Kinh thành Huế – Kiệt tác bên bờ Hương Giang

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Kinh thành Huế – Kiệt tác bên bờ Hương Giang

Nguyên xứ Huế ngày xưa thuộc châu Lý nước Champa, chuyển đổi êm thấm thành đất Đại Việt sau một cuộc hôn nhân độc nhất vô nhị. Nói êm thấm thì cũng không hẳn êm thấm, kể từ giai đoạn đó, xứ Huế dường như mang một lời nguyền đẫm máu. Là vùng đất nằm giữa Đại Việt Champa, sau đó lại là Đàng TrongĐàng Ngoài, nơi này chứng kiến hàng loạt những cuộc giao tranh đẫm máu. Khắc nghiệt cả về địa thế lẫn khí hậu nên xứ Huế mang vẻ gì đó u buồn đậm màu sắc tâm linh.

Khi các chúa Nguyễn định đô hẳn ở đây, hết Kim Long rồi tới Phú Xuân, họ hẳn cũng ý thức được mặc dù khó ở nhưng đây là nơi phù hợp nhất để “khả dĩ dung thân”. Các công trình người Việt mọc dần lên, đẩy công trình của người Chăm vào dĩ vãng. Ngày nay rất khó tìm được di tích Chăm ở xứ Huế, chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay như thành Lồi, tháp Liễu Cốc hay tháp Mỹ Khánh. Bù lại, những công trình Việt Nam ở xứ Huế trải qua bao binh lửa vẫn còn khá nguyên vẹn.

Trong số tất cả những kinh đô từng tồn tại trên nước Việt Nam, Phú Xuân (Huế) là kinh đô có thể xem là đủ sức để sánh được với tầm vóc của Thăng Long. Dĩ nhiên, để hoàn thành một kỳ quan như vậy là do công sức của rất rất nhiều người cùng góp vào. Vua Gia Long sau khi chiến kết thúc chiến tranh với nhà Tây Sơn, nối hai Đàng nước Việt thành một dải từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan. đã rất băn khoăn trong việc định đô. Một đất nước rộng lớn chưa từng xuất hiện trong lịch sử Việt Nam nên có một kinh đô thế nào? Thăng Long, Nghệ An, hay Gia Định sẽ xứng đáng để làm nơi cư ngụ của hoàng triều mới? Sau tất cả, với tình hình lúc đó, không xứ nào khả dĩ hơn xứ Huế.

Phú Xuân về cả lịch sử, phong thủy lẫn vị trí đều hợp với dụng tâm chính trị của nhà vua. Nhà vua hiểu hết những bất lợi về thiên nhiên mà Phú Xuân phải gánh chịu, đó là những cơn mưa dầm dề, những đợt gió Lào bỏng rát, hay bão lũ thường xuyên rình rập. Mọi thứ đều được tính toán khi khởi công xây dựng. Xin lưu ý là toàn bộ kinh thành này mất đến 30 năm và đến đời Minh Mạng mới xong chứ mỗi mình Gia Long không thể làm xuể.

Vua Minh Mạng từng nhận xét:

“Kinh sư là nơi khởi đầu giáo hoá mà Kinh thành lại càng quan trọng lắm. Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta, sau khi bình định được cả nước, sửa sang gây dựng, quy mô rộng mở, ta kính nối nghiệp trước để chí noi theo. Ta nghĩ đi nghĩ lại mãi: Có khó nhọc một lần mới được nhàn rỗi lâu, bèn để ý xếp đặt mưu tính lần lượt, đem hết thảy công trình xây dựng Kinh thành, đều sửa sang xây đắp lại cho thêm mới. Từ tiền công đến vật liệu trước sau đã chi đến hơn trăm nghìn vạn. Số tiền tiêu ấy thực không hạn lượng được.”

Nói một cách cực kỳ dễ hiểu, cố đô Huế có ba vòng thành theo thứ tự nhỏ dần: Kinh Thành, Hoàng ThànhTử Cấm Thành. Đại Nội chính là Hoàng Thành, rất đơn giản phải không? 

Nếu Kinh thành là vòng thành ngoài cùng, thì bước qua Ngọ Môn để vào Hoàng thành, nơi đó dường như là một thành phố khác, thậm chí là một thế giới khác đầy bí ẩn. Điều thú vị là, trái với thành Bắc Kinh bên Tàu quay về hướng chính Nam, thành Huế lại quay về hướng Đông Nam, đối diện dòng Hương Giang, với cồn Hến và cồn Dã Viên làm Tả Thanh Long Hữu Bạch Hổ đối xứng hai bên. Tóm lại là vẫn quay về hướng Nam vì theo quan niệm Á Đông, thiên tử quay mặt về hướng Nam để cai trị.

Trấn Bình đài (đồn Mang Cá) là một tòa thành phụ để phòng thủ các nguy cơ từ ngoài biển đe dọa kinh thành Huế. Muốn tấn công vào Đại Nội thì phải đối diện với nơi này trước. Ở đây bày sẵn 3 dàn súng đại bác và kho thuốc súng. Về lý thuyết, chốt chặn cuối cùng này mà toang thì nhiều khả năng kinh thành thất thủ luôn. Nhà vua chỉ còn nước chạy ra ngoài mà phát chiếu Cần Vương. Để nhìn thấy hết vẻ đẹp của đồn Mang Cá thì phải dùng máy bay hoặc drone.

Về sau, khi người Pháp chiếm nước Việt, họ cho xây tòa Khâm sứ Trung Kỳ đối diện với thành Huế hai bên bờ sông Hương, như kiểu Hán giới Sở hà trên bàn cờ tướng vậy. Thế nên mới có câu:

“Một sông, hai nước, lời khó nói”

Quan Khâm sứ đại thần y hệt như chúa Trịnh năm xưa, đủ sức phế bỏ cả vua. Cơ Mật Viện được lập ra để bàn bạc với vua thì nay quyền đó thuộc về quan Khâm sứ. Đúng nghĩa thét ra lửa mửa ra khói.

“Điều 16. Được sự ủy quyền của Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Trung Kỳ và Thống sứ Bắc Kỳ được phép bổ nhiệm và cách chức nhân sự bản xứ thuộc Chính quyền Bảo hộ, trừ nhân sự Phủ Toàn quyền”

Giờ ta sẽ đi sâu vào trong Đại Nội. Ngọ Môn là cánh cổng lớn nhất dẫn vào và là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Công trình này thậm chí còn được xem là biểu tượng của cố đô Huế. Phía trên Ngọ Môn là lầu Ngũ Phụng được lợp bằng ngói thanh lưu ly và hoàng lưu ly. Nghe nói suýt nữa quá trình trùng tu lầu ngũ phụng đã không thể thực hiện vì nơi làm được hai loại ngói ấy đã nghỉ làm.

Đi vào trong Đại Nội, ta gặp Nghi Môn được trang trí bằng pháp lam tinh xảo, băng qua cầu Trung Đạo vắt ngang hồ Thái Dịch là đến ngay điện Thái Hòa. Tiếc thay lầu Minh Viễn hay điện Cần Chánh đã không còn nữa, nhưng may là điện Thái Hòa vẫn còn. Nằm ngay sau Ngọ Môn, ngôi điện này nằm thẳng trên trục thần đạo và là trái tim của Đại Nội.

Nếu như Ngọ Môn là cổng để vào Hoàng Thành, thì Đại Cung Môn là cổng để vào Tử Cấm Thành, thế giới riêng của nhà vua và gia đình. Cánh cổng siêu đẹp này đã ra tro giai đoạn tiêu thổ kháng chiến sau khi nhà Nguyễn đã kết thúc 2 năm. Hiện đang được nghiên cứu phục dựng lại.

Trong số các công trình đã bị hủy diệt, điện Cần Chánh là tổn thất to lớn vô cùng vì không những vai trò quan trọng của nó, mà vì nó là ngôi điện đẹp nhất. Điện Cần Chánh dùng để vua thiết triều, đón tiếp các sứ bộ ngoại quốc, cũng như thết đãi yến tiệc. Nơi này được chống đỡ bằng những cây gỗ quý, chứa đầy bảo vật và cả bản đồ các tỉnh thành lồng trong khung kính. Lễ cưới của hoàng đế Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương diễn ra ở điện Cần Chánh. Đây là sự kiện đặc biệt chỉ xảy ra một lần duy nhất trong suốt triều Nguyễn. Hiện nay điện Cần Chánh sắp sửa được phục dựng lại cùng điện Kiến Trung.

Hai bên ngôi điện Cần Chánh là nhà Tả Vu cho quan Văn và Hữu Vu cho quan võ. Hai căn nhà này dùng để các quan sửa soạn chỉnh tề trước khi vào thiết triều trong chính điện. Chúng không còn chất nguyên bản nữa vì lúc tu bổ vào thời Khải Định có thêm chút ít yếu tố châu Âu vào.

Nội thất điện Cần Chánh

Đời sống tinh thần của nhà vua rất quan trọng. Một ông vua mệt mỏi sẽ sinh ra khó ở, cáu gắt và đưa ra những quyết định sai lầm. Vua sai một ly là dân đi một dặm, đại khái là lãnh đủ. Ngoài hồ Tịnh Tâm, Điện Dưỡng Tâm, thì Thái Bình Lâu là một công trình như thế, nơi nhà vua đến nghỉ ngơi, vãn cảnh và đọc sách. Sinh sau đẻ muộn tận thời Khải Định, nghệ thuật khảm sành sứ của nơi này mang chất lượng rất cao.

Nếu bạn là fan của dòng phim cung đấu, nhất định phải biết đến cung Diên Thọ nhà Nguyễn. Đây chính là nơi ở của mẹ và bà nội vua. Tuy vậy nơi đầy drama này cũng thay đổi rất nhiều lần, kể cả tên gọi lẫn kiến trúc. Trước là cung Trường Thọ để mẹ vua Gia Long ở, sau đó lại hạ giải khi bà mất đi. Tới khi Minh Mạng lên ngôi, ông muốn mẹ mình được ở tử tế nên cho xây lại:

Minh Mạng nhận xét: 

“Nay bệnh dịch lưu hành, đáng để cho quân dân nghỉ ngơi, đình bãi các công tác. Duy dựng cung Từ Thọ là việc không thể hoãn được. Ngươi nên hiểu dụ cho quân nhân biết ý bất đắc dĩ của trẫm.”

Đến đời vua Tự Đức thì lại hạ giải lần nữa để xây cung Gia Thọ. Mặc dù bom đạn không có mắt, nhưng cung Diên Thọ là công trình cực kỳ may mắn vì đến cuối cùng nó vẫn chẳng bị làm sao cả. 

Nhân đây thiết tưởng cũng nên giới thiệu cho các bạn nghe về chín chiếc đỉnh đồng đặt trước Thế Miếu trong Đại Nội. Ở trên những chiếc đỉnh này là hàng loạt những bức điêu khắc ghi lại những cảnh núi sông, sản vật khắp toàn cõi nước Nam thống nhất. Từ Hải Vân Quan đến Cửa Cần Giờ, từ sông Hương đến sông Bến Nghé, thậm chí cả đuông dừa cũng được liệt kê vào. Cửu đỉnh Huế vừa trở thành di sản tư liệu thế giới tiếp theo.

Huế – đô thành Phú Xuân – là nơi duy nhất trên Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật Cung đình, với hệ thống Thành quách, Cung điện, Miếu đường, Đền đài, Lăng tẩm, Phủ đệ, Nhà vườn. Nên nhớ, Cảnh Phúc Cung Gyeongbokgung của Hàn không được tính là di sản thế giới. Thành phố cổ Bagan tuyệt đẹp của Myanmar cũng bị UNESCO trừng phạt bằng cách khước từ do nước này trùng tu cẩu thả khiến di tích mất đi vẻ nguyên sơ. Điều đó cho thấy không hề dễ để được công nhận. Nhưng Huế của chúng ta lại được. Theo lời Nguyên tổng giám đốc UNESCO thì Thành phố Huế là một kiệt tác thơ về kiến trúc đô thị.

Quần thể di tích Cố đô Huế nhìn từ trên cao | Ảnh: Nguyễn Đức Hiếu.

Xem lại nước Nhật vào năm 1945, nhằm hạn chế thương vong và mau chóng kết thúc Thế chiến, người Mỹ đã quyết định dùng bom nguyên tử và Kyoto là mục tiêu đầu tiên, nhưng giáo sư sử học Langdon Warner cùng bộ trưởng chiến tranh Robert Stimson kiên quyết phản đối vì ông cho rằng cố đô Kyoto là một báu vật văn hoá của nhân loại.

Cho nên Hiroshima và Kokura được lựa chọn (trước khi Nagasaki chết thay do Kokura hôm đó trời nhiều mây). Kyoto thoát nạn và nếu bạn có dịp đến tham quan cũng nên thầm cám ơn giáo sư Warner, vì huỷ diệt cố đô nghìn năm của nước Nhật là một sai lầm không thể nào sửa chữa được.

Thế nhưng Huế không may mắn như Kyoto. Các cuộc giao tranh của người Việt cùng người Pháp, người Mỹ đã chạm ngõ kinh thành. Ngày đó Gia Long cho khởi công, Minh Mạng cho hoàn tất, 30 năm ròng rã xây dựng, cuối cùng tan tành trong các cơn binh hỏa nối tiếp. Hơn 160 công trình của kinh thành Huế chỉ còn lại 10 công trình chủ chốt, bao gồm điện Thái Hoà, Thế Miếu, Hiển Lâm Các, một tổn thất quá lớn. 

Nhìn đi thì cũng nên nhìn lại, thật ra nên hạnh phúc vì dù hư hại đáng kể, chúng ta vẫn còn đó một cố đô cổ kính được công nhận là tài sản vô giá của nhân loại. Giờ đây, kinh thành Huế là một điểm đến ưa thích của du khách gần xa và đang được trùng tu, phục dựng trở lại. Nếu đi giữa dãy trường lang và buổi sáng, bạn sẽ không khỏi thổn thức, như câu thơ này:

“Thái bình trong ngày mới

Mở rộng quy mô xưa

Văn vật cùng tụ hội

Gió xuân tràn kinh đô”

Chia sẻ câu chuyện này

Art Director: Lê Minh

Thiết kế: Nhím

Share