Quân đội hùng mạnh nhà Tây Sơn được tổ chức ra sao?

Tác giả Wong Trần
Quân đội hùng mạnh nhà Tây Sơn được tổ chức ra sao?

Chúng ta vĩnh viễn mất đi khối tư liệu gốc về điển chương chế độ của triều đại Tây Sơn. Trong hành trình giải đáp những câu hỏi còn đang bỏ ngỏ, chúng ta hãy thử chọn lấy một góc sáng nhất để tìm về quá khứ huy hoàng của triều đại ấy: binh chế nhà Tây Sơn thông qua tư liệu sắc phong.

Quân hiệu Tây Sơn

Mùa hạ năm Tân Dậu (1801), Nguyễn vương Phước Ánh tiến vào Phú Xuân. Vua Cảnh Thịnh bỏ thành chạy lên phía Bắc. Toàn bộ đồ thư sổ sách văn hiến của triều Tây Sơn rơi vào tay quân Gia Định. Kho tư liệu này cuối cùng kết thúc trong đám lửa, theo lệnh của hoàng đế thứ hai của nhà Nguyễn là vua Minh Mạng.

 Trong hành trình giải đáp những câu hỏi còn đang bỏ ngỏ, chúng ta hãy thử chọn lấy một góc sáng nhất để tìm về quá khứ huy hoàng của triều đại ấy: binh chế nhà Tây Sơn thông qua tư liệu sắc phong.

Về binh chế Tây Sơn, Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập chỉ nói rằng:

“Quân hiệu có năm quân: Trung, Tiền, Tả, Hữu, Hậu và các danh hiệu Tả Bật, Hữu Bật, Ngũ Chế, Càn Thanh, Thiên Cán, Thiên Trường, Thiên Sách, Hổ Bôn, Hổ Hầu, Thị Lân, Thị Loan”.

Thông qua các tư liệu hiện còn, ta biết được Tả Bật, Hữu Bật là tên đạo, Ngũ Chế, Thiên Cán là cơ, Thị Lân, Thị Loan là vệ. 

Lê quý dật sử mô tả tóm tắt về binh chế Tây Sơn là: ““Đạo thống lĩnh cơ, cơ thống lĩnh đội, đều có viên Phân suất quản lý, huấn luyện”.

Lấy đạo làm đơn vị cơ bản để khảo sát, triều đại Tây Sơn từng tồn tại các đạo sau:

Ngự đạo hay còn gọi là Trung quân Ngự đạo: Thị Lân vệ, Truyền Tế vệ, Thị Triều Thị Trung vệ, … Sắc phong Đại đô đốc Huyên Hòa hầu (Trần Viết Kết) cho biết đây là lực lượng cấm binh.

Tả Bật đạo (trú đóng ở Nghệ An): Thanh Hòa cơ, Trung Tá cơ, Trung Phù cơ, Tá Trung Tá cơ (các sắc phong năm 1792); Trung Quân đồn (sắc phong năm 1793) – Anh Minh vệ (sắc phong năm 1795); Anh Dũng Nhị vệ, Nghĩa Hầu vệ (các sắc phong năm 1796); Trung Định Hữu dinh, Định Hùng Nhị vệ (ấn đúc năm 1797); Hậu quân đồn (sắc phong năm 1800); Trung Thành cơ (sắc phong năm 1800); Ngũ Chế cơ, Thiên Cán cơ (Thực lục năm 1801), …

Hữu Bật đạo hay còn gọi là Thị nội Hữu Bật đạo: Sư Trinh vệ (công văn năm 1790), Thiên Khai vệ (công văn năm 1791), Loan Tường vệ (bản khai đinh số năm 1792), Thiên Khai Nhất vệ – Nhất hiệu (sắc phong năm 1793), Hổ Thành vệ – Súng ty (công văn năm 1795), …

Tiền Khuông đạo (trú đóng ở Nghệ An, ấn Đô ty đúc năm 1791).

Trung Khuông đạo (trú đóng ở Thanh Hoa năm 1789).

Nam Khuông đạo (trú đóng ở Thanh Hoa năm 1789).

Trung Quân đạo: Trung Nghĩa vệ (sắc phong năm 1793), Quảng Thanh dinh Ngũ bảo Thiết Lực vệ (bản khai đinh số năm 1799), Vũ Thắng vệ – Thiên Hùng hiệu (chức phong của Đặng Tiến Đông) …

Tiền Quân [đạo]: Thiên Oai dinh – Hổ Oai vệ – Nhị hiệu (bản khai đinh số năm 1799).

Hữu Quân đạo (công văn năm 1797).

Trung Thành đạo: Trung Nghĩa Tiền cơ (sắc phong năm 1793).

Trung Nghĩa đạo (minh chuông năm 1794): Hùng Nghĩa Lục hiệu (công văn năm 1795); Súng Tam hiệu (minh chuông năm 1798); Trung Nghĩa vệ, Trung Nghĩa Nhất hiệu (bản khai đinh số năm 1799), …

Trung Hầu đạo: Hữu Dực cơ (minh chuông năm 1796), Tiền Dực chi (minh chuông năm 1799) …

Như vậy, đơn vị cao cấp trong quân đội Tây Sơn là đạo, dưới đạo là (lực lượng địa phương) hoặc vệ (cấm binh), dưới vệ là hiệu. Về sau, giữa đạo và vệ còn có một cấp trung gian là dinh hoặc đồn. So sánh với quân chế của Nguyễn Ánh ở cùng thời kỳ thì đơn vị quân đội cao nhất là dinh, bên dưới là chi, hiệu.

Sắc phong Đào Đình Thuật làm Trung úy. Nguồn: Bảo tàng Nghệ An.

Các sắc phong Tây Sơn cho ta biết rằng tiền thân của đạo Tả Bật là chi Tả Bật. Năm 1788, Nguyễn Huệ ban sắc phong cho Nguyễn Sĩ Xung làm Cai đội ở chi Tả Bật, tước Tình Nghĩa hầu, Trần Khắc Dẫn làm Trung úy, tước Hiến Tài hầu. Cả hai sắc đều được cấp ngày 10 tháng Mười Một năm Mậu Thân (1788), chứng tỏ có một đợt bổ nhiệm một loạt các cấp chỉ huy của chi Tả Bật vào thời điểm này. Nguyễn Sĩ Xung và Trần Khắc Dẫn đều quê ở trấn Nghệ An.

Cụm từ đạo Tả Bật được nhắc đến sớm nhất vào năm 1790, sau khi Nguyễn Huệ đã xưng đế. Các đơn vị thuộc quyền đạo Tả Bật trong giai đoạn đầu đa số là cơ, về sau có thêm vệ. Điều này cho thấy một bộ phận lực lượng này bắt đầu được sử dụng như cấm binh. Việc một bộ phận Tả Bật đạo chuyển thành vệ có lẽ gắn với việc Trần Quang Diệu – vốn là trấn thủ Nghệ An – đã về triều làm việc sau khi vua Quang Trung băng hà. 

Chức vụ và tước vị trong quân đội Tây Sơn

Sổ đinh xã Dã Lê Thượng, huyện Tư Vang, phủ Triệu Phong năm 1799 thấy xếp đặt thứ tự các chức vụ từ cao đến thấp trong xã gồm: Đô ty, Đô ty Đồng tri, Quán quân sứ, Hộ quân sứ, Tổng lĩnh sứ, Trung lang tướng, Chỉ huy sứ, Chỉ huy đồng tri, Chỉ huy thiêm sự, Giám tạo lang tướng, Trung úy, Hiệu úy, Vệ úy, Hùng úy.

Khảo sát các văn bản sắc phong tướng lĩnh Tây Sơn cũng cho ta nhiều gợi ý về hệ thống cấp bậc trong quân đội Tây Sơn. Cụ thể:

Có bằng chứng cho thấy rằng nhiều chức vụ trong hệ thống quân đội của Quang Trung – Cảnh Thịnh đã thừa kế lại từ chính quyền của Nguyễn Nhạc. Chức vụ Phó chiến xuất hiện lần đầu trong một công văn năm 1778 ở Hội An. Công văn nhắc đến chức Phó chiến Triêm Ân hầu. Một ấn đồng đề “Trung Nghĩa vệ, Trung Thắng Tứ hiệu, Quán quân sứ” đúc mùa đông năm Tân Hợi (1791) cũng được đào thấy ở Bình Thuận – trong khu vực quản hạt của Nguyễn Nhạc. Tư liệu sắc phong tuy còn ít ỏi, nhưng cũng đủ cho ta thấy chế độ quân chính phức tạp của triều đại Tây Sơn.

Sau tất cả, chúng ta đã vĩnh viễn mất đi khối tư liệu gốc về điển chương chế độ của triều đại anh dũng này. Cái ta còn lại chỉ là những mảnh tàn giấy rách còn tản mạn trong dân chúng. Muốn dựa vào đó khôi phục lại toàn bộ điển chương chế độ của triều Tây Sơn gần như là không thể. Nhưng chí ít, nó soi sáng cho ta một góc nào đó về điển chương chế độ của một triều đại đã để lại dấu ấn rất lớn lên nước Việt vào cuối thế kỷ 18.

Art Director Lê Minh
Artist & Designer Mythz
Researcher Hồ Đức
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share