Việt Nam: Non sông một dải

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Việt Nam: Non sông một dải
“Việt Nam rừng vàng biển bạc” là câu chúng ta rất thường được nghe thời đi học. Kỳ thực địa lý Việt Nam có thực sự lý tưởng hay không, chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời nhé.

 Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường

Đặt tên tốt, lấy chữ Việt đặt ở trên để tỏ rằng nước ta nhân đất cũ mà nối được tiếng thơm đời trước, lấy chữ Nam đặt ở dưới để tỏ rằng nước ta mở cõi Nam giao

Trích lời vua Gia Long, Đại Nam thực lục

Rừng vàng biển bạc là có thật. Việt Nam sở hữu diện tích rừng lớn và đường bờ biển dài. Thế nhưng nhìn vào bản đồ, chúng ta lập tức nhận ra vấn đề: Việt Nam hiện trông như một đòn gánh. Miền Bắc và miền Nam phình ra, còn miền Trung teo lại, có những đoạn chưa đầy 50 cây số. Hình thế này khiến Việt Nam rất dễ bị cắt đôi và thực tế tình trạng này đã diễn ra nhiều lần trong lịch sử. Mỗi lần nước Việt chia hai, phải trải qua rất nhiều máu đỏ và nước mắt mới hàn gắn được nó. 

Các bản đồ dưới đây chủ yếu thể hiện hình dạng nước Việt Nam theo đường biên giới hiện tại. Nước ta đã thay hình đổi dạng nhiều lần thông qua các đợt sáp nhập và cắt bỏ. Có thời điểm từ Nghệ An cho tới Quảng Trị dày hơn vì bao gồm cả một phần đất Lào. Tuy nhiên, hình thế chủ yếu vẫn như sau: Miền Trung là một dải đất hẹp.

"Nước ngàn năm văn hiến - Vạn dặm một sơn hà"

Nhìn về quá khứ ta thấy không gian sinh tồn của người Việt rất hạn chế. Phía Tây là núi, phía Đông là biển, còn hai đầu Nam Bắc đều là những quốc gia kình địch. Nước Việt bị kẹp ở giữa như nhân bánh mì. 

Trái tim Việt Nam

Trái tim của nước Việt nằm ngay đồng bằng sông Hồng. Khu vực lớn bằng nước Kuwait này đã nuôi dưỡng người Việt trước khi họ đủ lực để mở rộng bờ cõi. Thế nhưng sông Hồng giống như Hoàng Hà, vô cùng hung dữ. Lũ lên rất nhanh và đột ngột. Phải nói là trị thuỷ ở Việt Nam mệt mỏi ngang đánh giặc. Mỗi lần đê vỡ là cả làng, cả xã ngập trong biển nước. Triều đình nhà Nguyễn cãi nhau bao nhiêu trời năm riêng mỗi chuyện nên giữ đê hay nên phá đê sông Hồng.

Khu vực đồng bằng sông Hồng.

Trông lên phía Bắc nước Việt, tồn tại đế quốc mạnh bậc nhất châu Á và nhiều thời điểm đã vươn lên hàng đầu thế giới: Trung Quốc. Trong hầu hết các cuộc đối đầu, Việt Nam luôn ở thế thủ và phải rất khéo léo để sống yên bình bên gã hàng xóm ồn ào này. Số phận của chúng ta vĩnh viễn gắn chặt với Trung Quốc, vì vậy ngoại giao là giải pháp tối ưu hơn là quân sự. Do đó, người Việt chỉ có một đường hiệu quả để phát triển là xuôi về phương Nam.

Người Việt xuôi về phương Nam.

Cuộc Nam tiến của dân tộc Việt là một hành trình đằng đẵng kéo dài 700 năm. Thách thức lớn đầu tiên chính là vương quốc Champa, một dân tộc thiện chiến. Tuy kết quả từng lúc khác nhau, nhưng cuối cùng người Việt vẫn là kẻ chiến thắng.

Từ châu thổ sông Hồng, người Việt đã vượt dãy Hoành Sơn sừng sững, băng qua Hải Vân hùng vĩ, tiến vào các sa mạc bỏng cháy ở Bình Thuận và kết thúc tại đồng bằng sông nước Cửu Long. Đến thế kỷ 19, đất đai của người Việt đã to gấp mấy lần ngày trước. Trong Biện di luận, Lý Văn Phức đã phần nào phân tích được tầm vóc của quá trình mở cõi nước Việt này:

... thời cổ là vùng hoang viễn, chưa khai hóa, bấy giờ coi là di thì được. Nhưng đến thời Chu đã là Việt Thường, coi là thị tộc, các đời sau là Giao Chỉ, coi là quận huyện, chưa bao giờ gọi là di cả. Huống hồ, từ thời Trần, Lê, quốc thổ An Nam ngày càng mở rộng, đến nay đã gấp bội lần.

Phía Bắc giáp ba tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam của Trung châu. Phía Tây khống chế các tộc man di, tiếp với các nước Nam Chưởng, Miến Điện. Phía Đông trông ra bể lớn, ôm bọc các đảo. Phía Nam cũng chạm tới biển, vòng qua phía Tây Nam sát vách Xiêm La. Các thuộc quốc còn lại và tộc man di khác nhau nội phụ đều đủ cả. Thật là một đại quốc sừng sững giữa trời đất.

Trích lời Lý Văn Phức, Biện di luận
Quá trình Nam tiến của dân tộc.
Khẩn hoang miền Nam.

Khi người Việt đặt chân đến phương Nam, địa lý của quốc gia đã khác xưa rất nhiều, từ đấy phát sinh ra những bài toán hóc búa khác. 

Sông Cửu Long là báu vật của Việt Nam, tầm quan trọng có lẽ ngang ngửa sông Nile đối với Ai Cập hay Dương Tử với Trung Quốc. Sông Cửu Long không dữ dằn mà nước lên xuống từ từ chậm rãi. Thay vì các đợt lũ quét, miền Nam có mùa nước nổi. Nhờ đồng bằng này, Việt Nam được thêm một vùng đất đai màu mỡ đủ sức nuôi sống hàng chục triệu người. 

Tuy nhiên, miền Nam cũng tồn tại nhiều khu vực ngập mặn, phèn chua. Người Việt khai hoang rất cực khổ, có làm thì mới có ăn chứ không chỉ “miền Nam may mắn được thiên nhiên ưu đãi”. Hệ thống kênh đào bao trùm 71000km2 miền Nam là một kỳ quan nhân tạo minh chứng cho điều đó.

Sông Cửu Long là báu vật của Việt Nam, vùng đất đai màu mỡ nuôi sống hàng chục triệu người.

Tuy nhiên, trong số các nước dòng Mê Kông chảy qua, Việt Nam nằm ở vị trí tréo ngoe nhất: hạ nguồn – nghĩa là con sông chảy qua bao nhiêu nước xong rồi mới vào đất Việt để đổ ra biển. Trên con đường đó, giả sử các nước trên thượng nguồn xây các đập thuỷ điện hoặc những công trình khác ảnh hưởng đến dòng chảy thì sao? Tất nhiên người lãnh đủ là Việt Nam với hàng loạt các hệ lụy như đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, lượng phù sa và thủy sản giảm sút,…

Chưa kể, biến đổi khí hậu là lời nguyền địa lý đáng sợ nhất. Biển dâng lên nhấn chìm miền Nam nước Việt sẽ đẩy quốc gia vào cảnh thiếu thốn lương thực. Tóm lại, đồng bằng sông Cửu Long cảm sốt, sổ mũi, thì cả nước Việt cũng thở oxy theo luôn. Đây là lời nguyền địa lý nguy cấp mà Việt Nam cần hoá giải trong thế kỷ 21.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long.

 Từ Nam tiến đến Tây tiến

Nay bản triều có cả phương Nam, bờ cõi ngày càng rộng. Trước gọi là Việt Nam, nay gọi là Đại Nam, càng tỏ nghĩa lớn, mà chữ Việt cũng vẫn ở trong đó.

Trích lời vua Minh Mạng, Đại Nam thực lục

Quá trình mở rộng bờ cõi của chúng ta không chỉ dừng ở phương Nam. Triều đình Việt Nam ngày xưa đã từng thử Tây tiến, nhưng tại sao chúng ta không thể mở rộng bờ cõi được như Mỹ, cũng là một quốc gia bành trướng về phía Tây? Đây là một trường hợp rất đáng cân nhắc.

Dựa trên số liệu từ trang MapFight, tác giả tạm đặt ở đây bản đồ 2 vùng đất:

Bản đồ đất liền và biển đảo Việt Nam hiện tại.
Bản đồ Mỹ thời còn là 13 thuộc địa Anh quốc.

Nếu đem bản đồ Việt Nam hiện tại kéo qua bờ Đông nước Mỹ, ta cũng mường tượng được diện tích Việt Nam và Mỹ thời sơ sinh xấp xỉ nhau.

Tổng thống Washington không mặn mà việc Tây tiến lắm. Ông từng đặt ngoài vòng pháp luật những kẻ dám vượt qua dãy Appalachia. Tuy nhiên, khi Mỹ đã quyết định Tây tiến theo thuyết Vận mệnh Hiển nhiên, nó mở rộng nhanh thần tốc. Việt Nam mình đánh theo kiểu “tằm ăn dâu”, đánh tới đâu giữ chắc tới đó mà còn trầy trật. Cùng là Tây tiến, nhưng hành trình của Việt Nam khó khăn hơn Mỹ rất nhiều.

Triều đình Việt Nam ngày xưa đã từng thử Tây tiến mở rộng bờ cõi như Mỹ, nhưng hành trình của Việt Nam khó khăn hơn Mỹ rất nhiều.

Thứ nhất, trên lục địa, Mỹ chẳng có kẻ thù nào đáng quan ngại ngoài mấy bộ lạc da đỏ lẻ tẻ. Canada không phải vấn đề nghiêm trọng và thậm chí Mexico còn là mồi ngon. Nhìn lại Việt Nam, ngoài chuyện Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông, luôn chực chờ xâm lăng từ phương Bắc, người Việt muốn lấn sang phía Tây còn phải đụng độ hàng loạt các cường quốc khu vực như Xiêm La (Thái Lan), Miến Điện.

Vua Minh Mạng đã thử đánh cược vào một cuộc phiêu lưu. Khi biến nước Chân Lạp thành quận huyện với tên gọi Trấn Tây thành, nhà Nguyễn đang ôm một quả bom nổ chậm. Chân Lạp là một nước cổ xưa. Họ sở hữu một nền văn minh đồ sộ trong quá khứ cùng lòng tự tôn dân tộc cao.

Bạn nghĩ Xiêm La không phải là một nước có tư tưởng bành trướng ư?

Sai bét.

Xiêm La bành trướng rất ghê gớm. Những nước xung quanh cũng bị họ ngoạm không ít đất. Khu vực Chiang Mai mà giờ dân Việt Nam ta hay qua du lịch ngày xưa chính là kinh đô của nước Lan Na. Xiêm La là đối thủ chính của nhà Nguyễn trong khu vực Đông Nam Á và cũng là chướng ngại lớn nhất của việc Tây tiến.

Xiêm La bành trướng lãnh thổ.

Thời điểm cai trị Chân Lạp, nếu chiếu theo bản đồ, nhà Nguyễn đã Tây tiến tới khoảng Pursat và Kampong Thom, giữ các cố đô như Phnom Penh, Longvek và Oudong, còn Xiêm giữ cố đô Angkor gồm quần thể Angkor Wat và Angkor Thom. Hai nước Việt và Xiêm đều giữ một phần Biển Hồ Tonle Sap, trong đó phần hơn thuộc về mình. 

Dù vậy, tổng thể nhà Nguyễn đã thất bại khi tranh giành ảnh hưởng ở vùng đệm này với Xiêm La. Các cuộc nổi dậy dồn dập và chi phí bỏ ra quá tốn kém khiến vua Thiệu Trị phải lệnh từ bỏ hoàn toàn Trấn Tây thành. Triều đình Huế rút đại quân về lại An Giang, nơi có kênh Vĩnh Tế phân chia ranh giới, để giữ chắc đất đai Nam Kỳ thay vì mắc nghẹn miếng bánh Chân Lạp. Trong khi về phía Xiêm, Siem Reap và Battambang vẫn là một phần đất họ trước khi nhả cho thực dân Pháp đưa vào Đông Dương.

Việt Nam giữ các cố đô như Phnom Penh, Longvek và Oudong, còn Thái Lan giữ cố đô Angkor.
Việt Nam Tây tiến chỉ đến khoảng Pursat và Kampong Thom.

Thứ hai, các vụ trao đổi đất đai của Mỹ diễn ra thuận lợi hơn. Nước Chân Lạp mỗi lần chỉ dâng lên các chúa Nguyễn một ít đất ở Đông và Tây Nam Bộ, còn Mỹ xuống tiền mua Louisiana và Alaska là những phi vụ khổng lồ, một vốn bốn trăm lời.

Thứ ba, mặc dù Việt Nam có nội chiến Tây Sơn – chúa Nguyễn và Hoa Kỳ có nội chiến giữa Liên bang miền Bắc – Liên minh miền Nam, nhưng hậu quả với Việt Nam nặng nề hơn rất nhiều khi hầu hết cơ sở vật chất cả nước đều tan hoang, cần nhiều thời gian hồi phục quốc lực.

Thứ tư, nền công nghiệp, thương mại và tài chính của Hoa Kỳ vượt trội so với Việt Nam. Bạn chỉ cần nhìn tuyến đường sắt xuyên Mỹ là đủ hiểu tại sao họ Tây tiến nhanh như vậy.

Tóm lại, địa lợi đã cho nước Mỹ quá nhiều ưu đãi. Quốc gia mới này có cả nhân hòa là một nhóm các Tổ phụ Lập quốc giỏi giang, những người đã thiết lập nên một tương lai rộng mở. Họ còn có được thiên thời đến từ những lần làm ăn với người Pháp, chẳng hạn cuộc chiến giành độc lập và vụ mua bán Louisiana. Nước Việt Nam thiếu hẳn những yếu tố cần thiết đó, vì vậy Tây tiến thời Nguyễn là điều không tưởng.

Ngoài bờ Đông là mặt trời

Thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam.

Ngày xưa dân tộc chúng ta bám theo duyên hải để Nam tiến, thì tương lai của Việt Nam ngày nay phải là bên ngoài đại dương. Đông Nam Á chia làm hai phần: lục địahải đảo, Việt Nam nằm chính giữa nên có thể xem là nhận được lợi thế của cả hai.

Trong quá khứ, Việt Nam có thuỷ quân mạnh nhưng chủ yếu hoạt động trên các con sông và dọc theo bờ biển hơn là căng buồm ra ngoài biển lớn khám phá. Chúa Nguyễn là triều đại đặt nền móng thay đổi điều này. Việc hải đội Hoàng Sa xác lập chủ quyền với các quần đảo giúp Việt Nam chiếm nhiều lợi thế trong cuộc chơi tương lai ngoài biển Đông.

Diện tích biển của Việt Nam hiện đang lớn gấp ba lần diện tích đất liền, đồng nghĩa với việc chúng ta đang có tới ba nước Việt Nam thu nhỏ, chưa kể khả năng tiếp cận không gian đại dương là vô tận.

TS. Trần Đình Thiên
Bàn cờ biển Đông.

Biển Đông là một bàn cờ đầy phong ba bão táp, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Theo nghĩa đen, những cơn cuồng phong từ Philippines thổi tới là thảm họa tự nhiên mà Việt Nam phải đối mặt hàng năm. Còn theo nghĩa bóng, đây là khu vực nhộn nhịp số 2 thế giới chỉ sau Địa Trung Hải với 45% lượng hàng hóa toàn cầu đi ngang. Thậm chí, lượng dầu lửa và khí hóa lỏng qua biển Đông gấp 15 lần qua kênh đào Panama. Đồng thời, dưới làn nước thăm thẳm còn vô vàn tài nguyên khác. Vị trí chiến lược của biển Đông thu hút biết bao anh tài hội tụ, bởi miếng bánh lớn này ai cũng muốn chiếm phần hơn về mình.

Việt Nam phải hứng chịu thảm hoạ của những cơn cuồng phong từ Philppines.
Tuyến đường hàng hải của các nước đi ngang khu vực Biển Đông.

Với tư duy của những người chơi cờ vây, khu vực Trường Sa không khác gì một bàn cờ lớn cả, rất ly kỳ và phức tạp. Hiện tại, số lượng thực thể địa lý Việt Nam giữ được vẫn là đứng đầu trong các nước đang có mặt và trải rộng khắp quần đảo Trường Sa.

Địa Trung Hải là biển của quá khứ, Đại Tây Dương là biển của hiện tại, Thái Bình Dương là biển của tương lai.

TS. Trần Đình Thiên

Dựa trên vị trí và hình dạng hiện tại, Việt Nam có thể trở thành một cường quốc về hậu cần. Địa lý Việt Nam rất phù hợp cho một số tàu cỡ nhỏ (feeder) đến cỡ trung (sub-panamax) dừng chân mua thêm thực phẩm tươi, cho thủy thủ đoàn nghỉ ngơi, bảo quản định kỳ và sửa chữa bất thường.

Vận tải đường thủy giúp chuyên chở lượng hàng hóa rất lớn, vượt trội so với đường bộ, rẻ tiền hơn đường hàng không và Việt Nam sở hữu nhiều sông đủ lớn để tàu biển chạy vào sâu trong nội địa được. Vùng biển ấm giúp tàu thuyền hoạt động quanh năm, không gặp cảnh cảng đóng băng như Nga. Ngoài ra, nước sâu giúp xây dựng những cảng biển có thể đón những con tàu khổng lồ, điều mà nước nông bó tay vì sẽ làm tàu mắc cạn. Nhược điểm của cảng biển Việt Nam là lượng phù sa bồi đắp mỗi năm rất nhiều nên số tiền để đổ vào việc nạo vét hàng năm cũng cao.

Cảng biển Đà Nẵng. (Ảnh: danangport)
Cảng Sài Gòn. (Ảnh: Als)
Bốc xếp container tại cảng Lạch Huyện. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Cảng Cái Mép. (Ảnh: Baochinhphu)

Hòng theo đuổi kế hoạch Đông tiến, Việt Nam đưa ra nhiều dự án để hiện thực hóa điều đó. Trước mắt là xây thêm nhiều cảng biển như Hòn Khoai, hoặc nâng cấp như cảng Cái Mép – Thị Vải để đón được tàu 250.000 tấn. Nên nhớ, chỉ có khoảng 20 cảng trên thế giới đáp ứng được chuyện này.

Trong tương lai, Sài Gòn sẽ trở thành một thành phố hướng biển khi đường phát triển của nó dần lan về phía Đông. Ba địa điểm Cần Giờ – Vũng Tàu – Gò Công được xây dựng một hành lang ven biển mới, giúp rút ngắn đáng kể quãng đường đi từ Đông sang Tây Nam Bộ. Phú Quốc, Côn Đảo và các hòn đảo khác được đầu tư liên tục.

Ở ngoài khơi, giàn khoan Sao Vàng – Đại Nguyệt (Trăng Lớn) cách bờ biển Vũng Tàu 350km đang thực hiện đặc quyền khai thác kinh tế của Việt Nam trong khu vực “kho báu biển Đông”. Cảng dầu khí ngoài khơi Sao Vàng – Đại Nguyệt có khả năng tiếp nhận tàu biển chở dầu, tàu dịch vụ dầu khí, tàu công trình biển và giàn khoan có trọng tải lớn gấp đôi tàu Titanic nổi tiếng.

Giàn khoan Sao Vàng - Đại Nguyệt. (Ảnh: ptsc)

Tuy nhiên, muốn bảo vệ tất cả những điều đó, quân đội phải mạnh. Trọng tâm của quân đội Việt Nam trong thế kỷ 21 là “thu hẹp lục quân, mở rộng hải quân”. Quân đội Việt Nam sẽ phóng tầm nhìn ra biển và chi rất nhiều cho khu vực này với những bản hợp đồng “bom tấn”. Hiện tại, so về sức mạnh quân sự, Việt Nam chỉ thua mỗi Indonesia ở Đông Nam Á và xếp thứ 24 thế giới.

Xin nói thêm, trong Quân chủng Hải quân Việt Nam có một Binh chủng rất lợi hại: Tên lửa – Pháo bờ biển. Thực tế Việt Nam đang sử dụng hệ thống phòng thủ hiện đại là K-300P Bastion-P. Loại vũ khí này có thể di chuyển cơ động đến địa điểm thích hợp để bắn, rất phù hợp với đường biển dài như nước mình. Một hệ thống như vậy bao gồm 4 xe phóng, 2 xe chỉ huy, 4 xe chở đạn, cùng 20 tên lửa. Với mức giá khoảng 150 triệu USD/hệ thống, Việt Nam rất chịu chơi khi đặt mua hẳn 2 cái. Khi Bastion ra đời, một loạt các nước chấn động. Cho tới hiện nay, Nga cũng chỉ mới bán cho Việt Nam và Syria.

K-300P Bastion-P. (Ảnh: Reddit)
K-300P Bastion-P. (Ảnh: Navalnews)

Tóm lại, nếu thế giới này là một trò chơi chiến thuật thì Việt Nam thuộc hàng cực khó. Nằm ở vị trí quá chiến lược với các cường quốc và quá nhạy cảm với biến đổi khí hậu, bản đồ này đòi hỏi người chơi phải thật lão luyện. Quyển Cường quốc trong tương lai của giáo sư Kazuyuki Hamada chỉ ra rằng Việt Nam có tiềm năng trỗi dậy như một thế lực trong thế kỷ 21. Miễn là Việt Nam đi chuẩn nước cờ trong đúng thời điểm, nhận định trên có thể trở thành hiện thực.

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Mythz
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share