Cây thiêng và hành trình hóa thần của cây – Kỳ 2

Tác giả Huyết Vy
Cây thiêng và hành trình hóa thần của cây – Kỳ 2

Để hiểu hơn bản chất thánh thần của cây thiêng, thử đưa dòng suy tưởng về quá khứ mù xa ngất lạnh, truy tìm Cây thiêng và hành trình hóa thần của cây

1. Cây thiêng vũ trụ và hành trình hóa thần trong tâm thức Việt

Buổi ban sơ, cơn mưa đem đến sự sống và nuôi lớn chồi non đầu tiên. Mầm cây ấy trải qua bao mùa mưa nắng, hứng hết sấm giật gió lay để hiên ngang giữa trời với cành lá sum suê, rễ đan chằng chịt. 

Cây cao kết nối mặt đất và bầu trời, con người ngưỡng vọng mà ngỡ đứng trên ngọn cây có thể chạm vào ngút ngàn thiên thanh. Cây đưa oxy và hơi nước trong lành vào bầu không khí, tạo nguồn mây và cấp năng lượng cho hành trình của nước khắp đất trời. Cây lúc ấy, tuy vẫn chưa thoát ly thế giới tự nhiên, nhưng cũng đã đủ đầy những yếu tố gợi lên một ý niệm cao hơn.

Rồi trong đời sống nông nghiệp lam lũ, có thể một lúc nào đó, người nông phu Việt sau buổi cày mệt nhọc tìm đến nương trú dưới bóng cây và thấy được hồi sức nhanh chóng. Chẳng một kiến thức khoa học nào giúp anh ta hiểu rằng, cảm giác khỏe khoắn đến từ việc phổi hấp thụ được nhiều dưỡng khí do cây nhả ra lúc quang hợp. Thế là cây được anh  gán thêm một quyền năng màu nhiệm là truyền năng lượng, hồi sinh lực. Con người dần dà sinh lòng biết ơn và kính phục cây. 

Như vậy, niềm tin sơ khởi về tính linh của cây là do cây tự thân tác động chứ không thông qua can thiệp của bất kỳ thần thánh ngoại lai nào. Ý niệm này đến nay vẫn còn ghi dấu và lưu truyền trong một số tập tục, sử thi, thư tịch trên đất Việt. 

Nếu áng mo Mường, Đẻ đất Đẻ nước tôn thờ cây si là vật tổ sinh ra giống loài thì dân bản địa Trường Sơn – Tây Nguyên coi cây gạo là trục vũ trụ có thể truyền đạt lời khấn cầu cõi tục lên thiên đàng. Với lời sấm truyền tiên báo hoàng vị của Lý Công Uẩn được ghi chép trong Thiền uyển tập anh, cây gạo cũng được xem là cây thiêng trấn trụ long mạch, là thiên sứ mang thông điệp của Trời.

Trong những diễn biến tiếp theo, khi một biến cố tai ương tình cờ ập đến. Những người vốn đã đem lòng kính cây bèn mặc định nó do cây thiêng thao túng. Hoang mang và yếu đuối trước những thế lực vô hình có thể đem lại tai họa, đe dọa sinh mạng giống loài, con người bước vào hành trình sùng bái, thờ phụng “thần cây”. 

Theo dòng phát triển của đời sống tâm linh, quyền lực siêu nhiên của cây thiêng được cá thể hóa với hiện thân, ngôi vị. Và rồi ta có một vị thần hình thành cùng với cây, dẫu dần tách rời khỏi cây và chỉ ở trong cây như là một nơi trú ngụ. 

Khi bắt đầu xem cây là trú sở của thần, người ta thờ dưới cây thiêng những vị thần độc vốn dĩ đã được sùng kính trước đó – những vị thần mà chẳng còn liên quan gì đến các đặc tính sinh lực hay tạo lửa của cây.

Trực giác tâm linh và Trường sinh lực của cây thiêng

Cây thiêng đã có một hành trình thành thần theo sự phân nhánh và phát triển của tâm thức người Việt. Nhưng bước ra khỏi địa hạt huyền bí, những thí nghiệm khoa học với máy móc và kỹ thuật hiện đại lại lần nữa khẳng định linh tính diệu kỳ của cây. Không phải là di đoan mê tín, cây đã được khoa học chứng minh là mang nhiều khả năng nhiệm màu.

Tại Santa Rosa, California, ông Luther Burbank, một người kinh doanh vườn ươm nổi tiếng cùng thời với Thomas Edison đã nuôi dưỡng thành công cây xương rồng không gai sau một thời gian dài dày công nghiên cứu. Chia sẻ bí quyết, Burbank kể rằng mình thường chào cây bằng những lời thân thương:

“Đừng sợ! Những cái gai để bảo vệ thân thể kia là không cần thiết, bởi vì đã có tôi bảo vệ rồi…”

Và rồi một ngày, xương rồng không thiết mọc gai nữa.

Người đàn ông này có nhận thức sâu sắc về cây cỏ quanh mình, thể hiện qua lời bộc bạch: 

“Bất kể làm thí nghiệm nào với thực vật, thì cũng nhất định không được giấu chúng. Đặc biệt là cần phải giúp đỡ chúng xuất phát từ nội tâm, có sự tôn trọng và yêu mến đối với sinh mệnh yếu đuối của chúng. Thực vật có hơn 20 loại cảm giác, hơn nữa hoàn toàn khác với cảm giác của động vật, do vậy nếu chúng ta muốn lý giải thì rất khó khăn. Không rõ cây cỏ có thể lý giải ngôn ngữ hay không, nhưng dường như có thể có một số phản ứng với ngôn ngữ”.

Luther Burbank và những cây xương rồng của ông

Bắt đầu từ thế kỷ 20, các nhà khoa học thông qua một loạt các thí nghiệm đã chứng minh thực vật cũng có cảm tình: Chúng thích người thiện đãi, ghét những kẻ miệng đầy hơi rượu, thậm chí có cây còn có thể ghi nhớ. Thị giác và khứu giác, chúng còn có thể cảm nhận được cảm tình và tư tưởng và có phản ứng đối với những điều đó. 

Thí nghiệm Backster với Máy Dò Nói Dối của nhà Bác học Cleve Backster đã chứng minh thảo mộc cũng có trường tâm linh và khả năng cảm biến với ý niệm không lời. Trong những thí nghiệm với hơn 25 loại cây cỏ, điện kế của Máy Dò Nói Dối – một thiết bị có thể phát hiện những thay đổi về mạch đập, những bất thường của nhịp thở, luôn nảy lên dữ dội mỗi khi con người xuất hiện ý niệm tổn hại đến cây. 

Khi được nghiên cứu sâu hơn, cây cỏ không chỉ phản ứng trước những mối nguy do con người tạo ra, mà còn với cả những bất trắc vô định. Một con chó bất thần bước vào phòng, một người vốn ghét cây cỏ đi tới cũng làm điện kế nhảy. Thậm chí những cử động của một con nhện tiến đến cũng gây phản ứng cho cây. 

Những phản ứng đó cho thấy cây có trực giác tâm linh, gần như là một sự tiên liệu nguy cơ. Chúng không có mắt, tai, mũi miệng, hệ thần kinh… hẳn cách chúng vận hành cảm quan và cái chúng biết cũng khác với cái biết của con người.

Đến đây tôi chợt nhớ đến tục “Khảo cây” Tết Đoan Ngọ mà rất nhiều sách báo, tác giả, trong đó có Giáo sư Trần Quốc Vượng từng chia sẻ.  Trích nguyên văn câu chuyện dễ thương của giáo sư:

“Nhà bà nội tôi có cây Hồng xế ngoài sân, cây này mấy năm không ra quả. Ngày tết Đoan Ngọ, buổi sớm mai, bà tôi gọi thằng nhỏ lên dặn dò câu gì đó, nghe xong nó trèo tót lên cây Hồng. Dưới gốc cây, bác phó Nghiễm, người nhà lực lưỡng của bà tôi cầm chày gỗ nện vào gốc Hồng:

– Hồng!

Trên cây thằng nhỏ đáp:

– Dạ!

Bác phó:

– Sao mày chậm ra quả thế? Chát! Chát!

Thằng nhỏ:

– Ối! Ối! Đau quá! Con xin ông!

Bác Phó: 

– Năm nay mày phải ra quả nhớ! Nhớ chưa?

Thằng nhỏ:

– Vâng! Vâng! con xin nhớ ạ!

Một màn “hài kịch cây trồng”! mọi người cười vui. Năm ấy Hồng ra quả thật. Bố tôi, một kỹ sư canh nông thời Tây thuộc địa bảo:

– Đấy là ma thuật trồng cây. Ma thuật cũng là công nghệ. Đấy là để “kích thích” cây trồng!

“Thiêng”. Và “Giải thiêng”. Và “Giữ thiêng”.

Nhìn từ góc độ tâm linh, đây như là một loại nghi thức nông nghiệp, những gì còn sót lại của một loại thần chú cổ xưa nhằm thúc đẩy hoa màu tăng trưởng. Nhưng với những gì mà khoa học thực nghiệm bước đầu chứng minh về khả năng tri nhận của cây, phải chăng cây đã thực sự nghe được lời “hăm he” của loài người. Năm sau cây ra quả, không phải một trùng hợp ngẫu nhiên, cũng không nhờ ma thuật linh nghiệm, mà chính là một lời đáp “đồng thuận” theo nỗi mong của người làm vườn?

Cây thiêng và hành trình hóa thần của cây
Share