Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng – Kỳ 2: Thơ khóc vợ của bậc trí sĩ xưa

Tác giả Tường Vân
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng – Kỳ 2: Thơ khóc vợ của bậc trí sĩ xưa

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng, nghĩa là ngó sen dẫu bị tách lìa vẫn còn sợi tơ kéo vương không đứt, khác gì đôi lứa thâm tình, dẫu cách xa đôi ngả, tơ lòng mãi quyến luyến không buông.

Ngô Thì Sĩ thuộc dòng dõi Ngô gia không chỉ là một nhà Nho có tiếng cả về tài học lẫn đức hạnh, mà còn là một người rất trọng tình nghĩa vợ chồng. Khi người vợ thứ của ông mất vì bạo bệnh, ông rất đau lòng mà viết nên tập Khuê ai lục diễn tả nỗi tiếc hận, xót thương người đầu gối tay ấp đã chẳng may vắn số. 

Ngô Thì Sĩ, dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Ngô Thì Sĩ (吳時仕, 1726 – 1780), sinh quán tại làng Tó, tên chữ là làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Vốn xuất thân con nhà thi thư, được thừa hưởng nền nếp Nho phong lại sớm thông tuệ hơn người nên ông rất được chúa Trịnh Doanh ưu ái. Tuy vậy, ông ít gặp may mắn trên đường khoa cử, bởi anh hoa phát tiết ra ngoài xui lòng đố kỵ của người đời, như lời tự bạch trong Anh Ngôn thi tập:

Tôi làm văn thường thích phóng dật, không dẫm theo vết tầm thường, khảo quan thường ghét, mỗi lần thấy chữ dùng hơi mới cho là văn của tôi, ắt tìm những lỗi nhỏ trong quyển cốt truất cho được.

Về nỗi lận đận này, Phạm Đình Hổ cũng thuật lại chi tiết trong cuốn Vũ trung tùy bút:

Đầu đời Cảnh Hưng, có ông Ngô Thì Sĩ nổi tiếng là bậc hay chữ, bị bọn quan đương thời ghen ghét, khi đến thi Hội, các khảo quan dò xét, hễ thấy quyển nào giọng văn hơi giống [....] hết sức bới móc đánh hỏng đi. Trịnh chúa Nghị Tổ biết có cái thói tệ ấy, nên khi thi cử xong rồi, truyền đem quyền hỏng của Ngô Thì Sĩ ra duyệt lại. Các khảo quan bấy giờ nhiều người bị truất phạt, nhưng vẫn không cấm chỉ được cái tệ ấy.

Vũ Trung Tuỳ Bút, Phạm Đình Hổ

Sau rốt, bảng vàng cũng ghi tên ông bởi nguyên do không lấy gì làm quang minh lắm: Kỳ thi năm ấy Ngô quân bị bệnh tả, vào trường thi làm qua loa cho xong bài, các quan khảo thí vốn hồ đồ chẳng biết phân biệt, nên ông mới chiếm được Hội nguyên. Hoạn lộ của Ngô quân cũng chịu lắm nỗi phù trầm: Ngoài bốn mươi tuổi mới đỗ đạt, làm quan được vài năm thì vướng vào một vụ kiện cáo đến nỗi bị cách hết chức tước, đành lui về đóng cửa đọc sách.

Một thời gian sau, chúa Trịnh cứu xét án oan của ông, cất lên làm chức ngự sử, rồi sai ra trấn Lạng Sơn. Ngô quân khéo vỗ yên dân chúng, lại giải quyết việc công mau lẹ nên chẳng mấy chốc trấn Lạng Sơn từ nơi thất bát thành chốn thanh bình. Cảm nhớ công ơn ấy, dân chúng châu Thoát Lãng đã lập đền thờ ông tại động Nhị Thanh, hương khói lâu dài.

Sinh thời, Ngô Thì Sĩ làm quan nhưng sống đời thanh bạch giản dị, ông không coi quan trường chỉ là nơi cho ông một danh vị yên ổn, mà còn là chỗ đem thi hành những ý tưởng giúp đời. Vì vậy mà Ngô quân dù ở chức vụ nào cũng đều tận tâm phụng sự, mọi việc qua tay ông đều được xem xét thật chỉn chu, kỹ lưỡng. Ví như khi làm Đốc đồng Thái Nguyên, Hiến sát Thanh Hóa hay Tham chính Nghệ An, ông đều hăng hái hoạt động, điều trần nhiều việc như khuyến nông, sửa đổi việc học hành thi cử, chấn chỉnh thuế khóa, nuôi quân và chăm sóc dân.

Khoảng thời gian bị bãi chức, ông xoay sang nghiên cứu, phê bình sử, làm thành tập Việt sử tiêu án và Đại Việt quốc thống ca, sau được chúa Trịnh cất nhắc làm quan ngự sử, ông cùng các bạn đồng liêu soạn các bộ sử như Đại Việt sử ký tiền biênĐại Việt sử ký tục biênNam quốc vũ cống đều có giá trị.

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Ngoài chuyện chính sự, kê cứu văn sử vốn là những mối quan tâm hàng đầu, Ngô quân cũng là người ưa hoạt động, ham tìm hiểu, chăm ghi chép chuyện đó đây. Gặp lúc thư nhàn, ông thường đi thăm thú núi sông, tìm những chốn cỏ cây xinh đẹp cùng bạn hữu ngâm thơ uống rượu. Ông lập ra nhà Quan Lan Sào trên núi Bàn A, Thanh Hóa để hưởng thú tiêu dao, sửa sang động Song Tiên, mở mang động Nhị Thanh xứ Lạng làm nơi say sưa giấc mộng giang hồ, như lời Phan Huy Chú thuật lại trong Lịch triều hiến chương loại chí:

Khi việc quan thong thả, ông thả thuyền tới động, leo lên bậc đá ngâm thơ, uống rượu, thật là hứng thú, phóng khoáng.

Trích Lịch triều hiến chương loại chí

Mười bài thương nhớ, dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Thói thường, bậc danh sĩ với tâm hồn nhạy cảm như vậy hay có thói phong lưu đa tình, nhưng Ngô quân lại là người đàn ông trước sau như nhất, chỉ dành tình yêu đằm thắm cho người vợ thứ của mình. 

Gia cảnh ông vốn lạnh lẽo toàn chuyện buồn thương: Cả hai người vợ đều mất sớm vì bệnh hậu sản, cả hai lần ông đều không kịp nhìn mặt vợ lần cuối do bận việc quan, để lại mãi một nỗi ân hận trong lòng. Với người vợ thứ, ông đặc biệt yêu thương nàng, phần vì trọng tài sắc, phần vì cảm cái nghĩa nàng đã đến bên ông khi ông mới mất vợ, nhà cửa bộn bề, lại chưa lập danh với đời nên vẫn chỉ là anh học trò nghèo nơi cửa Khổng. Làm bạn với nhau chưa đầy bảy năm, nàng đã vội vàng tạ thế.

Bất chấp quan điểm phụ quyền cho rằng phải biết coi khinh những tình cảm cá nhân mới đáng mặt nam nhi, Ngô Thì Sĩ dồn hết nước mắt cùng nỗi ưu tư thống khổ của mình mà viết tập thơ khóc vợ Khuê ai lục (Ghi chép nỗi buồn chốn khuê phòng). 

Tập thơ gồm một tiểu truyện, mười bài thơ ngắn lấy tên chung Thập tư (Mười nhớ), mười bài thơ ngắn khác cũng lấy tên chung Thập bất tất tư quân (Mười nhớ để làm chi) cùng vài bài văn tế được Ngô quân chấp bút ngay sau khi vợ mất, bài tỏ tâm ý dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Trước ông, chưa từng khảo được ai viết cả tập thơ dành cho vợ với lòng yêu sâu sắc, nỗi nhớ thiết tha đến như thế.

Trong phần tiểu truyện, ông thuật lại những ngày đầu gặp gỡ, cuộc sống chung đầm ấm thuận hòa giữa hai người. Kế đến là nỗi lo phải để lại người vợ đau ốm nơi quê nhà trong lúc đi làm quan xa, để rồi khi nhận được tin dữ, từ Thanh Hóa, Ngô quân phải “tất tả ra ngay để nhìn mặt nàng lần cuối”, nhưng không kịp, khiến ông đớn đau khôn xiết kể:

Ngày 11 giờ Tuất đến kinh, thì thứ thất đã mất giờ Thìn ngày 10 và giờ Hợi trong ngày đó đã nhập quan. Bình sinh ở với nhau không rời một bước, một lần xa nhau mới vừa hai tháng lúc về nhà chỉ còn vỗ áo quan. Trời chăng? Người chăng? Thời chăng? Mệnh chăng? Than ôi còn nói gì nữa!

-

Đau nỗi đau mất nước, còn có bạn đồng chí ở bên. Đau nỗi đau mất cha mẹ, còn có người thân an ủi. Vậy đau nỗi đau mất vợ, lấy ai làm người sẻ chia?

Chỉ có mảnh giấy cây bút để lòng mình lại tự giãi bày với chính lòng mình. Chẳng thế mà trong Thập tư, cả mười bài đều bắt đầu bằng bốn chữ Tư quân vô kế (Nhớ nàng không có cách nào), không có cách nào nên đành tìm lấy dấu cũ hương xưa trong những đồ vật cũ: Quyển sách, cây đàn, bài hát mà người vợ từng ngâm giảng, từng hát ca, đến tấm áo, chiếc mũ, đồ điểm trang và căn buồng giờ đây đã vắng bóng người.

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Nỗi nhớ dần lan sang kỷ niệm những ngày êm ái, khi Ngô quân bế đứa con chung trên tay mà chạnh lòng nghĩ về người mẹ. Ngắm núi sông quê hương nàng lại muốn hỏi vì sao có thể sinh ra con người đoan trang nhường ấy, cuối cùng chỉ biết ngậm ngùi gặp nhau trong mơ:

Nhớ nàng không có cách nào, đành tìm nàng trong mộng,

Cùng gặp nhau chẳng quản đêm ngày.

Chỉ hận lúc gặp nhau đã quên ly biệt,

Vội vàng chẳng kịp tỏ nỗi ân cần

Dịch nghĩa bài Thập tư số mười

Thật trong văn chương nước nhà không còn lời nào ngọt ngào khắc cốt ghi tâm hơn thế. Hoạ chăng chỉ có giấc mộng buồn của một thi nhân khác sánh tày:

Mộng lai cô đăng thanh,
Mộng khứ hàn phong xuy.
Mỹ nhân bất tương kiến,
Như tình loạn như ty.
Không ốc lậu tà nguyệt,
Chiếu ngã đan thường y

Ký mộng, Nguyễn Du
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Đây là một trong những dòng thơ chữ Hán hay nhất của Nguyễn Du, chép lại giấc chiêm bao gặp anh linh người vợ đã khuất bóng. Mộng đến làm rực sáng ngọn đèn cô quạnh. Tới khi mộng tàn, gió lạnh thổi ùa vào phòng khiến người tỉnh giấc, chỉ thấy bóng trăng giãi lạnh lùng trên tấm áo. Người đẹp chẳng thấy gặp, bỏ lại tình lang với cõi lòng rối như tơ vò.

Đối với những cặp vợ chồng không may chịu cảnh âm – dương cách biệt, trùng phùng trong mộng dường như là hy vọng duy nhất để tìm lại hơi ấm của nhau trước ngày tái hợp vĩnh viễn ở thế giới bên kia. Nhưng khi tỉnh giấc, đời thực chỉ đem đến toàn quạnh hiu, khiến Ngô quân không còn muốn ôm giữ mãi tấc lòng nhung nhớ:

Hiền thục như thế mà không thể có mãi được, tình ái như thế mà không thể giữ mãi được. Đó là số của người mất hay mệnh của kẻ còn? Tuy nhớ nhưng làm gì được số mệnh! Thôi thì không nhớ nữa họa chăng có thể tự khuây khỏa nỗi lòng.

Nhưng càng nói không muốn nhớ, thực tình lại càng nhớ nhiều hơn:

Bất tất tư quân, lệ mãn y,
Nhân sinh như ký, tử như quy.
Bách niên tiền hậu như quân giả,
Cánh thậm Bành thang, thậm thị phi?

Thuộc mười bài Thập bất tất tư quân

Dịch nghĩa:

Nhớ nàng để làm chi, lệ ướt áo,
Đời người sống gửi thác về.
Trăm năm về sau còn có ai như nàng,
Câu chuyện Bành thang(8), liệu có nhầm?

Chính nỗi nhớ khắc khoải triền miên, dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng, đã khiến Ngô Thì Sĩ hơn một lần buông lời hối tiếc đã mải đường công danh mà bỏ lỡ hạnh phúc riêng tư: Nếu sớm biết đi làm quan xa, ly biệt phải chuốc lấy nỗi khổ này thì một năm bỏ quan, có vì thế mà đắc tội cũng không ân hận.

Chính những lời lẽ chân thật, tình cảm dạt dào trong mười bài Thập tư thuộc tập sách đã gây ảnh hưởng lên các trước tác khóc vợ của các danh sĩ sau này.  Thế mới biết cái tình vượt vòng lễ giáo sâu dày tới dường nào, một khi đã vì nghĩa cũ duyên xưa, lề thói Nho phong cũng chẳng cần câu nệ nữa!

Chia sẻ câu chuyện này
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

[ còn tiếp ]

1. Truyện Kiều, Nguyễn Du. 
2. Váy và trâm cài đầu, chỉ phụ nữ.
3. Nay là huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
4. Dịch nghĩa: Gió thổi hắt hiu, nước sông Dịch lạnh / Tráng sĩ một đi, không trở lại.
5. Tức chúa Trịnh Doanh.
6. Người đứng đầu kì thi Hội.
7. Nay thuộc thành phố Lạng Sơn.
8. Do không có toàn tập Khuê ai lục và bản Hán văn để đối chiếu, người viết mạo muội đoán đây là Bành thang tức bát canh ông Bành, gắn với tích truyện ông Bành Tổ dâng bát canh cho Ngọc Hoàng và được ban thưởng sống lâu. Có lẽ ý của Ngô Thì Sĩ ở đây là ông ước vợ mình được kéo dài tuổi thọ. Rất mong bạn đọc góp ý thêm.

Share