[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 41: Dạ Xoa Pháp Chú

[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 41: Dạ Xoa Pháp Chú

Kỳ trướcHùng đưa Tú Linh và tôi tới Thoại Sơn, Óc Eo – nơi Thạch Sinh cất một ngôi nhà nhỏ ở lưng chừng núi. Nhưng, bộ dạng của Sinh lúc này hoàn toàn trái ngược với câu chuyện mà Hùng đã kể cho tôi trước đây.

Thạch Sinh chắc say lắm rồi nên mới đứng trên gian nhà gào thét, kêu chúng tôi muốn nhờ đi đập miễu thì phải dâng thêm mồi với rượu lên cho cậu ta. Đến khi chúng tôi bước vào vùng sáng của ánh đèn, cậu mới tá hỏa, ném cả chai Gò Đen đi rồi chạy xuống, chắc định bụng ra đón chúng tôi lên. Ai ngờ mới chạy chưa được ba bước thì té cái đụi, úp cả mặt xuống nền đất, rồi lăn từ từ xuống triền núi. Anh Hùng kêu tôi cõng cậu ta lên, khi vừa bước vào nhà thì mùi men xộc lên, làm tôi suýt nữa thì nôn. 

Căn nhà sàn cũng khá rộng rãi nhưng phần lớn diện tích đã bị rác chiếm hết. Nhà được chia thành hai gian. Phía sau là nhà bếp và nhà vệ sinh, còn phía trước có một bộ bàn ghế, một cái giường và một đống rác. Trên các mảnh ván ép tường vẽ đầy những biểu tượng cổ quái bằng phấn trắng. Mặc dù căn phòng đã được thắp sáng bằng bóng đèn sợi tóc nhưng bốn góc phòng vẫn cắm thêm đèn cầy, sáp chảy đỏ như vũng máu đặc. Chính giữa căn phòng là “buổi tiệc” của đám kiến và ruồi, chúng bâu quanh đống xương gà, thịt gà mà Thạch Sinh đang ăn dở.

Anh Hùng kêu tôi đặt Sinh lên giường, đoạn anh mở ba-lô lấy ra chai dầu gió rồi bóp trán cho cậu ta, tôi có cảm giác như Hùng lúc này không khác gì người anh ruột của Sinh cả. Quay sang Tú Linh, tôi thấy cô nàng có vẻ bồn chồn nên hỏi:

– Vụ gì vậy?

– Chỗ này dơ quá…

Tôi cười.

– Chế vốn ghét dơ bẩn, ê Nhóc, cầm giùm!

Tôi chỉ ngón trỏ vô bản mặt mình ý muốn hỏi “Nói tao á hả?” nhưng cái balo bộ binh của Tú Linh đã bay về phía tôi, tôi vội chụp lấy, Tú Linh xắn tay áo rồi bắt tay vô dọn dẹp, không quên dặn tôi cứ đứng ôm balo, làm rớt là chết với cổ. Ổn thôi, tôi không nạnh với đứa con gái làm gì. 

Tôi và Hùng nấu ăn trong lúc Tú Linh dọn dẹp. Lúc xong cũng gần mười giờ. Anh Hùng gọi Sinh dậy ăn cháo gừng cho tỉnh rượu. Chúng tôi cùng ngồi xếp bằng dưới đất, trong gian nhà phía trước. 

Gương mặt Sinh bơ phờ nhìn vào chén cháo, chưa dám lên tiếng gì cả. Anh Hùng hỏi: 

– Sao tóc mày ra nhanh vậy?

Sinh nói: 

Anh hỏi em rồi em biết hỏi ai giờ!?

Mấy năm qua không gặp, nghe nói mày vẫn đi đập miễu bình thường?

Đúng rồi. Phải kiếm tiền mua rượu chứ. Mà nhắc mới nhớ, ăn cháo không vậy đó hả anh? Làm vài ly đi!

Đoạn, Sinh đứng dậy đi về phía sau. Tôi nghe tiếng xoong nồi va chạm, tiếng mở cửa tủ gì đó rồi còn có cả tiếng ly cốc nữa. Một lúc sau, Sinh ôm một chai Gò Đen khác cùng vài cái cốc uống rượu, bước chân cậu ta loạng choạng, dòm có vẻ chưa tỉnh hẳn. Bỗng, cậu trật chân nhoài cả người về trước, mém sấp mặt thêm một lần nữa thì anh Hùng đã nhanh chóng chụp cậu lại. Anh nhăn mặt, giựt chai Gò Đen trên tay Sinh rồi sẵn tiện xắn ống tay áo cậu lên luôn. 

Trên cánh tay rám nắng có một hình xăm kì lạ. Một vị thần phật đang ngồi trên toà sen. Phía sau ông ta có hàng trăm cánh tay giơ lên không trung. Xung quanh là những hoa văn phù điêu trông giống với trường phái xăm henna của người Ấn Độ. Tôi lầm bầm: 

Ấn Phục Ma?

Anh Hùng gật đầu rồi cũng lập lại lời tôi: 

Ấn Phục Ma! 

Giọng anh bừng bừng lửa giận: 

Mấy năm qua anh tưởng mày xuất sơn đi giúp đời, rồi cũng song song đó là tập luyện. Mày muốn một đợt nửa sống nửa chết, không biết phần trăm thành công, mà cứ lao vào làm giống đợt con Phét Đặp nữa không?

Tôi thắc mắc: 

Ủa, sao vậy anh?

Anh lạnh lùng nói: 

Dân đi đập miễu, đạo hạnh là thứ quyết định bởi số lượng Chú trên hai cánh tay. Thằng cứt này chỉ có một cái Chú này chứng tỏ mấy năm qua bỏ bê, lười biếng, không chịu tu luyện! 

Anh nhìn sang Sinh rồi gằn giọng: 

Đúng không?

Sinh cười ha hả rồi nói: 

– Anh coi thường thằng em này quá rồi!

Xong cậu ta đứng dậy, cởi luôn cái áo, rồi quay lưng lại. Tôi giật thót mình phải ngồi lùi về sau một chút. Trên tấm lưng trần của Thạch Sinh là một gương mặt quỷ to tướng có màu xanh hết sức ma mị, hai cái nanh trắng hếu dài thườn thượt với bộ hàm nhọn hoắt. Nó đang thè cái lưỡi dính đầy máu ra ngoài, và điểm đặc biệt thấy ghê nhất chính là con quỷ này không có tròng mắt, chỉ thấy một lỗ sâu hoắm như được khoét vào xương sườn của Sinh vậy.

 Hùng thốt lên: 

Dạ Xoa Pháp Chú!

Tú Linh nói: 

– Nghe đồn cái này thất truyền rồi mà?

Sinh đáp: 

– Bà chị đây nói không sai, Dạ Xoa Pháp Chú có nguồn gốc từ Phật Giáo Mật Tông, vốn bị phật tử ngày xưa coi là tà ma, ngoại đạo nên không có nhiều người tu tập, từ từ cũng bị thất truyền ít nhiều. Ngày nay, vẫn có người vừa tu Thiền Tông vừa tu Mật Tông. Tuy vậy, những thứ như Dạ Xoa Pháp Chú em đây dám cá số người biết tới không quá trăm!

Hùng nói: 

Anh cũng có biết chút chút, nhưng mày giải thích kỹ hơn coi. 

Sinh mặc áo vào rồi tiếp: 

– Thật ra chuyện dài dòng lắm, nhưng chủ yếu là có đạo hạnh là một phần, có duyên tới chín phần mới may mắn sở hữu Dạ Xoa Pháp Chú. Hôm nào hứng thú bên đống lửa gì đó, em kể anh nghe. Còn về phần công dụng, phải nói đến truyền thuyết truyền miệng nhau rằng Dạ Xoa là loài quỷ địa ngục, chuyên đi làm nhiệm vụ tra tấn, thực thi hình phạt. Cái đó là sai, Dạ Xoa vốn là một loài chúng sanh trong bát bộ chúng, có những Dạ Xoa còn quy y, đến nghe Đức Phật thuyết giáp. Ấn này trên lưng em để triệu hồi một trong những con đó, nhưng nói thật, nó có thiện tâm nhưng là sinh vật trong truyền thuyết, đâu dễ gì bị em điều khiển. Cho nên cùng đường lắm mới phát Chú, sau khi phát lâu nhất là một phút, chậm thì vài giây…

Hùng cắt ngang: 

Vậy là mấy năm qua mày chỉ tu luyện được Chú này?

Khuôn mặt Sinh thoáng buồn. Tôi nghĩ nãy giờ không phải là anh Hùng hỏi mà thằng nào khác chắc số phận cũng giống như con Mộc Quỷ lúc chiều. Chắc vì Sinh kính trọng Hùng hết mực nên mới vậy. Cậu nói: 

Chưa hết đâu đại ca. Thôi vậy đi, giờ anh em mình uống vài ly, ngồi tâm sự, sẵn tiện làm quen hai người bạn mới này luôn. Xong mai mình đi Hòn Sơn một chuyến, em có kèo đi đập miễu cũng khá lớn ngoài đó với lại…

Sinh rót rượu, lần lượt đưa cho Hùng, Tú Linh và tôi, đoạn quay sang kính Hùng rồi nói tiếp: 

Thằng em cũng muốn tận mắt chứng kiến đạo hạnh anh thâm hiểm tới đâu rồi!

Bốn chúng tôi ngồi quây lại với nhau giữa ánh đèn dầu leo lét. Nội dung cuộc trò chuyện thực ra chỉ xoay quanh cuộc phiêu lưu ngày xưa của Hùng và Sinh. Lâu lâu Sinh lại vỗ đùi đen đét những đoạn cậu ta thích thú, rồi giải thích thêm. Uống chẳng được bao nhiêu thì Sinh say mèm, lật ngang ngáy khò khò. Hùng nhìn vừa thương vừa buồn. Mặt anh đăm chiêu hết sức, tỏ vẻ rất lo âu, có lẽ vì Sinh khác với những kỳ vọng của anh. Anh bảo tôi đi sắp xếp chỗ ngủ, rồi kè Sinh lên, còn Tú Linh thì dọn dẹp. Đêm ấy trôi qua lặng lẽ, do lạ chỗ cho nên tôi còn thao thức, lâu lâu lại nghe Hùng thả những tiếng thở dài sầu não vào đêm đen. 

Sáng hôm sau tôi thức khá sớm, phần vì nôn nao cho cuộc khởi động là chuyến đi đập miễu ở Hòn Sơn – Kiên Giang, phần vì ngủ không được. Không khí buổi sớm ở đây hết sức trong lành, khiến người ta dễ chịu, tâm hồn khoan khoái. Nhìn ra sân trước, tôi thấy Sinh đang đứng tấn. Khi tôi ra thì cậu ta ngưng lại, quay sang nhìn tôi khiến tôi ngạc nhiên. Thần thái khác hẳn, một Thạch Sinh hoàn toàn tỉnh táo, gương mặt lạnh tanh, ánh mắt sắc lẻm, mồ hôi nhễ nhại làm tóc bết lại. Ngay lúc đó tôi có cảm giác nơi Sinh cũng tỏa ra một cái gì đó na ná như anh Hùng, nhưng lại mang một màu sắc rất khác. Chẳng biết diễn tả sao cho đúng nữa!

Trước khi lên đường tới Kiên Lương, Thạch Sinh muốn mọi người cùng tham gia một phi vụ đập miễu ở Hòn Sơn – Kiên Giang. Thứ gì đang chờ đợi bốn người ở đó? Đón đọc kỳ sau sẽ rõ.

Nếu yêu thích các câu chuyện tâm linh và kỳ bí, mời bạn tham gia Xóm Sợ Ma.

Chia sẻ câu chuyện này

Minh họa : Minh Thảo Võ

Thiết kế : Trần Văn Hậu

Share