Chúa Nguyễn Bắc phạt – Kỳ 12: Trẻ già đấu kế

Tác giả Wong Trần
Chúa Nguyễn Bắc phạt – Kỳ 12: Trẻ già đấu kế

Trịnh Toàn nghe tin quân Nguyễn đang đón lõng ở xã Nam Ngạn, bèn nảy ra kế sách đánh úp sau lưng quân địch. Trịnh Toàn để Đào Quang Nhiêu ra đóng ở xã Thổ Sơn để nhử địch, còn mình tiến quân về xã Bạt Trạch (nay thuộc xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc). 

Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật nghe được tin báo, bèn bàn bạc với Thị chiến Cống Giác:

– Hai tên giặc Ninh, Đương là kẻ địch lớn của triều đình. Nay chúng đông ta ít, làm sao chế ngự?

Cống Giác đáp:

– Người dùng trí thắng người dùng sức, kẻ ít hơn thắng kẻ đông hơn. Tỏ ra yếu để bắt kẻ mạnh, tỏ ra sợ để bắt kẻ dũng. Đó là phép của binh gia.

Nguyễn Hữu Dật vỗ tay cười lớn:

– Lời Thị chiến nói rất phải. Ta nên dùng kế tỏ yếu để bắt mạnh. Cho bọn chúng không thể khoe khoang về sau.

Nói rồi, Nguyễn Hữu Dật truyền lệnh cho Cai cơ Hoằng Tín đưa chiến thuyền rời kênh Minh Kiều đi về hướng Phù Thạch, cốt sao cho quân Trịnh trông thấy. Hoằng Tín tới nơi thì gửi tín hiệu cho thủy quân ở đó tiến hết về xã Nam Ngạn. Nếu thấy ở xứ Cây Dong có lá cờ trắng giương lên thì thủy quân phải kéo hết về Minh Kiều, dốc sức bắn vào chỗ Cây Dong. Lại truyền lệnh cho Cai đội Đô Tín, Thị chiến Cống Giác đóng ở xứ Gò Nổi tại xã Nam Ngạn. Nếu thấy quân Trịnh thì ra sức bắn trả, rồi giả vờ thua chạy về xã Nam Ngạn, tìm chỗ mai phục; đợi có hiệu lệnh sẽ quay lại tấn công. Bản thân Nguyễn Hữu Dật thì dẫn mấy trăm quân đi qua Minh Kiều, bày trận ở xứ Cây Dong thuộc xã Bình Hồ (nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ). Nguyễn Hữu Dật lên gò cao ngồi gảy đàn, uống rượu làm vui.

Bên này, Ninh quận công Trịnh Toàn tiếp được thám báo, nghe nói thủy quân bên Nguyễn đã rút hết về sông Lam, chỉ còn Đốc chiến Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật đóng ở xứ Cây Dong tại xã Bình Hồ. Dưới cờ chỉ có chừng sáu bảy trăm quân, nhưng không có trọng binh. Trịnh Toàn vỗ tay cười bảo:

– Chiêu Vũ quân cô, ví như con cá cạn đã rơi vào lưới. Ta không còn lo gì rồi!

Nói rồi sai sửa soạn đồ nhắm để khao quân. Trịnh Toàn sai năm tướng Hợp Dụ, Quảng Lương, Tào Nham, Diễn Thọ, Thác Dương đem một vạn quân, năm con voi chiến tới đánh quân Nguyễn ở Gò Nổi. Trịnh Toàn đem quân tới Chợ Hạ để tiếp ứng.

Năm tướng bên Trịnh kéo tới Gò Nổi. Cai đội Đô Tín, Thị chiến Cống Giác vội vàng nổ súng bắn trả, rồi giả thua chạy về xã Nam Ngạn. Bên này Nguyễn Hữu Dật nghe tiếng súng, bèn sai cắm lá cờ trắng ở xứ Cây Dong xã Bình Hồ, rồi cũng đưa quân chạy qua cầu Minh Kiều, trở về xã Nam Ngạn.

Tham tướng Nguyễn Phước Tráng trông thấy cờ hiệu, liền đưa chiến thuyền tới, ra sức bắn về hướng Cây Dong. Tướng Trịnh là Tào Nham đang đánh hăng, cứ xua quân thẳng tiến. Đột nhiên phục binh của Cai đội Đô Tín đổ ra. Tào Nham xông tới. Chưa kịp giao chiến thì Đô Tín đã bắn Tào Nham ngả chết trên bành voi. 

Tướng Trịnh là Diễn Thọ trông thấy, cũng thúc voi tới trợ chiến, để cứu Tào Nham. Đô Tín bắn thêm một phát nữa. Diễn Thọ cũng trúng đạn chết ngay.

Các tướng Hợp Dụ, Quảng Lương, Thác Dương ở bên kia sông Minh, trông thấy hai tướng bên mình tử trận, bèn rút lui, tới hội quân với Trịnh Toàn. Bên phía quân Nguyễn, lão tướng Trấn thủ Nguyễn Phước Kiều cũng bị thương nặng.

Trịnh Toàn ở xã Bình Hồ cũng rơi vào trận địa oanh kích của thủy quân Nguyễn. Quân Trịnh thương vong vô số. Toàn quân phải lui về chợ Hạ đóng lại.

Đốc chiến Nguyễn Hữu Dật xua quân truy đuổi suốt ba mươi dặm. Thị chiến Cống Giác ngăn lại, nói rằng:

– Quân ta đã vào trọng địa, mà hình thế núi sông lại không nắm rõ. Huống hồ đường kênh này cạn, thủy quân triệt thoát đã xa, không có tiếp ứng. Nếu quận Ninh dùng kế dụ địch, cho hùng binh mai phục, tiền hậu giáp công. Bọn ta quân cô, lấy gì chống địch? Chi bằng tạm lui về liên kết với thủy quân, chọn chỗ địa lợi, bày quân đóng trại, lập mưu phá địch, như thế cũng chẳng muộn. Binh pháp nói: “Đất lợi thì chiếm cứ, đất hại thì bỏ đi”. Đó là kế lưỡng toàn, có thể bảo đảm thành công.

Nguyễn Hữu Dật cho là phải, bèn lui quân về bến đò Phù Thạch, đánh tiếng là sẽ đưa bộ binh vượt sông sang bờ bắc sông Lam. Nguyễn Hữu Dật tự đắc vì Trịnh Toàn trúng kế của mình. Nhưng không ngờ chính mình cũng trúng kế Trịnh Toàn.

Trong lúc Trịnh Toàn đại chiến Bình Hồ, thì tỳ tướng là Hào quận công Lê Thì Hiến được lệnh hành quân theo thượng đạo, tới địa phận sông Ngàn Sâu ở xã An Việt Thượng. Chỗ này vốn có thủy quân của Trấn thủ Dương Trí của Đàng Trong đậu lại. Lê Thì Hiến thấy quân địch có ba mươi chiếc thuyền, bèn tung quân đánh gấp. Quân Nguyễn thua to. Thì Hiến bắt được một số thuyền, đem về dâng công tại Vĩnh Doanh. 

Trịnh Toàn mở được đường thoát qua sông Lam, lại nghe tin quân Nguyễn dọa sẽ qua sông, chẹn đường Eo Ống. Trịnh Toàn vội đưa quân về An Trường, làm tờ khải báo tin chiến thắng.

Tháng Năm nhuận, chúa Trịnh Tráng tiếp được tin báo tiệp. Chúa liền luận công thắng trận Đại Nại, tiến hành phong thưởng một loạt. Trịnh Toàn được phong làm Khâm sai Tiết chế thuộc thủy bộ chư doanh, kiêm hành hạ phủ trị Nghệ An đạo, Phó tướng, Thái úy, tước Ninh quốc công; lại được quyền khai phủ, gọi là phủ Dương Uy. 

Các quan văn dưới quyền cũng được thăng thưởng. Đốc thị Dương Hồ làm Công bộ Tả thị lang, tước Thọ Lâm bá. Ngô Sĩ Vinh làm Quang Lộc tự khanh, tước Lý Hải hầu. Phan Hưng Tạo làm Thái Bộc tự khanh, tước Thọ Lĩnh hầu. Vũ Vinh Tiến làm Hộ khoa Đô cấp sự trung, tước Lệ Hải tử.

Các tướng dưới quyền cũng được thăng thưởng một loạt. Đào Quang Nhiêu được đề bạt vượt cấp, làm Thiếu bảo. Lê Thì Hiến làm Đô đốc đồng tri. Hoàng Nghĩa Chẩn, Mẫn Văn Liên làm Đô đốc thiêm sự, Đặng Thế Công, Hoàng Nghĩa Giao, Đinh Văn Tả, Lê Văn Tiến, Đào Thế Tiên, Lê Văn Long, Mai Văn Hiếu làm Đề đốc. Tất cả đều được ban tước quận công. Ngô Văn Sĩ, Lê Đăng Nhậm, Lê Công Triều làm Tham đốc.

Ngoài ra còn ban thưởng cho Nguyễn Hữu Tá tước quận công. Dương Quỳnh, Nguyễn Thế Tế, Nguyễn Tiến Kiên làm Thự vệ sự. Truy tặng những người tử trận. Tặng Doãn Năng làm Đô đốc đồng tri, tước Tào quận công, lập đền thờ cúng, cấp cho ruộng tế và dân lộc. Tặng Bùi Sĩ Lương làm Tham đốc, Thọ quận công; Thái Bá Đào làm Thự vệ sự, Diễn quận công; Nguyễn Văn Tú làm Đề đốc, Thông quận công. Họ đều được cấp tự điền, dân lộc và cho phép thờ cúng. Doãn Năng có lẽ chính là Tào Nham. Tư liệu dòng họ cho biết Doãn Năng cùng con trai tử trận ở Triều Khẩu khi giao chiến với quân Nguyễn, nhưng lại ghi nhầm thành năm 1643.

Chúa Trịnh còn xử tội các tướng thủy quân thua trận. Lũng quận công Vũ Văn Thiêm bị biếm làm Hữu đô đốc, Nguyễn Văn Yến bị biếm làm Tham đốc. Cả hai đều bị thu hồi một nửa lộc binh, dân. Nguyễn Hữu Sắc bị bãi hết chức tước. Riêng các viên Lê Sĩ Hậu, Trương Đắc Thọ, Nguyễn Đức Dương, Đỗ Lễ vì cố sức chiến đấu, nhưng quân cô không chống nổi, nên được miễn tội.

Sự ban thưởng này khiến Thế tử Tây Định vương Trịnh Tạc khiếp vía. Tước vị quốc công vốn dĩ chỉ ban cho người sẽ nối ngôi Thế tử. Nay Trịnh Toàn được làm Ninh quốc công, còn được ban chức Khâm sai Tiết chế, được quyền khai phủ. Đó gần như là những đặc quyền của Thế tử kế nhiệm. Từ khi quân Nguyễn xâm lấn, Trịnh Tạc chưa làm được công trạng gì đáng kể, còn Trịnh Toàn đã hai lần đại thắng. Nếu một ngày chúa Trịnh Tráng đổi ý, ngôi chúa tương lai chưa biết sẽ về ai. Thế tử Trịnh Tạc đang lo rầu, thì có con gái trưởng của ngài là Quận thượng chúa Trịnh Thị Ngọc Thuyên tới. Biết được nỗi lo của cha, Quận thượng chúa bèn bày ra một kế, đảm bảo giúp ngôi vị của cha mình vững như bàn thạch. 

Rốt cuộc Quận chúa có kế sách gì?

Chia sẻ câu chuyện này

Tác giả: Wong Trần
Minh hoạ: Minh Thảo Võ
Thiết kế và dàn trang: TRẦN VĂN HẬU

Share