Uống trà kể chuyện cổ kim – Kỳ 3: Thưởng trà phong cách Lục Vũ

Tác giả Tường Vân
Uống trà kể chuyện cổ kim – Kỳ 3: Thưởng trà phong cách Lục Vũ
Uống trà kể chuyện cổ kim

Xưa nay, lối uống trà tỉ mỉ với từng bước đun pha cầu kỳ nghiêm cẩn chỉ dành riêng cho các bậc danh gia vọng tộc, bởi cuộc sống của họ thường nhàn hạ phong lưu, đủ thời gian để chuyên chú vào việc thưởng trà. Kể từ khi Lục Vũ dựa trên lối pha sẵn có thời Đường mà cải biến thành cách uống trà tao nhã thanh cảnh hơn, người người nhà nhà dần bỏ lối uống thô mộc như nấu canh rau “nướng bánh chè cho đỏ, giã vụn bỏ vào đồ đựng, trút nước sôi, dùng hành, gừng, táo, quất bì, thù du, bạc hà trộn cùng” mà chuyển sang lối uống tinh tế “nướng bánh chè, dùng thuyền tán nghiền vụn, sàng lấy mạt trà mịn, đặt nồi hoặc sanh đun nước sôi, đoạn thả mạt trà vào nước, dùng thìa hoặc đũa quấy đều để tạo bọt, sau rồi múc ra bát” để thưởng thức sâu hơn hương vị của lá trà.

Uống trà kể chuyện cổ kim
Mạt trà

Đối với Lục Vũ, bọt tạo ra từ việc khuấy mạt trà trong nước sôi chính là cực điểm tinh hoa trong thưởng trà, được ông chia làm ba loại, “thứ mỏng gọi là mạt, thứ dày gọi là bột, thứ nhỏ mà nhẹ thời gọi hoa”. Ông không tiếc lời ngợi khen thứ bọt này: 

Hoa thì tựa bông táo lênh đênh trên cõi ao hồ, như tấm lục bình chớm nở dập dềnh giữa chốn đầm sông, rồi lại như áng phù vân vần vảy phiêu đãng trong khoảng trời thanh mát. Mạt thì như rêu xanh phập phù mặt nước, như hoa cúc vương giữa chén quỳnh. Bột, đun lại bã đến sôi, nổi thành tầng lớp, trắng xóa như tuyết vậy” 

Về sau, lối điểm trà thời Tống đều theo Lục Vũ, chú trọng vào thưởng thức “tinh hoa của trà”, rồi phát triển thành một đỉnh cao hoàn toàn khác biệt, vượt xa so với những gì Lục Vũ có thể hình dung về thẩm mỹ uống trà.

Lục Vũ trà khí

Uống trà kể chuyện cổ kim

Bởi đã đề ra một lối thưởng trà mới, Lục Vũ cũng giới thiệu thêm bộ trà khí (dụng cụ pha trà) đúng phép tắc, gồm 25 món, theo thứ tự lần lượt như sau:

1. Phong lư (lò ba chân), thường đúc bằng đồng hoặc sắt, bề trong quết bùn đất, giữa ba chân đặt ba cửa để thông gió và thả tro. Lư này có thể đi kèm Hôi thừa là khay sắt đựng tro.

2. Cử (sọt đựng than), được đan bằng lạt trúc hoặc dây mây, trang trí hình lục giác, có sức thêm đồng.

3. Thán qua (dùi đập than), làm từ sắt, có đầu nhọn thân thô, đúc thành hình rìu hoặc búa tùy ý thích từng người.

4. Hỏa giáp (đũa gắp than), luyện từ đồng hoặc sắt, có dáng tròn thẳng, đầu bằng dẹt để tiện cời lửa. 

5. Phụ (nồi miệng rộng), đúc từ gang, dùng để đun nước trà. Bên ngoài nồi phết cát để tiện hấp nhiệt, bên trong nồi phết đất cho dễ dàng cọ rửa. Lục Vũ phẩm bình rằng: “Rốn nồi dài, thì nước sôi ở giữa; nước sôi ở giữa thì mạt trà dễ nổi; mạt trà dễ nổi thì vị trà thuần chính”. 

6. Giao sàng (ghế kê nồi), là hai thanh gỗ bắc qua nhau tạo hình chữ thập, ở giữa khoét rỗng cho tiện kê nồi đun nước pha trà. 

7. Giáp (kẹp bánh trà), là một thanh trúc dài có hai đầu, hơ trên lửa thì ứa nước, thấm vị trúc thanh vào bánh trà để tăng thêm hương vị. Có thể thay Giáp trúc bằng Giáp sắt tinh luyện. 

8. Chỉ nang (túi giấy), là loại giấy mây trắng dày may ghép thành túi đựng trà đã nướng. 

9. Nhiễn (thuyền tán), đi kèm với Phất mạt (cái quét mạt trà) chế từ lông chim, làm bằng gỗ cây, ngoài vuông trong tròn để tiện cho bánh lăn trà chuyển động, cối giã trà không bị lật nghiêng. 

10. La, hạp (sàng, hộp). La được làm từ trúc, cạp thành miệng tròn rồi lấy the, lụa để bịt kín miệng đáy, tiện cho việc sàng sẩy mạt trà. Hạp cũng được làm từ trúc, hoặc từ gỗ thông mụ quết sơn, dùng để đựng trà đã sàng.

Uống trà kể chuyện cổ kim

11. Tắc (thìa đong), làm từ vỏ trai ốc, hoặc trúc, hoặc đồng sắt, thường bỏ chung vào Hạp cho dễ đong đếm mỗi lần pha trà. 

12. Thủy phương (thùng đựng nước), là các thanh gỗ ghép lại với nhau, cố kết bằng lớp sơn phết từ mép trong đến mép ngoài.

13. Lộc thủy nang (túi lọc nước), khung ngoài đúc bằng đồng thô nhằm giữ lâu bền, tránh lên rêu mốc. Túi lọc đan từ lạt trúc rồi cuộn lại, may thêm lụa nhũn biếc cùng bông bèo cánh trả, rồi lấy túi vải sơn màu lục mà đựng.

14. Biều (bầu múc nước), có miệng rộng, thân mỏng, cán ngắn, làm chủ yếu từ gỗ cây lê. 

15. Trúc giáp (đũa trúc), được vót từ gỗ đào, liễu, bồ quỳ hoặc gỗ lõi hồng, có hai đầu bịt bạc, dùng để khuấy mạt trà.

16. Ta quỹ (âu muối), làm bằng sứ, đi kèm với Yết là thìa xúc muối làm từ trúc. Thời Đường, người ta uống trà vẫn phải cho muối để điều vị. 

17. Thục vu (bình thủy), dùng để đựng nước sôi, làm từ sứ hoặc đất cát.

18. Uyển (bát uống). Trước khi tục uống trà bằng chén phổ biến, người Trung Hoa chỉ uống bằng âu, bát. Trong cuốn Trà kinh, Lục Vũ phân loại bát uống trà hết sức tỉ mỉ, bởi chất lượng sứ sẽ ảnh hưởng tới sắc trà, tỷ như bát sứ Việt Châu thuộc hàng thượng phẩm, trong suốt như băng ngọc, “miệng không cuốn cong, đáy cong mà nông, xanh đậm sắc trà”, khiến trà có màu lục. Còn các loại bát sứ khác cho ra sắc trà đỏ, tía, đen, “đều chẳng thích hợp vậy”. 

19. Bản (sọt), được đan tết từ bạch bồ thảo, dùng để đựng bát uống trà (khoảng mười cái). Có thể dùng Cử để thay thế.

20. Trát (bàn chải), dùng để rửa bát. Người ta lấy gỗ thù du buộc các vỏ binh lư lại, hoặc cắt cành trúc bó lại, rồi buộc vào một cái ống để tạo ra Trát

21. Địch phương (chậu rửa), cấu tạo giống Thủy phương, dùng đựng nước rửa bát. 

22. Trể phương (chậu đựng bã), cấu tạo cũng giống Thủy phương Địch phương nhưng dung tích nhỏ hơn, chuyên đựng bã trà. 

23. Cân (khăn), làm từ vải thi là một thứ vải thô sợi to, dùng để lau rửa bộ trà khí. 

24. Cụ liệt (giá đựng), làm bằng gỗ hoặc trúc, làm thành hình giường, hình giá, hay tủ nhỏ có cửa, bên ngoài phết sơn, dùng để đựng các món trà khí kể trên.

25. Đô lam (giá bày), đan từ lạt trúc, bên ngoài đan mắt vuông, bên trong đan mắt tam giác, dùng để bày biện bộ dụng cụ pha trà.

Uống trà kể chuyện cổ kim
Uống trà kể chuyện cổ kim
Uống trà kể chuyện cổ kim
Uống trà kể chuyện cổ kim
Uống trà kể chuyện cổ kim
Minh họa bộ dụng cụ uống trà thời Đường
Uống trà kể chuyện cổ kim

Bộ trà khí kể trên tuy thật công phu, nhưng xét kỹ lại khá nhiêu khê trong việc sắm sửa và di chuyển tới những nơi xa. Bởi vậy nên tới thời Tống, người sành trà đã giản lược bộ đồ đi khá nhiều, chỉ giữ lại những món chính như thuyền tán, sàng sẩy, bình đựng nước sôi, chén, chổi quét và thìa đong. Đặc biệt nhất là một số món đồ lại được cải biến khi hai thời đại chuyển giao, ví như nồi đun trở thành bình vòi dài đựng nước, bát uống trà trở thành chén nhỏ gọn.

Uống trà kể chuyện cổ kim

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Trần Quang Đức, Chuyện trà: Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt, NXB. Thế Giới, 2022.

[2]. Lục Vũ, Trà kinh, Trần Quang Đức dịch, NXB. Văn học, 2014.

Thiết kế và dàn trang : Nhím

Chia sẻ câu chuyện này
Uống trà kể chuyện cổ kim
Share