[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 10: Những kẻ săn lan

[Tiểu thuyết] Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 10: Những kẻ săn lan

kỳ trước, tôi đã kể xong chuyến thám hiểm An Giang, cả ba cùng nói chuyện phiếm thêm một chút nữa rồi cũng về.

Đồng hồ điểm ba giờ sáng và tôi không thể chợp mắt nổi. Buổi cà phê hồi tối vẫn còn ám ảnh tôi. Không phải do tôi say cà phê nên ngủ không được, mà là vì câu nói của tay Hùng Bonsai. Lúc ra bãi xe, do cứ bị thôi thúc về thái độ khó hiểu của gã, tôi đánh bạo hỏi gã cảm thấy gì về câu chuyện của tôi.

– Chú em còn sống về được tới đây là nhờ ông bà gánh còng lưng rồi đó.

Gã trả lời tỉnh queo rồi quay xe đi. Trước khi khuất vào bóng tối, gã còn quay ra sau nói vọng lại: 

– Có dịp cà phê nữa đi rồi anh kể cho nghe!

Ý gã là gì vậy? Không lẽ những nơi tôi đi qua trong chuyến vừa rồi đều có ma? Nếu vậy thì có thể lý giải được những chuyện kỳ quặc. Tuy nhiên, tôi có thấy ma cỏ nào đâu? Những câu hỏi đó cứ xoáy vào tôi, làm mắt tôi nặng dần rồi nhắm lại, vai tôi chùng xuống rồi nhói lên. Gió vẫn thổi ào ào bên ngoài cũng như cái đêm ngủ trên núi, nhưng không còn tiếng giậm chân “bịch bịch” nữa.

Sáng hôm sau, tôi có đi ngang quán cà phê và thấy tay Hùng đang ngồi đó với một cậu trai trẻ. Tôi định vào bắt chuyện, bỗng cậu trai trẻ kia tức giận chuyện gì rồi đùng đùng đi ra. Hùng vẫn ngồi điềm nhiên, cặp mắt sắc lẻm nhìn theo bóng cậu trai trẻ kia theo kiểu đề phòng thằng bé đó làm chuyện càn quấy. Thấy có cơ hội, tôi giả vờ đi ngang để bắt chuyện: 

– Đang cãi nhau với em anh hả?

Câu hỏi đó phá ngang khuôn mặt suy tư của tay Hùng. Thấy tôi, gã không tỏ vẻ ngạc nhiên gì mấy. Giống như điều này nằm trong dự định của gã vậy. Rồi gã nói: 

– Đâu phải, anh mới gặp người này lần đầu, nhưng anh cảm nhận được từ từ anh em mình cũng có dịp gặp lại nó.

Tôi không quan tâm thằng bé ấy, ngoại trừ thấy nó có đôi mắt sắc lạnh, mặt sáng. Mà tay Hùng nói là tôi và gã sẽ gặp lại nói? Ý gì nhỉ? Gã mời tôi ngồi, rồi như thói quen, gã châm điếu thuốc mới và nói: 

– Đêm qua khó ngủ lắm đúng không chú em?

Tôi đáp lại:

– Làm gì có! 

Gã cười nhạt như thể thực sự đọc được tôi đang nghĩ gì nên vào đề luôn mà không vòng vo nữa: 

– Năm năm trước, anh cũng có một chuyến đi Bảy Núi giống chú vậy đó. Lần đó anh suýt chết không dưới chục lần… Những địa danh hôm qua chú kể, đối với anh không khác gì tử lộ cả. Mỗi nơi mỗi cảnh đều có những câu chuyện kinh dị đến rợn người mà nếu anh không thập tử nhất sinh với nó, chắc anh cũng không tin.

Nhận thấy tôi còn đang mắt tròn mắt dẹt, nửa tin nửa ngờ, Hùng đưa tôi một điếu thuốc, rồi bảo tôi làm một hơi cho tỉnh táo lại. Nhấp một ngụm cà phê, kéo thêm hơi thuốc, đầu óc tôi bớt chút căng thẳng để sẵn sàng cho câu chuyện của Hùng. Tôi thấy trong ánh mắt gã sự nghiêm túc, nó làm tôi bất giác phải đổi tư thế ngồi.

Hùng Bonsai cũng kéo thêm một hơi thuốc, khói bay lên tràn ngập, rồi gã bắt đầu kể. Theo quan niệm xưa, mỗi ngày Quỷ Môn Quan sẽ mở một lần lúc giờ Ngọ ba khắc (12h) và đóng lúc giờ Tý ba khắc (0h), đó là dựa vào khí âm dương trong trời đất. Sau mười hai giờ trưa, dương khí sụt giảm dần, âm khí trong trời đất bắt đầu lớn mạnh, cho đến đỉnh điểm vào mười hai giờ đêm, rồi âm khí lại suy tàn nhường cho dương khí, cứ thế vận động không ngừng. Những ai sinh vào giờ Ngọ và giờ Tý đặc biệt hơn những người khác: người sinh giờ Tý chịu sự ảnh hưởng lớn dần của dương khí, nên vía rất cứng, khó thấy được chuyện ma cỏ, và ngược lại cho ai sinh giờ Ngọ, do âm khí đang hồi lấn át cho nên đối với họ, cánh cổng thông tới Quỷ Môn dường như lúc nào cũng mở, thấy được âm giới như cơm bữa. 

Hùng sinh vào giờ Tý, ngày Tý, năm Tý, thuở nhỏ có ông thầy bói bảo gã có số Ô Thử Kim Huyệt tức là con chuột đen trong cái huyệt vàng. Tương truyền, trong những lăng mộ xây theo phong thủy, trong những long mạch tốt, nếu để chuột đất đào được vào trong, long mạch sẽ không còn tốt nữa mà sẽ yếu từ từ, do đó người xưa khi xây âm trạch theo phong thuỷ đều dùng những loại đá và các chất liệu rắn chắc đóng kín các cửa ra vào cũng như xung quanh vách mộ, đề phòng bọn chuột đất chui vào. 

Tuy nhiên, sự đời khó có thể lường trước được điều gì, nếu để những con chuột lông đen sống trong đó, đủ lâu thì chúng hấp thu được linh khí đất trời, có thể đi bằng hai chân, mắt màu xanh lục, lông đen tuyền như mèo, thân to như gà mái. Giống chuột đó hết sức quý hiếm, cũng là một báu vật trong phong thủy. Tuy cầm tinh chuột nhưng Hùng không hề tỏ ra nhút nhát, từ bé gã đã nổi tiếng gan dạ, quậy cùng làng cuối xóm. Lớn lên, Hùng không thích làm việc nhàn hạ mà chỉ đi phiêu lưu đây đó săn lan.

Binh lính Đàng Ngoài - tranh của Samuel Baron

Săn lan là tiếng lóng, ám chỉ việc tìm đồ quý trong rừng như trầm hương hoặc đá quý. Trong giới săn lan, có hai loại bảo vật họ rất thích, một là trầm hương và kỳ nam, vốn có nhiều ở vùng miền Trung, Tây Nguyên và hai là các loại đá âm dương. Đá âm dương thực chất là một dạng đá phong thủy mà công dụng chính là để tạo ra thêm phần âm hoặc phần dương để cân bằng với không gian xung quanh. Chúng ta thường nghe rằng, những vật phong thủy đặt ở những phương vị phù hợp, có thể hóa hung thành cát cho gia chủ, kỳ thực những vật đó như chiếc đinh, níu giữ những “khí lưu” tốt với mệnh người dùng nó, chứ chưa hẳn là có thể hóa hung thành cát. Nôm na mà nói, cũng như uống thuốc cầm chừng ngăn bệnh phát tác ra hơn nữa mà thôi. 

Phong thủy có mối liên quan hết sức mật thiết với lý thuyết Kinh Dịch, bản thân phong thủy cũng là một hình thức khai thác năng lượng tâm linh dựa vào bài trí, cho nên mới nghe những chuyện dựa vào thế núi sông để phân kim định huyệt, tầm long mạch. Sự cân bằng là mấu chốt. Phàm những huyệt gọi là xấu hoặc tốt, đều là do nơi đó có mất căn bằng giữa âm và dương hay không. Nhiều dương quá thì khô héo, nhiều âm thì mục rữa, nguyên lý vũ trụ cổ kim là thế. Lại nói về chuyện săn lan dùng đá và ngọc, vốn dĩ dựa vào xuất xứ, có những loại đá ngậm âm nhiều hơn dương, cũng như có nhiều loại ngọc bồng dương nhiều hơn cõng âm. Nếu lấy những vật đó đặt vào những nơi mất căn bằng như đã nói, có thể điều tiết năng lượng, hóa hung thành cát là vậy.

Ngọc rết cũng là một dạng như thế. Nói là ngọc kỳ thực là đá đúng hơn là ngọc. Nó là lớp nằm xen kẽ giữa các phiến đá vôi, do nhựa cây hoặc loài động vật nào đó mắc kẹt, thời gian biến đổi thuộc tính, tạo thành tinh thể màu cánh gián, thường ở dạng thỏi, uốn lượn như con rết, ngang chừng một phân, dài chừng bảy tám phân đã là cực phẩm. Giới săn lan xưa nay đúng là có đồn về một loại thượng hạng cực phẩm của ngọc rết, tên gọi mỹ miều là Ngô Công Kim Thân, loại này thì đúng là từ con rết mà thành. Tuy nhiên chưa ai từng thấy cả, chỉ nghe nói nếu có con rết sống trong rễ cây, lúc nó dài chừng ba tấc ba mà cái rễ cây đó hóa bùn, trong điều kiện ấy đủ thời gian thì thân thể con rết hóa thành ngọc màu đỏ, vân trắng. Cơ hội để chuyện đó xảy ra, nói thôi đã thấy cực kỳ nhỏ, họa chăng lại bằng không.

Có lần Hùng đi săn đồ cổ, thấy có người bảo là ở vùng Tri Tôn, Tịnh Biên, gần Núi Két có một cái vách đá, ở đó có ngọc rết Ngô Công Kim Thân. Tuy nhiên, người này lại nghe một người săn lan khác kể lại, cho nên không biết đường đi. Bộ sưu tập ngọc của Hùng có nhiều loại, duy chỉ có loại ngọc rết cực phẩm này là chưa, vây nên gã ta rủ thêm một người em nữa đi chung.

Kể tới đây, mắt tôi giật lên vài cái, một suy nghĩ lóe lên trong đầu, gã Hùng vừa nhắc đến vách đá, chẳng lẽ… Gã ta thấy được biểu hiện khác thường trên khuôn mặt tôi nên dừng lại châm điếu thuốc. Đoạn, quay sang nhìn tôi, nói: 

– Cái chùa Khmer ở Tà Pạ mà em kể là Quỷ Môn đầu tiên anh lướt qua ở vùng Bảy Núi!

Hùng đã gặp chuyện gì ở ngôi chùa Khmer đến mức gã phải gọi nó là Quỷ Môn? Mời bạn đọc kỳ sau sẽ rõ.

Binh lính Đàng Ngoài - tranh của Samuel Baron
Share