Nhắc tới Tam Quốc là nói đến Ngụy, Thục, Ngô. Nhắc tới Ngụy, Thục, Ngô là nhắc đến Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền. Trong ba người đó, Lưu Bị có vẻ kém nhất. Lưu Bị không có tài lược, không giỏi mưu mẹo. Lưu Bị có đức độ nhưng cái đức độ đó cũng có nhiều vấn đề. Thế nhưng gian hùng số một thiên hạ thời Tam quốc lại từng nói với Lưu Bị: “Anh hùng thiên hạ chỉ có sứ quân và ta mà thôi”. Câu nói của Tào Tháo khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu, không khỏi nghĩ rằng Tào Tháo khen ngợi quá đáng. Vậy Lưu Bị là con người như thế nào? Lưu Bị có phải là anh hùng không?
Kỳ trước: Câu đố gian hùng.
Nói Lưu Bị là anh hùng, nhiều người trong chúng ta sẽ không cho là như vậy. Lưu Bị thì anh hùng ở chỗ nào? Lưu Bị đánh trận hay thua, gặp giặc hay chạy, thấy việc hay khóc. Đó là tính cách của đàn bà, hơn nữa, nếu là đàn bà cũng chưa chắc ai cũng hành xử yếu đuối như Lưu Bị. Lưu Bị thấy việc hay ngại, mưu hay không quyết, gặp việc gì hơi không hợp với đạo đức thì lại chần chừ, rất nhiều lần Lưu Bị đã bỏ qua cơ hội tốt để phát triển, điều đó khiến cho con đường sự nghiệp của Lưu Bị vốn không thuận lợi lại càng dài ra và quanh co khúc khuỷu.
Nói Lưu Bị là người nhân đức thì còn nghe được, bảo Lưu Bị là anh hùng chẳng đáng tức cười sao? Có điều, Lưu Bị mà chúng ta hay nghĩ tới là Lưu Bị ở trong văn học, là Lưu Bị do La Quán Trung dựng lên. Tay Lưu Bị ấy hoàn toàn không giống với tính cách của Lưu Bị ở trong lịch sử.
Lưu Bị trong lịch sử không hề mềm yếu, ngược lại tính cách rất mạnh mẽ. Đọc Tam quốc diễn nghĩa, ta thấy Lưu Bị rất hay khóc. Đó là sự sáng tạo của La Quán Trung. Trong Tam quốc chí, Tiên chủ truyện, Lưu Bị không hề khóc. Sử gia Trần Thọ cho biết Lưu Bị “ít nói, mừng giận không lộ ra mặt”. Người ít nói có thể là nhút nhát, nhưng nếu ít nói mà lại mừng giận không lộ ra mặt thì rõ ràng là người có tâm cơ, lòng dạ khó dò.
Lưu Bị cũng không hèn nhát mà còn biết nổi nóng, hơn nữa khi nổi nóng thì cơn giận giáng xuống như sấm sét, bất chấp tất cả. Tam quốc diễn nghĩa có chuyện Trương Phi đánh Đốc bưu. Thật ra Trương Phi bị oan, người đánh Đốc bưu chính là Lưu Bị. Đốc bưu là quan chức, không phải tên người. Tam quốc chí, Tiên chủ truyện, kể sau lúc đánh Khăn Vàng, Lưu Bị được phong huyện úy huyện An Hỉ nước Trung Sơn. Lúc đó có viên quan Đốc bưu nhân việc công đi ngang qua huyện. Lưu Bị xin gặp không được, nổi nóng xông vào lôi Đốc bưu ra đánh hai trăm trượng, lại cởi dây thao đỏ buộc vào trước cổ ngựa, bỏ quan chạy trốn.
Bùi Tùng Chi chú dẫn Điển lược nói lúc đó có tin những người nào nhờ quân công mà được làm quan lại sẽ bị sa thải hết. Lưu Bị nghĩ rằng mình cũng ở trong số đó, nên mới muốn yết kiến Đốc bưu (chắc có ý muốn hối lộ). Đốc bưu đang bị bệnh nằm trong nhà khách nên không ra tiếp. Lưu Bị mới nổi giận kéo bọn nha dịch tới, phá nhà khách, lôi Đốc bưu ra đánh rồi bỏ quan chạy trốn. Trên thực tế, Lưu Bị không phải là người nhút nhát mà là kẻ dám nghĩ dám làm.
Thứ nhất, Lưu Bị có hùng tâm. Tiên chủ truyện kể trước nhà của Lưu Bị có cái cây tán lá nhô ra như cái xe nhỏ. Lưu Bị lúc còn bé cùng đám trẻ chơi đùa từng có nói: “rồi có ngày ta nhất định ngồi trên cái xe có lọng như thế này”. Đương nhiên, chuyện trên đây chưa chắc là thật. Sử gia các đời khi viết về nguồn gốc đế vương thường hay chen vào những câu chuyện kiểu như thế. Có điều, Lưu Bị có chí lớn, muốn làm được một việc gì đó lại là sự thật.
Tam quốc chí, Trần Đăng truyện nói lúc Lưu Bị ở Kinh Châu đã từng “uống rượu luận anh hùng”. Một người là Hứa Dĩ nói:
“Trần Đăng vẻ oai phong nhưng bất chấp lễ nghĩa. Bỉ nhân đến Hạ Phì gặp ông ta, cả buổi ông ta chẳng nói câu nào với bỉ nhân, sau đó lên ngủ ở giường to để cho bỉ nhân ngủ trên giường nhỏ“
Lưu Bị đáp lại:
“Túc hạ có tiếng là quốc sĩ nhưng chỉ là hữu danh vô thực. Trong lúc thiên hạ đại loạn, đế vương phiêu bạt, người trong nước đều mong túc hạ thương nước quên nhà, tìm mưu cứu thế. Túc hạ ngược lại chỉ lo mua nhà tậu ruộng đó là điều Nguyên Long (Trần Đăng tự là Nguyên Long) thấy khinh bỉ, sao còn phải nói chuyện với túc hạ? Gặp được Nguyên Long là còn may chứ nếu gặp kẻ tiểu nhân như Lưu Bị thì Bị sẽ lên ngủ trên lầu cao vạn trượng mà để cho túc hạ nằm dưới đất!”
Thứ hai, Lưu Bị có hùng tài. Nói đến đây chắc có người sẽ hỏi: “Lưu Bị có tài gì? Ông ta đánh trận bại nhiều hơn thắng, không có dũng lực lại không có mưu mẹo, sao lại nói Lưu Bị có hùng tài?” Kỳ thực nói Lưu Bị vô dũng là sai. Điển lược chép “Bị người mạnh bạo, lại có uy”. Mưu sĩ của Tào Tháo là Đổng Chiêu cũng từng nhận xét “Bị dũng, chí lớn”.
Đọc Tam quốc diễn nghĩa ta còn nhớ chuyện Quan Vũ ba hồi trống chém chết Sái Dương. Kỳ thực theo Tam quốc chí, Tiên chủ truyện thì người chém Sái Dương phải là Lưu Bị mới đúng. Hơn nữa, người có hùng tài không nhất thiết phải có dũng lực vô song, không nhất thiết phải có mưu mẹo trùm đời. Hán Cao Tổ Lưu Bang là người ít mưu vô dũng, nhưng cuối cùng có thể thống lĩnh quần hùng, đoạt lấy thiên hạ là nhờ cái gì? Là nhờ biết dùng người, nói theo Hàn Tín là biết cầm tướng.
Điều kiện tiên quyết của nhà lãnh đạo là phải có sức hấp dẫn, lôi kéo người khác, ngưng tụ lực lượng; ngưng tụ được rồi, phải biết tận dụng họ, lấy dũng lực của họ làm dũng lực của bản thân, đem trí mưu của họ làm trí mưu của bản thân, lấy nhân tài làm vốn tranh thiên hạ. Người có thể làm điều đó mới xứng đáng gọi là hùng tài chân chính. Lưu Bị chính là một người như thế.
Viên Thiệu từng nói Lưu Bị “rộng rãi, có tín nghĩa”. Trình Dục, mưu sĩ của Tào Tháo cũng có nói “Bị hùng tài và được lòng dân”. Lưu Bị được lòng dân, vì ông đối nhân chân thành. Hồi còn trẻ, Lưu Bị đã được nhiều người trẻ tuổi vây quanh. Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền của ra nuôi nấng, giúp đỡ Lưu Bị. Lúc làm Bình Nguyên tướng, trong châu đói kém, Lưu Bị bên ngoài dẹp giặc cướp, bên trong thì chẩn cấp, từ binh sĩ tới thủ hạ đều cho ăn cùng mâm, không phân biệt gì cả nên người theo về rất đông. Người cùng với Lưu Bị ăn cùng mâm, ngủ cùng giường rất nhiều, không chỉ có Quan Vũ, Trương Phi.
Ngụy thư viết lúc đó có người trong quận là Lưu Bình hận Lưu Bị, thuê thích khách giết Bị. Lưu Bị không biết, tiếp đãi người đó rất hậu hĩnh. Thích khách cảm động, không giết Lưu Bị lại nói cho Bị biết rồi bỏ đi. Tam quốc chí, Tiên chủ truyện nói: “Tiên chủ được lòng người đến như thế”
Lưu Bị không chỉ được lòng kẻ dưới mà còn được lòng người trên. Anh hùng ký nói lúc Lưu Bị mất Từ Châu, trở về nương nhờ Lã Bố, thủ hạ của Lã Bố khuyên nên giết Bị. Lã Bố không nghe, lại còn nói lại với Bị. Lưu Bị từng theo Điền Khải chống Viên Thiệu, nhưng lúc chạy sang với Viên Thiệu thì “cha con Thiệu dốc lòng tôn kính trọng vọng”. Viên Thiệu sai quân các lộ chỉnh tề ra đón, bản thân thì ra ngoài thành hai mươi dặm để nghênh tiếp. Lưu Bị tới Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu, Lưu Biểu cũng đã ra ngoài thành đón Bị. Lưu Bị được lòng người, đó là vốn liếng lớn nhất. Nhờ đó mà dù cho mấy lần thua trận tan tác, mất hết tất cả, Lưu Bị đều có thể Đông Sơn tái khởi, cuối cùng cùng với Tào Tháo, Tôn Quyền chia ba thiên hạ.
Lưu Bị cũng không thể nói là người không có mưu mẹo. Đương nhiên nếu so với Tào Tháo, Lưu Bị quả không thể bằng. Sử gia Trần Thọ cũng đã nhận thấy điều đó, ông ta nói Lưu Bị “cơ mưu tài cán không theo kịp Ngụy Vũ, bởi thế cơ nghiệp xây dựng được cũng hạn hẹp”. Đương nhiên Tào Tháo là kỳ tài trăm năm khó gặp, văn võ song toàn. Lưu Bị từng nhận xét: “Tào Tháo dùng binh phảng phất Tôn, Ngô”. Hơn nữa, dưới trướng Tào Tháo còn có vô số mưu sĩ như bọn Tuân Úc, Quách Gia, Giả Hủ đều là nhân tài đệ nhất thiên hạ, bụng đầy kỳ chiêu. Tào Tháo có họ như hổ chắp thêm cánh. Lưu Bị làm sao có thể bì kịp Tào Tháo. Có điều ngay cả Tào Tháo cũng phải e ngại Lưu Bị, vì Lưu Bị có nhiều chiêu hiểm. Nhiều trận đánh nổi tiếng trong Tam quốc diễn nghĩa được La Quán Trung quy công cho Gia Cát Lượng, thực ra đều là do Lưu Bị đánh.
Như hỏa thiêu gò Bác Vọng, lúc diễn ra trận đó thì Khổng Minh vẫn chưa xuất sơn. Tam quốc chí, Tiên chủ truyện nói trước lúc Tào Tháo đánh Ô Hoàn, Lưu Biểu phái Lưu Bị đi chống cự hai tướng Vu Cấm, Hạ Hầu Đôn ở Bác Vọng. Một sớm Lưu Bị đốt đồn giả vờ rút lui. Đôn, Cấm truy kích, bị phục binh của Lưu Bị đổ ra đánh tan.
Trận Hoa Dung cũng vậy, không phải Khổng Minh khéo tính đường Hoa Dung mà là Lưu Bị khéo tính đường Hoa Dung. Sơn Dương công tái ký nói Tào Tháo bại trận ở Xích Bích, cho quân chạy theo đường nhỏ Hoa Dung, đường hẹp lại xấu, hành quân rất khổ sở. Vừa qua khỏi đường nhỏ thì lửa bốc lên, Tào Tháo rất mừng. Bộ hạ hỏi Tháo, Tháo nói:
“Lưu Bị xứng đáng là đối thủ của ta, có điều hành động hơi chậm chạp. Nếu y phóng hỏa sớm hơn một chút, chúng ta đã chết rồi vậy”
Lại như trước trận chiến Quan Độ, Lưu Bị một mặt chiếm Từ Châu, mặt khác xui Viên Thiệu đánh Hứa huyện. Nếu như Tào Tháo đánh Lưu Bị trước, Hứa huyện ắt bị Viên Thiệu uy hiếp. Nếu Tào Tháo kháng cự Viên Thiệu, Lưu Bị sẽ có thời gian củng cố lực lượng, hai mặt giáp kích. Đó quả thực là một chiêu hiểm. Có điều Viên Thiệu chần chừ, Tào Tháo lại thông minh nên Lưu Bị mới bại.
Thực tế chứng minh, trong suốt cuộc đời Tào Tháo, người có thể gây rắc rối cho ông ta, đánh bại được ông ta nhiều lần chỉ có Lưu Bị. Tào Tháo đánh Đào Khiêm, Lưu Bị tới cứu Đào Khiêm, còn chiếm luôn Từ Châu. Tào Tháo vừa nuốt Lã Bố, phá Viên Thuật, Lưu Bị liền chiếm lại Từ Châu, xui Viên Thiệu đánh úp Hứa huyện. Tào Tháo bối rối ở Quan Độ, Lưu Bị liền kích động lực lượng phản Tào ở Nhữ Nam. Tào Tháo vừa bình định được Hà Bắc, Lưu Bị liền đánh úp phía Nam, hỏa thiêu gò Bác Vọng, đánh bại Vu Cấm, Hạ Hầu Đôn. Tào Tháo Nam chinh, vừa bức hàng được Lưu Tông, thu được mấy quận Kinh Châu, Lưu Bị liền liên kết với Tôn Quyền đại phá Tào Tháo ở Xích Bích. Tào Tháo vừa mới bình định Trương Lỗ, thu phục Hán Trung, Lưu Bị liền đem quân ra đoạt, còn giết chết đại tướng Hạ Hầu Uyên. Tào Tháo vào Hán Trung kháng cự, Lưu Bị dựa vào địa thế hiểm yếu bức lui Tào Tháo.
Bạn xem, Tào Tháo văn võ song toàn là kỳ tài trăm năm khó gặp, dưới trướng Tào Tháo mưu sĩ như mây, mãnh tướng như mưa, đất đai rộng rãi, lương thực dồi dào, binh mã đầy đủ. Vậy mà Tào Tháo không thể thống nhất Trung Quốc, hoàn thành tâm nguyện, ngược lại phải ngồi nhà làm thằng giặc già đợi chết, cam tâm nhìn thiên hạ chia ba, bị người đời sau chửi là Hán tặc là vì cớ gì?
Vì cớ còn có Lưu Bị.
Nhìn từ góc độ này mà xét, Lưu Bị quả thực là anh hùng, Tào Tháo nhìn người quả thực chính xác. E rằng trước khi chết, Tào Tháo cũng phải ngửa mặt lên trời mà than:
“Trời sinh cô, sao còn sinh Bị!”
Lưu Bị là anh hùng, không chỉ một mình Tào Tháo biết. Điều đó hầu hết các quân phiệt và mưu sĩ thời kỳ ấy đều biết, nhiều người đã nói như vậy. Người không coi Lưu Bị ra gì e rằng chỉ có Viên Thuật và chúng ta mà thôi!
Có điều vẫn còn có một chỗ khó hiểu đúng như ngài Dịch Trung Thiên đã nói trong cuốn Phẩm tam quốc: nếu Lưu Bị là anh hùng, Tào Tháo không nên nói thẳng ra như vậy. Lại nữa, nếu đã nói thẳng ra như vậy vì sao sau đó lại còn cho Lưu Bị ra ngoài, còn cho Lưu Bị mượn quân? Rốt cuộc trong lòng Tào Tháo đang nghĩ gì?
Tào Tháo khen Lưu Bị là anh hùng sánh ngang với mình rồi sau đó lại để Lưu Bị ra ngoài, quả thật rất khó hiểu. Vì sao Tào Tháo lại nói:
“Anh hùng thiên hạ chỉ có sứ quân và ta mà thôi”?
Ngài Dịch Trung Thiên cho rằng có ba khả năng: một là Tào Tháo lỡ lời, hai là gõ núi để trấn hổ, ba là trinh sát bằng hỏa lực. Có điều, nếu Tào Tháo lỡ lời thì vì sao sau này không sửa sai? Nếu Tào Tháo e ngại Lưu Bị nên gõ núi để trấn hổ, trinh sát bằng hỏa lực, vì sao còn cho Lưu Bị mượn quân, còn cho Lưu Bị ra ngoài?
Ngài Dịch Trung Thiên lại nêu ra hai khả năng: một là, có thể lúc đó Tào Tháo chưa gian hùng, hai là có thể Tào Tháo muốn có cớ đánh Lưu Bị. Nói như vậy cũng không ổn. Tào Tháo gian hùng ta đã thấy điều đó lúc Tào Tháo giết cả nhà Lã Bá Xa, không phải đợi đến sau này mới có. Tào Tháo e ngại Lưu Bị muốn trừ đi thì thiếu gì cách. Tào Tháo có thể giết ngay Lưu Bị, nếu sợ thiên hạ dị nghị thì có thể đặt Lưu Bị vào chức vụ nhàn tản, có quan vô quyền, sau này Chu Du cũng đã kiến nghị Tôn Quyền nên làm như thế. Nói Tào Tháo vì muốn có cớ đánh Lưu Bị mà cho mượn quân, để Lưu Bị làm loạn, khác nào bảo Tào Tháo đem cái bình cổ gia truyền đi ném chuột, muốn giết chấy rận lại đi đốt nhà. Như thế người ta gọi là rảnh rỗi không có việc gì làm, tự dưng lại đi chui đầu vào rọ. Đương nhiên Tào Tháo không ngốc như thế.
Điểm chúng ta thấy khó hiểu ở Tào Tháo vẫn còn nhiều. Như lúc hay tin Lưu Bị mượn quân, mưu sĩ của Tào Tháo là Đổng Chiêu tới can nói:
“Bị dũng, chí lớn, Quan Vũ, Trương Phi là vây cánh, lòng Bị thế nào thực chưa rõ”
Tào Tháo chỉ nói:
“Ta đã bằng lòng rồi, không tiện thay đổi”
Đến khi Trình Dục, Quách Gia cùng đến can, bảo rằng:
“Trước đây chúa công không giết, Dục chưa biết tính thế nào. Nay lại mượn quân, e có ý khác”
Tào Tháo cũng chỉ đáp:
“Muộn rồi, giờ có đuổi cũng không kịp”
Nghe qua khẩu khí của Tào Tháo rõ ràng có ý thoái thác. Lời của Đổng Chiêu, Trình Dục, Quách Gia quả rất có lý, vì sao Tào Tháo không nhìn ra nguy cơ, còn muốn lẩn tránh xử lý vấn đề Lưu Bị, giống như là sợ phiền phức? Chẳng phải cách đây không lâu Tào Tháo còn nói anh hùng thiên hạ chỉ có sứ quân và ta thôi sao? Sao bây giờ lại chẳng để tâm đến vấn đề Lưu Bị? Đến đây chúng ta lại muốn hỏi: thật sự thái độ của Tào Tháo đối với Lưu Bị vào lúc này là như thế nào?
Có hai cách nói. Ngô lục của Hồ Xung nói Tào Tháo nghi ngờ Lưu Bị, sai người dò xét chư tướng và tân khách đến ăn uống, muốn tìm cơ hội hại Bị. Lưu Bị cùng với người nhà đóng cửa trồng cải trắng. Tào Tháo lại sai người đục lỗ nhòm vào. Lưu Bị không chịu nổi mới cùng với bọn Trương Phi nhân đêm xé rào trốn đi.
Bùi Tùng Chi dẫn Ngô lục đã bác bỏ thuyết này. Ông nói: Ngụy Vũ Đế sai Tiên chủ (Lưu Bị) đi đánh Viên Thuật, bọn Quách Gia can ngăn, đó là việc hiển nhiên, sao Hồ Xung lại nói lời “trái lẽ đến quỷ quái như vậy”! Nếu Lưu Bị đã không vượt rào chạy trốn thì chuyện Tào Tháo nghi kỵ e không thể có. Ngược lại, Tam quốc chí, Tiên chủ truyện nói Tào Tháo rất hậu đãi Lưu Bị, tiến cử Lưu Bị làm Tả tướng quân, “lễ nghĩa càng trọng hơn, ra ngoài thì cùng xe, ngồi thì cùng chiếu”.
Trình Dục, Quách Gia đều khuyên Tào Tháo giết Lưu Bị. Tào Tháo đều không nghe. Kỳ thực mối quan hệ Tào Tháo – Lưu Bị cho tới lúc đó là rất tốt đẹp. Sau khi phá Lã Bố, quan hệ hai bên bước vào thời kỳ trăng mật, Tào Tháo rất sủng ái Lưu Bị, hoàn toàn không như Tam quốc diễn nghĩa đã mô tả.
Nói về quan hệ Tào – Lưu ta nên nói đến nguồn gốc. Đọc Tam quốc diễn nghĩa chúng ta có cảm tưởng Tào Tháo – Lưu Bị đã đối đầu nhau từ hồi Tào Tháo đánh Đào Khiêm. Sau khi Lưu Bị làm Từ Châu mục, Tào Tháo luôn tìm cách hãm hại Lưu Bị, nào là bày kế “hai hổ tranh ăn”, nào là lập mưu “xua hổ nuốt sói”. Chính Tào Tháo đã mạo chiếu chỉ của Hán đế bắt Lưu Bị đi đánh Viên Thuật, tạo cơ hội cho Lã Bố đánh úp Từ Châu. Về điểm này, Tào Tháo bị oan. Khi Lưu Bị ở Từ Châu, Tào Tháo không hề hãm hại Lưu Bị, càng không ép Lưu Bị đánh Viên Thuật, là Viên Thuật tự mình đem quân đánh Lưu Bị trước. Điều này Tam quốc chí, Tiên chủ truyện đã nói rõ. Cũng chính Viên Thuật là người viết thư xui Lã Bố đánh úp Từ Châu, thế nên Lưu Bị có hận thì chỉ có thể hận Viên Thuật.
Tào Tháo – Lưu Bị trước đó có đánh nhau mấy lần. Lúc dưới trướng Công Tôn Toản, Lưu Bị có ra đóng ở Cao Đường để bức bách Viên Thiệu, vì bấy giờ Viên Thiệu và Viên Thuật đang đánh nhau mà Thuật lại liên minh với Toản. Viên Thiệu ngược lại kết minh với Tào Tháo đánh bại bọn Bị, Toản. Lúc Tào Tháo đánh Đào Khiêm, Lưu Bị có theo Điền Khải cứu Đào Khiêm. Có điều, lúc đó Lưu Bị là thuộc hạ của Điền Khải, cũng như hồi ở Cao Đường là thuộc hạ của Công Tôn Toản, chỉ có thể coi là phụng mệnh hành sự, nếu Tào Tháo có tính tội thì phải trút lên đầu Công Tôn Toản và Điền Khải, còn lâu mới đến lượt của Lưu Bị
Thật ra mối quan hệ Lưu Bị và Tào Tháo khởi đầu tốt hơn chúng ta tưởng. Anh hùng ký nói cuối thời Linh Đế, Lưu Bị từng ở kinh đô, sau cùng với Tào Tháo quay về nước Bái, chiêu mộ binh mã; khi Linh Đế băng hà, thiên hạ đại loạn, Bị cũng khởi binh theo đánh Đổng Trác. Nói như vậy e rằng năm đó, người ở Thành Cao cùng với Tào Tháo hăm hở chém giết trong nhà Lã Bá Xa không phải Trần Cung mà chính là Lưu Bị vậy! Lưu Bị cùng với Tào Tháo có mối quan hệ tốt đẹp từ trước, hai người không có oán thù sâu sắc, gần đây lại là đồng minh đánh Lã Bố (lúc Lã Bố sai Cao Thuận, Trương Liêu đánh Lưu Bị, Tào Tháo đã phái Hạ Hầu Đôn tới cứu). Do mối quan hệ tốt đẹp đó, chúng ta không lạ gì khi Trình Dục, Quách Gia khuyên giết Lưu Bị, Tào Tháo đã gạt đi.
Như đã nói, lúc Lưu Bị theo Tào Tháo về Hứa, quan hệ hai người đang ở vào giai đoạn trăng mật. Tam quốc chí nói: Tào Tháo đối với Lưu Bị “lễ nghĩa càng trọng hơn, ra ngoài thì cùng xe, ngồi thì cùng chiếu”. Tào Tháo và Lưu Bị thường có những cuộc gặp mang tính thân tình, như chuyện uống rượu luận anh hùng. Trong Tam quốc chí, Quan Vũ truyện cũng có nói lúc còn ở Hứa, Lưu Bị từng cùng với Tào Tháo đi săn. Thành phần tham dự buổi đi săn ắt là hạn hẹp, vì trong buổi săn ấy Quan Vũ đã nhìn thấy cơ hội thích sát Tào Tháo.
Tào Tháo sủng ái Lưu Bị nguyên nhân chủ yếu có lẽ do hai người có nhiều điểm giống nhau. Cả hai cùng là anh hùng. Tào Tháo và Lưu Bị đều sống rất có tình cảm, nhưng một khi đã nổi giận thì cũng rất tàn nhẫn.
Tào Tháo lúc mới làm quan, vì cương trực nên đã nhiều lần mất chức, Lưu Bị cũng vậy. Tào Tháo nhờ uy tín lúc đánh Đổng Trác, được suy tôn làm Châu mục, Lưu Bị cũng thế. Tào Tháo đi đánh Từ Châu, bị Lã Bố đánh úp Duyện Châu, suýt nữa thì mất địa bàn, Lưu Bị còn bị Lã Bố hại thê thảm hơn. Có thể nói, Tào Tháo xem Lưu Bị là tri âm, “anh hùng thiên hạ chỉ có sứ quân và ta mà thôi”. Ngược lại, Lưu Bị cũng coi trọng Tào Tháo. Ở trên đã nói Quan Vũ từng muốn giết Tháo nhưng Lưu Bị ngăn lại. Về sau lúc bị bức bách ở Đương Dương – Trường Bản, Quan Vũ đã đem chuyện này trách cứ Lưu Bị. Lưu Bị chỉ nói: “lúc đó ta coi trọng Tào Tháo là anh hùng nên không nỡ giết”
Qua nội dung đối đáp trên thì ta biết đó là một cơ hội rất tốt, bỏ qua rất uổng, chứng tỏ lúc đó Tào Tháo có ít người tùy tòng chứ không như Tam quốc diễn nghĩa mô tả. Có thể nói, Tào Tháo tin tưởng Lưu Bị còn là vì Lưu Bị thực lòng quý trọng Tào Tháo. Lưu Bị đối nhân chân thành, Tào Tháo đã nhận rõ điều đó nên không nghi kỵ. Vì không nghi kỵ, nên lời can gián của bọn Đổng Chiêu, Trình Dục, Quách Gia bị Tào Tháo coi như lời gièm pha, không đáng để tâm. Tào Tháo đã đáp lại hết sức miễn cưỡng.
Như vậy, lý do khiến Tào Tháo cho Lưu Bị mượn quân là vì Tào Tháo tin tưởng Lưu Bị. Hơn nữa, Lưu Bị nằng nặc xin đánh Viên Thuật là hợp lý, vì hai bên có mối thù. Thứ nhất, Viên Thuật phản Hán xưng đế, Lưu Bị là hoàng thúc nhà Hán thì không thể ngồi yên. Thứ hai, Viên Thuật từng xui Lã Bố đánh úp Từ Châu, khiến Lưu Bị mất đi địa bàn. Lưu Bị căm hận Viên Thuật là đúng, muốn đánh Viên Thuật cũng không phải lạ, nhất là lúc này Viên Thuật đang muốn đi lên phía Bắc liên kết với Viên Thiệu, cần phải ngăn lại. Chính vào lúc này Lưu Bị xin đi đánh Viên Thuật, Tào Tháo vui vẻ hưởng ứng cũng là dễ hiểu
Một điểm nữa cần phải nói là Tam quốc diễn nghĩa đã thay đổi trình tự các sự việc, khiến cho mọi thứ cảm thấy khó hiểu hơn. Theo La Quán Trung, Lưu Bị tham dự âm mưu chiếu trong đai áo của Đổng Thừa trước, rồi uống rượu luận anh hùng, cuối cùng thì xin đi đánh Viên Thuật. Ngài Dịch Trung Thiên trong cuốn Phẩm tam quốc đã thắc mắc việc này.
Lưu Bị mới rồi còn thề sống thề chết với Đổng Thừa. Tào Tháo vừa nói vu vơ một câu, Bị đã vội tìm cách chạy, hành động như vậy khác nào đào ngũ? Kỳ thực, Tam quốc chí, Tiên chủ truyện nói khác: Lưu Bị xin đi đánh Viên Thuật trước, tham gia chiếu trong đai áo sau rồi cuối cùng mới cùng Tào Tháo uống rượu luận anh hùng. Trong buổi nói chuyện đó, hai người hẳn đã bàn về việc ngăn chặn Viên Thuật liên minh với Viên Thiệu. Tào Tháo đã nói:
“Nay anh hùng thiên hạ chỉ có sứ quân và ta mà thôi. Bọn Bản Sơ (Viên Thiệu tự là Bản Sơ) không đáng nói đến”
Vì sao Tào Tháo lại nói câu đó? Khi đã nhìn nhận rõ bối cảnh của cuộc nói chuyện này, chúng ta có thể kết luận: Tào Tháo không gõ núi để trấn hổ, không trinh sát bằng hỏa lực mà là đang khích lệ Lưu Bị. Có điều, tùy vào tâm tư của người nghe mà lời nói sẽ mang ý nghĩa tương thích. Tào Tháo nói, là khích lệ. Lưu Bị nghe, là đe dọa. Câu khích lệ đó chẳng khác gì bản án tử hình đối với Lưu Bị, khác nào nói người có thể tranh giành với ta chỉ có sứ quân mà thôi. Lưu Bị nghe xong sợ rơi cả đũa. Lưu Bị sợ, vì hiểu nhầm ẩn ý của câu nói. Sở dĩ hiểu nhầm là vì Lưu Bị có tật giật mình. Thứ nhất, Lưu Bị là anh hùng, sẽ không chịu ở lâu dưới trướng Tào Tháo. Thứ hai, Lưu Bị vừa mới tham gia âm mưu phản Tào của Đổng Thừa. Vừa khéo có cơ hội đi đánh Viên Thuật, Lưu Bị tận dụng ngay.
Lưu Bị vừa ra ngoài liền giết Thứ sử Từ Châu là Xa Trụ, kích động phản Tào, lại còn xui Viên Thiệu đánh úp huyện Hứa. Có điều, Viên Thiệu là kẻ chẳng ra gì, chần chừ không ra quân. Tào Tháo lợi dụng cơ hội đó, đánh phá Lưu Bị. Lưu Bị chạy đến nương nhờ Viên Thiệu rồi sau đó lại trú ngụ ở chỗ Lưu Biểu, đều không làm được gì lớn. Nguyên do chủ yếu là do Lưu Bị quá yếu, kẻ mà Lưu Bị liên minh lại không có năng lực.
Mãi đến khi Lưu Bị liên kết với Tôn Quyền, liền đại phá Tào Tháo ở Xích Bích. Trận chiến Xích Bích là trận chiến nổi tiếng nhất trong lịch sử Tam Quốc. Rất nhiều người trong chúng ta đều biết rõ hoặc thuộc lòng các diễn biến của trận chiến. Có điều, những gì chúng ta biết đều thông qua lời kể của Tam quốc diễn nghĩa ba phần thực bảy phần hư. Vậy xung quanh trận chiến này còn có điều gì mà chúng ta chưa biết?
Kỳ sau: Đại chiến Xích Bích.