Súng hỏa mai – Bốn thế kỷ thống trị chiến trường

Tác giả Đông Nguyễn
Súng hỏa mai – Bốn thế kỷ thống trị chiến trường

Súng hỏa mai là loại hỏa khí cá nhân chủ yếu của binh sĩ khắp thế giới từ thế kỷ 16 đến 19. Chúng là các loại súng nòng dài, có báng tì vào vai hoặc má, có cò, và máy cò điểm hỏa bên ngoài nòng súng. 

Điểm hỏa là quá trình “châm lửa” vào thuốc phóng để đốt cháy thuốc, tạo ra vụ nổ và tống đạn khỏi nòng. Súng hỏa mai đều một lỗ nhỏ ở cuối nòng, một miệng lỗ thông vào trong, một miệng lỗ dẫn ra cốc mồi gắn bên ngoài nòng. Trong cốc mồi chứa một ít thuốc nổ mồi. Khi thuốc nổ mồi phát nổ, tia lửa và nhiệt sẽ theo lỗ dẫn vào trong nòng và kích hỏa thuốc phóng bên trong. Tuy nhiên cách kích nổ thuốc mồi thì rất đa dạng, và súng hỏa mai được phân loại theo cách thức đó.

Các loại hỏa mai điểm hỏa bằng: mồi thừng (hình 1), bánh xe (hình 2), đá lửa (hình 3) và búa gõ hạt nổ (hình 4)

Những khẩu súng sơ khai của thế kỷ 14, 15 đã có cốc mồi. Tuy nhiên, xạ thủ phải điểm hỏa bằng cách cầm mồi lửa dí vào cốc mồi. Như vậy khi bắn họ chỉ có thể dùng một tay giữ súng và không thể ngắm bắn chính xác, hoặc phải có một trợ thủ điểm hỏa trong lúc họ ngắm bắn. 

Do đó, những thợ chế súng châu Âu thế kỷ 15 đã phát minh ra cơ chế máy để giữ và dí mồi lửa vào cốc mồi thay cho tay xạ thủ. Cơ chế này dựa nhiều vào máy cò và lẫy của cây nỏ, do đó không quá xa lạ đối với các xạ thủ. Máy gồm một cần bằng thép hoặc đồng, có thể kẹp một dây thừng cháy chậm vào đầu. Khi mở nắp che cốc mồi và ấn cò, máy sẽ từ từ hạ cần xuống thuốc mồi và súng phát hỏa. Đây chính là cơ chế mồi thừng (gọi là matchlock trong tiếng Anh, hoặc bấc cơ điểu thương trong tiếng Việt). Loại hình này được sử dụng phổ biến ở Châu Âu từ thế kỷ 15 đến hết thế kỷ 17, trong khi các nước Á Đông vẫn sử dụng mãi đến thế kỷ 19.

Tuy tiện lợi hơn súng sơ khai rất nhiều, những khẩu súng mồi thừng này vẫn rất bất tiện. Giữ cho mồi thừng cháy mọi lúc ngốn rất nhiều thời gian và sự chú ý của pháo thủ. Đồng thời khi mưa hoặc gió to, mồi thừng rất dễ bị tắt. 

Các thợ chế súng thế kỷ 16 lại tham khảo đồng hồ cơ học để tạo ra cơ chế đánh lửa bằng khoáng thạch pyrite sắt và bánh xe lò xo. Thay vì kẹp mồi thừng, đầu cần kẹp một mảnh pyrite và được đặt sẵn vào cốc mồi. Dưới cốc mồi là một bánh xe răng cưa, và được lên dây cót sẵn. Khi bóp cò, cò nhả bánh xe ra, khiến nó quay nhanh và mài vào mảnh pyrite, tạo ra tia lửa kích nổ thuốc mồi. 

Lợi thế của phương pháp này quá rõ ràng so với mồi thừng: Nó có thể bắn ở mọi điều kiện thời tiết, và khi không dùng đến thì mảnh pyrite không bị hao như mồi thừng cháy chậm. Do đó, kỵ binh quý tộc thế kỷ 16, 17 rất ưa chuộng dùng súng bánh xe. Đôi khi họ giắt sáu đến tám khẩu súng bánh xe trên yên ngựa để bắn liên tục mà không cần nạp đạn.

Nhưng súng bánh xe vẫn chưa phải là ưu việt bởi cơ chế quá phức tạp, dễ hỏng hóc và giá thành đắt đỏ. Thế kỷ 17, người ta lại bắt đầu thử nghiệm với những cơ chế đánh đá lửa để có phương án kinh tế hơn nhằm thay thế các súng mồi thừng. Máy cò gồm cần kẹp đá lửa và một tấm thép gắn thẳng đứng vào nắp cốc mồi. Khi bóp cò, cần đập viên đá lửa thật mạnh vào tấm thép, tạo ra các tia lửa, đồng thời lực đập bật mở nắp cốc mồi, cho phép các tia lửa rơi vào cốc mồi và điểm hỏa thuốc. 

Cơ chế này cực kỳ tin cậy, lại đơn giản và rẻ hơn so với bánh xe, nên đã được các nước Châu Âu đồng loạt sử dụng thay cho súng mồi thừng từ đầu thế kỷ 18. Tại Việt Nam, súng này được gọi là thạch cơ điểu thương. Tuy nhiên, do nước ta không có các mỏ đá lửa, phải nhập từ nước ngoài nên chúng không thay thế được hoàn toàn hết bấc cơ điểu thương.

Đầu thập niên 20 của thế kỷ 19, công nghiệp hóa học cho ra đời các chất nổ dựa trên va đập. Các nhà phát minh súng lại nảy ra một ý tưởng: Sử dụng chất nổ này để kích hỏa súng. Nguyên lý là thay thế cốc mồi bằng một ống thép thông vào trong nòng. Trên đầu ống gắn một mũ đồng nhỏ, trong có chứa chất nổ va đập, gọi là hạt nổ. Cần kẹp đá lửa được thay thế bằng một búa đơn giản. Khi bóp cò, búa đập vào hạt nổ, tạo ra một vụ nổ nhỏ, và tia lửa cùng nhiệt theo ống truyền vào trong nòng súng. Đó chính là máy cò kiểu búa gõ và hạt nổ. Rất nhanh chóng, công nghệ này khiến máy đá lửa trở nên lỗi thời. Tất cả súng hỏa mai đá lửa được thay thế bằng kiểu điểm hỏa mới này.

Nhưng với sự ra đời của hạt nổ, người ta cũng phát minh ra viên đạn hoàn chỉnh, gồm đầu đạn, vỏ đạn đựng thuốc phóng và hạt nổ gắn ở đáy vỏ, cho phép viên đạn có thể được kích hỏa bên trong nòng, bỏ qua cốc mồi bên ngoài nòng. Thời đại của súng hỏa mai đến đây cũng chấm dứt, với sự ra đời của các loại súng trường nạp hậu bằng quy-lát, đòn bẩy hoặc ổ xoay. Dẫu vậy, với hơn 400 năm lịch sử, súng hỏa mai vẫn dẫn kỷ lục là loại súng cá nhân có thâm niên nhất của loài người.

Tác Giả Đông Nguyễn
Thiết Kế Gia Thuần

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Chia sẻ câu chuyện này
Share