Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 2: Máu sau rừng dừa

Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 2: Máu sau rừng dừa
cuu-long-quai-su-ky-2-chuot-tinh

Cửu Long Quái Sự Ký Kỳ 2 
Đại chiến Chuột tinh

Lại nói kỳ trước, ông nội tôi và người bạn đi lạc giữa đêm khuya. Ông tôi thấy ánh lửa, liền đánh bạo lên bờ hỏi đường. Tưởng là ngôi làng bình thường, hóa ra là một cái ổ yêu quái. Ông tôi tìm cách trốn đi nhưng bại lộ và bị hai con chuột tinh phục kích.

Ông tôi nhảy thót về sau, né được một cú tát của con chuột. Đôi mắt nó long lên sòng sọc, đỏ như máu, lưỡi thè ra hết sức hôi thối. Hai con dồn ông tôi vào một góc hết sức nhanh lẹ. Một trong số chúng lao tới định cắn vào đầu ông tôi. 

Âm thanh gãy gọn vang lên, một cây rựa phang thẳng vào đầu con chuột tinh. Não nó phọt cả ra ngoài. Tròng mắt như muốn trào khỏi hốc mắt. Chính là người bạn của ông tôi ra tay. 

cuu-long-quai-su-chuot-tinh-bi-chem-dau

Vội lấy đà sau cú chém, người bạn nhào đến bên cạnh ông tôi quát: 

– Còn không mau rút rựa ra! 

Ông tôi khi đó mới định thần. Hai người lập tức phản công. Con chuột tinh còn lại kêu lên những tràng chít chít, tựa hồ như đang gọi đồng bọn đến. Thấy nó định bỏ chạy, ông tôi phóng cây rựa phạt mất nửa đầu. Lập tức, hai người chạy trối chết phóng lên ghe. 

chuot-tinh-cuu-long-quai su-ky

Ông tôi chống sào đẩy ghe ra xa, trong lúc người bạn hì hục nổ máy. Họ nghe thấy trên bờ muôn vàn những tiếng chuột kêu điếc cả tai. Chúng vồ đến như cơn lũ, gãy hết cả đám dừa nước, định bụng phóng lên ghe bắt trọn hai người. May sao máy ghe nổ kịp lúc. Ông tôi lúc này kéo hết tốc lực. Mặc dù chiếc ghe chạy không nhanh như ngựa phi, ít ra phần nào cũng cắt đuôi được lũ chuột. Ghe chạy băng băng giữa con sông rộng mênh mang phản chiếu ánh trời đêm. Bên bờ vẫn vọng lại tiếng chuột chạy như vũ bão. Thậm chí, có con còn phóng xuống sông bơi theo. Khỏi phải kể cũng biết ông tôi và người bạn kia nào dám ngả lưng, một mạch chạy thẳng, tới đâu thì tới.

chuot-tinh-cuu-long-quai su-ky

Khi trời vừa hửng sáng, họ cảm giác rằng mình đã chạy chừng năm mươi cây. Đằng xa văng vẳng nghe những tiếng rao của chợ nổi. Tuy nhiên, lòng dạ nào mà dám dừng lại. Hai người vẫn cứ phăng phăng chạy tới, không hề giảm chút tốc lực. Họ bóp kèn inh ỏi cả một khúc sông để xuồng nhỏ tránh sang một bên. Đối với hai người, đám đông đang họp chợ kia có chắc là người hay không, hay thực ra là bọn chuột tinh giả dạng, chờ họ chạy chậm một chút là lao lên xé nát thân mình? 

Ghe cứ thế mà chạy. 

Lúc trời sáng hẳn, chừng mười giờ trưa, họ đến sông Năm Căn. Con sông rộng phải đến vài trăm mét. Nước sông cuồn cuộn đập vào thân ghe làm hai người chao đảo. Lúc này, họ mới dám hạ tốc độ. Ông tôi vả vào mặt người bạn mấy cái để coi có phải mơ hay không. Đến khi má cả hai sưng vù, họ mới thôi.

Thì ra lúc đêm qua, khi ông tôi vừa lên bờ được một đoạn, người bạn kia nhìn theo thấy hướng ông tôi chỉ lúc nãy không hề có ánh lửa thường, mà là những đốm lửa ma leo lét màu xanh lơ. Biết có chuyện chẳng lành nhưng lại không thể kêu lên để ông tôi quay lại, sợ bứt dây động rừng, phần vì ông tôi đã đi được một đoạn xa. Vị này nhanh chóng xuống máy, đổ đầy dầu rồi chống sẵn sào, buộc dây hờ vì nước không mạnh lắm, tiện tay xách cây rựa phóng lên bờ rượt theo ông tôi.

Đến đoạn trước cổng làng, vị này núp vào một gốc cây, nhìn vào trong thấy ông tôi đang ngồi uống với cả một bầy chuột! Con nào con nấy to như con trâu, nhưng cử chỉ lại y hệt con người. Nghĩ tình hình không ổn, vị này lui ra xa ẩn nấp. Thấy chuyện diễn biến xấu, ông ta liền đánh liều gây sự chú ý rồi nhảy vào cứu bồ. Ông tôi lợm giọng khi nghe người bạn kia quả quyết rằng anh ta thấy trên đống lửa là đôi chân người đang nướng dở, bên cạnh một cái xác trẻ em bị xiên cọc đem quay.

Cửu Long Quái sự ký – Chuột tinh ăn thịt người

chuot-tinh-an-thit-nguoi-cuu-long-quai-su-ky

Hai người đậu ghe vào gần một làng chài ven sông Năm Căn. Ông tôi lại lên bờ tìm chỗ mua dầu và lương thực. Chợ cũng gần đấy, vừa định bụng sẽ vào chợ, bỗng từ đâu có một người trạc tuổi ngũ tuần, mặc áo bà ba vải điều trắng, tóc búi củ hành, râu dài, sấn bước tới. Còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, ông tôi đã vị cao niên kia đấm một cú thôi sơn vào bụng, mất cả thở. Dùng tay kia đặt lên đầu ông tôi, ông lão lầm bầm niệm chú. Chỉ sau vài giây, ông tôi nôn ra một đống bầy nhầy màu đen bốc mùi hết sức hôi thối. Trong đó vẫn còn một con mắt, nom như là mắt người chưa phân hủy. Thấy cảnh đó, ông tôi nôn thêm hai ba lần, đến ra cả mật xanh mà còn chưa hết sợ.

Vị kia nói: 

– Từ lúc nãy, khi ghe bậu đậu ngoài sông, qua thấy có nhiều chướng khí còn vướng. Chẳng hay có phải đêm qua, bậu bị yêu tinh quấy phá?

Ông tôi hết sức kinh ngạc, bèn đem chuyện đêm qua kể lại không sót một lời nào. Người kia nghe xong, liền đưa cho ông tôi một nắm lá khô, bảo về nấu nước uống cho nhả hết chướng khí ra, rồi dặn hãy ở lại Năm Căn một đêm, sáng mai hẵng đi. Ông tôi ngờ ngợ nhưng thấy vị kia lời lẽ rất chân tình, đành nghe theo. 

Ngày hôm đó bình thường, ông tôi uống xong ngụm nước lá, ngủ một mạch đến sáng hôm sau. Mồ hôi màu đen túa ra ướt đẫm cả chiếu, phải đem vứt đi. Thức dậy vô cùng khỏe khoắn, ông xuống bến tắm. Đang tắm, ông thấy từ xa vị trung niên hôm qua đang bước đến khoan thai, trên tay cầm một xấp như da con gì vậy. Ông tôi vội lau mình rồi mặc áo vào. 

Vị kia cười nói: 

– Chẳng giấu gì cậu, qua có học chút ít đạo pháp hàng ma. Vốn chẳng nhiều nhặn gì, định tiêu diệt con Kim Thử Quân này đã lâu, nhưng nó trốn kỹ quá. Đến nay nhờ cậu chỉ chỗ, qua mới diệt được. Hôm trước thôi sơn vào bụng cậu thật là đường đột quá, mong cậu bỏ qua. 

Nói rồi, ông ta tặng ông nội tôi chiếc nanh của con Chuột Tinh. Nó nhọn hoắt, dài chừng hai tấc, trông như một cây đinh. Mãi sau này, tôi vẫn thấy ông đeo nó trước ngực. Ông bảo nó làm ông nhìn thấy được ma quỷ, ngay cả trong bóng đêm. 

Rồi vị đó mời ông nội tôi cùng người bạn trên ghe về nhà chơi. Ở đây, sau một hồi trà nước, mới phát hiện vị trung niên kia và ông cố tôi là bạn tâm giao, lâu nay mất liên lạc. Vị đó họ Lý, tên Thành Vũ. Hồi mới sang Việt Nam gặp ông cố nội tôi, hai người trải qua hoạn nạn, trở thành bạn thân. Nhưng do thời cuộc, hai người mất tin nhau cũng gần hai mươi năm. Ngày đó nội tôi hãy còn bé tí.

cuu-long-quai-su-ky-2_rang-chuot-tinh

Sau đó, hai bên gia đình kết thông gia, Lý sư phụ còn dạy ông nội tôi nghề mộc (hồi ấy còn bắt rể ba năm). Hết hạn ở rể, ông bà nội tôi về vùng Rạch Giá, Kiên Giang dựng nhà định cư. Gia tài được chiếc ghe và một xưởng gỗ nhỏ. Sau này, ông không cho ba tôi đi ghe nữa, chỉ làm mộc thôi. Mùi gỗ mới và sơn dầu in đậm trong ký ức của tôi, dĩ nhiên là cùng với những câu chuyện truyền kỳ của nội tôi nữa. 

Ông mất lúc tôi còn đang tiểu học, cho nên tiếc là tôi chưa học hỏi được bao nhiêu phần thâm sâu của con người ông. Tuy nhiên, khi đã già, ông vẫn rất minh mẫn. Những chuyện ông từng kinh qua đều được khắc ghi trong trí nhớ. Ba tôi nói, lúc ba còn nhỏ cho tới khi lớn lên, ông rất ít khi kể lại những chuyện phiêu lưu truyền kỳ kia cho ai khác nghe. Có vẻ như chúng để lại nỗi ám ảnh rất lớn trong lòng ông. 

Chỉ đến khi tôi được sinh ra, khi đó ông đã già. Cảm giác gần đất xa trời ập đến, ông không muốn giấu, cũng như không cần thiết phải giấu những thứ đó nữa. Với lại, khi ông mới về Rạch Giá làm mộc, ba tôi vẫn hay bị đám nhỏ cùng tuổi trong xóm chọc là con của thầy bùa Lỗ Ban. Ba tôi chẳng hiểu bùa Lỗ Ban là gì cả. Tụi nhỏ thì ngày càng xa lánh. Hỏi thì ông cũng chỉ cười cho qua. Đúng là chỉ còn câu chuyện về Lỗ Ban là ông tôi không kể, nhưng tôi cảm giác có thể ông biết dùng nó thật.

Hồi đó, tôi nhớ tôi đọc được một câu, bèn hỏi ông rằng: 

Nhân tại nhân gian, quỷ tại quỷ môn là sao vậy ông? 

– Nó nghĩa là vạn vật trên đời đều tuân theo quy luật của vũ trụ, cả về số mệnh lẫn sự sắp đặt. Mọi cái đều ứng với tôn ti trật tự như vậy đó con.

Tôi vẫn nhớ như in câu nói của mình lúc nghe xong câu trả lời đó của ông: 

– Vậy nếu quy luật đó bị con phá vỡ thì sao hả ông?

Ông nội tôi khẽ gật gù rồi hạ thấp giọng, hù tôi:

– Khi đó thì quỷ lúc nào cũng ngồi trên vai của con! Hồi ấy, tôi sợ chết khiếp. Con nít ai chẳng sợ ma quỷ. Cũng như con người, lúc nào chẳng sợ những thứ họ không biết, không thấy hoặc không giải thích được. Lúc đó còn nhỏ, chưa hiểu chuyện, chưa kinh qua những ranh giới âm dương. Đơn thuần tôi nghĩ rằng hoặc là ông nội hù tôi, hai là ông đang cố ẩn dụ về những quy tắc trong một gia đình truyền thống như nhà tôi, một kiểu ẩn dụ đậm chất người Hoa cao tuổi chăng? Có trời mà biết.

Nãy giờ toàn nghe tôi kể về ông nội. Bạn đừng sốt ruột vì câu chuyện của tôi sắp bắt đầu rồi. Còn đó là gì, xem kỳ sau sẽ rõ.

Chia sẻ câu chuyện này

Art Director Lê Minh
Artist Lê Minh & Minh Thảo Võ
Graphic Designer Nhím 
Editor Phạm Vĩnh Lộc

 

Share