Nhàn thoại Tam Quốc – kỳ 10: Vén mây mù huyền thoại tôn Lưu

Tác giả Wong Trần
Nhàn thoại Tam Quốc – kỳ 10: Vén mây mù huyền thoại tôn Lưu

Tôn Lưu ức Tào là nhận định thường thấy của người đời về La Quán Trung. Người ta thường phê phán rằng La Quán Trung đã quá chú trọng đề cao phe Thục, và ngược lại đè nén phe Tào. Mặc dù vậy, nếu xem xét tình trạng kể chuyện Tam quốc vào thời La Quán Trung viết Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, chúng ta sẽ thấy sự thực không phải như vậy.

La Quán Trung tôn Tào

Thời đại của La Quán Trung đánh dấu một sự chuyển dịch quan trọng trong nhận thức của dân gian về phe Tào Tháo. Từ thời Tấn cho đến Bắc Tống, nhận định của giới sĩ phu cũng như quần chúng về Tào Tháo chưa hẳn là ghét bỏ, nếu không nói còn có phần tôn vinh. Thậm chí còn có những vở múa rối lấy nhân vật chính là phe Tào Ngụy, chẳng hạn chuyện Tào Tháo tắm sông và vật nhau với giao long, chuyện Tào Phi kéo quân đến sông Trường Giang đánh Ngô nhưng không vượt sông. 

Thời Bắc Tống, nhóm Tư Mã Quang biên soạn Tư trị thông giám đã chọn phe Tào Ngụy làm chính thống. Biên niên sử của nhóm Tư Mã Quang chỉ ghi niên hiệu Tào Ngụy, gọi Ngụy chủ là đế, mà Thục, Ngô chỉ là chủ. Tư Mã Quang còn phát biểu tỏ ý nghi ngờ nguồn gốc tông thất nhà Hán của Lưu Bị. Những điều này đã làm dấy lên sự tranh biện trong giới học giả Nho gia.

Chân dung Tào Tháo (曹操) trong ấn bản Tam Quốc Diễn Nghĩa thời nhà Thanh.

Mặc dù vậy, tình hình chính trị của nhà Tống càng ngày càng trở nên giống với nhà Thục Hán của Lưu Bị. Nhà Tống bị cường địch phương Bắc là Liêu rồi Kim chèn ép. Sau khi bại trận trước nhà Kim, tàn dư triều đình Tống lui về phía Nam Trường Giang, lập ra nhà Nam Tống. Tình cảnh của họ bây giờ không khác gì Lưu Bị phải chạy vào trong Thục. 

Sử gia Chu Hi biên soạn Tư trị thông giám cương mục đã chuyển sang chọn Lưu Bị làm chính thống. Ngay cả dân chúng cũng có thiện cảm với tập đoàn Lưu Bị. Trẻ con khóc lóc khi nghe kể chuyện Lưu Bị thua trận. Ngược lại, lúc kể những đoạn Tào Tháo bại trận, chúng lại cười thích thú. Trong Tam quốc chí bình thoại cũng như tạp kịch thời Nguyên, Tào Tháo đơn thuần là một kẻ độc ác. Ông ta chỉ xuất hiện để làm nền cho các nhân vật Thục Hán phô diễn tài năng và đức hạnh của mình. La Quán Trung đã không đi theo con đường đó. 

Ở lần đầu tiên nhân vật Tào Tháo xuất hiện, La Quán Trung đã gọi Tào Tháo là “anh hùng”. Trong mô tả của La Quán Trung, Tào Tháo là “một vị anh hùng mình cao bảy thước, mắt nhỏ râu dài, đởm lược hơn người, cơ mưu xuất chúng, cười Tề Hoàn, Tấn Văn không có tài khuông phò, chê Triệu Cao, Vương Mãng không ủ mưu ngang dọc, dùng binh phảng phất Tôn, Ngô, bụng thuộc nằm lòng Thao, Lược”. Chi tiết này đã bị cắt bỏ trong những bản tu chỉnh sau đó của hậu thế – chẳng hạn như trong bản Mao Tôn Cương nổi tiếng. 

La Quán Trung đã dùng một nửa đầu bộ tiểu thuyết của mình để viết về nhân vật Tào Tháo. Tào Tháo được mô tả như một anh hùng sáng suốt, lòng đầy nhiệt huyết. Trước Tôn Kiên, Tào Tháo là người đã dập lửa ở kinh thành Lạc Dương trong vụ trừ diệt hoạn quan (chi tiết này cũng bị các bản tu chỉnh sau này cắt bỏ). Tào Tháo khảng khái hành thích Đổng Trác, là chủ chốt trong việc xây dựng liên quân Quan Đông đánh Đổng Trác. Tài trí của Đổng Trác trong các chiến dịch đánh nhau với Lữ Bố, Viên Thuật, Viên Thiệu đã được La Quán Trung tập trung mô tả. Trước La Quán Trung, Tam quốc chí bình thoại không đề cập đến những sự việc này. 

La Quán Trung còn dụng công tô điểm mối quan hệ giữa Tào Tháo và Quan Vũ. Trong tạp kịch thời Nguyên, khi Quan Vũ lên đường đi tìm Lưu Bị, phe Tào Tháo đã mượn cớ tặng áo để tìm cách mưu hại. Dưới ngòi bút của La Quán Trung, Tào Tháo lại hành động như một người quân tử. 

Tào Tháo tặng áo cho Quan Vũ

La Quán Trung đã dốc nhiều tâm sức để xây dựng hình tượng Tào Tháo. Ngược lại, đối với ba anh em Lưu, Quan, Trương, La Quán Trung đã không đóng góp gì nhiều so với những gì dân gian quan niệm. Nhân vật Trương Phi thậm chí còn đánh mất vai trò chiến thần số một mà Tam quốc chí bình thoại đã khắc họa rõ. Từ góc nhìn này mà nói, La Quán Trung bề ngoài là tôn Lưu, nhưng bên trong thực chất đã tôn Tào nhiều hơn. Vì sao lại như vậy?

Vai phản diện để đời

Trong lịch sử tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, La Quán Trung là người duy nhất tập trung xây dựng nhân vật phản diện có chiều sâu, như Tào Tháo, như Tư Mã Ý. Tam quốc diễn nghĩa cũng là tác phẩm hiếm hoi mà độc giả có thể yêu thích nhân vật phản diện. Chẳng ai đọc Thủy hử mà yêu thích Cao Cầu, Đồng Quán; cũng chẳng ai đọc Tây du mà thích thú với con yêu quái nào. Nhưng đọc Tam quốc diễn nghĩa, có người lại thích Tào Tháo, thích Tư Mã Ý – dù họ thuộc về bên “phản diện”. Một đối thủ xứng tầm đối đầu với tuyến chính diện tài đức, đó chính là chìa khóa làm nên sự hấp dẫn của Tam quốc diễn nghĩa so với các tác phẩm khác. 

Gia Cát Lượng dùng Không thành kế với Tư Mã Ý

Điều lạ lùng là ta không thấy thủ pháp chăm chút nhân vật phản diện này ở các tác phẩm khác đội tên La Quán Trung. Tất nhiên, tác phẩm đội tên La Quán Trung chắc gì đã là của La Quán Trung. Nhưng người mạo danh La Quán Trung cũng không thể mô phỏng thủ pháp làm việc của ông. Có lẽ vì tư tưởng của La Quán Trung đã vượt qua thời đại; hoặc là vì ngoài Tam quốc diễn nghĩa ra, không có một giai đoạn nào cho phép người viết làm theo quan điểm của La Quán Trung. 

Tào Tháo, Tư Mã Ý dù là phản diện nhưng vẫn là người mở ra những triều đại chính thống. Dù có không ưa thích, dù có chê mỉa, nhưng tài trí của họ là điều khó thể phủ định. Tào Tháo và Tư Mã Ý dù cho có gian, ta vẫn phải đèo thêm một chữ hùng. Ngay cả Gia Cát Lượng khi nhận xét về thành công của Tào Tháo cũng phải thốt lên rằng thành công đó chẳng phải chỉ do thiên thời, mà còn có mưu người nữa. Sử sách các đời cũng ghi chép lại rất nhiều ví dụ về tài trí của phe “phản diện”. Đó là điều kiện thuận lợi để La Quán Trung xây dựng một hệ thống nhân vật đáp ứng yêu cầu của biên kịch hiện đại, bao gồm cả yếu tố nhân vật phản diện xứng tầm.

Tư Mã Ý và trâu gỗ ngựa máy

Nhân vật phản diện xứng tầm là yếu tố để duy trì tính hấp dẫn của câu chuyện. Người đời có câu: “Khổng Minh chết, hết Tam quốc”. Ý nói từ sau khi Khổng Minh qua đời, câu chuyện Tam quốc bớt phần hấp dẫn. Đó là vì từ sau chỗ đó, cuộc đối đầu giữa nhân vật chính diện xứng tầm và nhân vật phản diện xứng tầm ngày càng nhạt nhòa đi. Chẳng những Khương Duy không thể thay thế Gia Cát Lượng, mà Đặng Ngải cũng thế. Sự xuất hiện của Đặng Ngải cũng khá muộn. 

Điều đáng nói là trong sử sách thì Tư Mã Ý cũng xuất hiện “muộn”. Tư Mã Ý chỉ bắt đầu chống Thục khi cùng Tào Chân đánh Hán Trung. Ông ta cũng chỉ xuất hiện trong lần Bắc phạt thứ năm và thứ sáu của Gia Cát Lượng. La Quán Trung đã nâng cao vai trò của Tư Mã Ý lên, biến ông này thành nhân tố quyết định ngăn chặn cuộc tấn công của Gia Cát Lượng. Nó khiến ta thoáng nghĩ rằng bút pháp của La Quán Trung về giai đoạn cuối đã có phần đuối sức, hoặc giả ông phải làm như vậy cho phù hợp với giai đoạn tàn cuộc. Dù sao đi nữa, La Quán Trung đã đưa ra những mẫu mực quan trọng cho người viết tiểu thuyết lịch sử chương hồi. Chúng ta có thể học gì từ những bài học ấy?

Kỳ sau: Từ Tam Quốc tới ba Đàng.

Chia sẻ câu chuyện này
Share