Đọc lại Tam Quốc – Kỳ 4: Đại chiến Xích Bích

Tác giả Wong Trần
Đọc lại Tam Quốc – Kỳ 4: Đại chiến Xích Bích

Đại chiến Xích Bích là một trong ba chiến dịch lớn cuối thời Đông Hán đầu thời Tam Quốc. Trận đại chiến này được La Quán Trung mô tả hết sức sinh động. Phần lớn kiến thức của chúng ta về trận Xích Bích đều lấy từ Tam quốc diễn nghĩa. Có điều, Tam quốc diễn nghĩa là tiểu thuyết ba phần thực bảy phần hư, so với sự thực lịch sử cũng có chỗ khác. Có việc là do La Quán Trung sáng tạo hoàn toàn, có việc lấy ý từ những việc tương tự hoặc có ghi trong sử. Địa điểm Xích Bích thật sự ở đâu, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến phân vân. Trận chiến Xích Bích diễn ra thế nào, tới nay vẫn có người muốn nói lại. Có người bảo Xích Bích không phải là đại chiến mà chỉ là trận tao ngộ chiến quy mô nhỏ. Thực hư như thế nào? Vì sao Tào Tháo hùng mạnh lại thất bại còn liên quân Tôn – Lưu ít hơn nhưng lại chiến thắng?

Kịch hay chưa diễn

Các tư liệu lịch sử Trung Quốc duy chỉ có Chu Du truyện trong Tam quốc chí là nói kỹ về đại chiến Xích Bích, còn lại đều hết sức sơ lược. Đối với người đọc Tam quốc diễn nghĩa, trường đoạn đại chiến Xích Bích phải bắt đầu kể từ lúc Tào Tháo tới Tân Dã, Lưu Tông đầu hàng, Lưu Bị chạy về Nam, cho tới khi Quan Vũ ở đường Hoa Dung tha Tào Tháo. Xuyên suốt quá trình đó là vô số giai thoại nổi tiếng như Triệu Tử Long một ngựa cứu chúa, Trương Phi quát gãy cầu Trường Bản, Gia Cát Lượng khẩu chiến quần nho, dùng trí khích Chu Du, thuyền cỏ mượn tên, Chu Du lừa Tưởng Cán, đánh Hoàng Cái, Bàng Thống dâng kế liên hoàn, Khổng Minh lên đàn mượn gió Đông, khéo tính đường Hoa Dung. Điều đáng nói là đa số các giai thoại làm nên tính kinh điển của trận chiến Xích Bích đều là hư cấu. Có chuyện là hoàn toàn bịa đặt, có chuyện là ghép hoa chiết cành, có chuyện là nhân việc nói thêm.

Trong số các chuyện hoàn toàn bịa đặt, có thể kể ra Gia Cát Lượng khẩu chiến quần nho, mượn gió Đông. Gia Cát Lượng khi đến gặp Tôn Quyền, chưa hề tranh cãi với nhóm hàng Tào của Trương Chiêu tới mức Trương Chiêu “tái mặt không một lời đáp lại”. Ngược lại, Trương Chiêu đã tiến cử Gia Cát Lượng với Tôn Quyền, có ý muốn Tôn Quyền dụ hàng Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng cũng không hề mượn gió Đông. Chi tiết gió Đông Nam lúc Hoàng Cái đánh hỏa công có được Tam quốc chí nhắc tới, nhưng chỉ có thể xem như một hiện tượng thời tiết bình thường, không phải công lao của Gia Cát Lượng.

Gia Cát Lượng mượn gió Đông. Tranh phù thế Nhật Bản

Gia Cát Lượng dùng trí khích Chu Du, thuyền cỏ mượn tên, Chu Du lừa Tưởng Cán, Bàng Thống hiến liên hoàn kế, Khổng Minh khéo tính đường Hoa Dung đều là ghép hoa chiết cành, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Tam quốc diễn nghĩa nói lúc Chu Du gặp Gia Cát Lượng, Gia Cát Lượng đã lấy chuyện Tào Tháo xây đài Đồng Tước, sai con là Tào Thực làm bài phú nói muốn lấy Đại Kiều và Tiểu Kiều về đó ở để hưởng tuổi già. Đại Kiều là vợ Tôn Sách, Tiểu Kiều là vợ Chu Du. Chu Du nghe vậy không nén được cơn giận, thề quyết sống mái với Tào tặc. Kỳ thực, Gia Cát Lượng đã cải biên bài phú đó. Nhị kiều trong bài phú của Tào Thực là nói hai cái cầu, không phải nói Đại Kiều, Tiểu Kiều. Hơn nữa, mãi đến sau khi trận Xích Bích đã ngã ngũ, Tào Thực mới sáng tác bài phú đó. Gia Cát Lượng dù có liệu việc như thần, làm sao đoán trước chuyện Tào Thực làm thơ sẽ nói những gì?

Thuyền cỏ mượn tên lại là biến chế từ chuyện của Tôn Quyền. Ngụy lược viết, năm Kiến An thứ 18, Tào Tháo phát binh đánh Nhu Tu. Tôn Quyền đi thuyền xem xét doanh trại Tào Tháo. Tháo sai cung thủ bắn ra loạn xạ. Tên cắm chi chít trên mạn thuyền, khiến thuyền nghiêng sắp lật. Tôn Quyền sai xoay thuyền lại để bên mạn kia cũng cắm đầy tên. Thuyền cân bằng trở lại. Tôn Quyền bèn về. Chuyện này xảy ra vào ban ngày, không phải đêm tối sương mù, hơn nữa, Tôn Quyền cũng không mượn tên. Kỳ thực về mặt kỹ thuật cũng không thể có chuyện thuyền cỏ mượn tên, bởi lẽ ban ngày quân Tào bắn tên thường, ban đêm sẽ bắn tên lửa, vừa sát thương địch, vừa soi sáng trận địa. Tam quốc diễn nghĩa cũng không nói thuyền cỏ người rơm của Gia Cát Lượng có tẩm nước hay chất chống cháy. Nếu quả thực có chuyện đó, e rằng Khổng Minh, Lỗ Túc đã thành heo chín ở dưới đáy sông Trường Giang!

Chu Du lừa Tưởng Cán cũng là chuyện không có thật. Tào Tháo quả có sai Tưởng Cán sang thuyết Chu Du, nhưng là sau trận Xích Bích. Chuyện này có nói trong Tam quốc chí, Chu Du truyện. Tào Tháo quả có giết Sái Mạo, Trương Doãn, có điều là vì hai người này gây biến, không phải Tháo trúng kế của Chu Du. Chuyện liên kết chiến thuyền cũng là thật, nhưng là sáng kiến riêng của Tào Tháo, không phải Tháo nghe lời Bàng Thống. Tam quốc chí, Bàng Thống truyện cũng không nói Bàng Thống có dự trận Xích Bích. Chuyện khéo tính đường Hoa Dung thì là công của Lưu Bị, hơn nữa, Lưu Bị là muốn đốt chết Tào Tháo, không phải sai Quan Vũ chẹn đường, tập trước đã có nói rõ.

Chiến thuật "Thuyền cỏ mượn tên"

Thuộc về số giai thoại nhân việc nói thêm trước hết phải kể chuyện Triệu Tử Long một ngựa cứu chúa. Việc này trong Tam quốc chí, Triệu Vân truyện chỉ nói: 

Lúc Tiên chủ bị Tào công truy đuổi ở Đương Dương Trường Bản, bỏ cả vợ con chạy trốn về phía Nam, Vân tự thân bồng ấu chủ, tức Hậu chủ, bảo hộ Cam phu nhân, là mẹ Hậu chủ, đều thoát được về Nam

Có điều, chưa chắc Triệu Vân đã anh dũng tới mức một mình cầm Thanh Công kiếm, xông pha giữa trăm vạn quân Tào. Ngay cả Vân biệt truyện cũng không nói tới chuyện Triệu Tử Long một ngựa cứu chúa. Điển tích đặc sắc đó e rằng chưa bao giờ diễn ra. 

Thứ nhất, Tào quân ở Đương Dương – Trường Bản chỉ có năm ngàn quân kỵ, không phải trăm vạn. Thứ hai, Triệu Vân không phải một ngựa, mà còn hộ vệ Cam phu nhân. Chính La Quán Trung đã tưởng tượng ra chuyện một ngựa cứu chúa. Bởi vì là tưởng tượng nên phải tăng quân Tào thành tám mươi vạn, lại bởi vì địch quá đông nên không thể để ai đi cùng Triệu Vân. La Quán Trung đã viết thành: Triệu Vân gặp Cam phu nhân trước, lại cứu Mi Trúc rồi đưa tới cầu Trường Bản. Đoạn rồi, Triệu Vân lại quay lại, gặp Mi phu nhân ôm A Đẩu. Mi phu nhân bị thương ở chân, không chạy xa được nên đã nhảy xuống giếng tự tận. 

Mi phu nhân thực sự chết như thế nào, sử sách không chép. Có điều, Nhị chủ phi tử truyện trong Tam quốc chí có nói: 

Gặp lúc quân Tào Công đến, đuổi kịp Tiên chủ ở Đương Dương Trường Bản, trong lúc khốn quẫn, (Hậu – tức Cam phu nhân) bị bỏ lại sau cùng với Hậu chủ. Nhờ có Triệu Vân bảo vệ mới thoát khỏi nguy nan

Điều này cùng với Triệu Vân truyện cho thấy rõ ràng Cam phu nhân đi cùng Hậu chủ, không phải Mi phu nhân.

Vấn đề nằm ở chỗ, xông qua trăm vạn quân Tào không phải chuyện dễ, mang theo Hậu chủ đã là kỳ công, nếu đem thêm cả Cam phu nhân nữa lại là điều không tưởng. Vì vậy, La Quán Trung mới nói Triệu Vân cứu được Cam phu nhân trước, cứu A Đẩu sau. Vấn đề cũng nằm ở chỗ, năm đó A Đẩu còn nhỏ, không thể tự đi, nên La Quán Trung mới để Mi phu nhân bồng. Lại vì không thể để Triệu Vân dẫn cả Mi phu nhân theo, nên La Quán Trung mới làm bà bị thương ở chân, mới đẩy bà xuống giếng! Đúng là sự tích anh hùng của Triệu Vân đã được viết bằng máu của Mi phu nhân. Có điều chỉ là máu giả, tưởng tượng, người bẩn tay chính là La Quán Trung.

Triệu Vân cứu ấu chúa (Tranh minh họa)

Trương Phi chẹn cầu Trường Bản cũng là có, nhưng không phải Trương Phi quát gãy cầu mà là tự mình chặt cầu. Chuyện Hoàng Cái hiến kế hỏa công cũng là có. Có điều Chu Du không đánh Hoàng Cái, người đưa hàng thư sang phía Tào cũng chưa chắc là Hám Trạch. 

Xem ra trong Tam quốc diễn nghĩa có nhiều giai thoại không phải là sự thật. Những gì Tam quốc diễn nghĩa mô tả về trận Xích Bích so với những gì đã thực sự xảy ra năm đó có một khoảng cách không dễ bỏ qua. Điều đó khiến chúng ta không khỏi tự vấn rằng: trận đại chiến Xích Bích quả thật có đúng như những gì Tam quốc diễn nghĩa nói?

Xích Bích thật giả

Quả thật có người đã nghĩ khác. Ngài Dịch Trung Thiên trong cuốn Phẩm tam quốc có nói: có học giả chủ trương trận Xích Bích chỉ là trận chiến cỡ nhỏ và là tao ngộ chiến. Thế nào gọi là tao ngộ chiến? Giữa đường hành quân, hốt nhiên gặp địch, thế là đánh luôn, đó gọi là tao ngộ chiến. Theo quan điểm của họ thì trận Xích Bích phải được mô tả như sau: 

Tháng bảy năm Kiến An thứ 13, Tào Tháo ra quân. Tháng tám, Lưu Biểu bệnh chết. Tháng chín, Lưu Tông đầu hàng, Lưu Bị rút chạy. Tào Tháo cho rằng “Giang Lăng có tiềm năng về quân sự, e Tiên chủ chiếm mất” liền thống lĩnh năm ngàn kỵ binh truy kích. Hai bên gặp nhau ở Đương Dương, Lưu Bị thua chạy về Hạ Khẩu, Tào Tháo tiến về Giang Lăng. Sau khi thu thập được vật tư khí giới và thuyền bè ở đó, Tào Tháo lập tức xuôi xuống phía Đông phá Lưu Bị, vừa hay đụng đầu với liên quân Tôn – Lưu đang ngược dòng mà lên. Vì quân ít, bất ngờ và còn vì một số lý do khác, Tào Tháo đã thất bại. Trận chiến Xích Bích do đó là một trận chiến cỡ nhỏ.

Nói như vậy không phải là không có bằng chứng. Chứng cứ có trong Tam quốc chí, Gia Cát Lượng truyện. Gia Cát Lượng nói với Tôn Quyền: Tào Tháo dẫn quân đi xa ngàn dặm tới Tương Dương, còn phải đuổi theo Dự Châu, quân khinh kỵ một ngày đi tới ba trăm dặm, thế như cung giương hết cỡ, chưa chắc bắn thủng tấm lụa mỏng. Rõ ràng binh lực Tào Tháo mang theo chỉ có năm ngàn. Nếu tán thành cách nói đó thì phải thừa nhận rằng trận chiến Xích Bích phải diễn ra muộn nhất là vào tháng mười vì sau thời gian đó, hậu quân Tào Tháo đã đến, binh lực không thể chỉ có năm ngàn.

Thực ra không thể chỉ tin vào lời nói của Gia Cát Lượng. Chúng ta đều biết sau khi thua trận ở Đương Dương – Trường Bản, Lưu Bị chạy về Hạ Khẩu, liền phái Gia Cát Lượng theo Lỗ Túc đi du thuyết Tôn Quyền. Như vậy, quân Tào mà Gia Cát Lượng nói là quân Tào ở Đương Dương – Trường Bản, chưa chắc Khổng Minh đã nắm được tình hình mới của quân Tào ở Xích Bích. Bằng chứng là lúc Chu Du đem ba vạn quân thủy ngược dòng mà lên, Lưu Bị đã nói “hận là quá ít”, rõ ràng Tào Tháo không chỉ có năm ngàn quân. Hơn nữa, thời gian diễn ra trận Xích Bích, Tam quốc chí nói rõ là vào tháng 12 năm Kiến An thứ 13. Nói Xích Bích chỉ là trận chiến cỡ nhỏ e khó thuyết phục. Có điều, bảo rằng Hoàng Cái hỏa công, đại phá quân Tào ở Xích Bích cũng chắc gì đã đúng! Đến đây chúng ta muốn hỏi địa điếm Xích Bích nằm ở chỗ nào?

Xích Bích đồ của Vũ Nguyên Trực thời Kim

Địa điểm diễn ra trận chiến Xích Bích tới nay vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Người dân ở miệt Giang Hán thường kháo nhau rằng có năm Xích Bích là: Hán Dương, Hán Xuyên, Hoàng Châu, Gia Ngư và Giang Hạ. Ở Hán Dương có núi Lâm Chương, ngọn phía Nam của nó gọi là Ô Lâm Phong, thường gọi đó là Xích Bích. Ở Hán Xuyên có chợ quê Xích Bích. Cả hai chỗ này đều không gần Trường Giang. Ở Hoàng Châu có núi Xích Tị. Tuy nhiên, núi Xích Tị đối diện với cửa Phàn Khẩu, không phải ở phía trên Phàn Khẩu, hơn nữa lại ở bờ Bắc sông chứ không phải ở mạn Nam sông. Cả ba địa điểm này đều bị cho là không phù hợp với sử nên bị các nhà địa học bác bỏ. 

Có điều dù bị bác bỏ nhưng người Hoàng Châu không phục. Nguyên cớ là vào thời nhà Tống, thi hào Tô Đông Pha đã từng ngâm vịnh nhiều về mỏm Xích Bích ở Hoàng Châu. Họ không thể tin rằng một người vĩ đại như Tô Đông Pha lại có sự lầm lẫn về địa lý lịch sử được!

Phù hợp nhất với sử là Xích Bích ở Gia Ngư và Giang Hạ. Gia Ngư vốn là đất Bồ Kỳ. Nguyên Hòa chí nói: núi Xích Bích ở phía Tây huyện Bồ Kỳ 120 dặm, phía Bắc trông ra Đại Giang, bờ Bắc của nó là Ô Lâm. Mô tả như vậy được xem là phù hợp với tình hình, nên được nhiều người chấp nhận. Vấn đề nằm ở chỗ sử tịch đã ghi chép những gì mà chúng ta lại cho là phù hợp?

Năm địa điểm Xích Bích ven sông Trường Giang

Tam quốc chí của Trần Thọ là tác phẩm đầu tiên tường thuật trận chiến Xích Bích. Tuy nhiên, ngoại trừ Chu Du truyện ra, các truyện của các nhân vật khác có dự trận Xích Bích đều chỉ để cập hết sức sơ lược. Ngay cả Vũ Đế kỷ (về Tào Tháo), Tiên chủ truyện (về Lưu Bị) cũng không có gì hơn. Điều đáng nói là, cách chỉ định địa điểm đại chiến cũng không thống nhất. 

Vũ Đế kỷ nói: “Công đến Xích Bích, cùng Bị giao chiến, gặp bất lợi

Tiên chủ truyện nói: “Liên quân cùng với Tào Công đánh nhau ở Xích Bích, đại phá quân ấy, đốt hết thuyền chiến

Tôn Quyền truyện viết: “Du, Phổ làm Tả, Hữu đô đốc, đều lĩnh vạn quân, cùng đi với Bị, gặp quân Tào Công ở Xích Bích, đại phá quân của Tào Công. Tào Công đốt thuyền còn lại rồi rút lui

Hoàng Cái truyện cho biết: “Cái theo Chu Du chống Tào Công ở Xích Bích, hiến kế hỏa công

Chu Du truyện cũng nói: “cùng Bị hợp sức chống Tào Công, gặp ở Xích Bích”. 

Có điều, cũng có người nói khác, như trong Chu Du truyện cũng có nói: năm Xích Ô thứ 2, Gia Cát Cẩn, Bộ Chất dâng sớ khen Chu Du “bẻ gãy Tào Tháo ở Ô Lâm, đuổi chạy Tào Nhân ở Dĩnh Đô”. 

Trình Phổ truyện viết: “cùng Chu Du làm Tả, Hữu đô đốc, phá Tào Công ở Ô Lâm, lại tiến công Nam Quận” 

Lữ Mông truyện viết: “lại cùng với bọn Chu Du, Trình Phổ đi về phía Tây phá Tào Công ở Ô Lâm, vây Tào Nhân ở Nam Quận

Cam Ninh truyện nói: “sau Ninh theo Chu Du chống cự đánh bại Tào Công ở Ô Lâm

Lỗ Túc truyện dẫn Ngô thư cũng cho biết, lúc Lỗ Túc và Quan Vũ đơn đao phó hội, Quan Vũ đã nói: “Ở trận Ô Lâm, thân Tả tướng quân ở trong trận, ngủ chẳng cởi giáp, gắng sức phá quân Ngụy”. 

Cùng một trận đại chiến mà có người bảo đánh ở Xích Bích, có người nói đánh ở Ô Lâm. Điều đó khiến chúng ta nảy sinh ý kiến rằng Xích Bích – Ô Lâm chẳng qua chỉ là một, hoặc giả là ở rất gần nhau. 

Nguyên Hòa chí tả Xích Bích ở bờ Nam, Ô Lâm ở bờ Bắc, là hợp với ý đó. Tuy nhiên, Nguyên Hòa chí đại diện cho ý kiến của người thời Đường, cũng như Tô Đông Pha bảo nghe giang hồ đồn đại rằng Xích Bích ở Hoàng Châu là ý kiến của người thời Tống. Trần Thọ không chú thích Xích Bích, Ô Lâm nằm ở chỗ nào. La Quán Trung thì tả Ô Lâm chừng như ở phía sau Xích Bích, vì Tào Tháo bị đốt ở phía Đông Xích Bích thì chạy qua Ô Lâm, lương thảo quân Tào cũng ở đó. Ngài Trần Văn Đức trong Khổng Minh Gia Cát Lượng đại truyện nói Xích Bích – Ô Lâm cách nhau 20 dặm (10 km), có lẽ cũng đồng ý với ý kiến Xích Bích là ở Gia Ngư.

Khu vực có khả năng xảy ra trận Xích Bích (khúc sông kéo dài từ Hoàng Châu xuống thành phố Xích Bích)

Có điều, Đại Thanh nhất thống chí cho rằng nói như vậy là nhầm núi Bồ Kỳ với Xích Bích, nên đã bác bỏ thuyết ấy. Ở trên đã nói thuyết Xích Bích Gia Ngư là theo Nguyên Hòa chí thời Đường. Tài liệu địa chí mô tả địa điểm Xích Bích – Ô Lâm sớm nhất phải kể đến các tài liệu thời Nam Bắc triều, trong đó đáng chú ý nhất là Kinh Châu ký của Thịnh Hoằng Chi người đời Lưu Tống và Thủy kinh chú của Lịch Đạo Nguyên thời Bắc Ngụy. 

Kinh Châu ký viết: “ven sông huyện Bồ Kỳ 100 dặm, bờ Nam gọi là Xích Bích. Chu Du, Hoàng Cái đáp thuyền từ nơi đây đi công phá quân của Ngụy Vũ ở Ô Lâm. Ô Lâm, Xích Bích đông tây cách nhau 160 dặm

Thủy kinh chú viết: “sông Giang lại chảy về phía đông, đi qua phía Nam Ô Lâm hạ. Hoàng Cái nước Ngô đánh bại Ngụy Vũ Đế ở Ô Lâm, tức là chỗ này“. Đoạn sau đó lại nói: “sông Giang chảy về bên trái, đi qua phía Nam núi Bách Nhân Sơn, bên phải đi qua phía Bắc núi Xích Bích, xưa Chu Du và Hoàng Cái lừa đại quân của Ngụy Vũ Đế mà đắp nên

Mô tả Ô Lâm riêng, Xích Bích riêng. Hai chỗ này Đông Tây cách nhau 160 dặm (80 km). Ngài Hùng Hội Trinh sớ giải Thủy kinh chú có nói: Xích Bích mà Lịch Đạo Nguyên đề cập, Vương Tượng Chi người đời Nam Tống cho là ở Giang Hạ, nghi là núi Xích Ky ở phía Tây Nam Giang Hạ 70 dặm. Nhưng theo Kinh Châu ký mà suy thì Xích Bích phải ở giáp giới giữa Giang Hạ và phía Đông Bắc Gia Ngư. Cái mà Nhất thống chí xác định là chính xác nhất.

Vấn đề nằm ở chỗ nếu Ô Lâm và Xích Bích ở cách nhau 160 dặm thì vì sao Tam quốc chí lúc nói Xích Bích, lúc nói Ô Lâm? Hơn nữa, cứ vào Kinh Châu ký thì Xích Bích chỉ là bàn đạp phát binh của liên quân Tôn – Lưu đi đánh Tào Tháo ở Ô Lâm. Nghĩa là lúc ngọn lửa của Hoàng Cái bốc lên thì ở Xích Bích đến “tiểu chiến” còn không có, nói chi đến “đại chiến”?! Muốn trả lời nghi vấn này, chúng ta phải xem lại xem Chu Du truyện đã nói gì về trận chiến này.

Bản Tam quốc chí chúng ta dùng ngày nay chính ra là Tam quốc chí chú. Tác phẩm này bao gồm bản truyện của Trần Thọ, gọi là Thọ chí và phần chú thích từ các sách khác do Bùi Tùng Chi sưu tập để làm rõ thêm vấn đề hoặc nêu ra cách nói khác, gọi là Bùi chú. Đoạn nói về trận Xích Bích trong Chu Du truyện cũng có hai phần. Phần chính văn là cách nói của Trần Thọ. Phần chú thích mô tả trận hỏa công của Hoàng Cái theo Giang Biểu truyện. Chúng ta tạm thời không để ý tới thuyết của Giang Biểu truyện, chỉ xem xem Trần Thọ đã mô tả trận ấy như thế nào. Chu Du truyện viết:

Bấy giờ Lưu Bị bị Tào công phá, muốn dẫn quân vượt sông về phía Nam, gặp với Lỗ Túc ở Đương Dương, bèn cùng mưu tính, nhân đó đi đến Hạ Khẩu, sai Gia Cát Lượng đến chỗ Quyền, Quyền lại sai Du và bọn Trình Phổ cùng Bị hợp sức chống Tào Công, gặp ở Xích Bích. Bấy giờ quân Tào công đã có kẻ mệt mỏi, một trận giao tranh, quân Tào công thua chạy, dẫn về giữ bờ Bắc sông. Bọn Du ở bờ Nam. Bộ tướng của Du là Hoàng Cái nói: “Nay giặc đông ta ít, khó giữ được lâu. Nhưng xem thuyền quân của Tháo nối tiếp đầu đuôi, nên đốt mà đuổi chúng”. Bèn lấy mấy chục chiếc thuyền bịt đầu, chất đầy củi khô, đổ dầu lửa vào trong, lấy màn trướng trùm lên, trên dựng cờ răng cưa, gửi thư đến báo cho Tào công trước, muốn hàng để lừa.

Tranh minh họa

Cái sắm sửa thuyền nhẹ, đều buộc thuyền lớn ở sau, sau đó dẫn đi trước. Quan quân của Tào công đều trèo lên đầu thuyền ngóng xem, trỏ tay nói là Cái đến hàng. Cái thả các thuyền đến, cùng lúc phóng lửa. Bấy giờ gió thổi mạnh, lửa cháy lan đến các doanh trại trên bờ. Chốc lát, lửa khói ngút trời, người ngựa bị đốt, rơi xuống nước chết đuối rất nhiều, quân bèn thua chạy, về giữ Nam Quận.”

Xem thế thì biết trận chiến Xích Bích có hai màn. Màn đầu là trận giao phong giữa thủy sư Tào Tháo và liên quân Tôn – Lưu; màn sau là hỏa công của Hoàng Cái. Giữa hai màn này có một khoảng cách về thời gian vì ít ra Hoàng Cái còn phải gửi thư trá hàng cho Tào Tháo. Tam quốc diễn nghĩa chừng như cũng nói theo Chu Du truyện

Chu Du vừa đến Hạ Khẩu, hạ trại cách Tam Giang khẩu năm sáu chục dặm thì sứ giả Tào Tháo tới. Chu Du chém chết sứ giả rồi sai Cam Ninh, Hàn Đương, Tưởng Khâm, làm tiền bộ, tự thân dẫn các tướng đi Tam Giang khẩu. Tào Tháo cũng sai Sái Mạo, Trương Doãn làm tiên phong, cùng mình đi Tam Giang khẩu. Hai bên giao chiến, quân Tào bị thua phải lui. Giữa trận chiến này với hỏa công Xích Bích có một khoảng cách thời gian không ngắn, vì ở giữa hai trận còn có Chu Du lừa Tưởng Cán, Khổng Minh mượn tên, Hoàng Cái bị đòn, Hám Trạch mật dâng thư hàng, Bàng Thống bày liên hoàn kế, còn có mở tiệc yến Tào Tháo ngâm thơ, khóa chiến thuyền Bắc quân dùng võ, lại còn Chu Du ốm nặng, Gia Cát Lượng cầu gió ở đàn Thất tinh. Nói tóm lại, nếu căn cứ vào Tam quốc diễn nghĩa thì không thể tính trận đánh đó vào hỏa công Xích Bích.

Thủy quân Tôn - Tào giao chiến ở Tam Giang khẩu

Ngược lại, nếu căn cứ vào Chu Du truyện thì phải thừa nhận rằng hai trận này xảy ra rất sát nhau, dù vẫn có một khoảng cách về thời gian. Bản chất của đại chiến Xích Bích là hai trận đánh liên tiếp: một ở Xích Bích, một ở Ô Lâm. 

Trận chiến Xích Bích là trận tao ngộ chiến. Vũ Đế kỷ, Tôn Quyền truyệnChu Du truyện trong Tam quốc chí chính là căn cứ. Vũ Đế kỷ nói: “Công đến Xích Bích, cùng Bị giao chiến”. Tôn Quyền truyện nói: “gặp quân Tào Công ở Xích Bích”. Chu Du truyện viết “gặp ở Xích Bích”. Cả ba đều ám chỉ hai bên giáp mặt khi đang hành quân. Tào Tháo xuôi dòng xuống phía Đông đánh Lưu Bị, vừa hay gặp phải liên quân Tôn – Lưu đang ngược dòng mà lên ở Xích Bích, thế là đánh luôn. Chu Du truyện kể: “bấy giờ trong quân Tào Công có kẻ mệt mỏi, một trận giao tranh, quân Tào công thua chạy, dẫn về giữ bờ Bắc sông”. 

Như vậy, nguyên nhân chủ yếu khiến Tào Tháo thất bại là quân sĩ mỏi mệt. Ta đã biết quân Tào không quen sông nước. Có thể lần hành quân này là lần hành quân dài ngày đầu tiên của họ trên mặt nước, không khỏi có chỗ không quen, sinh ra cảm giác mỏi mệt, đến khi lâm trận hiệu suất chiến đấu giảm sút, dẫn đến thất trận. 

Tào Tháo nhận thấy nhược điểm đó nên đã lui binh về Ô Lâm, liên kết chiến thuyền để giảm thiểu ảnh hưởng của sóng gió, không ngờ đó lại là một quyết sách sai lầm, tạo thuận lợi cho mẹo hỏa công của Hoàng Cái. Hoàng Cái hỏa công là đốt ở Ô Lâm, không phải Xích Bích. Vì vậy, nếu đánh giá cao vai trò của trận hỏa công như Tam quốc diễn nghĩa thì đại chiến Xích Bích chính ra phải gọi là đại chiến Ô Lâm mới đúng.

Về chuyện hỏa công cũng có hai cách nói: có người nói Hoàng Cái đốt thuyền, có người nói Tào Tháo đốt thuyền. Mẹo hỏa công thấy nói trong Hoàng Cái truyệnChu Du truyện trong Tam quốc chí, Giang Biểu truyện mô tả việc này càng chi tiết hơn. Việc Tào Tháo tự đốt thuyền thấy nói trong Giang Biểu truyện. Sau trận Ô Lâm, Tào Tháo gửi thư cho Tôn Quyền nói rằng: 

“Ở trận Xích Bích, gặp lúc bệnh tật, cô đốt thuyền tự rút quân, Chu Du mới có hư danh

Kỳ thực mà nói, Tào Tháo nếu muốn rút quân sao lại phải đốt thuyền? Nghĩ kỹ sẽ thấy hai cách nói này không mâu thuẫn nhau. Hạm thuyền của Tào Tháo đã bị Hoàng Cái đốt trước, tổn thất nặng nề. Tào Tháo thấy không thể cùng liên quân Tôn – Lưu tranh hơn trên mặt nước nên có ý muốn rút quân. Nhưng vì thủy quân của Tào Tháo không đảm bảo an toàn cho cuộc rút lui ấy, Tào Tháo quyết định về bằng đường bộ qua Hoa Dung đạo nhằm tránh thủy sư của liên quân Tôn – Lưu truy kích. Tào Tháo đã đốt bỏ số thuyền còn lại để không rơi vào tay liên quân. Lưu Bị khéo tính đường Hoa Dung, đã sai người gấp đường đuổi theo, muốn đốt chết Tào Tháo ở Hoa Dung đạo. Có điều Tào Tháo cơ trí lại nhanh chân nên thoát được trong gang tấc.

Quan Vũ chẹn đường Hoa Dung

Trận chiến Xích Bích – Ô Lâm là thất bại lớn nhất trong đời Tào Tháo. Sự nghiệp nhất thống Trung Quốc của ông ta bị cản trở, địa vị chính trị của ông ta ở miền Bắc bị lung lay. Tào Tháo hùng mạnh, lại đang ở thế thắng, quân đông, thuyền nhiều, lại thua trước liên quân Tôn – Lưu ít hơn về số lượng, lại tập hợp vội vã, rốt cuộc là vì cái gì?

Thắng bại có cớ

Nguyên nhân Tào Tháo thất bại kể ra có vô số, tựu trung có mấy lý do lớn: 

Tào Tháo không am hiểu thủy chiến, bỏ sở trường là kỵ bộ đi tranh hơn trên mặt nước với người Ngô Việt nên thất bại, đó là lý do thứ nhất. Tào Tháo chủ quan, không liệu định được tình hình, là lý do thứ hai. Quân Tào từ miền Bắc xuống, không quen thủy thổ phương Nam nên phát sinh dịch bệnh, sức chiến đấu giảm sút, là lý do thứ ba. Sai lầm về chiến thuật, ý đồ không rõ ràng nhưng vẫn tham chiến là lý do thứ tư

Xuất phát từ những nguyên nhân đó, nhiều người kết luận rằng sau khi đến Giang Lăng, Tào Tháo không nên đi Xích Bích, tốt nhất là nghe theo lời khuyên của Giả Hủ nên xếp giáp nghỉ binh. Nếu làm như vậy, ít ra Tào Tháo cũng đã không thua đau ở Xích Bích. Tôi thì cho rằng người dâng ý kiến đó là kẻ tát nước theo mưa, không phải người có thể mưu lợi cho đất nước. Thật ra, Tào Tháo đem quân tới Xích Bích cơ hồ là đúng, hoặc giả là bị buộc phải làm thế. 

Về chuyện này Tam quốc diễn nghĩa nói Tào Tháo vào được Giang Lăng rồi, nghe nói Lưu Bị đã qua Giang Hạ, sợ Lưu Bị kết minh với Tôn Quyền. Mưu sĩ Tuân Du hiến kế nên huy động đại quân để ra oai, gửi thư uy hiếp Tôn Quyền, hẹn cùng hội săn ở Giang Hạ, cùng bắt Lưu Bị, chia sẻ Kinh Châu, khiến Tôn Quyền sợ hãi lại hàng. Tào Tháo y kế, phát hịch cho Tôn Quyền, lại huy động đại quân thủy, bộ gồm 83 vạn, nói thặng lên thành trăm vạn, theo Trường Giang mà tiến, phía tây nối liền Kinh Giáp, phía đông tiếp giáp Kỳ Hoàng, doanh trại kéo dài ba trăm dặm. Đó là lời của tiểu thuyết. 

Trong Tam quốc chí, Chu Du có phân tích: quân Tào nói rùm beng là 80 vạn, thực ra Tào Tháo đem người miền Bắc đi không quá 15-18 vạn. Quân đội thu được ở Kinh Châu bất quá 7-8 vạn. Quân Tào thực tế chỉ độ 23-24 vạn. Tôi muốn nói thêm rằng 23-24 vạn ấy không chắc đều tụ lại hết ở Xích Bích, vì còn phải phân binh ra đóng giữ các thành trì hiểm yếu vừa chiếm được. Lại nữa, trong số Tào Tháo đem đi không chắc toàn bộ đều là thủy quân. Vì thế quân Tào nhiều lắm chỉ có 20 vạn, liên quân Tôn – Lưu có 5 vạn.

Tào Tháo ngắm trăng trước trận Xích Bích

Tào Tháo không phải vừa chiếm được Giang Lăng là đến Xích Bích ngay. Vũ Đế kỷ nói: tháng 12 năm Kiến An thứ 13, Tôn Quyền giúp Lưu Bị vây đánh Hợp Phì. Tào Công từ Giang Lăng đi đánh Bị, đến Ba Khâu, phái Trương Hí đi cứu Hợp Phì. Tôn Quyền nghe tin Hí đến liền bỏ chạy. Tào công đến Xích Bích, đánh nhau với Bị, gặp bất lợi. Khi ấy trong quân có đại dịch, quân sĩ chết nhiều. Công bèn dẫn quân về. Bị bèn chiếm lấy Kinh Châu và mấy quận phía Nam Trường Giang. 

Tôn Thịnh nhận xét rằng Ngô chí nói Tôn Quyền đánh Hợp Phì, Tào Tháo sai Trương Hí tới cứu là sau trận Xích Bích, mà ở đây lại nói là trước trận Xích Bích. Hai sách bất đồng, Ngô chí chép đúng. Kỳ thực Ngô chí chép đúng nhưng chưa chắc Vũ Đế kỷ đã hoàn toàn sai. Lúc Tôn Quyền mời Chu Du về bàn kế chống Tào, Chu Du nói cần năm vạn quân sẽ phá được. Tôn Quyền bảo năm vạn quân nhất thời không có, nhưng đã chọn được ba vạn quân, lương thảo thuyền bè, khí giới đều có đủ. Điều đó chứng tỏ Tôn Quyền đã điều động sẵn đại quân. Lại nữa, lúc Lỗ Túc xin sang Kinh Châu viếng tang Lưu Biểu, có nói với Quyền: nếu Lưu Tông – Lưu Bị hòa hợp, sẽ liên hợp với họ để chống Tào; nếu hai người kia tương đấu, sẽ thừa cơ nuốt Kinh Châu. 

Bất luận trường hợp nào, Tôn Quyền đều cần tới binh lực nên phải điều động sẵn. Có thể sự điều động quân đội này đã bị Tào Tháo nắm được. Tào Tháo cho rằng Tôn Quyền sẽ uy hiếp Hợp Phì để giải tỏa áp lực cho Lưu Bị, giống như năm xưa Lưu Bị yêu cầu Viên Thiệu đánh Hứa, mới đi về phía đông đánh Bị trước. Thời gian phát binh là tháng 12, sau lúc chiếm Giang Lăng ba tháng. Tào Tháo từ Giang Lăng, qua Ba Khâu, đến Xích Bích, tao ngộ với liên quân Tôn – Lưu, thế nên Chu Du truyện mới nói bấy giờ trong quân Tào có người mỏi mệt. Vì sức chiến đấu giảm sút, vì không am hiểu thủy chiến và vì Tào Tháo có quá nhiều thuyền, điều động rối rắm nên đã thua trận, phải lui về đóng trại ở Ô Lâm, rồi bị Chu Du đốt lui. Cần nói thêm là Giang Biểu truyện tả cảnh hỏa công, chỉ nói Hoàng Cái đốt hạm thuyền, lửa bén tới cả doanh trại ở trên bờ. Mô tả như vậy thì Ô Lâm là chỗ Tào Tháo neo thuyền, không hề lập thủy trại hay luyện thủy quân gì ở đó

Tiền Xích Bích phú

Tao ngộ chiến Xích Bích, hỏa công ở Ô Lâm đã đánh tan được khí thế vô địch của Tào Tháo, cắt ngang sự nghiệp nhất thống Trung Quốc, cũng là mở ra khả năng chia ba thiên hạ của Lưu Bị như hoạch định của Gia Cát Lượng trong Long Trung đối sách

Nội dung của Long Trung đối là việc lấy hai châu Kinh – Ích làm căn bản, bên trong sửa sang chính sự, bên ngoài liên kết với Tôn Quyền, vỗ về Di Địch, đợi khi thiên hạ có biến sẽ phát binh hai đường để diệt Tào Tháo. Trên con đường thực hiện hoạch định đó, mối quan hệ với Đông Ngô giữ một vai trò quan trọng. 

Có điều, tập đoàn Đông Ngô sinh ra không phải để phục vụ cho đế nghiệp của Lưu Bị. Họ cũng có đường hướng và chính sách riêng. Vậy chiến lược tranh đoạt thiên hạ của Đông Ngô là như thế nào? Chiến lược đó có ảnh hưởng gì đến Long Trung đối sách của Gia Cát Lượng?

Chia sẻ câu chuyện này
Share