Thần Hổ, chủ tể ngự trị sơn lâm, từng là cơn ác mộng của người xưa những ngày lấn rừng mưu sinh, mở mang bờ cõi. Ngày nay, dù hổ không còn là mối nguy hại trong tự nhiên nhưng nỗi ám ảnh hổ khiến nó vẫn còn giữ nhiều dấu ấn thần thiêng, trở thành một “hung thần ác sát” trong tâm thức người Việt.
Bạn nghĩ nỗi lo thường trực của người Việt thế kỷ 21 là gì?
Tôi nghĩ có lẽ cũng chỉ quanh quẩn cơm áo gạo tiền, có được lại muốn hơn. Dẫu có bần cùng thì chạy vạy cũng kiếm được ngày ba bữa, không đến nỗi chết đói. Mà những nỗi lo ấy so sánh với ông bà ta cách đây trăm năm thôi cũng đã cảm nhận được sự biến dời của thời đại. Bởi lẽ nỗi lo của thời đó là nỗi lo sinh tồn, mỗi ngày tìm cách sống sót qua chiến tranh, bệnh dịch, nạn đói, thậm chí là giành đất với tự nhiên.
Những năm tháng mà ông bà ta sống trong những căn nhà vách đất mái tranh, cửa ngõ lỏng lẻo, thậm chí thiếu hụt. Có người mẹ trẻ nửa đêm ra đồng đi nhà xí, nửa tỉnh nửa mê không phát hiện đứa út cũng lẽo đẽo theo sau. Đến khi nghe tiếng ré thất thanh của đứa nhỏ, người mẹ giật mình quay lại thì thấy con hổ già đã ngoạm gọn đứa nhỏ trong miệng, mắt sáng quắc nhìn mình chằm chặp. Bà ngã ngửa, thản hồn hồi lâu mới bừng tỉnh mà hô hoán dân làng ứng cứu. Đến khi trai tráng tập trung, gõ trống khua chiêng, lửa đuốc sáng bừng thì chỉ còn dấu chân hổ cùng vệt máu rỏ dài vào rừng già.
Sau đó dân dàng cũng tập trung đốt đuốc vào rừng tìm. Chẳng có kỳ tích nào xảy đến như cô bé quàng khăn đỏ đã vào miệng sói mà còn được bác thợ săn mổ bụng sói cứu ra. Thứ họ tìm thấy chỉ là vài mẩu xương còn đầm đìa máu thịt dưới gốc cổ thụ trong rừng. Người mẹ trẻ chỉ đờ đẫn khóc ròng. Người làng biết ý lặng yên, nhặt nhạnh những phần thân xác còn sót lại của đứa trẻ xấu số về làm tế lễ kẻo nó hóa ma dẫn Thần Hổ về giết hại người làng.
Đêm đông của những ngày xưa cũ, làng quê tĩnh mịch, chỉ còn tiếng mưa rả rích ngoài cửa sổ và tiếng rắn lục rít gọi bạn tình, tôi an vị trong vòng tay an toàn và ấm áp của ngoại, nghe ngoại thủ thỉ kể lại những chuyện xưa đã vãng như thế.
Câu chuyện rùng rợn về Thần Hổ chừng như hoang đường với con người thế kỷ 21, vốn được sinh ra trong nhà gạch cửa sắt kiên cố, sống quây quần trong cộng đồng đông đúc, được bảo vệ bởi lực lượng công an và quân đội đồn trú. Nhưng tôi tin chắc nhiều người đã từng nghe qua những câu chuyện Thần Hổ bắt người rùng rợn tương tự, vì vốn dĩ đó là việc thực người thực, được truyền kể nhiều đời bằng từ trải nghiệm và hồi ức ông cha.
Trong quá trình sinh tồn và phát triển, người xưa không ngừng phải mở rộng đất đai lãnh thổ. Đó là những ngày xuôi Nam ngược Bắc lấn vào núi sâu rừng già dựng nên làng mạc, giành từng tấc đất với người, với thần. Cuộc chiến với người đã được sử sách lưu lại, mà cuộc chiến với thần – thế lực mang sức mạnh huyền hoặc con người khó lòng với tới – lại được lưu truyền bằng trăm ngàn truyền kỳ dân gian, được kể bằng khoảng thời gian của nhiều đời người. Câu chuyện của ngoại tôi chỉ là một mảnh ký ức giữa muôn ngàn. Nhưng sau này đi qua ngang dọc nước non, tìm nghe nhiều chuyện kể, tôi mới nhận ra những đau thương và cuộc chiến với Thần Hổ là một trong những chủ đề phổ biến nhất.
Được trời ưu ái thân xác phi thường, hung hãn và dũng mãnh, hổ không chỉ là nỗi ám ảnh kinh hoàng của muôn thú mà còn gây đau thương điêu đứng cho những người nương rừng mưu sinh. Trong ký ức của dân sơn tràng được ghi lại dưới ngòi bút văn chương của Đái Đức Tuấn (1), con hổ thần là chí tôn hùng mạnh của rừng xanh với quyền uy tối thượng.
Chưa cần chạm phải những cú vồ trí mạng, chỉ vẳng nghe tiếng gầm vang động, nhác thấy mắt quắc nhiếp hồn, ngửi thấy mùi tanh nồng chết chóc, vạn vật đã chìm nghỉm trong bầu không nặng nề, kinh sợ. Hổ có thiên tư linh mẫn, tai tựa thiên lý nhĩ nghe thấy hết mọi sự, bộ óc tinh tường cảm hết tâm tư. Kẻ nào dám báng bổ, khinh nhờn hay hỗn xược, thì sẽ bị hổ trừng trị cho khốc hại thì thôi. Nhẹ thì nó bắt đi con bò, con lợn để cảnh cáo. Nặng hơn thì nó “ban” cho một cú cắn cổ tách hồn khỏi xác, đưa kẻ ngỗ ngược về chầu Diêm La.
– Trên làng có yên không?
– Không, bắt hai người.
Một đoạn thoại không phân chủ vị, tưởng chừng như không ăn nhập gì với nhau, nhưng đó lại là “tiếng lóng” của những người đi rừng. Chủ ngữ ở đây chính là hổ, mà người ta phải kỵ húy, hoặc thay thế bằng những từ xưng hô cao quý trong nỗi hãi hùng. Nếu người mạn Bắc gọi hổ là ông thầy, mệ, Ngài, thậm chí là Trời (2); thì những người xuôi Nam khai phá đất Nam Bộ lại phân biệt hổ ra hai loại cọp và hạm.
Cọp là loại hổ mà vằn trán hình chữ Nhâm đó là hổ thần, không bao giờ ăn thịt người, khi hóa thần thì thành Bạch Hổ được phụng thờ. Còn Hạm là từ dùng để chỉ những con hổ dữ, ăn nhiều thịt người đến độ hóa quỷ, thành tinh. Trong tâm niệm người dân quá sợ cọp nên cư dân miền Nam không khi nào dám gọi thẳng là con cọp hay con hổ mà phải cung kính gọi là ông Thầy, ông Hổ, hoặc hai Cọp, khái, hoặc Hương quản cọp.
Đến Cận đại, con người vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi nỗi khiếp sợ hổ thần. Có ai đã từng nghe về tam đại quái vật của Việt Nam, trong đó con cọp ba móng chuyên ăn xác lính chết trận đến nỗi nghiện thịt người ở Đồng Nai chưa?
Tương truyền con hổ này một chân chỉ có ba móng, tinh quái và liều lĩnh, ăn thịt nhiều người đến độ thành tinh. Khoảng những năm 1948, đêm về cũng mang cơn ác mộng đến với người dân Đồng Nai, vì đó là lúc con hổ tinh ba móng rời hang để săn lùng món điểm tâm thịt người. Sàn cao, hàng rào được dựng quanh khu vực dân cư cũng không thể ngăn được tốc độ và sức mạnh của con hổ dữ. Phải đến năm 1950, cơn ác mộng ấy mới hoàn toàn chấm dứt khi đội đặc nhiệm diệt cọp ba móng do Thiếu tướng Bùi Cát Vũ chỉ huy thành công hạ được cọp tinh sau nhiều lần giết hụt.(4)
Đoạn trường ám ảnh kinh hoàng những ngày đấu trí đấu dũng với hổ vẫn còn lưu lại trong ký ức ông cha một đoạn thời gian dài bằng nhiều đời người. Tiếp xúc, sợ hãi, ám ảnh chúa sơn lâm ngàn đời cai quản rừng già, người xưa đưa con hổ trong thế giới tự nhiên bước vào cuộc phiêu lưu mạo hiểm trong ý niệm. Con hổ hung thần do đó cũng mang nhiều quyền phép ghê rợn theo trong những lý giải đầu tiên theo thế giới quan người Việt.
Thoạt tiên, sức mạnh thượng đẳng khiến từng bộ phận của Thần Hổ cũng được kế thừa quyền phép mà nhuốm màu ma quái rùng rợn. Theo những thu thập của linh mục Cadière trong hành trình về miền tâm linh người Việt, mắt hổ hệt như dạ minh châu ngời tỏa, trong đêm tối quắc lên tựa như ma trơi, lửa trời. Nước bọt hổ rơi xuống đất hóa thành những con sâu róm lông lá đầy mình, mang kịch độc khiến người dẫm phải vô phương cứu chữa. Tai những con hổ dữ hằn lên hàng vết đỏ, mà bao nhiêu vết là mấy nhiêu mạng người đã tan xương nát thịt dưới bộ vuốt khổng lồ của chúng.
Tôi từng được mẹ của một anh đồng nghiệp làm nghề bói số (đề) cảnh báo không nên ăn măng tre, vì người ta nuôi ngải độc trong đó. Tôi hỏi sâu hơn thì bà không trả lời nữa, có lẽ là không biết nhiều hơn hoặc là nghi ngại nói thêm.
Sau này đọc được những thu thập và ghi nhận của ông Cadière, cộng thêm một số chuyện ma dân gian được người bản địa tự mình kể, thì mới biết người dân khu vực cửa sông Gianh, Quảng Bình tin rằng lấy râu hổ bỏ vào măng tre chẻ dọc, sau ba tháng mười ngày, tổ hợp đó sẽ sinh ra con chuột hoặc rắn. Thầy pháp cho nó ăn mỗi năm một lần vào rằm tháng Bảy bằng gạo hoặc bắp rang. Con độc đến ăn và thải phân lại. Phân của chúng chính là kịch độc, được người nuôi thu lượm dụng lúc yểm hại.
Chuyện bùa ngải vùng Quảng Trị lân cận lại kể rằng râu hổ yếm trong măng tre sẽ hóa thành đống sâu ghê rợn. Người nuôi độc sẽ đem đàn sâu đó ra khỏi nhà cất giấu cẩn thận. Hôm sau chỉ một cặp sâu đực – cái trở về, đó chính là con thuốc độc. Người thi pháp nuôi con độc bằng thịt tươi và thu nước bọt của chúng để làm thuốc độc. Phương pháp có chút tương đồng với những Miêu nữ chuyên nuôi cổ độc ở Trùng cốc Vân Nam.
Dẫu thuật pháp có chút biến tấu nhưng đều chung quan niệm rằng bỏ râu hổ vào măng tre sẽ cho ra con ngải độc. Loại bùa ngải độc này không phải ai dùng cũng chết, mà chỉ nhằm vào một người hoặc một tộc bị người nuôi ngải nhắm đến. Đồng thời khi măng tre đã sinh ngải thì phải nuôi và sử dụng chúng, nhược bằng không con ngải độc sẽ phản phệ, giáng tai họa lên đầu người thi pháp bằng căn bệnh nan y vô phương cứu chữa.
Phương pháp trù yểm này không rõ là “công nghệ” còn sót lại của một nền văn minh pháp thuật đã suy tàn hay vốn chỉ là ma quái hóa những chất độc có trong tự nhiên bằng thần uy của loài thú dữ. Vì vốn dĩ măng tre, phân chuột, phân rắn, dịch sâu đều là những thứ có thể mang độc.
Không chỉ râu mà hai xương nhỏ bằng que tre trên vai của hổ, tục gọi là vây khái, vây cọc cũng được dùng làm bùa, nhưng lại là một thứ hữu hiệu để đi rừng. Bùa hoạt động theo nguyên lý và tả hữu đối kháng – tức xương vai trái của hổ đực và xương vai phải của hổ cái mới có công hiệu.
Đồng thời, người đi bên phải, hổ sẽ đi bên trái. Người đi bên trái, hổ sẽ đi bên phải. Khi nắm trong tay mảnh bùa này, người đi rừng sẽ bất khả xâm phạm, không sợ hãi bất kỳ thế lực nào của rừng kể cả chúa sơn lâm. Bùa sẽ xua đuổi hổ dữ với một phép thuật nhiệm màu, theo nguyên tắc lấy độc trị độc. Nghĩa là mang trong mình cái ác khiến cái ác khác lánh xa.
Với ý niệm này, những bộ phận chứa sức mạnh khác trên thân con chúa rừng như mẩu xương, nanh, vuốt cũng được cho là có khả năng phòng ngừa hổ tấn công. Nếu thực tế bùa linh nghiệm cho người đi rừng, có lẽ nào vì hổ ngửi được mùi của đồng loại trên người đi rừng nên tha cho hoặc tránh đi. Uy quyền của Thần Hổ không chỉ phân bổ trong từng bộ phận mà còn phủ lên những sinh mạng vong thác dưới nanh vuốt của nó.
Từng có người thợ săn xứ Mường mang trong mình mối thù truyền kiếp với con hổ xám chột mắt, quyết lòng trừ hại cho dân làng dù phải đánh đổi cả tính mạng. Một ngày, ông xách khẩu súng kíp dài lần theo dấu chân hổ để lại, băng rừng vượt suối vào sâu rừng già, đến con thác nguồn nơi con tử địch thường nghỉ ngơi uống nước.
Ngay lúc khẩu súng lách qua rễ cây lim già đã nhắm trọn vẹn con mắt đỏ như cục than còn lại của hổ xám, thì ông chợt nghe tiếng con gái cười rúc rích vọng quanh. Phát súng sinh tử chưa kịp nổ, thì ông chợt thấy một đàn con gái, thân thể trắng muốt như bánh đúc, hờ hững quấn sa trắng mỏng manh từ vũng nước Cồ Cáp trồi về phía hổ. Bấy giờ người thợ săn kinh ngạc phát hiện con hổ xám đã biến dạng thành một cụ già tự lúc nào.
Đầu hổ đã chuyển thành đầu người nhưng con độc nhãn vẫn đỏ rực một cách kì dị. Hai chân trước biến thành tay, hai chân sau biến thành hai chân, thành một cụ già chột mắt, râu tóc bạc phơ, nhưng lưng vẫn vằn vện sắc xám của hổ.
Nó ngồi bên tảng đá, để mặc cho đàn con gái đến bên hầu hạ. Con thì vạch lưng bắt chấy, con thì bóp vai, con vuốt râu trêu đùa thần hổ. Tiếng cười lả lướt âm vang khắp rừng Mường, chui thẳng vào màng nhĩ khiến thần trí kẻ rình rập sau gốc lim chìm dần vào u mê mụ mẫm.
Những gì mắt thấy tai nghe đã vượt ngoài nhân sinh quan mấy chục năm nay. Người thợ săn dày kinh nghiệm biết hẳn đã gặp phải thứ không sạch sẽ quấy quả tâm trí. Tỉnh thần, ông mới nhận ra đàn con gái ấy là đám ma trành phục vụ Thần Hổ.
Bấy lâu nay dân làng vẫn đồn rằng, vào những ngày rằm mùa hạ, khi khí trời nóng nực, trăng sáng vằng vặc, trong đêm đen tĩnh mịch và rừng già thâm u, thì thần hổ xám sẽ hiện ra hình người để đùa giỡn với ma trành. Thợ săn đã giết bao con thú dữ cứ ngỡ là chuyện tào lao, đến khi tận mắt trải nghiệm mới tin là thật. Con hổ ăn nhiều thịt người đã tu luyện thành tinh, đã thành Thần Hổ, quái quỷ khôn ngoan, thảo nào bao nhiêu thợ săn đã mất mạng mà vẫn không giết được nó.
Đùng!
Đùng! Đùng! Đùng!
Kẻ thù ở trước mặt, cơ hội trả thù, trừ hại cho dân chỉ còn gang tấc, nên ông lập tức đè nén nỗi kinh hãi, bình tĩnh kiểm tra lại súng đạn. Đạn ra khỏi nòng bằng tốc độ kinh hồn, chính xác găm vào tử huyệt con hổ thần, để lại tiếng súng nổ vang vọng rừng già và một vũng nước đẫm máu dưới xác hổ.
Câu chuyện nhuốm màu liêu trai huyễn hoặc này là truyện dân gian Việt Nam về cuộc giết hổ của ông Trương Văn Tiện ở Thạch Thành, Thanh Hóa (3). Không riêng xứ Mường Thạch Thành, mà người Việt dọc Bắc chí Nam vẫn tin rằng, người bị hổ thần ăn thịt sẽ hóa thành ma trành, hay còn gọi là hổ trành. Những người này vì cái chết thương tâm, thịt nát xương tan, hòa cùng một thân máu thịt của hổ, linh hồn không thể siêu thoát mà bị trói buộc ở lại nô dịch, hầu hạ Thần Hổ.
Quái ác hơn, ma trành còn phải đi trước chỉ đường để giúp hổ tránh bẫy thợ săn, thậm chí còn hóa người để dẫn dụ thân nhân hoặc người làng đến hang hổ, hang cọp. Có đôi lúc ma trành cũng báo mộng giúp người giết được hổ như câu chuyện của ông thầy thuốc tên Sâm ở làng Kể Chao được ông Cadière thu thập (4), hay truyện Ma trành trong Vân Nang tiểu sử của Phạm Đình Dục. Chỉ khi giết được con hổ hoặc tìm được người thế mạng thì ma trành mới có thể thoát kiếp, đầu thai.
Theo các truyền kì trong truyện dân gian Việt Nam, ta có thể cảm nhận được cơ chế hoạt động của ma trành cũng như những linh hồn chết bất đắc kỳ tử. Chúng không thể siêu thoát mà lưu lại nơi mình thác vong, nhắm bắt hồn kẻ hợp tuổi yếu vía để thế mạng. Ví như những con ma chết nơi mồ mả xa lộ, hay ma da đuối nước. Nếu thực tồn tại, ma trành cũng chỉ là những kẻ đáng thương, thân xác đã trở thành miếng mồi cho hổ mà chết đi hồn phách vẫn phải chịu kiếp nô lệ.
Trong nỗi sợ hãi cùng cực con hổ tà ác, có nơi còn tổ chức các buổi tế lễ hiến dâng đẫm máu. Họ tin rằng, con hổ no say đồ tế lễ sẽ bỏ về rừng mà không tiếp tục hại người, cổ tục này vẫn còn lưu lại dấu tích trong ghi chép của tiền nhân.
Rằng xưa, có người hành khách đi qua ngôi làng lạ, vô cớ bị dân làng bắt nhốt dưới hầm tối đen chẳng rõ ngày đêm. Biết được nguyên cớ mình bị bắt, kẻ kém may biết chuyến này đã rơi vào hang hùm miệng cọp, lành ít dữ nhiều. Nhân lúc canh gác lỏng lẻo, anh ta trốn ra với đôi gót chân đã bị người làng mài nát trước đó. Vận hết chí cầu sinh, anh ra sức bò lết, khúm núm lẩn trốn. Đến khi lên đến trấn thành, mách tỏ sự tình biết được mới thoát khỏi kiếp nạn vong thân.
Thì ra người làng ấy có hủ tục thờ Thần Hổ, bắt người làm tế phẩm. Cứ mỗi năm, trong làng phải chỉ định một người làm chủ tế. Nhiệm vụ của kẻ ấy là dụ dỗ và bắt lấy khách vãng lai về giam cầm dưới hầm đất. Mỗi ngày phải đem dao gọt chân cho mỏng đi, đến khi tế thần thì đem giết thịt, trộn với thịt trâu, thịt bò mà tế hổ. Thậm chí cúng rồi còn thừa huệ mà cùng ăn, kẻ nào gặp được miếng thịt người hí hửng lấy làm mừng, cho là cái triệu năm ấy được thuận lợi.
Con hổ giết người để nuôi sống bản thân và con cái, khi no rồi nó sẽ bỏ đi mà hiếm khi tàn sát vô cớ, vậy con hổ thiện hay ác? Thật ra có những sinh vật còn nguy hiểm hơn, cay độc hơn, thích ăn thịt hơn hổ. Loài cho mình cái quyền gắn danh thiện ác lên chúng sinh, nhưng có khi sẵn sàng hy sinh xác thịt đồng loại cho Thần Hổ để bảo toàn tính mạng.
Thần Hổ không chỉ mang tiếng hại người trong truyền kỳ dân gian và còn bị gắn với những phù thuật kỳ lạ. Như trong An Nam tức sự của Trần Phu, sứ nhà Nguyên đến Đại Việt năm 1293, miêu tả về cảnh vật, con người Đại Việt có đoạn: “Dân các động có yêu thuật, tụng chú tu luyện, liền biến hình thành hổ, vồ hươu nai ăn sống, nhưng không thường hay có.”
Thậm chí còn được ghi vào chính sử, như chuyện thái sư Lê Văn Thịnh mưu phản mà Đại việt sử ký toàn thư chép rằng: “Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: “Việc nguy rồi!”. Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang.”
Bỏ qua sự thật đằng sau mối quan hệ quân thần và những minh tranh ám đấu giữa các phe phái ta có thể thấy người viết sử đã gán ghép những yếu tố phương thuật huyễn hoặc, trong đó có tình tiết hóa hổ vào sự kiện ám sát (5).
Lý giải tại sao lại hóa hổ, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số nguyên cớ trùng hợp quy tụ, để đặt giả thiết cho án oan thiên cổ của Lê Văn Thịnh: “một người có dáng dấp hổ, lại mang tiếng là học được thuật lạ ấy, gắn với những thần tích không minh xác về mặt lịch sử, đặt trong thời Lý với những truyền thuyết về hổ tương ứng, về cái mẫu câu chuyện có nhiều nét đại đồng tiểu dị với vụ án dựng lên sau này của ông….”.
Cách thời gian xảy ra sự kiện Lê Văn Thịnh hóa hổ không lâu cũng xuất hiện truyền thuyết về ông vua Lý Thần Tông hóa hổ, và phải được thiền sư Nguyễn Minh Không chữa trị mới qua khỏi. Những truyền kỳ hóa hổ được lưu truyền trong dân gian cũng vô số. Thông thường là motif người đi vào rừng sâu rồi hóa hổ, về nhà bị thân nhân chối bỏ đánh đuổi, đến khi thoát lốp hổ mới được trở lại kiếp người – như truyện Ngải trăm ngày trong Vân Nang tiểu sử, Hóa hổ trong Tang thương ngẫu lục, Người đầy tớ hổ trong Hát Đông thư dị,…
Tuy nhiên, con hổ không phải lúc nào cũng được ghi nhận là loài ác thú, chuyên làm hại con người. Cũng có nhiều chuyện kể nói về một con hổ có nghĩa, hoặc con hổ bảo hộ người đi rừng, có lẽ vì một nguyên cớ vô tình hữu ý mà hổ không hại người, hoặc những nguyên cớ sâu xa hơn trong tâm thức con người, với nhiều lẽ thiện ác đúng sai còn lắm mơ hồ.
Cùng với sự phát triển của đời sống tâm linh và cơ chế xã hội người Việt, Thần Hổ cũng đã có một bước chuyển mình từ hung thần ác sát trở thành một chính thần bảo hộ, trừ khử tà linh, phù hộ mùa màng. Mà quá trình chuyển biến thần kỳ ấy cùng những phương thuật quanh tục thờ cúng Thần Hổ, hẹn kể lại cho các bạn ở kỳ sau nhé.
Chú thích:
1. Truyện Ma trành của Đái Đức Tuấn.
2. Các con vật thần kỳ, Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, Leopold Cadière.
3. Phát súng và ngọn lao kết liễu thần hổ xám khổng lồ, VTC News, Phạm Ngọc Dương.
4. Tham khảo thêm tình tiết vụ án Lê Văn Thịnh trong Mật Bổn của tác giả Trần Hoàng Vũ.