Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (阮福淍, 1675 – 1725), là vị chúa thứ sáu của gia tộc họ Nguyễn cai trị xứ Đàng Trong, là con cả Nghĩa chúa Nguyễn Phúc Thái và bà Cung tần Tống thị. Tương truyền lúc bà Tống thị còn hoài thai chúa, đất trời đã xuất hiện điềm lành dự báo một con người kỳ tài sắp chào đời:
Khi lớn lên, chúa Nguyễn Phúc Chu tỏ ra thông minh dĩnh ngộ, am tường văn võ, lại mộ đạo Phật. Chúa lên ngôi khi mới chỉ là trang thiếu niên 17 tuổi, lấy hiệu là Thiên Túng đạo nhân, trong xứ khi ấy vô sự bởi cuộc chiến Trịnh – Nguyễn đã tạm dừng được ba mươi năm. Vì vậy, chúa tập trung ban hành chính sách khoan hòa, giữ lấy sức dân, như “chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói hay, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế má giao dịch, bớt việc hình ngục”, khiến “trăm họ không ai không vui mừng”(3).
Không phải cất quân chống lại chúa Trịnh ngoài Bắc Hà, chúa Nguyễn Phúc Chu có điều kiện mở rộng bờ cõi về phương Nam, mưu toan lập ra một nước tự trị riêng, tuy không thành do nhà Thanh e ngại vua Lê còn đó. Năm 1697 chúa đặt phủ Bình Thuận gồm đất Phan Rang, Phan Rí, lại đặt thêm phủ Gia Định, dựng dinh Trấn Biên(4) và dinh Phiên Trấn(5).
Đất đai rộng lớn thu được đều cho dân chúng tới khẩn hoang, lập phường lập ấp; đặc biệt cho người Hoa chia thành hai xã Thanh Hà (thuộc Trấn Biên) và Minh Hương (thuộc Phiên Trấn), buôn bán đi lại hết sức nhộn nhịp sầm uất. Về việc quân cơ, chúa đốc thúc các quan sửa sang chính lũy Quảng Bình, đặt thêm quân thủy bộ và các đài súng lớn nhằm phòng ngự quân Đàng Ngoài, lại tự mình trông coi các cuộc diễn tập quân sự lớn nhỏ, bình định Chiêm Thành, vỗ yên Chân Lạp(6).
Về việc văn, chúa vốn trọng đường khoa cử, thường tổ chức các kỳ thi kén chọn người tài trong phủ, bản thân cũng là người mến chuộng thi thư, hay làm thơ ngâm vịnh. Nhìn chung, chính sự dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu ít phiền hà, việc binh đao không xảy ra quá độ, lại thêm lòng sùng kính đạo Phật rất mực của chúa nên Đàng Trong được hưởng cảnh thái bình sung túc.
Không chỉ có cơ nghiệp vững vàng ổn định, Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu còn được hưởng phúc con đàn cháu đống với 146 người con tất cả. Bình sinh đông con thì nhiều vợ, chúa cũng không phải ngoại lệ, nhưng lòng chúa chỉ sủng ái riêng một người là Kính phi Nguyễn thị.
Bà Kính phi là con nhà dòng được chọn vào hầu chúa, có cha là quan Tham chính Nguyễn Hữu Hiệp – lúc sinh thời được phong làm Chánh nội phủ, khi mất được truy tặng làm Kính phi, tôn lên hàng phu nhân. Cả Đại Nam thực lục lẫn Đại Nam liệt truyện đều chép rằng dẫu bà đã mất được một năm trời, chúa vẫn thương nhớ không nguôi, làm đàn chay cúng tế trọng thể tại chùa Thiên Mụ, lại tự tay viết bốn bài thơ theo lối điệu vong lên tường chùa, lời lẽ nồng hậu, chan chứa ý tình:
Giới lộ (薤露) nguyên nghĩa là giọt sương trên lá hẹ, vốn là tên một bài ca dùng trong tang chế thời xưa, ám chỉ đời người mong manh như sương trên lá, một chốc lá khô, sương cũng biến. Hai câu kết bài dường như mang nửa ý ngại ngùng nửa ý muốn bào chữa: Thôi đừng trách lòng ta vướng bận một người phụ nữ, bởi từ cổ chí kim có mấy ai dễ dàng tránh được ái tình!
Hai bài thơ kế tiếp, bài nào cũng “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”, song không hề khuôn sáo nặng nề mà vẫn có tình riêng bay bổng:
Hình ảnh thi ca trong Điệu Kính phi kỳ 2 toàn “chỉ tơ lỡ dở”, tiếng sáo nơi lầu quỳnh hay tiếng sênh nơi điện ngọc không còn gợi lên niềm vui chung đôi, mà chỉ toàn nỗi nhớ mong trong tình cảnh lẻ bóng. Không khí lãng đãng mơ hồ xui khiến lòng người nghĩ tới mộng uyên ương, nhưng cảnh ngộ đời thực lại là không thể bên nhau tới trăm năm đầu bạc, nên chúa mới than thở “chỉ chúng ta sao khó hẹn nhau”.
Hơn một năm trời nhớ nhung không dứt, không phải chúa là người dễ xiêu lòng trước giai nhân, mà bởi yêu mến tính nết dịu hiền của Kính phi đó thôi. Mất đi người ngọc, nỗi buồn của chúa lớn đến nỗi chẳng đựng đầy biển nước Việt, chỉ còn biết lưu lại ký ức về người trên văn bia để dành đọc cho khuây khỏa. Hai câu kết bài Điệu Kính phi kỳ 3 chưa thật rõ ý, nhưng người viết đoán rằng Quốc chúa chẳng muốn cho người trồng liễu bên bờ đê làm rườm rà tầm mắt, để tới tiết Thanh minh, chúa sẽ nhìn về hướng nơi có Kính phi nằm và nghĩ về năm tháng ái ân đã qua.
Nếu ba bài Điệu Kính phi chép trên mênh mông một nỗi u hoài, thì Điệu Kính phi kỳ 4 lại là tâm sự chân thật xen lẫn niềm tự hào của chúa về người thiếp yêu:
Có lẽ với nhiều người ham tìm hiểu văn chương chốn cung đình, bốn câu đầu bài thơ này vô cùng thân thuộc, bởi chúng giản dị và truyền cảm, cứ thế thấm dần vào lòng người thật tự nhiên êm ái. Quốc chúa xót xa cho Kính phi đã không được hưởng thọ dài lâu, nhưng tự an ủi rằng phúc trạch sâu dày của người đã làm thơm lây cả gia tộc họ Nguyễn.
Dẫu niềm tin về cuộc sống sau cái chết không tương đồng, ước muốn của Quốc chúa cũng thật cảm động khi nguyện cho hương hồn người được cõi từ bi che chở, sớm thoát khỏi vòng sinh tử – tử sinh như bánh xe quay mãi chẳng ngừng, dứt bỏ mọi phiền não chốn bụi hồng.
Cũng bởi tình cảm ngọt bùi trân quý ấy mà sử quan phải thêm lời nhận xét trong Đại Nam liệt truyện rằng: “Bấy giờ, trong các cung tần từ trần, không ai được ân sủng lạ lùng như thế. Người đời cho là việc long trọng vậy”. Đủ biết tấc lòng Quốc chúa dành cho Kính phi còn sâu hơn biển xanh, cao hơn núi thẳm, “mãi mãi theo hoài chứ chẳng thôi”(8).