Bốn bản đàn trong đêm nguyện thề Thúy Kiều – Kim Trọng

Tác giả Phạm Bá Thủy
Bốn bản đàn trong đêm nguyện thề Thúy Kiều – Kim Trọng

Trong Truyện Kiều có phân đoạn Thúy Kiều và Kim Trọng cùng thề nguyền yêu thương nơi phòng văn của chàng Kim sau khi nàng đã “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để tìm đến với chàng. Trong phân đoạn này, ngoài chuyện “Tiên thề cùng thảo một trương / Tóc mây một món dao vàng chia đôi…”, còn có một tình tiết đáng chú ý khác là việc Thúy Kiều đánh đàn cho Kim Trọng nghe.

Ở đây, đại thi hào Nguyễn Du đã mô tả Kiều thực hiện 4 bản đàn nổi tiếng trong cổ nhạc Trung Hoa là Hán Sở chiến trường, Phượng cầu hoàng, Quảng Lăng tánChiêu Quân oán.

Khúc đâu Hán Sở chiến trường,
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.
Khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu,
Nghe ra như oán như sầu phải chăng!
Kê Khang này khúc Quảng Lăng,
Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân.
Quá quan này khúc Chiêu Quân,
Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia.

Cần biết, trong nguyên tác Kim Vân Kiều truyện, Thanh Tâm tài nhân không hề cho biết cụ thể Kiều đã đàn những bản nhạc nào, chỉ mô tả âm điệu, nhịp điệu tiếng đàn của nàng mà thôi. Như vậy, 8 câu thơ trên đây hoàn toàn là phần sáng tạo của đại thi hào nước Nam. Ngay cả câu văn miêu tả tiếng đàn của Thúy Kiều: “Lúc đầu ngỡ là hạc kêu, tiếp đến lại ngạc nhiên thấy tiếng vượn hót, chợt chầm chậm như tiếng gió thoảng, chợt lại gấp gáp như tiếng mưa rào…” rất bình thường trong Kim Vân Kiều truyện cũng được Nguyễn Du nâng tầm nghệ thuật thật mượt mà: 

Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.

Nhân đây, xin được nói sơ lược về 4 bản đàn từng được thực hiện trong đêm thề nguyền của Thúy Kiều và Kim Trọng.

1. Khúc Hán Sở chiến trường

Bản nhạc này còn có tên Thập diện mai phục (quân Hán bao vây quân Sở mọi bề) hay Hoài Âm bình Sở (Hàn Tín đánh bại quân Sở), lấy trận chiến ở Cai Hạ của Lưu Bang, Hạng Vũ làm chủ đề, vận dụng kỹ xảo riêng của đàn tỳ bà để miêu tả cảnh binh lính giao tranh khiến linh tâm của người nghe chấn động. 

Ra đời vào khoảng năm 200 TCN, khúc Thập diện mai phục mang âm hưởng gấp gáp, mãnh liệt, dữ dội và bi thương của chiến trận, được lưu truyền đến tận ngày nay nhưng không ai biết tác giả là ai.

Thập diện mai phục là một trong mười khúc cổ nhạc nổi tiếng của Trung Quốc (Cổ cầm thập đại danh khúc). Khúc nhạc này ra đời từ sự việc Tây Sở Bá vương Hạng Vũ và Hán vương Lưu Bang giao tranh ở Cai Hạ năm 202 TCN. Khi đó, Lưu Bang cử Hàn Tín làm đại tướng quân lãnh đạo 30 vạn quân Hán bao vây 10 vạn quân Sở ở Cai Hạ. Trong đêm, quân sư của Lưu Bang là Trương Lương sai những quân sĩ biết phương ngôn đất Sở dùng tiêu thổi nhạc, hát bài ca nước Sở. Nghe những lời hát đó, quân Sở động lòng nhớ quê, ý chí chiến đấu tan rã, bỏ ngũ hoặc đầu hàng. 

Chỉ còn lại hơn ngàn người bên cạnh, Hạng Vũ quyết định rạng sáng sẽ phá vòng vây, quay về Giang Đông. Nhưng ái thiếp của Hạng Vũ là Ngu Cơ biết mình khó có thể cùng chồng thoát khỏi vòng vây nên đã tự vẫn trong quân doanh. Hạng Vũ dẫn theo tùy tùng hơn tám trăm kị binh phá được vòng vây nhưng bị truy sát, đến bên sông Ô chỉ còn lại một người một ngựa, tự cảm thấy không còn mặt mũi nào về Giang Đông gặp lại cha già nữa nên đành tự vẫn. Khúc nhạc thể hiện cảnh chiến trường dữ dội, lồng vào đó là sự đau đớn biệt ly giữa Hạng Vũ và Ngu Cơ.

Trong Tứ chiếu Đường tập Thang tỳ bà truyện, tác giả Vương Du Định viết rằng thời Minh có cầm thủ Thang Ưng Tăng (1585 – 1652) với hơn 110 bản đàn tuyệt diệu mà khúc Hoài Âm bình Sở được cho là hay nhất, vì thế người đời gọi ông là Thang tỳ bà Hán Sở khúc.

Giữa lúc đôi bên quyết chiến, tiếng sát long trời lở đất, ngói trên mái nhà dường như cũng rung rinh; lại có tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng cung kiếm, tiếng người ngựa gào thét; lâu lâu có nỗi oan khó tỏ bày là tiếng Sở ca thê lương mà hùng tráng, là tiếng Hạng Vương từ biệt Ngu Cơ; ở đầm lớn có tiếng quân kỵ đuổi theo; đến Ô Giang có tiếng Hạng Vương tự vẫn, tiếng gió ngựa giày đạp của quân kỵ tranh xác Hạng Vương, khiến người nghe hưng phấn rồi kinh hoàng, cuối cùng bật khóc mà bàng hoàng, sự cảm động lòng người đạt tới độ như vậy”.

2. Khúc Tư Mã Phượng cầu

Tên chính thức của khúc nhạc là “Phượng cầu Hoàng” (con chim trống tìm con chim mái) của Tư Mã Tương Như thời Hán. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã ghép tên tác giả và tên tác phẩm thành Tư Mã Phượng cầu. Khúc cổ cầm này liên quan đến câu chuyện chàng tài tử Tư Mã Tương Như và nàng giai nhân mới góa chồng là Trác Văn Quân.

Tư Mã Tương Như, tự Tràng Khanh, người thời Hán, sống ở Thành Đô, nổi tiếng với tài văn thơ và gảy đàn. Từ nhỏ, Tương Như giao thiệp rộng rãi, được người người ngưỡng mộ, trong đó không thiếu những bậc giai nhân ngồi trong rèm trướng mến mộ chàng từ xa. Nhưng bản tính thích cuộc sống tự do tự tại vả lại gia đình rất nghèo nên Tương Như chỉ giao thiệp với bạn bè bằng cây đàn và bút mực.

Trác Văn Quân là con gái út gia đình viên ngoại giàu có Trác Vương Tôn, nhà ở huyện Lâm Cùng, từ nhỏ đã được học hành, lớn lên vừa thông minh, vừa xinh đẹp, cầm kỳ thi họa đều tinh thông, được cha vô cùng yêu quý. Đáng tiếc là lấy chồng chưa lâu thì chồng qua đời, vì thế mới 17 tuổi Trác Văn Quân đã trở thành góa phụ.

Trong một lần đến đất Lâm Cùng, Tương Như được người quen là huyện lệnh Vương Cát mời đi dự tiệc ở nhà Trác Vương Tôn. Nghe tiếng Tương Như đàn hay nên quan huyện cùng Trác Vương Tôn yêu cầu đánh một bài cho nghe.

Biết nàng Văn Quân yêu thích tiếng đàn, Tương Như nảy ý dùng tài hoa của mình để “tán tỉnh” người thiếu phụ trẻ cô đơn. Chàng vừa đàn vừa hát khúc Phượng cầu hoàng do mình tự sáng tác. Trác Văn Quân nghe được tiếng đàn, lấy làm say mê. Cũng từ khúc nhạc này, Trác Văn Quân gỡ bỏ vành khăn tang, vùng thoát khỏi sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến, đi theo tiếng gọi con tim dù chồng mới mất chỉ có nửa năm. Nàng trốn nhà, nguyện theo Tư Mã Tương Như đi đến tận chân trời góc bể.

3. Khúc Quảng Lăng

Khúc nhạc này có tên Quảng Lăng tán liên quan đến câu chuyện Nhiếp Chính thời Chiến Quốc hành thích vua nước Hàn. Cha của Nhiếp Chính nhận lệnh rèn kiếm cho Hàn vương, nhưng sai hẹn nên bị Hàn vương giết. Nhiếp Chính báo thù cho cha nhưng thất bại. 

Biết Hàn vương thích âm nhạc, ông bèn tự hủy dung mạo, vào núi sâu, khổ luyện nghề đàn. Hơn mười năm sau, học được tuyệt kĩ, ông quay lại nước Hàn, tìm cơ hội được tiến vào cung để đàn cho Hàn vương nghe. Trong lúc đàn ông đã rút đoản kiếm giấu trong thân cây đàn hành thích Hàn vương.

Quảng Lăng tán có âm điệu sục sôi, khảng khái, được liệt vào Cổ cầm thập đại danh khúc của Trung Hoa cổ đại (cùng với khúc Thập diện mai phục).

4. Khúc “Chiêu Quân”

Khúc nhạc này có tên đầy đủ là Chiêu Quân oán, ra đời trong dân gian thời Bắc Tống, liên quan đến cuộc đời nàng Vương Chiêu Quân thời Tây Hán – một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Hoa cổ đại. Chiêu Quân là cung nữ dưới thời Hán Nguyên Đế. Khi vua Hung Nô đến Trường An để tìm mỹ nữ, đã được vua Hán ban tặng Chiêu Quân. Khi qua biên ải, Chiêu Quân ngồi trên lưng ngựa gảy khúc đàn giãi bày tâm sự, thể hiện nỗi lòng nhớ nhà, lưu luyến chủ, tức vua nhà Hán.

Cả 4 khúc nhạc mà Nguyễn Du đã chọn điển tích để đưa vào Truyện Kiều đều là những kiệt tác của nền cổ nhạc Trung Hoa. Và không phải vô cớ mà sau khi nghe xong, chàng Kim Trọng si tình đã phải thốt lên: “Rằng hay thì thật là hay / Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào…”.

Tác Giả Phạm Vĩnh Lộc
Thiết Kế Trần Văn Hậu

Chia sẻ câu chuyện này
Share