Bão táp Tây Sơn – Kỳ 21: Tàn tồn diệc một lộ

Tác giả Wong Trần
Bão táp Tây Sơn – Kỳ 21: Tàn tồn diệc một lộ

Đêm mồng 4 rạng mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), Đô đốc Long đánh thọc sườn kinh đô Thăng Long từ hướng Tây Nam. Đây chính là binh pháp của Nguyễn Huệ. Ông thường tung ra một cú chọc sâu bất ngờ vào trung tâm đầu não chỉ huy của địch.

Với điều kiện thông tin liên lạc yếu kém của thời trung đại, cắt đứt liên lạc giữa bộ chỉ huy và các cánh quân bên dưới sẽ kích hoạt trạng thái hỗn loạn toàn tuyến. Các cánh quân không nhận được chỉ thị từ bên trên chỉ còn cách hành động đơn độc, dẫn đến bị quân Tây Sơn tỉa dần hoặc tự tan rã. Kẻ địch càng đông tình thế rối loạn sẽ càng trầm trọng.

Sự tan rã trong đêm đó đến ngay từ trung tâm đầu não. Sau này, cả Lê Chiêu Thống lẫn Tôn Sĩ Nghị đều đổ lỗi cho nhau. Bên này cáo buộc bên kia là kẻ đã chạy trốn trước, khiến tình thế vỡ lở.

Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch tả tình hình lúc đó: vua Chiêu Thống cùng tám bề tôi đang ở chỗ đóng quân của Tôn Sĩ Nghị. Thế rồi “Sĩ Nghị được tin quân Tây Sơn kéo đến, vội vàng nhổ lũy qua sông chạy sang phía Bắc. Cầu gãy, quân Thanh chết đuối không biết bao nhiêu mà kể. Vua cưỡi ngựa cùng Sĩ Nghị chạy lên phía Bắc, chỉ có một mình Nguyễn Viết Triệu cầm cương theo hầu”. Đây là cách nói được phần lớn sử sách Việt Nam sử dụng.

Nhưng Tôn Sĩ Nghị tâu về cách khác. Ông này không nói mình ở cùng Chiêu Thống, nhưng cho biết: “Canh 5 [3-5 giờ sáng] ngày mồng 5 quân giặc quay lại, lại thua phải rút lui. Lê Duy Kỳ nghe tin giặc Nguyễn đích thân đến, lòng dạ tan nát, lập tức tay bồng con thơ, cùng mẹ bỏ chạy qua sông Phú Lương, không kịp dẫn theo vợ. Bách tính thấy tình hình như thế cũng hoảng hốt chạy tán loạn”.

Lời của Tôn Sĩ Nghị hóa ra lại có vẻ đúng. Sau ba ngày “hành quân” thần tốc, vua Chiêu Thống vượt hơn 180km từ Thăng Long lên thẳng Trấn Nam quan. Giờ Thân [3-5 giờ chiều] ngày mồng 7 Tết, Chiêu Thống đã gõ cửa ải xin sang Thanh tị nạn. Lúc bấy giờ Tôn Sĩ Nghị còn đang nấn ná ở phía sau, và chẳng còn hay biết gì tin tức của Chiêu Thống nữa. Trên đường chạy, Chiêu Thống bỏ rơi cả mẹ lẫn con trai mình.

Tình hình sau đó rất khó xác định. Tôn Sĩ Nghị nói rằng Đề đốc Hứa Thế Hanh kiến nghị nên huyết chiến một trận. Ông ta dẫn theo binh lính của mình hô to xông trận. Họ bắn một loạt súng. Sau đó không có thời gian nạp đạn nữa nên chỉ dùng đoản binh giao chiến giáp lá cà với quân Tây Sơn. Cuối cùng, Hứa Thế Hanh và quân lính của mình bị rơi vào vòng vây, còn Tôn Sĩ Nghị thì đưa quân của mình rút chạy. Lúc đó ông ta toan tính điều gì? Chúng ta không biết. Vì chỉ có những kẻ chạy trốn là còn sống để đưa ra lời bao biện.

Sau này, Tôn Sĩ Nghị tâu rằng ông ta định rút lui để điều động quân dự bị của Thượng Duy Thăng còn đóng dọc sông Hồng, nhưng lúc tới nơi thì cánh quân này đã bị điều đi cứu viện hướng khác. Lời bào chữa này có vẻ không đúng. Lực lượng của Thượng Duy Thăng vốn đã đồn trú ở xa về phía Nam. Các bộ phận lẻ tẻ dưới quyền ông này đã giao tranh với quân Tây Sơn từ ngày mồng một đến mồng bốn Tết. Khi đem tờ tâu của Tôn Sĩ Nghị vào Khâm định An Nam kỷ lược, sử thần nhà Thanh còn bịa thêm một đoạn đối đáp trong đó Hứa Thế Hanh quyết liều chết, còn bảo Tôn Sĩ Nghị hãy chạy để giữ quốc thể. Tôn Sĩ Nghị không nghe nhưng bị thuộc hạ kéo đi, vân vân và mây mây. Toàn bộ đều là dối trá.

Nhưng có điều này có thể tin được. Tôn Sĩ Nghị cùng các Phó tướng Tôn Khánh Thành, Đức Khắc Tinh Ngạch và Tham tướng Hải Khánh chỉ còn chỉ huy hơn 300 quân giữ phía Nam cầu phao. Khi đó Tổng binh Lý Hóa Long cũng dẫn thêm 200 quân tới. Tôn Sĩ Nghị sai ông ta qua sông trước, lập trận địa ở phía Bắc cầu nổi nhằm hỗ trợ cho Tôn Sĩ Nghị rút quân.

Lý Hóa Long nhận lệnh, tế ngựa qua cầu. Chạy đến giữa sông, con ngựa của ông trượt chân một cái. Cả người lẫn ngựa rơi xuống sông Hồng chìm nghỉm. Biền binh đi theo Lý Hóa Long trông thấy cảnh đó thì chẳng còn lòng dạ nào nữa. Họ hè nhau tháo chạy.

Tôn Sĩ Nghị quay sang bảo Phó tướng Tôn Khánh Thành giữ phía nam cầu. Tôn Khánh Thành cho lính dàn súng điểu thương. Hễ quân Tây Sơn xông tới thì nổ súng. Quân Thanh nhờ đó rút lui an toàn qua bờ Bắc.

Phiên thần Cao Bằng là Nguyễn Hựu Cung lúc đó cũng ở Thăng Long. Về sau ông ta kể rằng Tôn Sĩ Nghị đi kiệu qua cầu. Viên Bả tổng giữ đầu cầu phía Nam lật đật định chạy theo. Lúc đó, ông ta đang hút thuốc. Trong lúc vô tình lại làm tàn lửa rơi vào hòm thuốc súng. Lửa bốc lên. Tôn Sĩ Nghị nghe thấy thì tưởng là quân Tây Sơn đánh đến nơi, liền sai cắt cầu phao. Khánh Viễn phủ chí của nhà Thanh cho biết người cắt cầu phao chính là Tôn Khánh Thành. Đường về duy nhất của đại quân Thanh đã bị cắt đứt.

Phần lớn các nguồn tư liệu không biết đến việc Tôn Sĩ Nghị cho cắt cầu phao. Họ tưởng rằng cầu phao bị gãy do sức nặng của nhiều người dồn ép khi bỏ chạy. Đây là lần thứ hai trong chiến dịch Tôn Sĩ Nghị sai cắt cầu phao khi tình thế nguy ngập. 

Trong số những người may mắn qua cầu phao trước có Trấn thủ Lạng Sơn là Phan Khải Đức. Ông này cùng con trai là Mạnh Hiền, em trai là Phan Khải Tích chạy trốn, nhưng đến gần cầu phao thì Phan Mạnh Hiền lạc mất. Phan Khải Đức sai em trai mình quay lại tìm, còn mình thì qua cầu trước. Lúc Khải Tích tìm được cháu trai thì cầu đã đứt, không thể vượt qua được nữa. Quân đội nhà Lê do em trai vua Chiêu Thống là Lê Duy Chi chỉ huy đóng ở cửa ô Yên Hoa cũng tự vỡ tan tành. Lê Duy Chi dẫn theo bà phi Nguyễn Thị Kim – vợ vua Chiêu Thống – chạy tới cầu phao thì cầu đã đứt. Lê Duy Chi đành phải chạy dọc sông Hồng trốn theo ngả Sơn Tây.

Sáng sớm ngày mồng 5, Đề đốc Ô Đại Kinh của cánh quân Vân Quý cưỡi ngựa tới phía bắc sông Hồng. Trước mắt ông ta là cảnh “cầu phao bằng tre trên sông Phú Lương bị đứt chìm mất rồi, bờ bên kia lửa cháy khắp nơi, tiếng súng đã ngừng, Lê thành hoàn toàn bị giặc chiếm mất”.

Nhưng ở phía Nam, quân Thanh vẫn còn chiếm giữ nhiều đồn trại, chống trả ác liệt. Cũng sáng sớm hôm đó, hoàng đế Quang Trung quấn khăn vàng vào cổ, tay cầm hai thanh đao đích thân đốc chiến. Trong hôm nay phải nhổ đồn Ngọc Hồi.

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Minh hoạ: Võ Minh Thảo
Dàn trang: Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share