Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 3: Bức ảnh kỳ lạ ở An Giang

Cửu Long Quái Sự Ký – Kỳ 3: Bức ảnh kỳ lạ ở An Giang

Cửu Long Quái Sự Ký Kỳ 3 – Bức ảnh kỳ lạ ở An Giang

Trên vai tôi có một cái bớt kỳ lạ. Vì nó ở khá xa nên tôi không tự cúi đầu xuống để nhìn được, phải soi gương. Mà mỗi lần soi gương nhìn vào nó chẳng hiểu sao da gà tôi lại nổi lên như rạ. Cái bớt này trông rất giống với vết cào của con mèo hoặc con hổ.

Vết cào xéo xuống, hướng vào cuống họng tôi, lâu lâu nó lại nhói lên, nhất là khi tôi ngồi một mình, hoặc đi ngang những chỗ vắng người. Tôi cũng không biết vì sao. Lý do có cái bớt này cũng là một câu chuyện ly kỳ, nhưng chắc sẽ kể sau, vì hôm nay tôi có cuộc hẹn với một người anh đã lâu không gặp.

Vừa chập tối, khi quán cà phê còn thưa thớt khách, từ đằng xa đã thấy dáng người mảnh khảnh của anh tôi. Hình như còn dẫn theo một người nữa. Anh tên Tuấn. Tôi quen từ những chuyến tình nguyện thời sinh viên. Ngoài chuyện ăn chay trường, hay làm tình nguyện và thương yêu trẻ em vô bờ bến, anh Tuấn còn có đam mê nghiên cứu về tâm linh, đặc biệt là rất thích nghe chuyện ma. Người đi chung với anh có dáng vóc cân đối, toát lên vẻ thư sinh, nhưng vẫn rắn chắc. Người này tóc dài, để râu, ánh mắt thoạt nhìn thì lờ đờ mệt mỏi nhưng ẩn chứa nội lực dồi dào.

Vừa ngồi xuống, anh Tuấn đã lấy ra một điếu Marlboro rồi hút lấy hút để. Sau khoảng vài ngao, anh nói:

– Anh này tên Hùng, biệt danh Hùng Bonsai. Ổng cũng tò mò chuyện của mày nên ra đây chung với tao.

Tôi chào xã giao vài câu. Anh Tuấn chỉ vào Hùng, nói tiếp:

– Thấy dáng nó thư sinh vậy chứ nó chơi thứ dữ không à. Trồng bonsai mà thực ra là băng rừng vượt núi, lựa những cây có dáng đẹp trong tự nhiên rồi đem về. 

Hùng chỉ cười với những lời nói đó, không hiểu sao ánh nhìn của gã này làm tôi nhói nhói ở vai.

Tuấn dụi điếu đầu tiên, nhấp ngụm cà phê, anh hạ giọng:

– Coi nào, có chuyện gì xảy ra ở An Giang làm chú em coi ma quỷ bằng một phần mười con mắt này bận tâm đến vậy!

Tôi cũng dụi điếu thuốc, bắt đầu kể lại trải nghiệm khó hiểu của mình bằng một câu thản nhiên: 

– Tất cả bắt đầu từ một tấm ảnh không rõ nguồn gốc!

Trước mỗi chuyến đi, tôi có thói quen lên mạng tìm hiểu các thắng cảnh chỗ đó. Cung đường đầu tiên tôi biết đến An Giang là qua ngả Thọai Sơn, Long Xuyên, Châu Đốc, Phú Tân. Đến đợt thứ hai thì đi Tri Tôn, Núi Cấm, Tịnh Biên. Đang chưa biết An Giang còn gì hay không, tôi bỗng thấy tấm ảnh chụp một vách núi đá bị khoét non nửa, tạo thành hình vòng cung đều đặn như ai đó cắt một nhát hết sức dứt khoát. Tuy nhiên, chú thích cho bức ảnh đó lại là Hồ Đá Latina

Không đúng, tôi đã đi Hồ Đá trong đợt thứ hai rồi, nó hoàn toàn không có vách núi này. Tôi lấy bức ảnh lên tìm kiếm, các kết quả đều ra chung một hình, không rõ là ai chụp, nhưng tất cả đều chú thích đó chính là Hồ Đá. Vớ vẩn! 

Đến lúc này, cảm giác đi chơi khuây khỏa của tôi ngay lập tức thay bằng cảm giác ham muốn khám phá. Bức ảnh đó như cuốn lấy tâm trí tôi. Thực ra nếu nó được giới thiệu rõ ràng, có nơi chốn, có tung tích người chụp tấm ảnh đó thì cái ham muốn trong tôi sẽ giảm đi ngay, thậm chí còn chưa kịp nhen nhóm. Thế là tôi xác định rằng mục đích chuyến đi tiếp theo sẽ tìm cho ra vách núi đó ở đâu.

cửu long quái sự ký xe máy

Tôi bắt đầu lục tìm các manh mối. Phía góc trên bên phải của tấm ảnh vẫn thấy được một dải núi dài, tôi đoán khả năng cao đó là Núi Cấm. Suy luận vòng vo một hồi, kết luận được rút ra là vách núi đó chỉ có thể nằm trên dải Tri Tôn đến Tịnh Biên. Khu vực này có nhiều đồi thấp, xác suất trước kia từng có đoàn khai thác đá để lộ vách núi là rất cao. Ngày khởi hành cũng đến, tôi xác định mình sẽ đi hướng Tri Tôn, tìm ở Tà Pạ, khu đó trước kia cũng là mỏ đá, biết đâu tấm hình được chụp ở đó cũng nên.

Nghe đến đó, Hùng Bonsai hỏi tôi: 

  • – Anh đoán em ghé ngôi chùa ở Tà Pạ trước đúng không?

Tôi ngơ ngác nhìn gã, thắc mắc làm sao mà gã đoán được chuyện đó vì khu vực Tà Pạ có nhiều nơi để đi hơn. Nhớ lại thì lần đó tôi cũng chẳng hiểu nổi tại sao mình lại đi vào ngôi chùa ấy. Anh Tuấn hỏi tôi: 

– Trong đó có gì lạ không?

Tôi rít một hơi thuốc, thở ra đầy sảng khoái rồi nói: 

  • – Dĩ nhiên là có.

Tôi bắt đầu kể cho họ nghe về hành trình hết sức kỳ lạ của tôi. Một trải nghiệm mơ hồ, vừa nghĩ đến thôi đã nổi gai sống lưng. 

Xã Núi Tô nằm ở huyện Tri Tôn (An Giang) nổi tiếng với ruộng đồng bạt ngàn, đúng với diễn tả cò bay thẳng cánh mà ông bà ta thường dùng. Cưỡi trên con xe 67 của ba tôi để lại, vừa ra khỏi nội thành, ánh mắt tôi liền bị cảnh đẹp nơi đây gội cho sạch sẽ tinh tươm. Những thửa ruộng chín vàng. Những đám mây xám xịt ngập ngừng chưa dám đổ cơn mưa cuối tháng Tám. Những chiếc máy gặt đập liên hợp nhai từng tất đất, chậm rãi và ngấu nghiến. Tôi dừng xe lại, đứng dưới bóng mát khổng lồ của bầu trời, đôi tay vô thức gỡ mắt kính xuống. Đã lâu rồi tôi chưa được tự do thế này.

cửu long quái sự ký ruộng lúa chín

Hôm đó, sau khi ra khỏi nội ô Tri Tôn, điểm tham quan đầu tiên tôi muốn tới là ngôi chùa Nam Tông không tên nằm trên triền dốc gần núi Trà Sư. Ngôi chùa rất dễ tìm vì nó nằm gần với trục đường chính dẫn vào khu du lịch đồi Tức Dụp. Mười mấy cây cột khổng lồ mọc ra từ triền núi nâng đỡ khối kiến trúc vàng, đỏ đặc trưng của người dân tộc Khmer. Nhìn những cây cột này như có sự sống, như một đội binh già nua, thầm lặng, kiên nhẫn với nắng, mưa, gió, thiên tai, qua năm dài tháng rộng gánh vác trên vai vẻ đẹp mà cha ông ta đã khó nhọc tạc nên.

Thoát khỏi con đường chính, tôi lái xe chạy vào con đường làng nhỏ dưới dốc đèo. Vừa đi khoảng vài trăm mét thì thấy bên phải có con dốc lát gạch, chúng đóng rêu xanh rờn. Con dốc này nghiêng khoảng 45 độ. Hai cây cột dựng trước lối vào khắc hình hai con sư tử theo trường phái Nam Tông rất tinh xảo. Hai bên lan can chạm khắc hình con gì đấy đầy vẻ cổ kính và bạc màu theo tháng năm, có vẻ như là rắn nhiều đầu mà tôi hay thấy ở các chùa Nam Tông khác. Phía dưới con sư tử bên trái có dòng chữ “Cấm chạy xe lên”, bên phải là dòng chữ tương tự nhưng viết bằng tiếng Anh – “Stop”. Xung quanh đó là rất nhiều nhang. Vài cây vừa được cắm xuống, còn phần lớn thì đã cháy đen đầu. 

Nhìn lên con dốc, hai hàng cây rợp tán che kín đường cho nên tôi không thấy phía trên dốc là gì cả. Tôi để ý thấy nhiều vết rêu đã bị lột ra. Không, kiểu giống như là có vật gì to bằng cơ thể người trượt ngang làm chúng bong ra. Có khi do người ta ngã từ trên xuống cũng không chừng. Con dốc đó làm tôi rợn người, nó âm u đến khó tả, từ dưới trông lên chỉ thấy một màu u ám bởi những tán cây đan xen. Thỉnh thoảng còn có cảm giác ai đó đang đứng trên đầu dốc, ra sức kêu gọi tôi đi lên vậy.

Con đường âm ở chùa Tà Pạ, Tri Tôn, An Giang – Cửu Long Quái Sự Ký Kỳ 3

cửu long quái sự ký bảng cấm chạy xe

Dĩ nhiên, tôi không đi đường ấy. Nó là đường âm, cho người chết đi mà thôi. Lúc này câu nói về tôn ti trật tự của tam giới ông nội từng nói tôi nghe, lại hiện lên trong đầu.

Hùng Bonsai nghe đến đó bèn hỏi: 

– Chú em cũng biết đường âm à?

Câu hỏi của Hùng Bonsai thực tế là có dụng ý gì? Sao hắn lại nhắc về đường âm? Mời các bạn đón xem tiếp kỳ sau.

Chia sẻ câu chuyện này

Art Director Lê Minh
Artist Lê Minh & Minh Thảo Võ
Graphic Designer Nhím 
Editor Phạm Vĩnh Lộc

 

Share