Phiêu dực Kỵ binh Ba Lan – Kỳ I: Thần hộ mệnh Thịnh vượng chung

Phiêu dực Kỵ binh Ba Lan – Kỳ I: Thần hộ mệnh Thịnh vượng chung

Người ta luôn cho rằng chưa từng có nước châu Âu nào chinh phục được Nga. Mặc dù Đại Quân của Napoleon thất bại năm 1812, cũng như Hitler nối gót 131 năm sau đó, song đây không phải điều bất khả thi. Ba Lan đã hoàn thành kỳ tích khó tin này vào năm 1610 nhờ vào lực lượng Phiêu dực kỵ binh danh chấn thiên hạ.

Chàng lính trẻ hít một hơi thật sâu. Tay nắm chặt cán gỗ. Gió thổi lá cờ trên cây trường thương bay phần phật. Đây là một trận đánh quyết định phân thắng bại giữa Ba Lan và Thụy Điển. Thật sự hồi hộp.

– Lần đầu xung phong con thấy sao?

– Hơi hồi hộp. Còn sư phụ?

– Lần cuối rồi thì còn ngán gì nữa. Xong trận này ta gác kiếm treo cung giải nghệ.

Người lính già cười lớn, trấn an:

– Đừng sợ, cứ đi gần ta con trai. Ta làm mẫu một lần này thôi đấy.

Chàng lính trẻ ngược lại, cười gượng. Xung quanh cậu là những kỵ sĩ khác, họ đều ngẩng cao đầu trong tư thế sẵn sàng. Áo giáp bóng loáng và hàng trăm đôi cánh xòe ra dưới ánh nắng. Hình ảnh của đoàn thiên thần thu vào trong tầm mắt. Thật ngoạn mục, không ngờ mình lại có mặt ở đây, trong giờ phút này, để chứng kiến khung cảnh thần thánh trên. Lòng cậu bỗng thấy bừng bừng như được thắp lửa. Hiệu lệnh chỉ huy cất lên:

– XUNG PHONG!!!

Bầy chiến mã di chuyển. Cậu trai trẻ lắc lư trên mình ngựa. Ngọn thương hướng thẳng lên trời. Nhìn sang bên cạnh, người lính già khẽ gật đầu. Đoàn kỵ binh dần tăng tốc. Quân địch trước mặt. Tốc độ đã nhanh dần lên. Phấn khích quá. Tiếng người lính già sang sảng bên tai:

– Chuẩn bị đưa thương ra nào con trai! Húc chết chúng nó thôi!

– Dạ!

Đội hình kỵ binh đang ép sát vào nhau thành một khối, trường thương tua tủa như lông nhím. Mắt mở lớn, cậu hét lớn:

– XUNG PHOOOONG!!!!

Hòa vào tiếng thét vang trời dậy đất là âm thanh chát chúa khi hai đội quân đâm sầm vào nhau. Ngựa đạp lên người, người dưới chân ngựa. Dữ dội tựa một đợt sóng cuồn cuộn vỗ vào vách đá. Quân Thụy Điển không thể chịu nổi đợt cường kích, tan tành như tuyết lở. Các kỵ sĩ quần thảo một lúc nữa, kết thúc trận đánh nhanh chóng. Chàng lính trẻ cởi mũ trụ ra, ăn mừng chiến công đầu tiên:

– THẮNG RỒI!!!

Anh quay sang tìm người lính già để cùng chia vui. Bất chợt nụ cười anh vụt tắt, người sư phụ già nằm lặng giữa bãi cỏ, mắt mở lớn. 

Đó là hình ảnh của trận Kircholm, một trong các đỉnh cao của nền quân sự Ba Lan.

Một quốc gia vốn đã chiếm một vị trí trung tâm trong các sự vụ Châu Âu, vốn đã mang đến cho nước Anh và nước Mỹ những sắc dân lỗi lạc, vốn đã chịu đựng nhiều cơn khốn khổ ở Châu Âu hơn là những quốc gia khác, thì lại không được các nhà sử học quan tâm đúng mức.”

– Tác giả quyển “Sân chơi của chúa: Lịch sử Ba Lan” – Norman Davies đã nhận xét về nước này.
Bạn đã từng đến Ba Lan chưa? Đất nước của nhà vật lý Copernicus, của nhà hóa học Marie Curie, của nhà soạn nhạc Chopin. Nếu cố đô Krakow được xem như trung tâm văn hoá châu Âu, thì thủ đô Warszawa từng là một trong những thành phố đẹp nhất hành tinh với mỹ danh “Paris phía đông”. Họ có một lịch sử lừng lẫy và oai hùng, xứng đáng để chúng ta dành sự chú ý.

Thời cận đại, đế quốc Ottoman của người Thổ là nỗi khiếp đảm của phương Tây. Họ là một thực thể Hồi giáo hùng mạnh, lại nằm ngay sát vách mảnh đất của Cơ Đốc giáo. Nếu chơi game, Ottoman sẽ là trùm cuối, con trùm mà bạn cần tiêu diệt để phá đảo trò chơi. Không may Ottoman rất khỏe, họ dần dần xâm chiếm châu Âu; và Ba Lan chính là một trong các “vệ binh” nằm ở tuyến đầu để đẩy lùi cơn sóng dữ này.

Khi quân Ottoman tiến công vào xứ sở của người Serbia, không trận nào khốc liệt hơn Kosovo. Vùng đất Đông Âu này là nơi chứng kiến cái chết của cả vua Serbia và Ottoman. Chứng kiến quê hương của mình bị thôn tính dưới gót giày người Thổ, các quân nhân Serbia lưu vong thề sẽ báo thù. Vương quốc Hungary thu nạp họ và tổ chức thành một lực lượng quân sự đáng gờm. Các kỵ binh Serbia được xem như những Hussar đầu tiên.

Gần 200 năm sau trận Kosovo, Ottoman hoàn thành tiêu diệt Hungary và lấn sâu vào châu Âu. Biên giới Ba Lan đã nằm rất gần đế quốc cực mạnh này.  Năm 1569, là một thời điểm trọng đại trong lịch sử Ba Lan khi họ hợp nhất cùng Lithuania để trở thành Thịnh vượng chung Ba Lan – Lithuania (Polish – Lithuanian Commonwealth). Sự kết hợp này tạo ra quốc gia khổng lồ và giàu có bậc nhất châu Âu. Diện tích Thịnh vượng chung là 1 triệu cây số vuông, tương đương với diện tích cả vùng biển và đất liền của Việt Nam hiện tại. Stephen Bathory – một người Hungary – trở thành Quốc vương Ba Lan kiêm Đại Vương công xứ Lithuania. 

Điểm danh hàng xóm của Thịnh vượng chung, ta nhận thấy xung quanh họ toàn những gương mặt đầy số má như Ottoman, Nga, Thụy Điển và Hãn quốc Crimea. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải bảo vệ được sự thịnh vượng đó khỏi những con mãnh thú kia. Một lực lượng quân sự mạnh là điều cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là: Quân đội thường trực của Ba Lan khá nhỏ bé. Mỗi khi đất nước lâm vào thời chiến, nhà vua sẽ gửi thư cho các quý tộc (szlachta) để kêu gọi tổng động viên. Các quý tộc sẽ hưởng ứng vì lòng yêu nước và danh dự.

Nhà quý tộc sẽ lập nên, đồng thời chỉ huy một đoàn quân khoảng 100 kỵ binh. Nếu cực giàu có thể lên đến 300 người. Khi nhà vua cần là a lê hấp tất cả lên đường. Lương lậu của họ do nhà nước trả, kèm theo phần lớn thu nhập đến từ chiến lợi phẩm. Một đoàn quân như vậy sẽ bao gồm cả các tùy tùng đi theo. Phần lớn số tùy tùng này đến từ tầng lớp dưới. Họ cũng được vũ trang nhưng kém chất lượng hơn nhiều. Tuy nhiên, với số lượng đông đảo, họ là xương sống của quân đội Ba Lan. 

Trước khi Ba Lan và Lithuania sáp nhập, nền quân sự hai nước có nhiều khác biệt. Ba Lan thiên về phong cách phương Tây, với các hiệp sĩ mặc giáp và vũ trang nặng nề. Trong khi đó, Lithuania lại có lực lượng kỵ binh nhẹ mang màu sắc phương Đông. Vua Stephen Bathory đã có một quyết định táo bạo: Ông thành lập một quân chủng đặc biệt mang màu sắc pha trộn giữa hai nền quân sự riêng biệt này. Chúng ta chứng kiến sự ra đời của một đơn vị kỵ binh vừa mang giáp trụ tận răng, lại vừa thanh thoát nhanh nhẹn. Thế là thập niên 1570, Winged Hussar lần đầu xuất hiện trên vũ đài lịch sử. Winged Hussar là những Hussar với đôi cánh, có thể hiểu là Dực phi Kỵ binh hay Phiêu dực Kỵ binh.

Mặc dù nhà nước vẫn trả lương cho các “Thiên thần” nhưng hầu như chi tiêu của họ vượt quá mức lương cơ bản đó. Nói chung, Phiêu dực Kỵ binh đi làm vì đam mê, luôn hăng hái ra trận, tiền nong không thành vấn đề. Họ là lực lượng vũ trang hàng đầu, cho nên việc gia nhập hàng ngũ tinh hoa này là một vinh dự to lớn. Phiêu dực Kỵ binh là vua của các nghề, đứng trên đỉnh xã hội, được người người ngưỡng mộ. Nói đi cũng phải nói lại, do phí tổn quá kinh khủng nên lúc cao điểm nhất, Thịnh vượng chung cũng vẻn vẹn có 1 vạn Phiêu dực Kỵ binh mà thôi.

Thiên thần chỉ là một phần chứ không phải toàn bộ quân đội Thịnh vượng chung. Tuy nhiên, họ là nhân tố then chốt để chuyển bại thành thắng. Cho đến khi giải thể năm 1776, những chiến binh như bước ra từ thần thoại này quả thật là lực lượng dũng mãnh vô song suốt hơn 1 thế kỷ. 

Trong suốt thời kỳ Thịnh vượng chung Ba Lan – Lithuania tồn tại, lực lượng kỵ binh thiên thần là đơn vị cao cấp nhất, đắt tiền nhất, thiện chiến nhất. Để tham gia hàng ngũ Phiêu dực Kỵ binh, gia đình chiến binh cũng phải thuộc hàng có của ăn của để, thường là gốc gác quý tộc. Các cậu bé mơ ước trở thành Thiên thần sẽ được cha mời thầy giỏi về dạy, thường là các cựu binh. Người cha tâm huyết đầu tư cho sự nghiệp của con trai giống như Trần Liễu đối với Trần Quốc Tuấn vậy. Cậu bé sẽ được đào tạo bài bản về kỹ năng chiến đấu. Không chỉ vậy, các “Thiên thần tương lai” còn được hưởng nền giáo dục chất lượng để tôi luyện nên một chiến binh văn võ song toàn. Các cậu bé đến trường và học nhiều môn như toán, chữ Latin – ngôn ngữ của giới quý tộc Ba Lan. Xin mượn tạm hai câu thơ:

Tuổi còn nhỏ mà kinh thư thông suốt
Gần đôi mươi đã thao luyện kiếm cung"

Quốc hội Ba Lan (Sejm) không đủ tiền bao trọn hết được nên đây là lực lượng tình nguyện. Không có chuyện cưỡng bức tòng quân ở đây, ai nhắm dư khả năng trang trải chi phí thì gia nhập. Xin nói thẳng một sự thật mất lòng là đừng mơ trở thành Phiêu dực Kỵ binh nếu bạn nghèo. Đầu tiên chắc chắn là tiền đâu. Mỗi kỵ sĩ đều phải tự thanh toán chi phí vũ khí, áo giáp và chiến mã của riêng mình. Chưa kể anh ta còn bao luôn cả bầu đoàn thê tử gồm người hầu, cận vệ và thuộc hạ đi cùng. 

Chia sẻ câu chuyện này

Hình ảnh minh họa nguồn: internet
Họa sĩ 3D: Emre Ekmekci, 
Mariusz Kozik và Pierre Seigne 
Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Thiết kế và dàn trang Trần Văn Hậu

Share