Do Thái – Ả Rập diễn nghĩa – Phần 3: Những bức tường ở Bờ Tây, bảo vệ hay chia cắt (2)

Do Thái – Ả Rập diễn nghĩa – Phần 3: Những bức tường ở Bờ Tây, bảo vệ hay chia cắt (2)

Bethlehem cũng là một thành phố thiêng khác ở West Bank. Kinh Thánh của Kitô giáo đã nói rằng Chúa Jesus được sinh ra và lớn lên ở Bethlehem, rồi sau đó, chàng thanh niên đã tiến vào thành Jerusalem trên lưng lừa và thay đổi toàn bộ lịch sử nhân loại mãi mãi. 

Ngày nay, khi đến Bethlehem, những người hành hương chắc chắn phải ghé qua Nhà thờ Giáng sinh (the Church of Nativity), để tận mắt chứng kiến nơi mà Jesus đã chào đời. Có thể nói, nhà thờ này, hoặc thành phố này có vai trò lịch sử siêu quan trọng đối với Kitô giáo. Ấy thế mà, sau những biến đổi của thời cuộc, nó cũng chẳng thể nằm ngoài bánh xe lịch sử và sự lạnh lùng của người Israel.

Cũng như bao khu vực khác tại Vùng chiếm đóng West Bank này (the Occupied West Bank), Bethlehem cũng bị cô lập bởi các bức tường. Hệ thống tường ở đây dày đặc và nhiều đến mức nó khiến thành phố này được gọi là The Walled City. Để thu hút sự chú ý của cộng đồng thế giới, thanh thiếu niên Palestine đã liên tục biến các bức tường quanh thành phố thành các “viện bảo tàng” hoặc “phòng triển lãm”. Họ vẽ lên đó chằng chịt những bức graffiti kêu gọi hòa bình, yêu cầu chính phủ Israel trao lại quyền tự quyết cho dân Palestine. 

Những “tác phẩm nghệ thuật” này có sức ảnh hưởng khá lớn, đến mức nó khiến một nghệ sĩ đường phố nổi tiếng người Anh có tên Banksy phải đến đây và trầm trồ thán phục. Để rồi sau đó, chính Banksy, một người nghệ sĩ với những tác phẩm có sức ảnh hưởng chính trị, đã quyết định để lại dấu ấn bằng những tác phẩm của riêng mình trên những bức tường ở Bethlehem. Nổi bật trong số đó là những bức như, Girl Frisking Soldier (Cô bé lục soát vũ khí của quân sĩ Israel), hay The Armoured Dove (Bồ câu mặc áo chống đạn), sau này đã trở thành biểu tượng của thành phố Bethlehem. 

(Nguồn: Bansky)

Chưa hết, Banksy còn mở cả một khách sạn ngay trung tâm Bethlehem, đặt tên là The Walled Off Hotel (Khách sạn bao phủ bởi những mảng tường). Tất cả các phòng ở đây đều có view hướng ra các bức graffiti trên tường, khiến khách du trú phải suy nghĩ về thực tại khắc nghiệt tại thành phố mà họ đang dừng chân. Không chỉ có thế, trong sảnh khách sạn, du khách còn được tham quan một bảo tàng nhỏ, trưng bày đủ mọi tài liệu tranh ảnh và hiện vật liên quan đến cuộc chiếm đóng của quân Israel tại Palestine.

Văn hóa và lịch sử của Bethlehem cũng đã bị chèn ép đến ngộp thở. Theo những thống kê gần đây, cùng với sự di cư ào ạt của dân Do Thái Israel, số lượng người theo Kitô giáo đã giảm xuống mức chỉ còn dưới 10% ngay trên mảnh đất quê hương của Jesus. Quả là đáng buồn và khó tin nếu biết rằng năm 1922 có đến 84% dân số Bethlehem theo Kitô giáo.

Không những đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, thậm chí, đến con đường đại lộ duy nhất nối Bethlehem và Jerusalem giờ đây cũng bị chặn lại bởi các checkpoint. Ngày nay, nếu muốn vào Jerusalem, người Palestine phải nộp đơn xin giấy phép (permits) từ chính quyền Israel, và thường thì rất ít người được cấp giấy phép vì nhiều lý do.

Thử hỏi, cách đây hơn 2000 năm, khi Jesus tiến vào thành trên lưng lừa để “cứu rỗi loài người”, ông có nào mường tượng ra được rằng các tín đồ của mình lại gặp nhiều trắc trở như thế khi đi trên chính con đường gian khổ mà của mình ngày xưa. Trớ trêu thay, những người ngoại quốc khi tới vùng này, chỉ cần cầm trên tay chiếc passport không phải do chính phủ Palestine cấp, sẽ dễ dàng thuận tiện đi lại, không gặp trở ngại gì cả. Rõ ràng, chính phủ Israel đang gửi đi một thông điệp rằng họ chỉ đang muốn kiểm soát, phong tỏa, và chia cắt cộng đồng người Ả Rập Palestine mà thôi. Dù những người Palestine này có là mầm mống khủng bố hay không, “thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”, cách tốt nhất vẫn là không để họ tự do đi lại.

Giờ đây, những thành phố thiêng với vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển tôn giáo của loài người, đáng buồn thay, cùng với sự linh thiêng vốn có, đã bị bóp nghẹt bởi hơi thở chính trị và những toan tính của những nhà cầm quyền. Khi nghĩ về Jerusalem, hay Bethlehem và Hebron, chúng ta không thể đơn giản chỉ nghĩ về những thánh tích vĩ đại, mà phải bận tâm đến những sự chia rẽ. Nó được thể hiện qua không chỉ tâm thức của những người không cùng niềm tin tôn giáo (sự chia rẽ tinh thần – religious separation), mà còn được cụ thể hóa qua những bức tường tàn nhẫn (sự chia rẽ thực tế – physical separation).

Nhìn từ bên ngoài, người Do Thái sẽ gọi hệ thống tường lũy này với cái tên trìu mến Hàng rào bảo vệ. Phía bên trong, những cộng đồng người Palestine sẽ kêu gào rằng đây là Hàng rào phân biệt. Với những diễn biến căng thẳng leo thang suốt thời gian qua, thật khó để hình dung về một “happy ending” cho số phận của hai dân tộc anh em này. Chỉ có một điều chắc chắn, để có hòa bình, thế giới cần nghe lời Ted Cruz. Chính trị gia người Mỹ này đã từng nói:

Thứ chúng ta cần làm là gỡ bỏ những rào cản giữa đôi bên, chứ không phải xây thêm tường”. (We should be breaking down barriers, not building walls).

Chia sẻ câu chuyện này

Thiết kế dàn trang Trần Văn Hậu

Share