Sau khi ban phát đủ đầy ân trạch cho toàn dân, ông vua quay về với căn Hoàng thành 520 ha của mình. Hưởng ứng ngày toàn dân dọn dẹp, hoàng thành huy động nhân lực các cung để quét tước, lau chùi cung điện, đặc biệt là các vật báu hoàng gia.
Vốn ban đầu đây chỉ là tục lệ thường niên trong cung, nhưng đến đời Minh Mạng, có lẽ vua muốn tăng năng suất dọn dẹp, hoặc muốn đa dạng thêm điển chế Hoàng triều, hoặc một lý đó không rõ, nên định thành Lễ Phất Thức cho hoạt động tổng dọn vệ sinh Hoàng thành. Phất có nghĩa là quét, phủi; Thức lau chùi.
Lễ Phất Thức được tổ chức tại không gian rộng lớn của điện Cần Chánh, thành phần tham gia gồm 2 nhóm chính – phụ. Nhóm phụ việc bao gồm thuộc viên của Thị Vệ xứ, Nội Các và một số Thái giám, phụ trách chuẩn bị sẵn bàn ghế ở điện Cần Chánh, chậu nước, khăn vải…, bưng bê bảo vật.
Công việc chính thì phải đến tay hoàng thân và các đại thần uy tín nhất trong triều. Trước khi phụng hành phất thức, nhà vua phải duyệt danh sách ghi rõ chức tước và họ tên người tham dự do Nội Các phải lập. Ngài sẽ đánh dấu bằng mực châu khuyên vào những người được chấp thuận, gọi là quý lắm mới được cho lau dọn bảo vật bản triều.
Đến ngày, dưới sự giám sát của vua, văn võ bá quan tụ hội. Các hòm niêm phong được khai mở, phô bày hằng hà ngọc ngà báu vật. Bảo vật được cho đặt lên các vị trí đã được vua cho bố trí sẵn, các quan đại thần vào việc bằng cách tỉ mẩn phủi bụi, dùng khăn nhúng nước thơm lau đi lau lại đến khi nào bảo vật sáng bóng.
Đấng chí tôn trong lúc giám sát nghi lễ thì cũng được dịp kiểm kê lại số lượng báu vật hoàng gia. Theo tháng năm, tích lũy tài sản của hoàng gia cũng tăng dần, điện Càn Thanh được trưng dụng làm nơi cất giữ báu vật.
Các đời vua kế nhiệm thừa hưởng gia tài khổng lồ, nhưng thay vì đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu, vua Nguyễn lại ngại “động” đến bảo vật tổ truyền, gây hại cho căn cơ vận khí dòng họ. Đến công việc lau chùi cũng có thể trở thành nghi lễ là thế.