Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng – Kỳ 1: Văn tế một hồng nhan tri kỷ

Tác giả Tường Vân
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng – Kỳ 1: Văn tế một hồng nhan tri kỷ

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng, nghĩa là ngó sen dẫu bị tách lìa vẫn còn sợi tơ kéo vương không đứt, khác gì đôi lứa thâm tình, dẫu cách xa đôi ngả, tơ lòng mãi quyến luyến không buông. 

Nhắc đến tên Phạm Thái, người ta thường nghĩ đến hình ảnh một trang thiếu niên anh hùng, một lãng tử ôm giấc mộng vàng son của quá khứ, hay một nho sĩ gàn chỉ biết dìm mình trong men rượu say. Nhưng Phạm Thái còn là một người tình lý tưởng với bài văn tế nàng Trương Quỳnh Như lưu danh muôn thuở như một chứng tích của tình cảm lứa đôi vượt qua mọi rào cản lễ giáo xưa.

1. Phạm Thái - Trương Quỳnh Như, dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Thuở xưa, trong vòng lễ nghĩa Nho gia, các đấng mày râu thường được kỳ vọng làm nên nghiệp lớn, tránh để tâm trí vướng bận bởi đám quần thoa(2). Chuyện ái tình vì thế luôn chịu cái nhìn phê phán nghiêm khắc, thậm chí những kẻ quá đắm đuối trong mùi hương xuân sắc đều trở thành đối tượng bị chế giễu, khinh khi, đặc biệt nếu họ là bậc công hầu đế vương. 

Nhưng phần đông con người vốn thuộc nòi tình, mà ái tình kia cũng có năm bảy đường. Có thứ tình thiên về sắc dục làm điên đảo lòng người, lại có thứ tình lặng lẽ chỉ biết giữ mãi trong lòng, mà cũng lại có thứ tình sầu muộn chất chứa nhiều đắng cay. Đâu phải thứ tình nào cũng là liều độc dược cho kẻ trót vướng tương tư, nhất là “tình trong giá thú”, loại tình cảm ấm áp, gần gũi, đầy sẻ chia yêu thương giữa chồng với vợ. 

Xét văn chương trung đại nước Nam, tình chồng vợ hiếm khi được tỏ bày trong các sáng tác khi người vợ còn tại thế, mà những gì tinh túy dễ làm rung động trái tim đều nằm trong ai điếu, trong những bài thơ khóc vợ, hay đến cả sách phong của vua dành cho người phi tần đã khuất. 

Tiêu biểu có thể kể đến Văn tế Trương Quỳnh Như của Chiêu Lỳ Phạm Thái, tập Khuê ai lục của Ngô Thì Sĩ, bộ tứ thơ Điệu Kính phi của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu và hai bản sách phong cung phi Hồ Thị Hoa của vua Minh Mạng mà người viết sẽ lần lượt diễn giải tình ý thâm sâu của họ trong bài viết này. 

Phạm Thái (範泰, 1777 – 1814), hiệu là Chiêu Lỳ, sinh quán tại làng Yên Thị, xã Yên Thường, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Chàng xuất thân trong một gia đình hiển đạt, có cha là Trạch Trung hầu Phạm Đạt làm quan dưới thời vua Lê Hiển Tông. 

Bấy giờ, quân Tây Sơn khởi binh đánh Nam dẹp Bắc. Gia tộc chúa Nguyễn Đàng Trong rơi vào điểm mờ của lịch sử giữa một mất một còn, trong khi ngoài Đông Kinh phải chịu cảnh nồi da xáo thịt của anh em thế tử Trịnh Khải – Trịnh Cán. Trước tình cảnh thời thế loạn ly, Trạch Trung hầu vì tình thần tử, nghĩa trung quân đã chiêu tập binh mã chống lại nhà Tây Sơn nhưng thất bại. 

Nối chí cha, Phạm Thái khi lớn lên cũng lập đảng cùng các danh sĩ Bắc Hà, mưu đồ phục hưng nhà Lê. Hành tung của chàng không thoát khỏi tầm mắt quân Tây Sơn. Để tránh bị truy sát, chàng phải cải dạng thành nhà sư, lấy hiệu là Phổ Chiếu, ở ẩn chùa Tiêu Sơn nơi quê nhà cho qua ngày đoạn tháng. 

Phạm Thái có một người bạn chí thân là Thanh Xuyên hầu Trương Đăng Thụ, cũng dòng dõi thư hương, có cha là Kiến Xuyên hầu Trương Đăng Quỹ. Bấy giờ, Thanh Xuyên hầu đang làm Hiệp trấn Lạng Sơn, cảm vì chí khí của chàng mà sai người đón Phạm Thái lên xứ Lạng bàn chuyện lớn. 

Thế sự không thành, chàng về lại Kinh Bắc không lâu thì nhận tin bạn mất, liền về phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam là nơi sinh quán của Trương Đăng Thụ để đưa tang. Trong thời gian lưu lại trấn Sơn Nam(3), Kiến Xuyên hầu Trương Đăng Quỹ bởi mến mộ tài học mà mời chàng về tư gia dạy trẻ, vì thế Phạm Thái mới có cơ hội gặp gỡ Trương Quỳnh Như, em gái Thanh Xuyên hầu.

Ban đầu cả hai chỉ trao đổi thư từ, xướng họa cùng nhau, về sau nảy sinh tình cảm rồi quyến luyến chẳng rời. Nhưng mối tình đơm hoa mà chẳng kết trái: Quỳnh Như bị ép gả cho người khác, nàng không thuận theo, rồi tự vẫn để tỏ lòng chung thủy với người tình. 

Cái chết của Quỳnh Như đã gây ra một vết thương trí mạng trong lòng Phạm Thái, đồng thời công cuộc phù Lê của chàng ngày càng trở nên bế tắc, Tất cả khiến chàng chán nản thối chí, đành chôn sâu mối hận trong chén rượu đầy, bỏ quê nhà đi phiêu bạt sống kiếp ngậm ngùi, rồi tạ thế năm ba mươi sáu tuổi, vừa tròn mười hai năm sau ngày giang san thu về một mối (1814).

Cuộc đời Phạm Thái có hai mộng ước lớn: mộng ước làm người anh hùng thời đại và mộng ước làm người tình lý tưởng. Cả hai ước vọng tuy không thành nhưng đã tạo nên một Phạm Thái khác biệt so với những người đồng thời: Chàng dốc hết bầu máu nóng tuổi xuân để theo đuổi những tình cảm lớn lao, những gì chàng bênh vực và cho là lẽ phải ở đời, không hề lợi dụng thời thế để cầu danh lợi. Nhiệt huyết của chàng gần như vượt khỏi vòng kiềm tỏa của lễ giáo, khí khái thật giống hai câu thơ:

Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục phản(4)

Kinh Kha

Chính bởi sự say mê cao cả thấm đẫm tinh thần tuổi trẻ này mà Phạm Thái nhận được sự đồng cảm của lớp thanh niên thế hệ sau – những người loay hoay trong tình cảnh nước mất nhà tan, trở thành hình tượng người tráng sĩ dấn thân trong Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng, hay trong truyện ngắn Người tình của Trương Quỳnh Như của Dương Nghiễm Mậu.

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Bài văn tế bi ai, dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Gia tài văn chương mà Phạm Thái để lại chủ yếu xoay quanh chuyện tình dang dở của chàng, gồm các bài thơ gửi Trương Quỳnh Như, khóc Quỳnh Như, tưởng nhớ Quỳnh Như, một bài văn tế nàng và một truyện thơ Nôm tên Sơ kính tân trang mang tính chất tự truyện. Sau cái chết của người tri kỷ, sáng tác nào của Phạm Thái cũng chua chát nỗi nhớ thương và đau đớn, thất vọng đến tột cùng. Bài Văn tế Trương Quỳnh Như đã lột tả hết tất cả những đắng cay ấy:

“Nương tử ơi! Chướng căn ấy bởi vì đâu? Oan thác ấy bởi vì đâu? Cho đến nỗi xuân tàn hoa nụ, thu lẩn trăng rằm!

Lại có điều đau đớn thế. Nhà huyên ví có năm có bảy, mà riêng mình nàng đeo phận bạc, thì lửa nguội nước vơi còn có lẽ.

Thương hại thay! Hoa có một cành, tuyết có một quãng, nguyệt có một vầng, mây có một đoá: Thân là thân hiếm hoi chừng ấy, nỡ nào lấy đôi mươi năm, làm một kiếp, mà ngơm ngớm chốn non Bồng nước Nhược, chút gì không đoái đến cõi phù sinh!

Ví dụ mà tiên thù với tục, sao xưa kia vâng mệnh xuống trần chi? Nay đã nguyện một thân cho vẹn kiếp, thì ba vạn sáu ngàn ngày sống cho đủ lệ: Nọ xuân huyên, này phu tử, góp với trần gian không chút hận, rồi sẽ rong chơi chín suối, cớ sao riêng bóng vội vàng chi?

Ôi! Chữ mệnh hẹp hòi, chữ duyên suồng sã, những như thân giá ấy, tình cảnh ấy, ngược xuôi kia cũng ngậm ngùi cho. Huống ta cùng nương tử, tuy chẳng thân kia thích nọ nhưng tình duyên ấy, cũng là một chút cương thường: Dầu rằng kẻ ấy lạ người đây, song ân ái bấy lâu nay, đã biết bao nhiêu tâm sự. Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi thời nên nấn ná nhân duyên: Mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận phận hoá buông xuôi tính mạng.

Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm: Chua xót cũng vì đâu?

Nay qua nấm cỏ xanh, tưởng người phận bạc, sùi sụt hai hàng tình lệ, giãi bày một bức khốc văn, đốt xuống tuyền đài, tỏ cùng nương tử!”

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Tuy cả hai chưa bao giờ nên đạo vợ chồng, nhưng Phạm Thái mãi mãi coi nàng là nương tử của mình, là người vợ duy nhất: “Hoa có một cành, tuyết có một quãng, nguyệt có một vầng, mây có một đóa”. Âm hưởng giống bài văn tế nổi danh trong dân gian với lời lẽ thiết tha:

Thanh thiên nhất đóa vân

Hồng lô nhất điểm tuyết

Thượng uyển nhất chi hoa

Dao trì nhất phiến nguyệt

Y! Vân tán, tuyết tiêu

Hoa tàn, nguyệt khuyết

Tạm dịch:

Trời xanh một áng mây

Lửa hồng một khối tuyết

Vườn ngự một cành hoa

Ao ngọc một vầng trăng

Ôi! Mây tản, tuyết tan

Hoa tàn, trăng khuyết

Là văn tế nhưng lời lẽ Phạm Thái không hề mực thước cung kính, không có chỗ nào chàng dụng công nghệ thuật trau chuốt cho hay, chỉ toàn là tiếng khóc thương tâm: “Chướng căn ấy bởi vì đâu? Oan thác ấy bởi vì đâu? Chua xót cũng vì đâu?”, đong đầy nhung nhớ: “Song ân ái bấy lâu nay, đã biết bao tâm sự”, rồi kết lại bằng “hai hàng tình lệ, giãi bày một bức khốc văn”.

Đây rõ ràng là những lời văn tả thực, không buồn giấu diễm nỗi đau riêng cho đúng với phong thái bậc quân tử, càng khiến chàng trở nên rất gần với con người trữ tình trong văn học hiện đại sau này. Tấm chân tình chàng gửi gắm trong bài văn thật giống nỗi đau cắt ruột trong bức thư gửi vợ nổi tiếng của Lâm Giác Dân thời Thanh: “Chao ôi! Vỏn vẹn tấc giấy tình trăm mối, ngàn vạn lời chưa kịp trao, mình theo đây có thể hiểu được vậy! Giờ tôi không còn gặp được mình nữa, mình xin đừng bỏ tôi, biết đâu thi thoảng còn gặp lại trong mơ. Biết mấy xót xa!”

Năm tháng qua đi, những điều tưởng như còn mãi với trời đất cũng chỉ còn trong sách sử, nhưng tình cảm của chàng, mối tình u uẩn Phạm Thái – Quỳnh Như vẫn sẽ luôn làm rung động tâm hồn những con người lãng mạn. Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng, sống vì tình mà chết cũng vì tình.

Chia sẻ câu chuyện này
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

[ còn tiếp ]

1. Đề mục Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng trích Truyện Kiều, Nguyễn Du. 
2. Váy và trâm cài đầu, chỉ phụ nữ.
3. Nay là huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
4. Dịch nghĩa: Gió thổi hắt hiu, nước sông Dịch lạnh / Tráng sĩ một đi, không trở lại.
5. Tức chúa Trịnh Doanh.
6. Người đứng đầu kì thi Hội.
7. Nay thuộc thành phố Lạng Sơn.
8. Do không có toàn tập Khuê ai lục và bản Hán văn để đối chiếu, người viết mạo muội đoán đây là Bành thang tức bát canh ông Bành, gắn với tích truyện ông Bành Tổ dâng bát canh cho Ngọc Hoàng và được ban thưởng sống lâu. Có lẽ ý của Ngô Thì Sĩ ở đây là ông ước vợ mình được kéo dài tuổi thọ. Rất mong bạn đọc góp ý thêm.

Share