Rồi trong đời sống nông nghiệp lam lũ, có thể một lúc nào đó, người nông phu Việt sau buổi cày mệt nhọc tìm đến nương trú dưới bóng cây và thấy được hồi sức nhanh chóng. Chẳng một kiến thức khoa học nào giúp anh ta hiểu rằng, cảm giác khỏe khoắn đến từ việc phổi hấp thụ được nhiều dưỡng khí do cây nhả ra lúc quang hợp. Thế là cây được anh gán thêm một quyền năng màu nhiệm là truyền năng lượng, hồi sinh lực. Con người dần dà sinh lòng biết ơn và kính phục cây.
Như vậy, niềm tin sơ khởi về tính linh của cây là do cây tự thân tác động chứ không thông qua can thiệp của bất kỳ thần thánh ngoại lai nào. Ý niệm này đến nay vẫn còn ghi dấu và lưu truyền trong một số tập tục, sử thi, thư tịch trên đất Việt.
Nếu áng mo Mường, Đẻ đất Đẻ nước tôn thờ cây si là vật tổ sinh ra giống loài thì dân bản địa Trường Sơn – Tây Nguyên coi cây gạo là trục vũ trụ có thể truyền đạt lời khấn cầu cõi tục lên thiên đàng. Với lời sấm truyền tiên báo hoàng vị của Lý Công Uẩn được ghi chép trong Thiền uyển tập anh, cây gạo cũng được xem là cây thiêng trấn trụ long mạch, là thiên sứ mang thông điệp của Trời.
Trong những diễn biến tiếp theo, khi một biến cố tai ương tình cờ ập đến. Những người vốn đã đem lòng kính cây bèn mặc định nó do cây thiêng thao túng. Hoang mang và yếu đuối trước những thế lực vô hình có thể đem lại tai họa, đe dọa sinh mạng giống loài, con người bước vào hành trình sùng bái, thờ phụng “thần cây”.
Theo dòng phát triển của đời sống tâm linh, quyền lực siêu nhiên của cây thiêng được cá thể hóa với hiện thân, ngôi vị. Và rồi ta có một vị thần hình thành cùng với cây, dẫu dần tách rời khỏi cây và chỉ ở trong cây như là một nơi trú ngụ.
Khi bắt đầu xem cây là trú sở của thần, người ta thờ dưới cây thiêng những vị thần độc vốn dĩ đã được sùng kính trước đó – những vị thần mà chẳng còn liên quan gì đến các đặc tính sinh lực hay tạo lửa của cây.