Vạn Lý Trường Thành: Bảo vệ hay chia cắt?

Tác giả La Gia Thịnh
Vạn Lý Trường Thành: Bảo vệ hay chia cắt?

Ngạo nghễ, vĩ đại, trường tồn là những mỹ từ mà người ta hay dùng để miêu tả Vạn Lý Trường Thành. Đúng nhưng chưa đủ, Vạn Lý Trường Thành đích thực là “xương sống” của lịch sử Trung Hoa trong khoảng 1000 năm qua.

Mãnh hổ nan địch quần hổ

Nếu như đi dọc Trường Thành sẽ cho bạn cơ hội ngắm nhìn giang sơn rộng lớn, thì nghiên cứu về Trường Thành tự cổ chí kim sẽ giúp bạn có cái nhìn khái quát về lịch sử đầy những biến động của dân tộc này. 

Về địa lý, vùng đất của người Hán từ ngàn xưa nằm ở vị trí tiếp giáp với nhiều dân tộc khác nhau. Nếu như Cao nguyên Thanh Tạng và Thái Bình Dương là những rào cản tự nhiên, che chở người Hán về phía Tây và Đông, thì vùng phương Bắc của họ thật sự trơ trọi và luôn “mời gọi” những sự xâm lược từ ngoại bang. 

Bản đồ đã nói rõ như sau, phân bố theo hình cánh cung từ phải sang trái, những dân tộc láng giềng tạo một thế trận “bao vây” người Hán. Phía Đông Bắc là nơi của người Mãn. Trực diện phía Bắc là nỗi sợ kinh hoàng từ tiếng vó ngựa Mông Cổ. Phía Tây Bắc là vùng Tân Cương rộng lớn, với phần lớn dân số theo đạo Hồi. Cuối cùng, phía Tây là nơi của người Tây Tạng với truyền thống Phật giáo nguyên thủy. 

Có thể thấy, phía Bắc của người Hán là nơi họ không được bảo vệ và cũng chính là điểm yếu “chết người” của dân tộc Hán. Chỉ cần sơ hở, Mông Cổ, Mãn Châu, các dân tộc Turk và cả người Hung Nô sẵn sàng tràn xuống phía Nam trong tích tắc, thôn tính vùng đồng bằng trù phú này. 
Tranh phỏng dựng người Hung Nô ở bảo tàng quận Henan, Zhengzhou.

Tất cả các đời Hoàng đế Trung Hoa hiểu rằng nếu thiên nhiên không ưu ái bảo vệ họ, họ phải tự làm chủ vận mệnh. Cách cụ thể và cần thiết nhất lúc này là phải dựng lên một “hàng rào” bằng mọi giá. Và chính ý nghĩ đó đã đặt nền móng cho công trình vĩ đại nhất lịch sử nhân loại – Vạn Lý Trường Thành

Một dải Trường Thành sừng sững

Phỏng dựng chân dung Tần Thủy Hoàng vẽ vào thế kỷ 19. Nguồn: National Geographic.

Nhà Chu khởi công xây dựng Trường Thành từ tận thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên, nhưng thời đó đoạn thành này khá thô sơ, chủ yếu chỉ là đắp đất lên để chắn đường tiến công của quân địch. Về sau, Tần Thủy Hoàng chính là vị vua đầu tiên có công bồi đắp liên kết các phần rời rạc để Trường Thành trở nên liền mạch và có tính kết nối như hiện nay. 

Sau khi thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng đặc biệt chú trọng việc cải tạo và nâng cấp Trường Thành vì ông muốn khẳng định sự tồn tại của một dân tộc hùng mạnh, một khối đoàn kết. Hơn nữa, việc đầu tư vào công trình này chính là một nước đi “dằn mặt” những người Hung Nô phương Bắc luôn dòm ngó giang sơn nhà Tần. Chính vì lẽ đó mà tên tuổi của Tần Thủy Hoàng cũng gắn liền với những giai thoại về sự tàn nhẫn mà ông đã gây ra cho những người lính và dân thường trong suốt quá trình xây dựng. Đằng sau một công trình lưu danh thiên cổ là sinh mạng của hàng vạn người, họ đã mãi mãi nằm lại ở những vùng biên ải xa xôi. 

Tường thành qua các thời kỳ. Nguồn: National Geographic
Trường Thành tuy hiên ngang sừng sững nhưng không phải là bất khả xâm phạm. Thế kỷ 13, dưới thời Nam Tống, nỗi ác mộng của các vua Trung Hoa đã thực sự xảy ra, vó ngựa Mông Cổ đã tràn xuống phía Nam. Đạo quân hùng mạnh dưới trướng Thành Cát Tư Hãn đã thôn tính Trung Nguyên. Tuy nhiên, sự đô hộ của Mông Cổ kéo dài không quá lâu. Đến năm 1368, Minh Thái Tổ đánh đuổi quân Mông Cổ, lấy lại giang sơn cho người Hán, lập ra nhà Minh. 
Tranh vẽ Minh Thái Tổ ở bảo tàng Cố Cung, Bắc Kinh.
Năm 1421, Minh Thành Tổ chuyển kinh đô của nhà Minh từ Nam Kinh đến Bắc Kinh. Lúc này, vua Minh đã nhận thấy rằng việc dời đô này khiến cho quốc gia dễ gặp nguy vì kẻ thù Mông Cổ ở ngay cửa. Vì lẽ đó, ông không còn cách nào khác ngoài việc củng cố Trường Thành, khiến nó trở nên kiên cố nhất. Ông lệnh cho các lò gạch địa phương hoạt động hết công suất, huy động toàn bộ sức trai tráng trong vùng để xây dựng và bồi đắp trường thành. Đây có thể xem là một quyết định cách mạng, góp phần tạo dựng nên vẻ ngoài và địa thế của công trình này mãi về sau. 
Bản đồ Đại Minh năm 1580.
Quan trọng hơn, về mặt chính trị, ông muốn người Hán biết rằng đây sẽ là ranh giới của tađịch. Phía bên ngoài kia là bọn ngoại bang lúc nào cũng cần phải dè chừng. Không chỉ nói suông, các tháp canh trên Vạn Lý Trường Thành đều được đặt tên để thể hiện rõ ý đồ đó, chẳng hạn như Tháp canh trấn áp Ngoại bang. Đây là một quyết định tác động sâu sắc đến tâm tưởng người Hán mãi về sau. Đối với bao thế hệ người Hán lớn lên trong thời đại này và cả con cháu của họ, Trường Thành không khác gì một ranh giới tự nhiên, một sự phân cách toàn diện về mọi mặt. 
Bản đồ Vạn Lý Trường Thành thời nhà Minh.

“Bất đáo Trường Thành phi hảo hán”

Hoàng đế Càn Long trong lễ phục trên lưng ngựa. Vẽ bởi họa sĩ Giuseppe Castiglione.

Nhưng rồi biến cố ập đến, người Mãn Châu phương Bắc tràn về phía Nam, xâm lấn bờ cõi người Hán. Sau hàng thập kỷ giằng co, nhà Minh dần suy yếu. Năm 1644, quân đội nhà Minh không thể bảo vệ Bắc Kinh, họ chính thức thất thủ, đất nước rơi vào tay người Mãn Châu, dẫn đến sự ra đời của nhà Thanh. 

Lúc này, nhà Thanh làm chủ một vùng rộng lớn về cả phía Bắc và Nam của Vạn Lý Trường Thành. Giờ đây, mặc dù là một dân tộc thống nhất dưới thời nhà Thanh, nhưng hai vùng phía Bắc và Nam của Trường Thành lại là quê hương của hai dân tộc rất lớn, người Hán ở phương Nam và người Mãn ở phương Bắc. Do những khác biệt về văn hoá, phong tục, ngôn ngữ, không dễ để họ cùng nhìn về một hướng.

Như đã nói bên trên, hệ tư tưởng phân biệt, vốn có từ thời nhà Minh, đã ăn sâu trong lòng những thế hệ người Hán được sinh ra và lớn lên ở phía Nam Vạn Lý Trường Thành. Với họ, phía bên này của Trường Thành đại diện cho những gì thuộc về chúng ta, từ vị trí địa lý, cho đến phong tục, văn hóa, ngôn ngữ. 

Trong khi đó, bên kia của Trường Thành là đại diện cho mọi giá trị ngược lại, cho ngoại bang, cho kẻ địch. Từ đó, Vạn Lý Trường Thành vô tình trở thành lằn ranh phân cách giữa ta địch. Nói cách khác, Trường Thành chính là đại diện cho sự chia cách khổng lồ, về cả địa lý và tư tưởng, xuyên suốt lịch sử phát triển của quốc gia này. Trường Thành vẫn sừng sững hiên ngang ở đó, và không dễ để đập tan sự phân biệt này. 

Nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng họ không thể phá bỏ Trường Thành, nhưng phải cố gắng để gỡ bỏ những bức tường vô hình mà Trường Thành đã tạo nên. Đó là một nhiệm vụ quan trọng, vì một dân tộc Trung Hoa hùng mạnh, có ý đồ làm bá chủ thế giới phải thực sự đoàn kết từ bên trong. Vận mệnh của quốc gia đông dân này phụ thuộc nhiều vào việc họ sẽ làm thế nào để tăng tính kết nối cho hai bờ Bắc – Nam của công trình kỳ vĩ này. Sau hàng thế kỷ, vai trò quân sự của Trường Thành đã phai nhạt, nhưng ảnh hưởng của nó đến tâm tưởng và tinh thần người Hán thì vẫn còn nguyên đó.
Bản đồ thể hiện sự phân bố và tập trung của người Hán ở Trung Quốc. Nguồn: The Economist

Bản đồ thứ hai cho thấy một sự trùng khớp thú vị với bản đồ thứ nhất. Rõ ràng, phía trong của Trường Thành, phần mà nó vốn được xây để bảo vệ, vẫn là nơi đậm đặc chất Hán. Ở những tỉnh thuộc khu vực đó, tỷ lệ người Hán luôn ở mức rất cao. Bên trong trường thành là nơi tinh thần dân tộc Trung Hoa mãnh liệt, nồng nàn, nguyên bản và tự nhiên nhất. Và đương nhiên rồi, những đại đô thị Bắc Kinh và Thượng Hải cũng nằm trong khu vực này. Từ vùng này, người Hán vẫn đang ồ ạt tỏa ra khắp muôn phương trên đất Trung Quốc, điều đó sẽ khiến cho tỷ lệ người Hán ngày một nhiều hơn ở các vùng còn lại. Đây là điều mà Trung Quốc hiện đại rất cần. 

Trường Thành, đúng như tên gọi của nó, ngày nay có độ dài cực kỳ khủng khiếp. Dù chúng ta không thể nhìn thấy nó từ không gian, như nhiều người vẫn nghĩ, nhưng đến giờ đây vẫn là công trình dài nhất mà loài người có thể dựng lên. Đó còn là chưa kể đến việc cứ vài năm người ta lại tìm ra một vài phần đã mất tích của nó, khiến cho độ dài liên tục tăng theo năm tháng.

Hiện nay, chiều dài chính thức, kéo dài từ Đôn Hoàng ở phía Tây đến biển Bột Hải, là xấp xỉ hơn 20 ngàn cây số. Để dễ hình dung, chiều dài này gấp 12 lần khoảng cách từ hai thành phố lớn nhất nước ta theo đường xe chạy. Thậm chí Trường Thành dài gấp đôi so với khoảng cách hai bờ Đông Tây của Hoa Kỳ. Nhưng sẽ thật dại khờ nếu bạn nghĩ Trường Thành là một công trình dài liên tục. Thực chất, phải gọi đây là hệ thống Vạn Lý Trường Thành vì nó vốn là một hệ thống phức tạp, gồm nhiều đoạn ngắn, rời rạc được xây và bồi trong suốt hơn 15 thế kỷ, trải dài hơn 10 triều đại Trung Hoa. 
Mùa thu ở Vạn Lý Trường Thành.
Nếu như trước đây người Hán dựng lên Trường Thành để bảo vệ chính mình, thì giờ đây họ buộc phải “vượt qua” rào cản này, từ đó hòa nhập với những dân tộc khác để tạo nên một Trung Quốc thống nhất và đại đoàn kết. Giá trị chiến lược quân sự của Trường Thành đang dần phai nhạt theo năm tháng, nhưng giá trị văn hóa và ảnh hưởng của nó đến tinh thần và suy nghĩ của người Hán vẫn vẹn nguyên. Sau khi hoàn thành xuất sắc vai trò của một người bảo vệ trong quá khứ, giờ đây có lẽ nào Vạn Lý Trường Thành sẽ vào vai người chia rẽ trong phần còn lại của số phận? Đó là điều mà Trung Quốc hiện đại không cho phép xảy ra, với bất cứ giá nào. 

Art Director Lê Minh
Illustrator Tai Phan
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share