tác oai tác quái.

Tà Thần Phạm Nhan, Ma Cà Rồng Việt Nam

Căm giận lời nguyền của Hưng Đạo Vương, nó ám ảnh và gây bệnh cho những phụ nữ trong vùng, khiến sản phụ mắc chứng sản hậu hay sinh con yếu tử, mà cách chữa trị duy nhất là đem chiếu mới lên đền Kiếp Bạc đổi lấy chiếu cũ về nằm.

Những dị bản sinh ra những tình tiết khác nhau, tuy nhiên đều xoay quanh một tên tướng giặc giỏi phù thuật, cuối cùng chết bất đắc kỳ tử dưới kiếm thần của Hưng Đạo Vương, âm hồn không tan mà chuyên đi hút máu, quấy quả phụ nữ trong vùng. 

Đó là câu chuyện được kể lại và viết lại, trong kết cấu chung là báng bổ kẻ phản bội độc ác và sùng bái công ơn cứu nước của bậc vĩ nhân. Nhưng khi tạm tách câu chuyện khỏi thực tế lịch sử để bước vào cõi phiêu linh của quyền phép, ta lại thấy đằng sau tên tà thần đi khắp nơi hút máu đàn bà đó phảng phất bóng hình con Ma Cà Rồng Việt Nam – Ma Lai Rút Ruột vốn đã ẩn ức lâu đời trong tâm tưởng dân sở tại. 

Thay vì để cảnh tỉnh con cháu về tội ác của Phạm Nhan như một số trang truyền thông lý giải, thì có lẽ ngôi miếu thờ đỉa được dựng lên phát nguồn thực tâm từ nỗi sợ ác quỷ hút máu. Theo bóng phủ của Nho giáo, quan niệm về thần thường là những phúc thần ngự trị chốn linh thiêng, phù trợ và bảo hộ thay vì đe dọa con người. 

Vậy mà miếu thờ tà thần Phạm Nhan giữ được hương hỏa đến 500 năm (khoảng năm 1980 mới bị dỡ bỏ) có chăng là một sự tồn tại song hành cùng đền Kiếp Bạc. Trong mối tương quan đó, mọi tà thuật của Phạm Nhan đều bị hóa giải dưới thần uy của Đức Thánh Trần, căn bệnh Phạm Nhan được chữa khỏi bằng chiếu thờ ở đền thiêng Kiếp Bạc – một sự đối kháng lẫn dung hòa như có đen mới phân được trắng, có ác mới thấy được thiện.

Trong bài viết Ma Cà Rồng Việt Nam – Kỳ cuối, chúng ta sẽ cùng giải thiêng “căn bệnh” Phạm Nhan và đưa Ma Cà Rồng từ tín niệm dân gian bước ra ánh sáng hiện đại.

Xem thêm:

Ma Cà Rồng Việt Nam – Kỳ 1: Phí Phông và người Lạo đầu bay

3. Một ghi chép khác về “Ma Cà Rồng”: Người Lạo đầu bay

Đền Thờ Kiếp Bạc

Art Director Lê Minh
Artist Lê Lâm
Graphic Designer Nhím 
Editor Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share