Cây thiêng và hành trình hóa thần của cây – Kỳ 1

Tác giả Huyết Vy
Cây thiêng và hành trình hóa thần của cây – Kỳ 1

Vén lũy tre làng, tìm về đời sống tâm linh người Việt, không khó để bắt gặp những gốc cây thiêng, đại thụ chất đầy hương hỏa, chứa đựng hằng hà truyền thuyết quỷ thần.

Cây thiêng và hành trình hóa thần của cây

Chạng vạng, anh trai làng đang độ tráng niên đi cho trâu ăn không hiểu cớ gì ngã úp mặt vào đống phân vùng vẫy điên loạn. Đến khi người nhà tìm được thì khốn khổ thay, anh như kẻ mất hồn, ngơ ngẩn câm lặng. Cứ vậy bảy tám ngày anh mới hồi hồn, kể rằng mình bị một thiếu nữ xinh đẹp mời mọc chơi cùng. Cô nài nỉ, anh phản kháng, cô nhào tới bắt lấy anh, anh chống cự kịch liệt rồi ngã vào đống phân, mơ hồ đến giờ.

Anh thanh niên làng bên cũng gặp được người con gái tuyệt sắc, toàn thân áo trắng, tóc xõa ngang vai. Anh tham mê cùng nàng hoan lạc rồi ngã bệnh phát sốt, trong lúc nửa tỉnh nửa mê cứ liên tục kể về cuộc vui với nàng. Nhưng anh không may mắn như hàng xóm nhát gan ở trên, anh không qua khỏi cơn bạo bệnh và chết vài ngày sau đó trong nỗi hoang mang của người làng.

Người làng bảo nhau rằng, “nó” lại tác quái nữa rồi. Con ma cây ở gốc cổ thụ bên suối ấy. Con ma nữ chuyên mời trầu người đi đường, mà ai lỡ ăn phải miếng trầu nó têm sẽ lành ít dữ nhiều, ai mà chung đụng với nó chỉ có đường bất đắc kỳ tử. Họ bảo nhau rằng, phải tìm thầy làm lễ cúng tế nó thôi.

Vén lũy tre làng, lắng nghe tín niệm người Việt, không khó để bắt gặp những gốc cây thiêng chất đầy hương hỏa và đồ tế, chứa đầy truyền thuyết quỷ thần. Đó là những gốc đại thụ không ai còn nhớ rõ tuổi đời, từ thời ông cha đã sừng sững ngang trời, mang trong mình một quyền năng siêu việt bất khả xâm phạm.

Trong tâm thức người Việt, cổ thụ có thể thành tinh hoặc có thể mở ra một không gian linh thiêng, nơi trú ngụ của thần – yêu – ma – quỷ, như một lời tục truyền: “Thần cây đa, ma cây gạo”.

1. Ma nữ trú trong cây thiêng

H1. Tinh Nữ Ngự Trong Cây

Học giả Pháp Léopold M. Cadière khi tìm về địa hạt tâm linh người Việt quanh Huế đã liệt kê những thần – ma trú trong cây thiêng có thể là: Con rắn hoặc là hóa thân hoặc là tùy tùng hay thú cưỡi của quỷ thần; vong hồn người chết vất vưởng vì còn nhiều hối tiếc và cay đắng phải chịu lúc còn tại thế. Nhóm chiếm đa số là thần nữ gồm: con tinh (yêu tinh), Bà Hỏa, một bà trong nhóm Ngũ Hành hoặc cả nhóm Ngũ Hành, Bà Chúa Ngọc, Bà Cô, hoặc một vị thần nữ vô danh nào đó…

Cây thiêng và hành trình hóa thần của cây

Vô tình, hữu ý. Trong tâm thức người Việt cũng như nhiều dân tộc trên thế giới, những quỷ thần trú ngụ trong cây hầu hết là nữ. Đó là những tinh nữ duyên dáng, trẻ trung, tràn đầy sinh lực, là hiện thân của sắc đẹp. 

Vì cây sinh ra từ đất nên cũng được đồng hóa với đất – vốn mang tính âm. Hay chăng khả năng sinh sôi nảy nở, đơm hoa kết quả của cây có nhiều nét tương đồng với người nữ mang trong mình thiên chức sinh nở?

Trong nhiều câu chuyện của người Việt, những thần nữ gắn với cây thiêng thường là hồn dữ, với nguồn gốc ác, bản chất ác. Ví như Bà Hỏa vốn được phụng thờ hầu khắp các làng vùng Thừa Thiên – Quảng Trị. Bà vẫn thường gây phiền toái, khi thì để quở phạt, khi thì đốt cháy và thiêu hủy do bản chất ác dữ trong hiện thân của lửa. Bà Hỏa còn khiến người đời kính sợ bởi tính dữ và sự nguy hại của mình dù được thờ cúng thường xuyên, huống chi là những con tinh – những cô hồn dã quỷ không người mang nhiều oán niệm, không người thờ phụng, phải nương trú trong cây…

Những con tinh trong cây thường được cho là những linh hồn thiếu nữ chết yểu, chưa hưởng thụ được lạc thú lứa đôi. Vậy nên hồn không tan mà vất vưởng kiếm tìm những thỏa mãn chưa trọn, thường gây hại bằng cách hớp hồn nạn nhân, đặc biệt là những người trẻ trung đẹp đẽ, áp tuổi, hợp vía. 

Để rồi những con mồi mang dục vọng sẽ đổ bệnh, thậm chí vong mạng, sau lần gặp gỡ chung đụng con tinh. Thậm chí chỉ đơn giản gặp nó thôi, dù khi con tinh không được thỏa mãn, hoặc cả khi nạn nhân đã chống cự thoát khỏi nó, thì cũng sinh bệnh. Họ như người mất trí, mê mê tỉnh tỉnh; nặng hơn thì mê sảng trong con sốt nặng. Trong phát điên hóa rồ, trong mơ hồ vô thức, họ ngỡ mình vẫn đang đắm chìm trong hoan lạc.

Chẳng rõ vì những yêu ma trú trong cây thường là giới nữ, hay vốn dĩ sự bừng dậy tính dục đã gây ra hoang tưởng lúc tỉnh lúc mê, mà hầu hết “nạn nhân” của ma cây là những chàng tráng niên. 

Đó là những chàng trai phơi phới sức trẻ, trong tâm tưởng và giấc mộng ngày xuân ngập tràn xúc cảm và ước vọng tính dục. Để rồi khi bị một cơn sốt nguy hại đánh gục, trong cơn mê sảng, đảo điên vấn vít những ảo mộng mà họ đêm ngày tơ tưởng: Thần nữ xuân sắc, áo quần là lượt, tìm hoan truy lạc. Thế là nguyên nhân cơn bệnh được cho là đến từ một nguyên cớ siêu nhiên, một bóng hình ma quái xuất hiện trong cơn mộng mị của người ốm. 

Cây thiêng và hành trình hóa thần của cây

Quan hiện phổ biến của người Việt ngày nay cho rằng, thần ma thường là những vị khách từ bên ngoài đến trú ngụ trong cây. Như hai con ma bị vứt xác rồi trú mình vào cây gạo trong chùa ở Mộc miên thụ truyệnTruyền kỳ mạn lục. Hay như trong Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, vào những đêm gió rợn, các cụ trong làng lại rỉ tai nhau rằng, các cô về chơi đùa dưới gốc cây rồi, và dù các cô có rời cây thì vẫn còn lởn vởn đâu đó hàng dậu hoặc đi qua làng khác. 

Theo những tìm hiểu thực địa của ông Cadière, phàm nhân không hiểu chuyện mà phạm phải cây thiêng, thường được báo mộng đó là chốn thần tọa, là nơi nghỉ ngơi hóng mát của thần. Lâu dần, gốc cây trở thành chốn thờ phụng linh thiêng, thậm chí nhiều nơi còn xây bệ thờ hình ngai. 

Điểm lại những đặc tính của một cây được xem là thiêng và cách nhân gian thờ bái, thì phải chăng giữa cây và vị thần ngự tại trong nó còn có một tương quan chặt chẽ hơn nhiều sự kết nối giữ nơi trú và kẻ ở.

2. Thần ngự trong cây hay chính cây thiêng hóa thần

H2. Thần Ngư Trong Cây hay Linh Cây Hóa Thần

Người Việt sống tại xứ sở nhiệt đới gió mùa với muôn nghìn kỳ hoa dị thảo, nhưng không phải loài thảo mộc nào cũng được cho là linh thiêng. Để được xem là thiêng, thông thường cây phải có những nổi trội về tuổi tác, sinh lực, dáng hình: Cổ thụ nhiều người ôm không hết, tán lá rậm rạp um tùm, có nhiều hang hốc, cây có nhiều rễ phụ xoắn vít,… 

Tự buổi ban sơ, những đặc điểm nổi trội khác thường của một đại thụ trăm năm, với ít nhiều âm u bí nhiệm đã khiến cây khoác lên mình lớp áo linh thiêng. Vậy chẳng phải là do bản thân cây, với tư cách là cây, đã mặc lấy những đặc thù bí nhiệm khiến người đời sùng bái.

Trong niềm sùng kính lẫn sợ hãi cây thiêng, chẳng ai dám đốn ngã, thậm chí tổn hại một cành nhỏ nào, chứng tỏ phải có linh khí thiêng liêng lưu chuyển trong từng thân mạch chứ không đơn thuần chỉ là nhà trọ quỷ thần. Một nhát rìu bổ vào thân cây hay chỉ đơn thuần là trẻ con bẻ phá cành cũng có thể khiến tai ương giáng xuống, ấy là thân thể của chính thần bị tổn hại chứ nào chỉ vì phá hoại nơi thần ngự.

Như vậy, thần linh chính là hiện thân của cây, là cây được siêu nhiên hóa. Những hồn thiêng trong lời thì thầm của dân gian chẳng phải ai khác mà chính là sinh lực, là linh hồn của cây. Chẳng phải vậy mà người ta tin rằng khi con tinh rời bỏ cây mà lâu nay nó cư ngụ, thì cây đang xanh tươi bỗng chốc tàn tạ héo úa đến chết. Ấy chính là sinh lực của cây đã ra đi vậy.

Ở những nơi thờ cúng nguyên sơ nhất trong làng mạc rừng rú, bàn thờ nép sát vào cây hoặc cây nằm giữa bàn thờ. Cây chiếm vị trí trung tâm của tế đàn chứng tỏ việc thờ cúng mà bàn thờ là biểu tượng, ở một giai đoạn nào đó và vẫn còn tồn tại một cách vô thức đến ngày nay, không phải là thờ một vị thần độc lập chẳng liên hệ gì đến cây, mà chính là thờ vị thần cây, thờ chính bản thân cây, vốn được xem như ẩn chứa một quyền lực, một đặc tính thần thiêng. Thờ kính chính thần của cây, nghĩa là thần đi ra từ cây và cây linh thiêng trong khi phát triển đã sinh ra thần.

Từ đâu mà cây tỏa ra năng lực thần thiêng, thu hút người người đến tế bái, thậm chí hiến sinh cho nó như trường hợp của đại yêu Xương Cuồng ngàn năm trước? 

Mời các bạn cùng tìm hiểu thêm về hành trình hóa thần của cây từ góc độ tâm lý con người và khả năng tự nhiên được chứng minh bằng khoa học thực nghiệm ở Cây thiêng và hành trình hóa thần của cây – Kỳ 2.

Cây thiêng và hành trình hóa thần của cây
Share