Thuở xưa, trong vòng lễ nghĩa Nho gia, các đấng mày râu thường được kỳ vọng làm nên nghiệp lớn, tránh để tâm trí vướng bận bởi đám quần thoa(2). Chuyện ái tình vì thế luôn chịu cái nhìn phê phán nghiêm khắc, thậm chí những kẻ quá đắm đuối trong mùi hương xuân sắc đều trở thành đối tượng bị chế giễu, khinh khi, đặc biệt nếu họ là bậc công hầu đế vương.
Nhưng phần đông con người vốn thuộc nòi tình, mà ái tình kia cũng có năm bảy đường. Có thứ tình thiên về sắc dục làm điên đảo lòng người, lại có thứ tình lặng lẽ chỉ biết giữ mãi trong lòng, mà cũng lại có thứ tình sầu muộn chất chứa nhiều đắng cay. Đâu phải thứ tình nào cũng là liều độc dược cho kẻ trót vướng tương tư, nhất là “tình trong giá thú”, loại tình cảm ấm áp, gần gũi, đầy sẻ chia yêu thương giữa chồng với vợ.
Xét văn chương trung đại nước Nam, tình chồng vợ hiếm khi được tỏ bày trong các sáng tác khi người vợ còn tại thế, mà những gì tinh túy dễ làm rung động trái tim đều nằm trong ai điếu, trong những bài thơ khóc vợ, hay đến cả sách phong của vua dành cho người phi tần đã khuất.
Tiêu biểu có thể kể đến Văn tế Trương Quỳnh Như của Chiêu Lỳ Phạm Thái, tập Khuê ai lục của Ngô Thì Sĩ, bộ tứ thơ Điệu Kính phi của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu và hai bản sách phong cung phi Hồ Thị Hoa của vua Minh Mạng mà người viết sẽ lần lượt diễn giải tình ý thâm sâu của họ trong bài viết này.
Phạm Thái (範泰, 1777 – 1814), hiệu là Chiêu Lỳ, sinh quán tại làng Yên Thị, xã Yên Thường, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Chàng xuất thân trong một gia đình hiển đạt, có cha là Trạch Trung hầu Phạm Đạt làm quan dưới thời vua Lê Hiển Tông.
Bấy giờ, quân Tây Sơn khởi binh đánh Nam dẹp Bắc. Gia tộc chúa Nguyễn Đàng Trong rơi vào điểm mờ của lịch sử giữa một mất một còn, trong khi ngoài Đông Kinh phải chịu cảnh nồi da xáo thịt của anh em thế tử Trịnh Khải – Trịnh Cán. Trước tình cảnh thời thế loạn ly, Trạch Trung hầu vì tình thần tử, nghĩa trung quân đã chiêu tập binh mã chống lại nhà Tây Sơn nhưng thất bại.
Nối chí cha, Phạm Thái khi lớn lên cũng lập đảng cùng các danh sĩ Bắc Hà, mưu đồ phục hưng nhà Lê. Hành tung của chàng không thoát khỏi tầm mắt quân Tây Sơn. Để tránh bị truy sát, chàng phải cải dạng thành nhà sư, lấy hiệu là Phổ Chiếu, ở ẩn chùa Tiêu Sơn nơi quê nhà cho qua ngày đoạn tháng.