Trung Quốc “thực sự” nuôi 1.4 tỷ dân như thế nào?

Trung Quốc “thực sự” nuôi 1.4 tỷ dân như thế nào?

Dân số 1.4 tỷ dân của Trung Quốc, một mặt là động lực phát triển cho nước này về nhu cầu tiêu thụ và nguồn lực lao động, nhưng nó cũng là một gánh nặng lớn cho chính phủ, trong việc đảm bảo an sinh xã hội, mà trước tiên là lương thực, thực phẩm để nuôi sống chừng đó dân.

Bốn vùng nông nghiệp khổng lồ

Mặc dù Trung Quốc rất rộng lớn, nhưng diện tích đất màu mỡ và có khả năng phát triển nông nghiệp lại tập trung chủ yếu ở phía Đông. Tréo ngoe thay, địa hình phía Đông của Trung Quốc cũng không quá thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp khi phần lớn là đồi núi cao. Tuy nhiên, ta có thể nhắc đến một số vùng nông nghiệp trù phú của Trung Quốc gồm:

Bản đồ trồng lúa của Trung Quốc năm 2015-2019. Nguồn National Bureau of Statistics of China.
Khu vực thuận lợi nhất cho việc gieo trồng là đồng bằng Bắc Trung Quốc, nơi Hoàng Hà và Dương Tử đổ ra biển. Hai con sông vĩ đại chảy từ Tây sang Đông, mang theo phù sa trên suốt đường đi, biến vùng đồng bằng này thành nơi có đất đai màu mỡ nhất nhì thế giới. Địa hình cực kỳ bằng phẳng của nó cũng tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp.

Còn khu nông nghiệp lớn thứ nhì là đồng bằng Mãn Châu, được bồi đắp bởi sông Liêu, với lớp đất dày và màu mỡ.

Thứ ba là đồng bằng Tứ Xuyên, nằm trên đường đi của sông Dương Tử, nên dù ở độ cao 4,000m so với mực nước biển, cao hơn nhiều so với các đồng bằng khác, nhưng vẫn nhận được lượng nước đầy đủ và có đất đai màu mỡ.
Cuối cùng và nhỏ bé nhất là đồng bằng sông Châu Giang, nơi con sông này đổ ra biển ở Quảng Châu (với Ma Cao và Hồng Kông nằm án ngữ hai bên cửa biển).
Vì đất đai màu mỡ đồng nghĩa với lương thực dồi dào, do vậy dân số Trung Quốc cũng tập trung rất đông ở những vùng đồng bằng này. Một mặt, đó là xu hướng tự nhiên trong tập quán sinh sống của con người, nhưng mặt khác, nó cũng ảnh hưởng lớn tới hoạt động canh tác của Trung Quốc.
Đặc điểm địa hình cũng mang lại một yếu tố thuận lợi khác cho những đồng bằng này, đó là độ ẩm. Gió mang hơi nước thổi vào từ Thái Bình Dương, gặp phải những ngọn núi cao phân tách địa hình giữa phía Đông và Tây Trung Quốc, khiến mưa đổ xuống những khu vực là thượng nguồn của ba con sông lớn, cung cấp nước cho các vùng đồng bằng phía dưới. Trong khi đó, vùng lãnh thổ phía Tây Trung Quốc nhận được rất ít mưa.
Việc dân cư tập trung đông đúc tại các vùng đồng bằng tạo ra một vấn đề khác, đó là đất đai nông nghiệp sẽ bị chia nhỏ cho các hộ gia đình. Theo một thống kê hồi năm 2019, trung bình mỗi hộ gia đình làm nông nghiệp của Trung Quốc canh tác trên diện tích đất 200.2 mu (tương đương khoảng 33 mẫu Anh hay khoảng 0.133 km2). Tại những khu vực đồi núi như tại đồng bằng Tứ Xuyên, người dân tận dụng các sườn đồi để canh tác kiểu ruộng bậc thang thì diện tích sẽ nhỏ hơn.
Để so sánh, trung bình diện tích canh tác của một hộ gia đình nông nghiệp tại Mỹ là 446 mẫu Anh, tương đương khoảng 1.8km2. Theo số liệu từ chính phủ Trung Quốc, mặc dù diện tích ruộng tại phần lớn các khu vực nông nghiệp nước này vẫn đủ rộng cho việc cơ khí hóa, đến 2019 thì tỷ lệ này đã lên tới 70%, nhưng Trung Quốc sẽ không thể tận dụng lợi thế quy mô và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động như của nông dân Mỹ được.
Sử dụng Google Maps để đo đạc diện tích của một mảnh ruộng bất kỳ (diện tích đất ngăn cách bởi các con đường) tại Mỹ và Trung Quốc, nó cho thấy sự khác biệt rõ rệt về quy mô đất canh tác của hộ gia đình Trung Quốc so với Mỹ.
Mảnh ruộng Trung Quốc có diện tích 0.2 km2 còn mảnh ruộng Mỹ có diện tích 5.4 km2. Sự so sánh này chỉ mang tính minh họa, không có giá trị thống kê, đại diện. Nguồn: Linh Cap

Xét về tổng diện tích đất canh tác, theo số liệu của Bộ Tài nguyên Trung Quốc, nước này có tổng cộng 1.9179 tỷ mẫu, tương đương với khoảng 127.86 triệu hecta. Trong khi đó, Mỹ có tổng cộng 893.4 triệu mẫu, tương đương 361.5 triệu hecta. Để bù đắp cho việc ít đất canh tác, chính phủ Trung Quốc khuyến khích người dân tại những nơi không có đất đai màu mỡ hay diện tích nông nghiệp nhỏ hẹp thực hiện thủy canh và trồng cây trong nhà kính để nâng cao sản lượng lương thực, thực phẩm.

Đối với thịt và thủy sản, những mặt hàng không bị giới hạn nhiều bởi diện tích đất canh tác, Trung Quốc có sự tự chủ cao hơn. Trước năm 2018, nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc được đáp ứng chủ yếu bởi nguồn cung nội địa, thịt nhập khẩu chỉ đáp ứng khoảng 3%. Nhưng từ năm 2018, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là dịch Tả lợn châu Phi, số đầu lợn của Trung Quốc giảm mạnh, dẫn tới việc nhập khẩu thịt tăng đột biến.
Đối với thủy hải sản, Trung Quốc là nước có sản lượng lớn nhất thế giới. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, sản lượng thủy hải sản của nước này đạt 65.49 triệu tấn, trong đó thủy hải sản chăn nuôi chiếm 79.8%.

Tích cực nhập khẩu nông sản

Mặc dù Trung Quốc rất nỗ lực để tăng cường khả năng tự chủ về nguồn cung lương thực và thực phẩm, nhưng sản lượng lương thực nội địa của Trung Quốc vẫn không đủ để đáp ứng cho nhu cầu của 1.4 tỷ dân, và nước này vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn một số mặt hàng nông sản từ nước ngoài.
Theo số liệu từ Ủy ban Dự báo Nông nghiệp Trung Quốc CAOC, trong niên vụ 2022/23, với một số loại nông sản quan trọng như Ngô, Đậu tương hay Đường, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn. Trung Quốc, mặc dù là nước sản xuất ngô lớn thứ hai thế giới, nhưng vẫn phải nhập khẩu thêm khoảng 6% nhu cầu nội địa. Đặc biệt với đường, mặc dù nhập khẩu 1/3 nhu cầu tiêu thụ nhưng Trung Quốc dự kiến vẫn sẽ thiếu hụt 1.45 triệu tấn đường.
Cung cầu một số mặt hàng nông sản quan trọng của Trung Quốc. Nguồn Linh Cap

Trước cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, Ukraine là nhà cung cấp ngô lớn nhất cho Trung Quốc, sau đó là Mỹ. Sau tháng 02/2022, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu Ngô từ Mỹ và bắt đầu nhập khẩu từ Brazil thể bù đắp cho phần thiếu hụt từ Ukraine. Phần lớn đậu tương nhập khẩu vào Trung Quốc đến từ Mỹ và Brazil, hai quốc gia sản xuất và xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, Trung Quốc những năm gần đây cũng phải nhập khẩu một lượng lớn thịt từ nước ngoài, khi mà dịch bệnh hoành hành khiến số đầu gia súc, gia cầm của nước này giảm mạnh. Mức nhập khẩu tăng đột biến đạt đỉnh vào năm 2020, sau đó đã giảm nhẹ trong năm 2021, nhưng vẫn ở mức rất lớn.

Khối lượng nhập khẩu các sản phẩm thịt của Trung Quốc. Đơn vị 100,000 tấn. Nguồn: Linh Cap

Tựu trung lại, nếu xét về sản lượng sản xuất, ngành nông nghiệp của Trung Quốc đứng đầu thế giới với nhiều mặt hàng. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ cao cũng như cơ cấu cụ thể của nhu cầu trong nước, nước này vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn một số mặt hàng nông nghiệp cụ thể để đủ sức “gồng gánh” được 1,4 tỷ dân chúng của mình.

Art Director Lê Minh
Designer Tai Phan
Researcher Hồ Đức 
Editor Lê Minh Thư
Editorial Director Phạm Vĩnh Lộc

Chia sẻ câu chuyện này
Share