Vieseries Hồ Sơ W

Cơn lũ tiền giấy thời nhà Hồ

Tác giả Wong Trần
Cơn lũ tiền giấy thời nhà Hồ

Nhiều người thường tiếc nuối và cho rằng Hồ Quý Ly là “nhà cải cách vượt thời đại” nhưng không gặp thời. Trong đó, đưa tiền giấy vào lưu hành là chính sách nổi tiếng nhất. Tuy nhiên tiền giấy do Hồ Quý Ly đề xướng là một cải cách vĩ đại hay thật sự là một thảm họa kinh tế?

“Bính Tý, năm [Quang Thái] thứ chín [1396], … mùa hạ, tháng Tư, bắt đầu lưu hành Thông bảo hội sao, in xong, sai người đổi tiền” – ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư đánh dấu một sự kiện đặc biệt trong lịch sử tài chính nước ta. 

Đại Việt sử ký toàn thư - quyển 8 tờ 26a - Nội các quan bản.

Đó cũng là một sự kiện gây nhiều tranh cãi. Năm 1429, khi bàn về việc tái lưu hành tiền giấy, Lê Lợi đã chỉ trích chính sách này “không phải là cái đạo yên dân, dùng của”. Khoảng bốn thế kỷ sau, Phan Huy Chú sau khi chỉ ra những bất cập của việc sử dụng tiền giấy cũng đã nhận xét rằng việc lưu hành tiền giấy “không phải là cách bình ổn vật giá mà lưu thông của cải của dân vậy”. Ông còn chỉ trích Hồ Quý Ly “không xét kỹ đến cái gốc lợi hại, chỉ ham chuộng hư danh sáng chế”.

Mặc dù vậy, những người viết sử thời hiện đại lại thường nhấn mạnh đến tính tiến bộ của đề nghị này. Năm 1974, Quốc Ấn viết khảo luận về Hồ Quý Ly, có nhận xét rằng việc lưu hành tiền giấy là “một biện pháp tài chánh vô cùng mới mẻ, vượt thời gian hằng vài trăm năm, nhưng lại quá táo bạo”

Phải thừa nhận rằng việc triều đình Lê sơ bàn đến vấn đề lưu hành tiền giấy ngay từ năm 1429 chứng tỏ chính sách này có những điểm hấp dẫn nhất định của nó. Tuy nhiên, sự chỉ trích của Lê Lợi – một người đã từng trải nghiệm qua chính sách tiền giấy (lúc đó Lê Lợi khoảng 11 tuổi) – cũng cho thấy chính sách này có những khía cạnh khó thể chấp nhận trong thực tiễn thời đại ấy. Vậy tiền giấy là một chính sách như thế nào?

Phỏng dựng Hoàng đế Hồ Quý Ly (1336-1407).

Mặc dù thường được nhắc đến như một đề mục cải cách quan trọng của Hồ Quý Ly, tiền giấy không phải một chính sách được ban hành vào thời nhà Hồ. Việc lưu hành tiền giấy thực ra đã được tiến hành vào thời Trần Thuận Tông, và người đề xướng cải cách ấy cũng không phải Hồ Quý Ly. Cha đẻ của chính sách này chính là Thiếu bảo Vương Nhữ Chu.

Năm 1388, Vương Nhữ Chu là Nhập nội Hành khiển Tả ty. Ông ta xin về trí sĩ (nghỉ hưu) vào năm này. Việc Vương Nhữ Chu rời sân khấu chính trị nằm trong bối cảnh vua Trần Phế Đế đang tích cực tiến công tiêu diệt Hồ Quý Ly (lúc này còn mang tên Lê Quý Ly). Chính con trai Vương Nhữ Chu là Vương Nhữ Mai tiết lộ âm mưu của Trần Phế Đế, từ đó thúc đẩy nhóm Lê Quý Ly tiến hành phản kích.

Sau khi Trần Phế Đế bị truất ngôi, Vương Nhữ Chu lại xuất hiện ở triều đình dưới quan hàm Thiếu bảo. Không khó để ta nhận ra Vương Nhữ Chu là một nhân vật thuộc phe cánh của Hồ Quý Ly. Các đề xuất cải cách của Vương Nhữ Chu do đó có lẽ đã nhận được sự tán trợ của Hồ Quý Ly.

Phỏng dựng tiền "Hội sao thông bảo" do một nhà sưu tầm vẽ lại.

Trong cùng năm 1396, Vương Nhữ Chu còn đề xuất cải cách về mũ áo của các quan trong triều. Vì vậy, có thể xem ông là một nhà cải cách quan trọng trong tập đoàn của Hồ Quý Ly. Về vấn đề tiền giấy, Vương Nhữ Chu chủ trương ban hành bảy loại tiền: loại 10 văn, loại 30 văn, loại 1 mạch, loại 2 mạch, loại 3 mạch, loại 5 mạch và loại 1 mân. Các tên gọi văn, mạch, mân tương ứng với cách gọi phổ biến hơn sau này là đồng, tiền quan.

Năm 1226, Trần Thái Tông quy định dân gian sử dụng với nhau thì mỗi mạch là 69 văn, gọi là tỉnh mạch; nếu nộp vào cho nhà nước (thượng cung) thì mỗi mạch là 70 văn (một ghi chép về giá gạo thời Lý Anh Tông năm 1156 đã có nhắc giá một thăng gạo là 70 văn). Không thấy có quy định về mối tương quan giữa mân và mạch. Nhưng dựa vào hệ thống được sử dụng sau này, có thể đoán rằng cứ 10 mạch là 1 mân.

Loại giấy 10 văn được vẽ hình rong tảo, loại 30 văn vẽ sóng nước, loại 1 mạch vẽ mây, 2 mạch vẽ hình rùa, 3 mạch vẽ hình con lân, 5 mạch vẽ hình con phượng và loại 1 mân vẽ hình rồng. Đại Việt sử ký toàn thư dùng chữ “ấn” để nói về việc chế tạo tiền giấy. Điều đó cho hiểu là số tiền giấy này có lẽ được in ra hàng loạt từ một bản in khắc gỗ, tương tự như những bản in được lưu hành tại nhà Nguyên (Trung Quốc) mà ngày nay còn giữ được hiện vật.

Ván in Chí Nguyên thông hành bảo sao loại 2 quan, lưu hành thời nhà Nguyên năm 1287.

Để kích thích lưu hành tiền giấy, Vương Nhữ Chu đề ra chính sách đổi tiền. Một xâu (tức một quan) tiền đồng đổi được một mân hai mạch tiền giấy (tức 700 đồng đổi được 840 đồng). Một chính sách nghe có vẻ hết sức có lợi. Việc làm giả tiền giấy bị trị tội chết, điền sản của kẻ phạm tội bị sung công. 

Cực đoan hơn nữa, tiền đồng còn bị cấm lưu hành, không được tàng trữ và sử dụng riêng mà phải nộp lại cho nhà nước. Ở kinh đô, tiền đồng được thu nộp tại Ngao Trì, còn tại các xứ thì thu nộp ở trị sở. Người phạm tội lưu hành tiền đồng cũng bị trị tội như người làm giả tiền giấy.

Chính sách tiền giấy được đề xuất bởi một người trong tập đoàn của Hồ Quý Ly. Vì vậy, sau khi nhà Hồ thành lập, việc lưu hành tiền giấy vẫn được thúc đẩy. Năm 1401, nhà Hồ lập kho Thường Bình ở các lộ, phát tiền giấy cho các cơ quan này để tiến hành thu mua thóc gạo khi giá hạ, và bán ra khi giá gạo cao, nhằm bình ổn giá cả, đồng thời phổ biến việc lưu hành tiền giấy. Năm 1402, biểu thuế được hiệu chỉnh lại dựa trên tiền giấy.

Tuy nhiên, cũng có lúc Hồ Quý Ly đi ngược lại chính sách này. Đó là lúc ông cho đúc và ban hành đồng tiền đồng Thánh Nguyên thông bảo. Đồng tiền này được nhận xét là nhỏ và mỏng. Động thái này được nhận xét là một hành vi nhằm xác lập sự ra đời của một vương triều mới trong lòng dân chúng. Những đồng tiền này được đúc ra và lưu hành nhằm phổ biến tới dân chúng niên hiệu của triều đại mới. Tuy vậy, xu thế chung vẫn là thay thế tiền đồng bằng tiền giấy. Năm 1429, Lê Lợi nhận xét rằng “tiền đồng cũ đã bị nhà Hồ hủy bỏ, trăm phần chỉ còn được một”.

Đồng tiền đồng Thánh Nguyên thông bảo.

Năm 1403, triều đại nhà Hồ lần đầu tiên cảm thấy có điều gì đó không ổn. Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận: “Bấy giờ, người buôn bán phần nhiều chê tiền giấy”. Nhà Hồ phải đề ra những điều luật xử tội những người “không tiêu tiền giấy, bán giá cao, đóng cửa hàng, bao che giúp nhau”. Nếu tiền giấy là một chính sách tiến bộ, tại sao nó lại bị ghét như vậy?

Tiền giấy là thứ vô dụng, lại được lưu hành như là thứ hữu dụng trong dân.

Lê Lợi nhận xét

Tiền giấy chẳng qua chỉ là mảnh giấy vuông, phí tổn chỉ đáng 5, 3 đồng tiền, mà đem đổi lấy vật đáng giá 5, 6 trăm đồng của người ta, cố nhiên không phải là cái đạo đúng mức.

Phan Huy Chú giải thích thêm

Cái mà Lê Lợi và Phan Huy Chú nói đến chính là sự chuyển đổi từ tiền hàng hóa sang tiền pháp định. Giá trị của tiền hàng hóa được bảo chứng bằng chính vật liệu được dùng để làm ra thứ tiền ấy. Nếu như ngày nay chúng ta thường nói đến bản vị vàng, thì trong nền kinh tế Đại Việt thời phong kiến, nước ta sử dụng tiền tệ bản vị đồng

Giá trị của một đồng tiền được bảo chứng bằng giá trị của khối lượng đồng đã được đúc ra nó. Đồng tiền đó hoàn toàn có thể được phá hủy ra để đúc thành các vật dụng khác có giá trị cao. Tuy nhiên, tiền giấy lại không có được tính chất như vậy. Một khi không còn giá trị như một đồng tiền, tiền giấy chỉ còn là một tờ giấy lộn.

Giá trị của tờ tiền được bảo chứng bởi uy tín của triều đình đã in ra nó. Khi triều đại đó sụp đổ, những tờ tiền đó cũng mất đi giá trị. Ngược lại, dù tiền đồng được đúc với niên hiệu của những triều đại đã sụp đổ, thậm chí là triều đại nước ngoài, vẫn được lưu hành trong dân chúng và xuất hiện trong những hố cất giấu tiền.

Phan Huy Chú còn nhắc đến một nhược điểm thứ hai của tiền giấy: độ bền của nó rất kém. Ông nói: “người có tiền giấy cất giữ cũng dễ rách nát”. Cất giữ một thứ không có giá trị thực (chỉ có giá trị pháp định) và lại dễ hỏng nát, đó rõ ràng không phải một lựa chọn ưa thích của những người làm nghề buôn bán. 

Điều đó giải thích vì sao thương nhân nước Đại Ngu lại “chê tiền giấy” và “không tiêu tiền giấy”. Nhưng điều đó lại không giải thích được tại sao họ lại phải “bán giá cao”, vì bán giá cao rõ ràng sẽ thu về được nhiều tiền giấy hơn – thứ mà vốn dĩ họ không ưa thích. Cũng không giải thích được vì sao thương nhân Đại Ngu lại phải đi đến chính sách cực đoan là “đóng cửa hàng”. Điều gì làm cho họ khiếp sợ đến mức phải dừng kinh doanh như thế?

Tiền giấy 2 quan thời nhà Nguyên.

“Bán giá cao”“đóng cửa hàng” là hai triệu chứng của một căn bệnh kinh tế mà thời đó vẫn chưa được biết đến tại Đại Việt. Căn bệnh này đã được Tư Mã Thiên nhắc đến từ lâu trong thiên Bình chuẩn thư của Sử ký. Nhưng ngay cả Tư Mã Thiên cũng không hiểu rõ tường tận căn bệnh này. 

Phải đến nửa cuối thế kỷ 15 và nửa đầu thế kỷ 17, khi châu Âu bị nhấn chìm trong dòng chảy bạc từ Tân Thế Giới đổ về khiến giá cả tăng vọt, người châu Âu mới bắt đầu nghiên cứu và phân tích hiện tượng kinh tế đó. Ngày nay, chúng ta gọi đó là lạm phát.

Khi nguồn cung tiền tăng vọt nhưng sức sản xuất của nền kinh tế không tăng tương ứng, giá cả sẽ được điều chỉnh. Biểu hiện của nó là sức mua đồng tiền bị giảm đi, giá cả hàng hóa tăng lên. 

 “Tiền càng nhiều thì càng rẻ, vật càng ít thì càng quý”

Tư Mã Thiên mô tả trong Bình chuẩn thư

Trong bối cảnh như vậy, người buôn bán sẽ đối mặt với thực trạng kỳ lạ: Họ bán một lượng hàng hóa nhất định, thu được tiền về, nhưng lượng tiền đó lại không đủ để mua lại lượng hàng hóa mà họ đã bán, vì giá cả đã vọt lên.

Đứng trước tình cảnh như vậy, người buôn bán chỉ có hai lựa chọn: Hoặc họ bán giá thật cao để đón đầu đà tăng giá, hoặc phải dừng kinh doanh để cắt lỗ. Hai hiện tượng đó cũng được Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận. Thương nhân nước Đại Ngu hoặc là “bán giá cao”, hoặc “đóng cửa hàng”. Chúng ta có thể nhận ra rằng họ cũng đang phải đương đầu với tình trạng lạm phát. Nguyên nhân chủ yếu chính là mức độ phát hành tiền giấy.

Chính sách đổi tiền được Vương Nhữ Chu đề xuất cho phép đổi 1 quan tiền đồng lấy 1 mân 2 mạch Thông bảo hội sao, tức 700 đồng đổi được 840 đồng. Nếu chính sách được thực hiện đầy đủ, nguồn cung tiền sẽ tăng 20%. Đó là chưa kể lượng tiền giấy được triều đình phát hành thêm, cộng với lượng tiền giấy giả được lưu hành trong dân chúng.

Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: năm 1399, Nguyễn Nhữ Cái trốn vào Thiết Sơn, ngụy tạo bảo sao để tiêu xài, chiêu dụ được hơn vạn lương dân. Số lượng tiền giấy làm giả đủ để nuôi cả vạn người, chứng tỏ đó là một con số rất lớn. Nói cách khác, nền kinh tế Đại Ngu hẳn đã bị nhấn chìm trong một cơn lũ tiền giấy.

Giao tử Tứ Xuyên.

Vào lúc bấy giờ, vấn đề lạm phát tiền giấy đã trở thành vấn nạn tại nước láng giềng Trung Quốc. Đầu thời Bắc Tống, do vấn đề cấm lưu hành tiền đồng mà bắt buộc phải sử dụng tiền sắt tại Tứ Xuyên. Các thương buôn tư nhân đã lưu hành một loại ngân phiếu thay thế có kỳ hạn, có khả năng hoán đổi sang tiền sắt. Loại ngân phiếu đó gọi là giao tử. Năm 1023, triều đình Bắc Tống thu hồi giao tử tư nhân, bắt đầu phát hành quan giao tử.

Năm Thiệu Hưng thứ 30 (1160), Thái thú Lâm An nhà Nam Tống là Tiền Đoan Lễ phỏng theo giao tử ở Tứ Xuyên, cho phát hành hội tử. Hội tử có các loại mệnh giá 1 quan, 2 quan và 3 quan. Long Hưng năm đầu (1163) thời Tống Hiếu Tông, nhà Nam Tống lại phát hành tiền giấy hội tử loại 200 văn, 300 văn và 500 văn.

Bằng việc lưu hành hội tử, các triều vua Tống nhận ra rằng có thể thanh toán các chi phí của triều đình chỉ bằng việc in ra những tờ giấy lộn. Từ năm 1072, khi số lượng phát hành giao tử tăng lên thì giá trị của nó cũng bắt đầu suy giảm. 

Đến thời Nam Tống cũng vậy. Từ năm 1230 đến năm 1232 thời Tống Lý Tông, số lượng hội tử lên đến 3.029.000, tăng gấp 33 lần. Đó là chưa kể số hội tử bị làm giả. Năm 1246, số lượng hội tử lên đến 6.050.000.000 quan (6.050.000.000.000 đồng). Tiền giấy hội tử bị mất giá nghiêm trọng. Năm 1249, mỗi quan hội tử chỉ đáng giá 600 văn tiền đồng.

Đến năm 1264, tể tướng Giả Tự Đạo phát hành một loại hội tử khác, định giá nó bằng 770 văn tiền đồng. Nhà Nguyên thay nhà Tống, đã du nhập loại tiền giấy khác gọi là giao sao. Charles C. Mann nói rằng nhà Nguyên đã tạo ra siêu lạm phát. Đến những năm 1350, tiền giấy của nhà Nguyên trên thực tế là vô giá trị. 

Tống Lý Tông
Giao tử và khuôn in giao tử thời Bắc Tống.

Khi Minh Thái Tổ lên ngôi, thoạt tiên ông đã không phát hành tiền giấy. Nhưng đến lúc đó thì nguồn cung đồng trong nước đã không còn đủ đáp ứng nhu cầu đúc tiền đồng nữa. Sự khan hiếm đồng khiến giá đồng tăng lên và việc đúc tiền đồng không còn khả thi về mặt kinh tế. Minh Thái Tổ lại trở lại với chính sách tiền giấy. Điều đó cũng đi cùng với việc nạn lạm phát trở lại. Tiền giấy của nhà Minh mất đi 75% giá trị chỉ sau một thập kỷ

Minh Thái Tổ đối phó bằng cách không sản xuất thêm tiền đồng, nhằm ép buộc dân chúng phải dùng tiền giấy. Năm 1394, Minh Thái Tổ ban lệnh cấm lưu hành tiền đồng. Hai năm sau, Vương Nhữ Chu cũng đề xuất một chính sách tương tự cho Đại Việt.

Minh Thái Tổ

Chính sách cấm lưu hành tiền đồng và sử dụng tiền giấy của Minh Thái Tổ tỏ ra không hiệu quả, nếu không muốn nói là thất bại. Nhà Minh vật lộn với những lần ban lệnh cấm tiền đồng để ép buộc dân chúng sử dụng tiền giấy, để rồi sau đó phải nhượng bộ bằng việc cho phép lưu hành tiền đồng, rồi lại cấm. Lệnh cấm tiền đồng còn được nhà Minh ban hành lại vào các năm 1397, 1403, 1404 và một vài năm sau đó.

Năm 1403 cũng là năm nhà Hồ cảm thấy vấn đề đối với tiền giấy. Nhà Hồ phải đặt ra chức Thị giám (chức quan quản lý chợ), định giá tiền giấy và lập ra các điều luật nặng để trị tội bán giá cao, đóng cửa hàng. Đây là những biện pháp kiềm chế lạm phát đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử kinh tế Đại Việt. 

Không còn ghi chép gì cho thấy tình hình lạm phát ở Đại Ngu sau năm 1403 có bị kiềm chế hay chưa. Nhưng việc nhà Hồ đúc một số hiệu tiền đồng (mà ngày nay ta còn giữ được) cho hiểu là tình hình có lẽ không khác mấy so với những gì đang diễn ra với nhà Minh. Triều đình phải nhượng bộ và cho phép lưu hành một số lượng tiền đồng nhất định.

Lệnh cấm tiền đồng còn được nhà Minh ban hành lại vào các năm 1397, 1403, 1404 và vài năm sau đó.

Sử gia Von Glahn nhận xét rằng lệnh cấm tiền đồng năm 1394 của Minh Thái Tổ đã “nhạo báng những hiện thực của nền kinh tế”. Phải chăng cũng có thể nhận xét tương tự với chính sách tương tự của Vương Nhữ Chu? 

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng Minh Thái Tổ đã thiết kế một chính sách như vậy xuất phát từ nhu cầu phải đối phó với một hiện thực khác của nền kinh tế: sự thiếu hụt nguồn cung đồng để bảo trợ cho hệ thống tiền hàng hóa dựa trên bản vị đồng

Đó dường như cũng là vấn đề mà nước Đại Việt đã phải đối phó vào khoảng cuối thế kỷ 14. Bằng chứng là trước khi Vương Nhữ Chu đề xuất chính sách tiền giấy, triều đình nhà Trần đã có một thí nghiệm khác trên lĩnh vực tiền tệ: sử dụng tiền kẽm.

Đại Việt sử ký toàn thư vào năm 1323 thời Trần Minh Tông lần đầu tiên ghi nhận triều đình cho “đúc tiền kẽm (duyên tiền)”. Nhưng đến năm 1324, tiền kẽm lại bị cấm. Tổng cộng chính sách được thực hiện chỉ vỏn vẹn 13 tháng. Nhưng nó cũng cho thấy rằng ngay từ thời Trần Minh Tông, đã có những động lực thôi thúc triều đình tìm ra một chất liệu mới để dùng làm tiền tệ. Tiền kẽm tuy tạm thời thất bại, nhưng về sau cũng đã tìm được vị trí trong nền kinh tế Đại Việt – dù luôn bị định giá thấp hơn tiền đồng.

Tiền kẽm thời xưa thường có giá trị bằng nửa tiền đồng.

Sự thiếu hụt nguồn cung đồng của triều đình nhà Trần còn bị trầm trọng thêm bởi việc nhà Trần bị mất hai kho tiền cất giấu ở hang núi Thiên Kiện và hang núi Khuẩn Mai năm 1390. Việc hai hang núi này bị sạt lở đã khiến triều đình không thể tiếp cận với số tiền đó. Lại thêm một động lực nữa để Vương Nhữ Chu đề xuất dùng tiền giấy Thông bảo hội sao để thay thế cho tiền đồng.  

Năm 1407, nhà Hồ sụp đổ. Những tờ tiền pháp định Thông bảo hội sao mà nó ban hành cũng biến mất khỏi thị trường. Khi đất nước giành lại được độc lập, tình hình thiếu thốn tiền đồng vẫn còn đó. Năm 1428, Lê Thái Tổ cho đúc tiền đồng Thuận Thiên thông bảo và quy định lại: mỗi mạch chỉ còn 50 văn (so với 69 văn “tỉnh mạch” và 70 văn “thượng cung” thời Trần).

Năm 1429, đề xuất dùng tiền giấy (sao) lại được nhắc lại. Lê Thái Tổ phải đưa ra một “chỉ huy” nói rõ quan điểm bài bác tiền giấy. Tới lúc này, tiền giấy không còn là một thành tố đáng chú ý trong hầu hết nền kinh tế Đại Việt thời phong kiến, dù một số dạng thức tiền giấy nào đó đôi khi được ghi nhận vẫn còn tồn tại trong các sử kiện hồi thế kỷ 18. 

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Mythz

Researcher Hồ Đức – Ngô Du
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share