Bộ tranh về các phúc thần ở vùng đất Lĩnh Nam (bao gồm miền Bắc Việt Nam ngày nay) từ kỷ Hồng Bàng đến thời nhà Nguyễn thống nhất của Họa sĩ Ấm Chè Phan Thanh Nam.
1. Hồ ly phu nhân (狐狸夫人)
Hồ ly phu nhân (狐狸夫人) hay Bạch Hồ thần nữ (白狐神女) là một nữ thần hộ quốc nhà Lê.
Tương truyền, vua Lê Thái Tổ lúc mới dấy nghĩa nhiều phen thất thế thua chạy. Một lần vua chạy giặc, đương không biết trốn đường nào thì thấy xác một cô gái chết ven đường. Ngài lấy gươm đào mộ chôn xác cô gái và cầu khấn linh hồn người chết phù hộ cho mình tai qua nạn khỏi. Vừa khấn xong là giặc tràn tới. Nhà vua thấy một cái thân cây rỗng, liền nấp vào đó.
Chó săn của giặc ngửi thấy mùi đứng trước thân cây ấy nên sủa inh ỏi cả lên. Giặc nghi ngờ bèn phóng giáo đâm xuyên thân cây trúng đùi vua. Vua nhanh trí nhịn đau lấy áo lau vết máu trên mũi giáo. Giặc định đâm giáo vào nữa thì thình lình có một con cáo trắng từ sau gốc cây chạy ra. Đàn chó cứ thế đuổi theo con cáo và sủa ầm ý. Giặc cho rằng chó theo mùi cáo, không ngờ có người nấp trong thân cây nữa.
Nhà vua thoát nạn, cho rằng linh hồn người con gái ấy hiển linh hóa thành con cáo trắng cứu mình. Ngài đến mộ vái lạy tạ ơn. Ngày sau, đánh tan giặc lên ngôi vua, nhớ ơn cũ vua sắc phong bà là Hồ Ly phu nhân, hay Bạch hồ thần nữ.
Cuối thế kỷ 18, nhà thơ Phạm Đình Hổ thuật lại:
Những buổi chầu trong điện không bị ngăn cấm người ngoài vào xem. Ta khi nhỏ thường hay vào sân rồng, thấy bên võ ban có đặt pho tượng Hộ quốc phu nhân. Tượng ấy đầu người thân hồ ly, dáng rất đẹp, hình dung một thiếu nữ búi tóc, cài trâm.
2. Hồi Thiên thần vương (洄天神王)
Hồi Thiên thần vương (洄天神王) nguyên hiệu là Lý Đô Úy, không rõ là người đời nào, cũng chẳng biết họ tên, nhân qua sông Thiên Mạc bị sóng gió chìm thuyền mà chết. U vân chẳng tan, thường ở sông bến, gặp lúc gió mát trăng thanh thì nghe tiếng cười nói ở trên không, lại có tiếng đàn ca nữa.
Một hôm từ trời cao có một người trai tráng hiện ra cáo với dân thôn rằng: “Tạ ơn thượng đế sắc phong ta làm thần giữ cửa sông này.”
Dân thôn thấy điều phi thường bèn lập đền cúng tế. Mỗi tháng đến rằm, lại có một con rắn trắng mão vàng từ dưới vực nước bò lên đền nằm khoanh tròn ở đó. Thôn dân tôn là Minh Chủ phúc thần.
Khoảng năm Nguyên Phong, giặc Thát Đát qua đánh vây hãm kinh đô. Xa giá vua Trần Thái Tông phải ngự ra ngoài, thuận theo dòng sông trôi đi, đến bãi Thiên Mạc thì cắm thuyền mà nghỉ.
Đến đêm, vua mộng thấy thần tới bảo rằng: “Bệ hạ hà tất phải đi xa nữa? Mọi sự ở đây đã có thần lo liệu.”
Vua tỉnh dậy, bảo quan Trung sứ lên trên đền để đốt hương vái thần xin đừng cho giặc đến. Quả nhiên giặc đánh cướp nhiều nơi nhưng không phạm được đến nơi ấy. Chẳng bao lâu sau, vua kéo quân về kinh dẹp tan giặc.
Sau đó, vua luận công ban thưởng bèn sắc phong thần làm Hồi Thiên thần vương. Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, gia phong hai chữ Trung Liệt. Năm thứ tư, gia phong bốn chữ Uy Vũ Trợ Thuận.
3. Chứng An Vương (烝安王)
Chứng An Vương (烝安王 ) hay Chứng An Minh Ứng Hựu Quốc Công, vương nguyên họ tên là Lý Phục Man là tướng của Lý Nam Đế. Nhờ sự trung liệt mà được vua biết đến, sai trấn thủ hai dải sơn hà Đỗ Động và Đường Lâm. Giặc mọi sợ uy mà một phương yên ổn. Đến khi chết thì hóa thành thần.
Nhân vua Lý Thái Tổ đi tuần phương đến sông Sở Bộ Đầu. Thấy cảnh hùng vĩ yên bình, tâm thần cảm hứng đoán rằng đất có nhân kiệt u linh bèn rót ly rượu đổ xuống sông mời hưởng. Đêm ấy, vua mộng thấy một dị nhân cao lớn, mặt hổ râu rồng, y phục trang nghiêm, chỉnh tề bước vào cúi lạy.
Vua hỏi danh tính, công trạng thì thần thuật lại mỗi lần nước nhà xuất quân chinh phạt, thần ở trên không đem quỷ binh tới trợ ám giúp Ngô Tiên Chúa (Ngô Quyền) đại phá quân Nam Hán, giúp Lê Đại Hành đánh Tống bình Chiêm, thảy đều có công. Đến lúc vua tỉnh mộng, bèn sai người trong châu lập đền thờ, tạc tượng thần y như đã trông thấy trong mộng, sắc phong làm phúc thần một phương.
Đến thời Nguyên Phong (lúc nhà Trần mới lập), giặc Thát Đát vượt biên xâm hại. Chúng tiến qua miếu thần thì đột nhiên ngựa què không tiến được nữa. Thôn dân thấy vậy cho rằng có sức thần ám trợ mới kéo dân chúng ra cự chiến, chém được đầu giặc rất nhiều. Giặc thua chạy, từ đó không dám qua ngả đó nữa.