Cuộc sống thế tục xứ Đàng Trong qua ghi chép của người Âu châu

Tác giả Tường Vân
Cuộc sống thế tục xứ Đàng Trong qua ghi chép của người Âu châu

Vào thế kỷ 17, bởi những biến động chính trị giữa các dòng họ, nước Nam ta chia thành hai xứ riêng biệt là Đàng Ngoài và Đàng Trong, lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm giới tuyến. Đây cũng là thế kỷ chứng kiến cuộc tiếp xúc ban đầu giữa người Việt và các giáo sĩ, thương gia châu Âu. 

Trong bài viết nhỏ này, người viết tóm lược lại một số miêu tả của người Tây dương về khí hậu và sản vật Đàng Trong vào thế kỷ 17, bởi đây là những phương diện lý thú khi được nhìn qua con mắt người ngoại quốc.

Theo bước đường truyền giáo của Dòng Tên trên khắp khu vực Viễn Đông, vào thế kỷ 17, các thầy tu ngoại quốc đã đặt chân đến xứ Đàng Trong; một trong số những con người tiên khởi đó là Cristoforo Borri – giáo sĩ Dòng Tên gốc Ý. 

Cha Borri đến Đàng Trong dưới thời cai trị của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và lưu lại đây trong vòng năm năm. Vốn là một người ham hiểu biết, trong quãng thời gian đó, cha Borri chuyên tâm học tiếng Việt và nghiên cứu mọi mặt đời sống nơi đây, từ địa hình, sản vật, phong tục tập quán, chính thể nhà nước cho tới tín ngưỡng tôn giáo. 

Do đó, những ghi chép của cha trong cuốn Ký sự về sứ mệnh mới của các nhà truyền giáo Dòng Tên ở xứ Đàng Trong, gọi tắt là Xứ Đàng Trong phong phú và trọn vẹn hơn những miêu tả đời sống thế tục trong sách của Baron và cha de Rhodes.

Bản đồ xứ Đàng Trong trích từ bản đồ của các Cha Truyền giáo Paris năm 1786
Bản đồ xứ Đàng Trong trích từ bản đồ của các Cha Truyền giáo Paris năm 1786

Khí hậu xứ Đàng Trong

Trái với khí hậu có phần khắc nghiệt ở xứ Đàng Ngoài với những cơn bão dữ dội vào các tháng hè, xứ Đàng Trong có các mùa tương đối rõ rệt. Mùa đông kéo dài ba tháng với những cơn gió lạnh đến từ phương Bắc mang theo mưa, rồi sau đó là mùa xuân tiếp nối tới tháng Năm. 

Các tháng Sáu, Bảy, Tám là khoảng thời gian nóng nhất năm, nhưng bầu không khí mau chóng được làm dịu đi khi mùa lũ đến. Vào tháng Chín tới tháng Mười Một, mưa không ngừng trút xuống, tạo thành những trận lụt liên miên, “gần như xảy ra hai tuần một lần, mỗi lần kéo dài tới ba ngày”. 

Mùa nước lụt xứ Đàng Trong không phải là tai họa, mà nó thực sự là một ngày hội lớn nơi đây, gây ấn tượng sâu đậm cho cha Borri bởi sự hân hoan lan tỏa khắp mọi chốn:

“Trận lũ đầu tiên khiến cho mọi người đều phấn khích, không chỉ vì nó làm cho không khí dịu mát, mà còn vì nó đem lại màu mỡ cho đất đai. Khi có lũ, niềm vui sướng, hoan hỉ hiện rõ qua những cuộc thăm hỏi láng giềng, qua những tiệc tùng, quà cáp biếu nhau. Ai nấy đều hét vang nhiều lần: Dàdén, Lùt, Dàdén, Lùt, có nghĩa là: Lụt đến rồi, lụt đã đến rồi. Trong ngày hội ấy, những con người đủ giai cấp, cho tới cả nhà vua, ai ai cũng đối xử với nhau thân ái”. 

Điều đặc biệt trong đoạn trích trên là cha Borri đã ký âm những từ tiếng Việt đầu tiên dưới dạng Latin hóa, trước cả công trình của cha de Rhodes rất nhiều năm. Có thể coi đây là những mẫu tự Quốc ngữ ở dạng nguyên thủy nhất. 

Quay lại chủ đề, vị giáo sĩ Dòng Tên còn thích thú chép lại những chuyện vui trong mùa nước về, ví như chuyện lũ trẻ chèo thuyền đi rung những cái cây treo đầy… chuột (khi nước dâng, lũ chuột trong hang phải leo lên cây để thoát thân), xua chúng biến đi, trả lại đồng ruộng sạch bóng loài vật gây hại cho hoa màu. 

Hay chuyện người dân mở tiệc linh đình một cách dễ dàng, chỉ cần lùng bắt những con vật lạc chủ và giết thịt ăn mừng, không cần lo ngại gì bởi theo luật thì súc vật lạc chủ sẽ thuộc về người bắt được nó. Không chỉ là một dịp vui chơi, mùa lũ lụt còn thúc đẩy mạnh hơn hoạt động giao thương trong xứ. 

Lợi dụng dòng nước lên, người ta mở các phiên chợ đông đúc, nhộn nhịp, chất hàng hóa lên thuyền và đến từng nhà để bán. Vào mùa này, người dân mua nhiều than củi và gỗ xây nhà để dự trữ, cũng để xây cất những tầng lầu cao hơn nữa nhằm chống lại nước dâng. 

Kênh Bãi Sậy ở khu vực Chợ Lớn, Sài Gòn, Đông Dương năm 1903.
Kênh Bãi Sậy ở khu vực Chợ Lớn, Sài Gòn, Đông Dương năm 1903.
Nơi rạch Bến Nghé đổ ra sông Sài Gòn năm 1903
Kênh Bãi Sậy ở khu vực Chợ Lớn, Sài Gòn, Đông Dương năm 1903, nơi từng là xứ Đàng Trong

Do có lũ hàng năm, nên đất đai xứ Đàng Trong phì nhiêu gấp bội xứ Đàng Ngoài, một năm có thể làm tới ba vụ lúa. Vì thế, hầu hết người dân xứ Đàng Trong không phải đi làm thuê làm mướn, đời sống cũng phong lưu, dư dật hơn. 

Cha Borri thuật lại rằng “tiệc tùng giữa hàng xóm láng giềng là chuyện rất thường xuyên”, và dẫu hoàn cảnh gia chủ thế nào, bàn tiệc vẫn phải bày đủ trăm món, đủ các sản vật của xứ sở. Cũng như Đàng Ngoài, tơ lụa được sản xuất nhiều đến mức “tiều phu, thợ thủ công cũng dùng vải rất tùy tiện (…) đàn ông và đàn bà vận chuyển những tảng đá, vôi hay các vật liệu tương tự mà chẳng mảy may giữ cho quần áo đẹp họ mang khỏi rách hoặc bẩn”. 

Sản lượng tơ tằm hàng năm thậm chí còn thừa để đem cung cấp cho Nhật Bản và Tây Tạng là những nơi ưa chuộng thứ lụa bền chắc này.

Sản vật xứ Đàng Trong

Ngoài lúa gạo là thực phẩm chính, người dân Đàng Trong còn ăn nhiều hoa quả, hải sản và thịt động vật. Những miêu tả của cha Borri về các loại hoa quả hết sức cặn kẽ và sinh động, tuy phần nhiều đều là những loại quả mà Baron đã đề cập qua. 

Cha Borri cùng chung ý kiến với ông Baron khi cho rằng xứ sở này sản sinh những trái cam ngon nhất, với vỏ ngoài mỏng mềm và mùi vị không khác gì chanh Ý. Còn chuối thì “có mùi thơm rất ngọt ngào và phần ruột thì vàng, chắc nịch như quả lê bergamotte chín mọng đến nỗi cho vào miệng là tan”. 

Đến với xứ sở nhiệt đới, vị giáo sĩ Dòng Tên luôn tỏ ra vui thích trước sự đa dạng của cây trái nơi đây, với dưa gang có mùi thơm và màu như sơn trà chín nẫu, với nho đặc ruột như quả anh đào, với dưa hấu căng đầy nước ngọt cùng các loại mít dai mít mật có những múi vàng dẻo chắc. Với cha Borri, gây nhiều ấn tượng hơn cả là trái sầu riêng xứ Đàng Trong. 

Theo lời cha miêu tả, “ruột sầu riêng rất trắng, thịt bọc quanh và dính với hạt, và mùi vị sắc ngọt cũng tựa như món kem blanc-manger của ta (…) Khi bổ sầu riêng, một mùi rất lợm bốc lên như củ hành thối, nhưng ruột vẫn giữ một vị khó tả và ngọt ngào”.

1903 Cochinchine 1903 - Cholon, canaux intérieurs
Đường Cầu và Chợ cá trong khu Chợ Lớn 1930
Khu chợ cá trong Chợ Lớn 1903
Khu chợ cá trong Chợ Lớn 1903

Giống như Baron, cha Borri cũng nhắc tới cây cau và tục ăn trầu của người Việt, nhưng cuốn sách của cha tỏ ra tỉ mẩn hơn trong việc ký họa lại phong tục này. Theo quan sát của cha, phụ nữ trong gia đình thường là người sửa soạn trầu cau. 

Họ têm trầu bằng cách bổ cau thành năm đến sáu múi, tỉa lá trầu thành mảnh nhỏ và đặt từng múi cau đã quệt vôi làm từ vỏ sò lên mảnh lá ấy. Khi têm trầu xong, họ sắp đầy trong cơi để có thể ăn mọi lúc mọi nơi. 

Vì “miếng trầu là đầu câu chuyện”, nên khi tới thăm hỏi nhà ai, người dân Đàng Trong đều mang theo trầu cau để mời chủ nhà, và khi ra về, họ lại vui vẻ nhận lấy cơi trầu têm sẵn của người chủ như một món quà đáp lễ. Tục ăn trầu phổ biến như vậy nên thu nhập chính của toàn xứ dựa trên việc trồng và buôn bán cau tới các nước khác trong khu vực.

Tổ yến cũng là một món trân quý, chỉ dành cho vua chúa cùng tầng lớp quý tộc. Nhưng khác với miêu tả của Baron, cha Borri lại nói rằng “tổ yến có mùi vị đa dạng, khác biệt, như thể chúng được làm từ hạt tiêu, quế, đinh hương và những gia vị quý hơn nữa, tổ yến ngon đến mức không khác gì thịt cá”. Có thể đó là sự khác biệt đến từ trải nghiệm của riêng từng người và từ cách chế biến yến sào khác nhau.

Tuy không thiếu thịt cá, nhưng thi thoảng người Đàng Trong cũng ăn một số món khiến cha Borri thất kinh như món tắc kè nướng; dẫn đến một chuyện thú vị như sau: Có lần một người bạn của cha mang về một xâu tắc kè sống rồi hun lửa nướng.

 Dưới sức nóng của lửa, những con vật tội nghiệp chật vật chống lại để rồi cam chịu cái chết có phần tàn nhẫn. Khi nướng chín, người bạn lấy dao cạo vảy làm lộ lớp thịt trắng bóc, dầm nát ra rồi quết gia vị lên và mời cha Borri nếm thử, nhưng cha từ chối “vì nhìn thôi cũng đủ rồi”.

Một số sinh hoạt xứ Đàng Trong năm 1972 qua tranh vẽ cả John Barrow
Một số sinh hoạt xứ Đàng Trong năm 1972 qua tranh vẽ cả John Barrow
Một số sinh hoạt xứ Đàng Trong năm 1972 qua tranh vẽ cả John Barrow
Một số sinh hoạt xứ Đàng Trong năm 1972 qua tranh vẽ cả John Barrow

Một số sinh hoat thế tục xứ Đàng Trong qua tranh vẽ của John Barrow 1792

Thiên nhiên Đàng Trong không chỉ ưu đãi người dân nơi đây bằng nguồn thực phẩm dồi dào, mà còn ban tặng nhiều sản vật quý cho đời sống của họ, như gỗ dựng nhà, trầm hương và kỳ nam. 

Cha Borri nhận xét rằng gỗ lim xứ Đàng Trong là một trong những loại gỗ tốt nhất bởi độ bền chắc và đặc tính không thấm nước, nên loại gỗ này thường được dùng để xây cất nhà cửa và làm mỏ neo cho tàu thuyền.

Vào thời điểm cha có mặt tại xứ sở, trong rừng có vô số cây lim cao vút tưởng chừng chạm tới mây, thân cây lớn tới mức phải hai người ôm mới xuể, vỏ nhẵn bóng không cần dùng rìu để tách. Số lượng gỗ nhiều mà dân cư không quá đông đúc nên hầu như mọi người đều làm nhà bằng gỗ, khi lên rừng muốn đốn bao nhiêu cây cũng được. 

Kiến trúc nhà cửa xứ Đàng Trong không quá cầu kỳ, chủ yếu được xây cao để tránh lũ, thượng tầng được chống bằng cột cái chôn sâu dưới đất, giữa hàng cột là các gian nhà nơi họ đặt đồ đạc, tượng trang trí, các bức hoành phi câu đối cùng các tấm phên cho gió lưu thông, điều hòa không khí vào mùa nắng nóng.

Ảnh chụp Chợ Lớn năm 1961 bởi Jack Garofalo
Ảnh chụp Chợ Lớn năm 1961 bởi Jack Garofalo

Còn trầm hương và kỳ nam – vật phẩm quý giá bậc nhất xứ Đàng Trong – chỉ có thể tìm thấy được ở một loại cây gỗ nhất định. Theo lời cha Borri, trầm hương được mua bán tự do, bởi “nó có nhiều và ai muốn lấy bao nhiêu tùy ý”, nhưng kỳ nam chỉ dành riêng cho nhà chúa bởi nó rất hiếm, lại có hương thơm và công hiệu vượt xa trầm hương thông thường.

Những người đi “điệu trầm” (đi rừng tìm trầm) nếu may mắn sẽ dễ dàng phát hiện được kỳ nam bởi mùi thơm êm dịu đặc trưng của nó, thơm đến mức cha Borri đã thí nghiệm bằng cách vùi sâu mấy mẩu kỳ nam xuống đất tới bảy gang tay vẫn ngửi được hương kỳ nam tỏa ra.

Trong thương mại, “kỳ nam được bán tại chỗ năm đồng ducat một livre, nhưng ở cảng Đàng Trong nơi buôn bán tấp nập mặt hàng này thì đắt hơn nhiều, và không dưới mười sáu đồng ducat một livre”. 

Người Nhật Bản sẵn sàng trả giá đến hai trăm đồng ducat, nhưng nếu kỳ nam nguyên miếng có thể dùng để làm gối thì họ trả đến ba hoặc bốn trăm đồng một livre bởi họ quan niệm rằng một cái gối gỗ kỳ nam mới xứng đáng cho bậc vương giả.

Một hình dung về những sản vật một thời ở xứ Đàng Trong qua ảnh chụp một khu ở Nha Trang năm 1967 của Jeannie Christie

Dẫu ít được ưu ái bằng và có giá rẻ hơn, nhưng trầm hương vẫn là món hàng đem lại lợi nhuận cao, “chỉ cần một thuyền chất đầy gỗ này là nhà buôn đủ tiền sống trọn đời”. Cha Borri cũng nói thêm rằng món quà hậu hĩnh nhất mà chúa Đàng Trong dành cho thuyền trưởng Malacca là một thuyền trầm hương để đi buôn chuyến tới Ấn Độ, bởi nơi đây các giáo sĩ Bà La Môn có tục hỏa táng thi hài bằng gỗ thơm nên nhu cầu mua trầm hương của họ rất lớn. 

Để kết lại những dòng mô tả về sản vật xứ Đàng Trong mà cha Borri không thể kể hết bởi sự trù phú của chúng, cha tóm lược rằng: “Những nhà buôn  u châu tới đây giao thương cho biết xứ Đàng Trong giàu có hơn rất nhiều lần Trung Quốc, và phong phú về mọi thứ”.  

KẾT LUẬN

Qua dòng bút ký của những người châu  u đầu tiên đến vương quốc Đàng Ngoài và Đàng Trong vào thế kỷ 17, toàn bộ cương vực nước Nam hiện lên với vẻ đẹp đa dạng từ khí hậu tới sản vật địa phương. 

Tuy đời sống người dân hai xứ ít nhiều khác biệt bởi ảnh hưởng của phong thổ, nhưng đều có chung tập quán sinh hoạt, từ ăn cơm gạo thịt cá, ăn trầu thuốc, tiếng nói như hát, đến dựng nhà bằng gỗ và mặc đồ tơ lụa. 

Những ghi chép cụ thể đó thực sự là nguồn tư liệu quý giá để ngày nay chúng ta có thể hình dung được diện mạo của đất nước và nếp sinh hoạt của người dân đã diễn ra cách đây hàng thế kỷ. 

Chú thích:

(3)  Còn gọi là Dòng Chúa Giê-su, tên tiếng Latin là Societas Iesu (viết tắt là SJ), là một dòng tu Công giáo La Mã.

(4) Là món tráng miệng làm từ sữa ướp hương và bột ngũ cốc, có màu trắng, dùng lạnh. 

(5) Là cây dó. Không phải cây dó nào cũng có trầm hương và kỳ nam, chỉ có những cây mang bệnh mới tiết ra thứ nhựa thơm để tự chạy chữa. Tùy vào phẩm chất của nhựa thơm mà người ta gọi là trầm hương hay kỳ nam. 

(6) Đồng tiền dùng trong giao dịch trước đây của Ý. Người viết hiện chưa tìm được nguồn quy đổi xác thực cho biết 01 đồng ducat tương đương bao nhiêu đồng dollar. Rất mong được bạn đọc góp ý thêm.

(7) Đơn vị đo lường cổ, tương đương 0.5kg. 

(8) Một thành phố ở Malaysia. 

Tài liệu tham khảo

Alexandre de Rhodes, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Hồng Nhuệ dịch, Tủ sách Đại Kết - Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1994.

Cristoforo Borri, Xứ Đàng Trong, Thanh Thư dịch, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019.

Chia sẻ câu chuyện này
Share