Vì sao con mèo là Mão ở Việt Nam?

Tác giả Wong Trần
Vì sao con mèo là Mão ở Việt Nam?

Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tưng bừng chào đón Tết Quý Mão 2023. Linh vật của năm là con thỏ được dựng lên khắp các đường phố. Nhưng ở Việt Nam chúng tôi không làm thế. Chúng tôi dựng tượng con mèo. Tại sao vậy? Để hiểu được vấn đề này, trước tiên ta phải biết một chút về lịch sử của hệ thống can chi.

Khởi nguồn và lưu truyền của hệ thống can chi

Năm 2023 được gọi theo âm dương lịch là năm Quý Mão. Đây là cách đặt tên năm theo hệ thống can chi, bao gồm 10 Thiên can12 Địa chi. Mười Thiên can gồm: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Mười hai Địa chi gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Sự liên kết từng tên Thiên can với tên Địa chi theo vòng tuần hoàn sẽ tạo ra 60 cặp Can chi.
Can chi trong giáp cốt văn.

Truyền thống Trung Hoa nói rằng hệ thống can chi được xây dựng bởi Hoàng Đế – một vị vua trong giai đoạn Tam hoàng Ngũ đế. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ được ghi nhận sớm nhất trong Giáp cốt văn thời nhà Thương (khoảng 1600 TCN – 1045 TCN) và thoạt tiên dùng để ghi ngày. Tên của các Thiên can cũng được dùng làm tên gọi cho các vị vua đã qua đời của nhà Thương. 

Theo Adam Smith, điều này có liên quan đến một lịch tế lễ dành cho các vị vua đã quá cố. Tuy nhiên, đến khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, hệ thống Can chi mới bắt đầu được sử dụng để ghi năm. Tại một ngôi mộ ở Mã Vương Đôi (niêm phong vào năm 168 trước Công nguyên), người ta tìm thấy văn bản trên lụa trong đó năm đầu tiên cai trị của Tần Thủy Hoàng (tức năm 246 trước Công nguyên) được gắn liền với chữ Ất Mão.

Giáp cốt văn ghi can chi thời nhà Thương.

Smith cũng nói rằng không tìm thấy từ nguyên thuyết phục nào cho tên gọi của 10 Thiên can và 12 Địa chi. Các chữ tượng hình của mười Thiên can đã được đặc biệt tạo ra để truyền tải mười khái niệm này. Ngược lại, một số chữ tượng hình của 12 Địa chi đã được mượn ý tưởng từ các chữ tượng hình có sẵn, ví dụ như Tý gần gũi với chữ Tử nghĩa là con trai, Dậu gần gũi với chữ Tửu nghĩa là rượu

Qua so sánh ngôn ngữ, Michael Ferlus nói rằng rất có khả năng tên gọi của 12 Địa chi đều là tên của các loài động vật. Đến thời nhà Hán, các tên gọi Địa chi này đã trở nên mơ hồ về mặt ngữ nghĩa với người Trung Quốc, nên họ phải liên kết tên gọi các con vật này với tên phổ thông của chúng.

Sự liên kết tên gọi các con vật với tên của 12 Địa chi chí ít đã được thấy trong sách bói chôn theo các ngôi mộ thời Tần. Mộ thời Tần ở Phóng Mã Than tỉnh Cam Túc và Thụy Hổ Địa tỉnh Hồ Bắc đều có chôn theo ba phiên bản của cùng một loại sách bói. Trong đó, Địa chi được dùng để bói toán nhằm giải quyết các vụ mất trộm. Tên của 12 Địa chi được liên hệ với tên của các loài vật hoặc đồ vật, từ đó suy ra ngoại hình, tính cách, chỗ trốn và giấu tang vật cũng như danh tính của tên trộm. Cụ thể:

Tý là thử (chuột); Sửu là ngưu (bò); Dần là hổ; Mão là thố (thỏ); Thìn là trùng (con sâu); Tỵ là trùng (con sâu) hoặc kê (con gà); Ngọ là Lộc (con hươu) hoặc mã (ngựa); Mùi là dương (dê) hoặc mã (ngựa); Thân là hoàn (cái vòng) hoặc thạch (đá); Dậu là kê (con gà) hoặc thủy (nước); Tuất là khuyển (chó) hoặc lão dương (con dê già); Hợi là thỉ (lợn). Ít ra đến khi học giả thời Hán là Vương Sung (27-97) viết sách Luận hành thì 12 Địa chi đã tương ứng với 12 con vật hiện tại.

Bằng cách so sánh từ vựng, Michael Ferlus nhận thấy rằng người Việt Nam đã tiếp thu tên gọi của 12 Địa chi này từ người Trung Quốc. Sau đó, người Khmer đã tiếp thu lại của người Việt Nam vào khoảng thời kỳ Tiền Angkor. Hệ thống tên gọi 12 Địa chi của người Thái và người Lào lại vay mượn từ người Khmer, nhưng người Thái có một hệ thống tên gọi 10 Thiên can khác với Trung Quốc.

Tượng 12 con giáp thời nhà Đường.

Thời trung đại, mão ở Việt Nam là thỏ hay là mèo?

Hệ thống Can chi kiểu Trung Quốc du nhập vào Việt Nam từ thời nhà Hán. Trong các gạch mộ Hán tại miền Bắc nước ta đã thấy ghi ngày theo hệ thống Can chi. Hệ thống này còn lưu truyền tới vùng Trung Á, Tây Nam Á và Đông Bắc Á. Ở từng khu vực tiếp nhận, danh sách 12 con vật thường được sửa đổi đôi chút cho phù hợp với nền văn hóa bản địa. Một số linh vật không có tại bản địa sẽ bị thay thế bằng loài động vật mà họ quen thuộc hơn.
Ví dụ, tại Thái Lan, Thìn được biểu trưng bằng rắn thần Nagar; tại Nhật Bản, Mùi được biểu trưng bằng con cừu; tại Kazakhstan, Thìn được biểu trưng bằng ốc sên. Tương tự, tại Việt Nam, Mão được biểu trưng bằng con mèo, thay vì con thỏ. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi thời gian.
Lời sấm về Trần Chân trong Đại Việt sử ký toàn thư.

Dựa theo những văn bản chính thức hiện biết, từ thời nhà Trần cho đến cuối thời Lê sơ, Mão vẫn được tượng trưng bằng con Thỏ. Thiền uyển tập anh biên soạn vào thời Trần kể lại lời sấm của Trưởng lão La Quý cuối thời Đường đã có nhắc đến “Thố, kê, thử nguyệt nội” – nghĩa là “Trong khoảng các tháng Thỏ, Gà, Chuột”. Năm 1518, có một lời sấm về quyền thần lúc đó là Trần Chân được tung ra, trong đó có câu “Thố đầu, hổ vĩ” – nghĩa là “đầu thỏ, đuôi hổ”. Lời bàn này đã được người đương thời giải thích là cuối năm Dần, đầu năm Mão.

Bằng chứng sớm nhất về việc Mão được tượng trưng bằng con Mèo là Từ điển Việt-Bồ-La của giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1593-1660). Trong mục từ “Giờ”, de Rhodes có ghi nhận: “đinh mẹo, giờ mẹo: Từ giờ thứ năm đến giờ thứ bảy ban sáng. Mèo. Giờ Mèo (hora do gato)”

Tuy nhiên, trong hầu hết các văn bản Hán Nôm hiện còn trong các thế kỷ 18 – 19, Mão thường được diễn giải là con Thỏ. Lê Quý Đôn soạn Vân đài loại ngữ có chép: “Sửu, mão, tị, mùi, dậu, hợi là âm, cho nên lấy số chẵn tương thuộc mà đặt tên, như trâu 4 móng, thỏ 2 móng, rắn 2 lưỡi, dê 4 móng, gà 4 móng, heo 4 móng”.

Nguyễn Đình Chiểu soạn Lục Vân Tiên. Trong đó có đoạn thầy học nói về tiền trình của Vân Tiên: “Hềm vì ngựa hãy còn xa! Thỏ vừa lố bóng, gà đà gáy tan. Bao giờ cho tới bắc phang. Gặp chuột ra đàng, con mới nên danh”. Bốn câu này được giải nghĩa tương ứng với bốn năm Ngọ, Mẹo, Dậu, Tí. Phải đợi đến “Bắc phương Nhâm Tí” thì vận mệnh của Lục Vân Tiên mới hanh thông được. 

Chuyệnđó chứng tỏ rằng với một trí thức miền Nam như Nguyễn Đình Chiểu, Mẹo – Mão cũng được tượng trưng bằng con thỏ. Điều này cũng được thấy trong hầu hết các sách vở song ngữ Quốc ngữ – Pháp ngữ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Mão – Mẹo luôn được giải thích là con thỏ. 

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp hiếm hoi Mão – Mẹo được xác định là con mèo. Chẳng hạn như Vocabulaire annamite français của Trương Vĩnh Ký in năm 1887 khi giải thích tên 12 địa chi cũng có ghi: “Mẹo (con mèo)”.

Vì vậy, có thể nhận định rằng trong tâm thức một bộ phận quần chúng người Việt thì Mão – Mẹo chính là con mèo. Nhưng với các trí thức Việt Nam, Mão – Mẹo vẫn là con thỏ. Trong các ấn phẩm chính thức, Mão – Mẹo luôn được diễn giải là con thỏ. Vậy đến lúc nào thì thuyết con mèo vượt trội hơn?

Từ điển Việt-Bồ-La của giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1593-1660).

Linh vật Mão trong thế kỷ xx

Khi người Pháp xâm lược nước ta, chữ Hán dần dần bị loại bỏ khỏi các giao tiếp chính thức, công quyền. Năm 1919, khoa thi chữ Hán cuối cùng được thực hiện. Từ đó về sau, chữ Hán không còn địa vị chủ đạo trong đời sống Việt Nam, mà thay bằng chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Cùng với nó, cách giải thích Mão là Thỏ trong sách vở chữ Hán cũng dần dần xa rời người Việt. Nó tạo điều kiện cho thuyết Mão – Mẹo là Mèo trong tâm thức dân gian giành lấy ưu thế.

Tiến trình này được trợ lực bởi sự phổ biến của báo chí Quốc ngữ. Từ năm 1918, báo chí Quốc ngữ bắt đầu phát hành các số đặc biệt vào dịp Tết. Đặc biệt, từ Tết Kỷ Mão năm 1939, họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã vẽ bìa báo Ngày Nay số Xuân bằng linh vật con mèo. Năm 1939 cũng là năm nhiều tờ báo tiếng Việt bắt đầu nhắc đến cụm từ “năm con mèo”.

Ví dụ, báo Khoa Học ngày 15-1-1939 “sang kỷ mão (1939) là năm mèo”; báo Vịt Đực ngày 11-2-1939 “chỉ còn bẩy hôm nữa, năm con mèo sẽ đến”; Tràng An báo ngày 29-12-1939, “Vì năm nay là năm Mẹo, Mẹo là tuổi con mèo”. Những năm trước đó cụm từ này không hề thấy xuất hiện; đồng thời cũng không thấy có khái niệm “năm con thỏ”.

Vì thế, có thể xem năm 1939 như mốc đánh dấu việc con mèo hoàn toàn soán ngôi con thỏ trong đời sống văn hóa Việt Nam. Dịp Tết Tân Mão năm 1951, các báo Tiếng Dội, Saigon mới, Việt Thanh đều vẽ bìa báo số Xuân với hình ảnh phụ nữ mặc áo dài bên cạnh con mèo.

Hình ảnh con mèo trên bìa báo xuân.
Chia sẻ câu chuyện này
Share