Bão táp Tây Sơn – Kỳ 8: Biên cương xao động

Tác giả Wong Trần
Bão táp Tây Sơn – Kỳ 8: Biên cương xao động

Trong lúc chờ đợi tin tức của Tự tôn (Chiêu Thống), nhà Thanh xúc tiến việc phô trương thanh thế, theo như kế sách của Tôn Sĩ Nghị.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục thừa nhận rằng Tôn Sĩ Nghị đã cho tung vài trăm tờ hịch sang nước ta. Đại Việt sử ký tục biên cũng nhận rằng những hịch văn này được Tôn Sĩ Nghị phát cho “hào mục Tuyên, Hưng, Thái, Lạng và tứ trấn, ở đâu cũng triệu mộ nghĩa dũng, hẹn ngày đi đón quân Trung Quốc và tìm Tự tôn về nước”.

Hịch dụ của Tôn Sĩ Nghị có tác dụng rất lớn. Cuối tháng 7 năm Mậu Thân (1788), Đốc trấn Cao Bằng của phía Tây Sơn là Chu Văn Uyển nghe tin quân Thanh sắp kéo sang, vội vã bỏ trấn, đem theo 300 quân dưới quyền chạy về Thăng Long. Đốc đồng Cao Bằng là Nguyễn Viễn Du, Cai cơ Chu Đình Lý bị các thổ ti ở trấn lỵ Mục Mã vây bắt, đưa sang nhà Thanh lãnh thưởng.

Bảy ngày sau, đến lượt phiên thần phủ Tràng Khánh của trấn Lạng Sơn là Nguyễn Đình Liễn liên kết với phiên thần bảy châu trong phủ cùng soạn thư gửi sang xin hàng nhà Thanh, tình nguyện đem quân bảy châu làm tiên phong để đánh quân Tây Sơn.

Trấn Lạng Sơn thời Lê chỉ có 1 phủ là phủ Tràng Khánh. Dưới phủ có 7 châu. Nói cách khác, việc đầu hàng của 1 phủ và 7 châu tương ứng với việc chính quyền địa phương Lạng Sơn đã không còn nằm dưới quyền kiểm soát của Tây Sơn nữa. Chính quyền do Tây Sơn thiết lập ở trấn lỵ Đoàn Thành trở nên cô lập.

Trấn thủ Lạng Sơn của Tây Sơn chính là Phan Khải Đức. Phan Khải Đức lại là học trò của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Lúc Nguyễn Thiếp phúc thư từ chối lời mời của Bình vương Nguyễn Huệ, chính Phan Khải Đức đã mang lá thư đó đi. Cuối cùng, Phan Khải Đức lại đi theo Nguyễn Huệ, được cử làm Trấn thủ Cao Bằng.

Phan Khải Đức thấy tình thế ở biên giới đã tan lở, lại được thuộc hạ khuyến khích, liền quay đầu bỏ rơi Tây Sơn. Ông ta cũng soạn thư gửi sang Trấn Nam quan cho Tôn Sĩ Nghị. Lá thư được gửi ngay ngày đầu tiên của tháng 8 năm Mậu Thân (1788). Trong thư, Phan Khải Đức than mình “vốn nhỏ bé nghèo nàn, sinh ở nơi thôn dã, thấy thời thế như vậy, cảm thán nhà Lê bồi dưỡng sĩ phu trên ba trăm năm qua, không có lấy một người có khả năng lo việc lớn, nên đành mượn kế để mưu tính việc khác, không phải là hùa theo đảng giặc”.

Phan Khải Đức nói rằng nếu như nhà Thanh can thiệp, lập lại nhà Lê thì “dù cây cỏ cũng thành binh lính, chỗ hiểm trở nào mà không tiêu diệt”. Vì vậy, thuộc hạ của Phan Khải Đức đã xin ông ta “nghinh đón quốc vương, chuẩn bị binh giáp trong trấn”. Theo ý ông ta, nếu làm như vậy thì “ắt quốc vương vì việc này mà phục quốc, binh Tây Sơn nghe tiếng mà rút lui, bản chức không mất tiếng trung với họ Lê, không mất tiếng nghĩa với họ Nguyễn”.

Trấn Nam quan

Lúc bấy giờ, Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị đang ở Long Châu. Phan Khải Đức xin với quan giữ ải Trấn Nam của nhà Thanh, xin được yết kiến. Tôn Sĩ Nghị bằng lòng. Ngày mồng 6 tháng đó, Phan Khải Đức đem theo 3 thuộc quan và 6 tùy tòng qua ải. Mặc dù có quan thông dịch, nhưng để chắc chắn nên Tôn Sĩ Nghị tự tay viết câu hỏi ra giấy. Phan Khải Đức trả lời bằng lý luận tương tự như trong thư hàng của ông ta. Tuy nhiên, Phan Khải Đức cũng đưa thêm một số thông tin đáng ngại.

Một là, Tự tôn (Chiêu Thống) đã thua trận ở Sơn Nam, chỉ còn vài ba tùy tòng, hiện đã trốn về Thanh Hoa. Em trai thứ hai của Tự tôn cũng đã bị Tây Sơn bắt. Người em thứ ba thì trốn tránh không rõ tung tích. Tôn Sĩ Nghị dùng lời lẽ vỗ về Phan Khải Đức, hậu thưởng ông ta rồi cho về nước.

Ít ngày sau, Phan Khải Đức lại báo cho Tôn Sĩ Nghị một tin tức mới. Nguyễn Huệ nghe tin quân Thanh phát hịch nhắm vào mình nên “sợ hãi” đã trốn về Nam. Các phiên thần địa phương ở Lạng Sơn cũng báo tin tương tự. Thực ra Bình vương Nguyễn Huệ đã về Nam từ vài tháng trước, chẳng liên quan gì đến hịch văn của Tôn Sĩ Nghị. Nhưng tin tức này khiến Tôn Sĩ Nghị tưởng rằng kế sách hăm dọa của mình có hiệu quả rất tốt. Ông ta liền thúc đẩy chiến tranh tâm lý.

Một hịch văn khác được gửi sang nước ta thông báo việc “Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ” bỏ chạy về sào huyệt vì e sợ thiên triều, đồng thời kêu gọi các hào mục trong nước nổi dậy. Tôn Sĩ Nghị còn gửi thêm một hịch nữa tuyên bố Nguyễn Nhạc “sợ thiên triều nên đã chạy trốn, việc đó cũng có thể tha thứ được nên ta đã tâu lên đại hoàng đế xin xá tội cho Nguyễn Nhạc, mai này đại quân tiến đánh, chỉ để đối phó với Nguyễn Huệ mà thôi”. Tôn Sĩ Nghị tính rằng làm như vậy sẽ khiến Nguyễn Huệ “biết rằng thiên triều chỉ đối phó với mình y ắt sẽ chột dạ”.

Trong tờ tâu gửi về cho vua Càn Long, Tôn Sĩ Nghị dự đoán quân Tây Sơn sẽ rút khỏi Bắc Hà. Điều này khiến việc bắt liên lạc với Tự tôn (Chiêu Thống) càng cấp thiết. Cần phải nhanh chóng tìm cho ra Tự tôn để sẵn sàng đưa về “phục quốc”. Nếu không nhanh chóng, quân Tây Sơn sẽ củng cố lực lượng rồi quay lại. Thế thì “hóa ra bao nhiêu công lao đều mất hết”.

Những dấu hiệu có vẻ thuận lợi đó khiến vua Càn Long càng quyết tâm. Trước đòi hỏi của Tôn Sĩ Nghị nên có một hành động gì đó, vua Càn Long đã đồng ý. Ông ta hạ dụ rằng: “Tôn Sĩ Nghị trước đây đã xin chuẩn bị điều quân, nay cứ làm như vậy”. Nhưng vua Càn Long cho rằng Tôn Sĩ Nghị là Tổng đốc Lưỡng Quảng, “quan hệ rất lớn, việc trong nước phải lo rất nhiều, không thể đích thân đi đánh”. Thay vào đó, ông chỉ thị cho tướng dưới quyền Tôn Sĩ Nghị là Đề đốc Hứa Thế Hanh, các Tổng binh Trương Triều Long và Lý Hóa Long là người từng trải chiến trận, sẽ đảm nhiệm việc cầm quân kéo sang nước ta.

Hứa Thế Hanh là người dân tộc Hồi ở Tân Đô (Tứ Xuyên), xuất thân là một kỵ binh, từng theo đánh Kim Xuyên và Tây Tạng. Về sau Hứa Thế Hanh thi đỗ võ cử nhân, được trao chức Bả tổng. Hứa Thế Hanh lần nữa theo quân đi đánh Kim Xuyên, được tặng danh hiệu Kính Dũng ba đồ lỗ, rồi nhiều lần thăng chức. Năm 1787, Hứa Thế Hanh theo đánh Lâm Sảng Văn ở Đài Loan, lại được tặng danh hiệu Kiên Dũng ba đồ lỗ. Vì chiến công này, Hứa Thế Hanh được vẽ hình, đưa vào treo trong Tử Quang các. Đầu năm 1788, được bạt bổ làm Đề đốc Chiết Giang, nhưng chưa tới nơi nhậm chức đã được đổi làm Đề đốc Quảng Tây. Hứa Thế Hanh chẳng những giỏi võ nghệ, còn có tài vẽ tranh, có nhiều tư chất để trở thành một danh tướng đệ nhất. Nhưng đáng tiếc, ông ta đã chọn nhầm đối thủ.

Hứa Thế Hanh và tranh vẽ của ông

Ngày 15 tháng 8, Hứa Thế Hanh tới Quảng Tây nhậm chức, lập tức đến các cửa ải biên giới để tuần tra, đóng ở Long Châu. Lúc này Tôn Sĩ Nghị vẫn nghĩ rằng Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đã bỏ Lê Thành, tình thế chắc không cần phải dùng binh. Ông ta đã nói chuyện này với Đề đốc Vân Nam là Ô Đại Kinh. Nhưng vua Càn Long lại nghĩ khác.

Tình hình biên giới Thanh – Việt có vẻ rất thuận lợi. Thủ lĩnh của dân khai mỏ ở hai mỏ Tống Tinh và Phúc Sơn cũng đã quy hàng nhà Thanh, sẵn sàng đưa người của mình tiến về Lê Thành. Thổ ti châu Bảo Lạc cũng sang thông báo em trai Lê Chiêu Thống là Lê Duy Chỉ đang trốn ở đó, cũng tình nguyện giúp đỡ. Càn Long cho rằng trong tình hình này “ở nội địa cũng không thể không đem quan quân tiến lên một ít” để cổ vũ. Ông ra lệnh cho Tôn Sĩ Nghị sai Hứa Thế Hanh đem 3000 quân vượt biên giới kéo sang nước ta. Càn Long cho rằng trong tình hình có quân của Lạng Sơn và phu mỏ làm tiên phong, thổ ti châu Bảo Lạc của Cao Bằng hỗ trợ thì “một khi đại quân đến nơi thật như xô cây gỗ mục”.

Một đồn binh nhà Thanh

Cuối tháng tám, trên con đường Lạng Sơn dẫn về Thăng Long, quân đội đang hành tiến. Nhưng họ không xuôi Nam mà đang đi lên hướng Bắc. Đó không phải là quân Lạng Sơn do Phan Khải Đức chỉ huy, mà là quân Tây Sơn của Hoán Nghĩa hầu Trần Danh Bính – người mấy tháng trước đã truy đuổi Thái hậu nhà Lê. Lần này, Trần Danh Bính vâng lệnh Đại tư mã Ngô Văn Sở, đi bắt phản thần Phan Khải Đức.

Mời các bạn đọc tiếp hồi sau.

Sơn hà bị rạch đôi. Trịnh và Nguyễn mỗi bên giữ một mảnh non sông. Trong cuộc chiến nhằm nhất thống thiên hạ này, bạn sẽ chọn ai làm chân chúa?

Share