Chẳng rõ những bạc vàng, lụa là đó là chứng nhân không lời cho một thời hoàng kim của ả đào, hay chỉ là một hình ảnh ước lệ, được sử dụng khắp kim cổ Bắc Nam (1) để tán tụng một tài năng người đời mến mộ. Dẫu là gì, cũng có thể thấy được một cuộc sống dư dả vật chất, đối nghịch với một danh phận không mấy vẻ vang của người ca kỹ. Chẳng vì thế mà Ca nhi họ Nguyễn có thể nuôi được Vũ Khâm Lân một đường học hành đến khi công thành danh toại đó sao.
Vượt ngoài kim tiền, có một mối quan hệ đẹp đẽ và thanh nhã hơn được hình thành giữa người biểu diễn – sáng tạo và người thưởng thức – đánh giá. Mượn một cụm từ của Nguyễn Tuân gọi là “biệt nhỡn liên tài”. Ở đó, khán giả của cô đào là những người cầm chầu thông hiểu thơ văn và nhạc luật. Những bậc hào hoa đó không chỉ là người cầm chầu đánh giá, thưởng thức giọng ca, mà còn là người sáng tác nhạc phẩm cho ả đào.
Về phía mình, ả đào vừa là người tiếp nhận và thưởng thức, vừa là người biểu diễn chính những nhạc phẩm đó. Thậm chí, những nàng đào văn hay chữ tốt còn có thể góp tài góp tình hoàn chỉnh tác phẩm. Thưởng thức nhau, cũng ngưỡng mộ lẫn nhau, sự hoán đổi vai trò diễn ra liên tục, kết nên mối đồng cảm nghệ thuật sâu sắc giữa đào nương và các thính giả của mình. Chính mối giao hảo đó đã gầy nên hình hài thể cách hát nói, góp thêm đặc sắc vào kho tàng văn chương Việt Nam. Nhưng cũng chính mối thâm tình mật thiết đó đã nhóm lên lửa tình khó tránh giữa giai nhân – tài tử.
Giai thoại giữa Nguyễn Công Trứ và cô đào Hiệu Thư là câu chuyện điển hình của tài tử giai nhân trong cuộc phiêu lưu của những tương phùng – tái ngộ. Tương truyền thuở thiếu thời, Nguyễn Công Trứ đem lòng say mê nhưng không lọt nổi vào mắt xanh cô đào Hiệu Thư tài sắc và kiêu kỳ. Ông không ngại xin làm kép đàn, trăm phương ngàn kế để được ở cạnh mỹ nhân, cợt nhả trêu ghẹo, bị người đẹp “ứ hự” tỏ ý không hài lòng. Về sau hoạn hải ba đào rồi tái ngộ, anh kép trêu hoa ghẹo nguyệt ngày xưa đã thành quan lớn cầm chầu – tổng đốc Hải An.
Một câu mưỡu gợi nhắc đã giúp bóng hồng lênh đênh được cập bến anh hùng. Dù cô đào Hiệu Thư chỉ có thể làm hầu thiếp của một anh hùng đa tình, nhưng dẫu sao đây cũng là một kết cục đẹp so với những đồng nghiệp bạc phận chịu kiếp lỡ làng tan vỡ.
Ca nhi họ Nguyễn trong Lan Trì kiến văn lục, một đời truân chuyên. Nàng ca nhi gặp vừa gặp tài tử Vũ Khâm Lân đã nhất kiến chung tình, đem hết bạc vàng, tâm sức hỗ trợ chàng học hành thuở hàn vi. Dẫu có tình ý cũng không buông thân tùy tiện, có lòng gửi gắm chuyện chung thân cũng không đem ân nghĩa ra nài ép. Trong suốt câu chuyện dài với nhiều ý nghĩa được gửi gắm, tôi chỉ khắc ghi ba câu thoại thanh cao từ một ca nữ dày dạn gió sương. Đó là lúc cáo biệt Khâm Lân, được chàng hỏi tên họ để tạ từ:
“Chàng không phụ thiếp, thiếp sẽ tự tìm đến chàng. Lỡ ra việc chẳng ra sao, chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Việc gì phải gặng hỏi nữa.”
Khi bị bội bạc vì ý trung nhân không thể vượt qua nổi những giáo điều và định kiến xã hội:
“Thiếp biết cả rồi, chẳng cần chàng nói. Tiền trinh của chàng còn xa muôn dặm, thiếp hàn hạ không xứng hầu hạ khăn lược cho chàng. Đó là số phận của thiếp.”
Và khi lưu lạc phong trần, tái ngộ cố nhân, được chàng ngỏ ý hậu đãi:
“Thiếp không có phúc để làm vợ chàng thì những tiền bạc này đâu có phúc tiêu mà nhận!”
Nàng ca nhi không vì thân phận lạc loài mà buông bỏ thanh khí. Trải muôn đắng ngọt thế gian, bị bội bạc, mất chồng, tán gia bại sản, đưa mẹ lưu lạc chân trời góc biển khiến nàng thấu được nhân tình thế thái, hay kinh qua lắm khổ đau đã khiến nàng thâm ngấm thiền ý mà biết buông lơi. Trăm nghìn năm nay, như một lẽ hiển nhiên hồng nhan bạc mệnh ở đời, những đào nương đều đang nỉ non cùng những tình tiết xót xa như thế.