Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng – Kỳ 4: Tình cảm ẩn chứa sau những sách phong

Tác giả Tường Vân
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng – Kỳ 4: Tình cảm ẩn chứa sau những sách phong

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng, nghĩa là ngó sen dẫu bị tách lìa vẫn còn sợi tơ kéo vương không đứt, khác gì đôi lứa thâm tình, dẫu cách xa đôi ngả, tơ lòng mãi quyến luyến không buông.

Sinh thời, Minh Mạng là một vị vua có tính cách quyết đoán và nổi tiếng với các chính sách cai trị cứng rắn, nhưng thực chất bên trong con người kín đáo ấy lại là một trái tim dịu dàng, trọng tình xưa nghĩa cũ. Vì những ràng buộc về chính trị nên vua Minh Mạng khó tỏ bày cảm xúc một cách trực tiếp đến người vợ yểu mệnh Hồ Thị Hoa của mình, nên chỉ âm thầm thể hiện thông qua các sách phong tôn thứ bậc hậu phi cho bà.

Vua Minh Mạng và nàng Hồ Thị Hoa, dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Vua Minh Mạng (明命, 1791 – 1841), tên húy là Đảm, còn có tên gọi khác là Nguyễn Phúc Kiểu (阮福皎), là vị vua thứ hai của triều Nguyễn. Ngài là con của vua Gia Long và Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, thường được gọi là Tứ hoàng tử, vốn thông minh lại chăm chỉ học hành từ thuở nhỏ.

Khi Đông cung Cảnh mất, vua Gia Long chọn ngài làm người kế vị, sớm cho làm quen với việc triều chính. Vua Minh Mạng chính thức lên ngôi vào năm 1820 khi đã ở độ tuổi chín chắn, lại có kinh nghiệm thực tiễn lâu dài trong coi sóc chính sự, nên triều đại ngài cai trị đạt tới đỉnh cao của nền quân chủ chuyên chế, với hàng loạt cải cách hành chính thành công và việc mở rộng lãnh thổ tới cực điểm.

Về đời sống riêng tư, nhà vua không thua kém ông tổ ngài là Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu khi có đến hơn một trăm con trai lẫn con gái, hậu cung ba nghìn giai lệ. Tuy nhiên, cũng giống Quốc chúa, vua Minh Mạng suốt đời chỉ dành ba nghìn thương yêu ấy cho một người: Tá Thiên Nhân Hoàng hậu. 

Tá Thiên Nhân Hoàng hậu vốn tên húy là Hồ Thị Hoa (胡氏華), là con gái của Phúc Quốc công Hồ Văn Bôi, người gốc Biên Hòa. Phúc Quốc công trước đây thuộc hàng danh thần Vọng Các(9), từng theo hầu vua Gia Long trong những ngày lưu vong tại Thái Lan, nên được hưởng đặc ân có con gái tiến cung làm chính thất, sánh đôi với thế tử. Hồ thị là người hiền thục, lại hết lòng hiếu kính cha mẹ chồng nên được vua Gia Long yêu mến, ban cho tên mới là Thật (實), lại giảng giải rằng tên cũ (華 – Hoa) của Hồ thị chỉ lấy hương thơm làm nghĩa, không bằng tên mới có chữ miên ở trên, chữ quán ở dưới, gồm cả quả phúc. Tuy mang cái tên được gửi gắm nhiều hy vọng, nhưng Hồ thị không may yểu mệnh. Vào cung được một năm, nàng sinh hoàng trưởng tử Miên Tông(10) được hơn 10 ngày thì mất, khi ấy mới 17 tuổi trời.

Những ngày bên nhau dẫu ngắn ngủi, nhưng hương xưa của người cũ chưa bao giờ nhạt phai trong lòng đấng quân vương, như lời dụ sau này của Nhân Tuyên Từ Khánh Hoàng thái hậu11 rằng: “Nhân Hoàng đế(12) lòng thương vợ cả, nên hậu ban ân lễ, cho thụy là Thuận Đức, phong là Thần phi, ở ngôi 21 năm vẫn dành hư vị đợi chờ, không phải là không có ý”.

Vì ngai vàng nhà Nguyễn mới lập không lâu, chính sự còn nhiều rối ren, nên vua Minh Mạng không bao giờ bộc lộ rõ tấc lòng mình với người vợ đã khuất qua văn thơ, tránh bị quyền thần lợi dụng. Người đời sau nếu tinh ý mới có thể nhận biết được tình cảm sắt son mà vua ký thác qua từng hành động, ví như sách phong cho Hồ thị hai lần sau khi người mất, truy tôn cha Hồ thị làm Nghiêm Vũ tướng quân, mẹ làm Nhị phẩm phu nhân, xây cất đền thờ riêng cho người bên ngoài cung cấm rồi rước thần chủ13 về hương khói ở đó, lại hết sức bảo đảm cho con chung của cả hai là hoàng tử Miên Tông được nối ngôi thuận lợi giữa những toan tính chốn cung đình.

Vì ngai vàng nhà Nguyễn mới lập không lâu, chính sự còn nhiều rối ren, nên vua Minh Mạng không bao giờ bộc lộ rõ tấc lòng mình với người vợ đã khuất qua văn thơ, tránh bị quyền thần lợi dụng. Người đời sau nếu tinh ý mới có thể nhận biết được tình cảm sắt son mà vua ký thác qua từng hành động, ví như sách phong cho Hồ thị hai lần sau khi người mất, truy tôn cha Hồ thị làm Nghiêm Vũ tướng quân, mẹ làm Nhị phẩm phu nhân, xây cất đền thờ riêng cho người bên ngoài cung cấm rồi rước thần chủ13 về hương khói ở đó, lại hết sức bảo đảm cho con chung của cả hai là hoàng tử Miên Tông được nối ngôi thuận lợi giữa những toan tính chốn cung đình.

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Tấm lòng quân vương

Một năm sau khi chính thức lên ngôi (1821), vua Minh Mạng đã sách tặng Hồ thị, tôn làm Chiêu nghi, đặt thụy hiệu Thuận Đức, cho phối thờ chung với Tu nghi Phạm Thị Tuyết gọi là Hồ Phạm nhị tần từ. Sách văn viết rằng:

Lễ là lẽ nên vậy, cho thụy để tỏ điển cổ; ơn là nghĩa ở đấy, truy phong cho trọng lễ nghi. Nay chọn được ngày lành, ban sắc rực rỡ. Nhớ tuyển thị Hồ thị(14), dòng dõi trâm anh, dáng như (ngọc) uyển (ngọc) diễm. Trang nghiêm nhàn nhã, giữ khuê nghi không hề vội vàng; thuần thục nêu gương, từ tiềm để(15) còn lưu tiếng tốt. Sinh con trai đương được yêu quý, giấc nam kha lại chợt tỉnh ngay. Vội đã từ trần; vô cùng thương xót. Vậy đặc sai sứ thần mang sách bạc, tặng làm Chiêu nghi, thụy là Thuận Đức. Mong rằng nhận lấy huy chương và kính tuân sủng mệnh, để được an ủi đức tốt quỳnh dao và hưởng lâu dài cổn hoa vinh hiển”.

Dù sách phong nói rằng Hồ thị “dòng dõi trâm anh”, nhưng thực chất xuất thân của bà không cao, cha bà chỉ là một người lính có công phù tá vua Gia Long những ngày bôn tẩu mà thôi. Dưới thời vua Gia Long trị vì, công trạng của ông Hồ Văn Bôi không được ghi nhận bởi nhiều nguyên cớ rắc rối, do đó khi vua Minh Mạng ban sách phong này, hoàng trưởng tử Miên Tông phải dâng biểu tạ ơn vua cha đã ban ơn mưa móc, thương đến người quá cố. Tới năm 1836, khi vua Minh Mạng định ra cấp bậc hậu phi trong cung, một lần nữa, ngài tấn tôn Giai nghi Hồ thị lên bậc Thần phi, làm lễ rất trọng thể:

Cho Tiền quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự là Phan Hữu Tâm làm chánh sứ, Lễ bộ Thượng thư là Phan Huy Thực làm phó sứ, bưng sách vàng đến từ đường làm lễ tuyên phong”.

Sách phong tuy vẫn dùng sách bạc mạ vàng, nhưng các quan đại diện làm lễ có phẩm trật rất cao, quan võ thuộc hàng chánh nhất phẩm, quan văn thuộc hàng chánh nhị phẩm, không thua kém lễ nghi phong hậu của triều trước. Khác với ngôn từ nhiều ước lệ trong sách phong năm 1821, nội dung của sách phong Thần phi năm 1836 ẩn chứa tâm tình mà nhà vua chưa từng thổ lộ:

Thánh nhân vì tình người mà đặt ra lễ, điển nghi tự có phép thường, vương giả trọng đạo hậu để mà ban ơn tỏ ra đặc biệt. Ngày tốt đã hợp, sắc chỉ ban ra. Nhớ lại: Nguyên tặng phong làm Chiêu nghi Hồ thị khi trước, dòng dõi nhà tướng phiệt họ sang, thể chất tựa quỳnh dao ngọc quỹ; giữ đạo phòng khuê, khi ở tiềm để, đã nêu đức hạnh tốt hay. Bóng cả che mát cành thơm, phúc lành thấy ở đông con nhiều cháu. Thoa vàng từ lâu đã giấu vẻ đẹp, ngòi bút son còn để ngát hương.

 

Nghĩ năm xưa ân cách ban ra, điển tặng phong đã lừng hương ngát; đến ngày nay cung giai mới định, tên vinh dự thâm thỏa hồn thơm. Lại ban điển thường, để đều nhuần thấm. Nay đặc ân tấn phong nàng làm Thần phi, vẫn tên thụy là Thuận Đức.

 

Mong rằng: Kính theo mệnh vua sủng ái, nhận lấy tên gọi vẻ vang, một chữ ‘cổn ba’ yên lòng người nơi chín suối; thiên thu hưởng lấy, ánh sáng nối đời lưu chuyển”.

Sách phong Thần phi năm này đã không còn nhiều lời ban khen “hình dung châu ngọc, đức hạnh đoan trang” như thường thấy, mà từng dòng từng dòng đều tỏa ngát hương hoa như một cách khéo léo gợi nhắc đến tên người xưa. Nào là phương chi (cành thơm), thượng lưu đồng quản chi hương (ngòi bút son còn để ngát hương), điển vĩnh phu vu bật tự (điển tặng phong đã lừng hương ngát) rồi tới tiềm hinh (mùi hương ẩn giấu).

Chữ phương mang nghĩa thơm tho này còn được vua Minh Mạng đặt cho một khu vườn bên trong Tử Cấm Thành nơi ngài thường xuyên lui tới: vườn Thiệu Phương – nghĩa là hương thơm lâu dài. Khu vườn qua lời miêu tả thật xứng với tên, có “trăm cây cỏ thấm mưa móc tốt tươi sinh sắc, ngát hồ ao bốn mùa hoa đầy rẫy hương thơm(16). Thiệu Phương viên tuy có đón mời khách viếng thăm, nhưng có lẽ riêng đối với vua Minh Mạng, khu vườn là nơi chốn bí mật có những ký ức thuở nào được phong kín, để mỗi lần tới đây người lại ngậm ngùi:

Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình
Ví chăng duyên nợ ba sinh
Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi

Truyện Kiều

Đặc biệt trong sách phong còn có hai câu tưởng chừng khuôn sáo, đọc kỹ mới thấy man mác tình: “Thoa vàng từ lâu đã giấu vẻ đẹp, ngòi bút son còn để ngát hương”. Thoa vàng là phiên âm của kim điền (金鈿), vốn là vật trang sức của phụ nữ nhà quyền quý, qua ngòi bút trác tuyệt của Bạch Cư Dị đã trở thành huyền thoại:

Thoa để lại một nhành, hộp để lại một mảnh,
Thoa bẻ nhánh vàng, hộp chia mảnh khảm.
Chỉ nguyện tấm lòng bền như vàng như khảm,
Kẻ trên trời, người trần thế sẽ còn gặp nhau!

Trích Trường hận ca

Dường như chẳng phải tình cờ khi nhà vua mượn lời Trường hận ca, bởi cũng như Đường Minh Hoàng xưa kia, cả hai đều ôm trong lòng nỗi day dứt khi chẳng được sum họp cùng nàng phi yêu quý đến trọn đời, để lại mối sầu hận “mang mang vô tuyệt kỳ”. Có khi nào vua Minh Mạng nghĩ tới câu “Kẻ trên trời, người trần thế sẽ còn gặp nhau!” như một lời ước nguyện âm thầm khi viết “Thoa vàng từ lâu đã giấu vẻ đẹp” hay không? Còn ngòi bút son – phiên âm từ đồng quản (彤管) – vốn đăng đối thế nào với thoa vàng? Trong Kinh thi có bài Bội phong – Tĩnh nữ như sau:

Tĩnh nữ kỳ luyến,
Dị ngã đồng quản,
Đồng quản hữu vĩ,
Duyệt dịch nữ mỹ

Diễn thành lời thơ thật chan hòa tươi tắn, biểu lộ tâm trạng khi yêu của một chàng trai lúc được tình nương đưa tặng món quà kỷ niệm:

Người con gái yêu kiều trầm lặng,
Bút cán son nàng tặng trao tay,
Bút son dáng đỏ hay hay,
Ta trông nàng đẹp, lòng đầy thích ưa

Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng

Như vậy, kim điền – đồng quản trong sách phong Thần phi Hồ thị là biểu tượng của mối tình vàng son được lặng lẽ chôn giấu bao năm trong lòng người ở lại. Tình xưa chẳng vì những biến thiên của thời gian mà dần tan đi như khói nhạt, ngược lại càng đằm thắm, càng tỏa hương xa, cũng bởi lòng người thủy chung như nhất, hằng gìn giữ cho ái tình sống mãi.

Kết luận

Một kẻ sĩ không gặp thời, một viên quan sống đời thanh bạch, một vị chúa xứ Đàng Trong và một vị vua cai trị vương quốc Đại Nam rộng lớn nhất từng thấy trong lịch sử, họ thuộc về những thời đại khác nhau, ôm những mộng ước và hoài bão riêng, nhưng đều chung nhau khối tình sâu nặng. Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Ngó sen dẫu bị tách lìa vẫn còn sợi tơ kéo vương không đứt, khác gì đôi lứa thâm tình, dẫu cách xa đôi ngả, tơ lòng mãi quyến luyến không buông. 

Bản thân là người đàn ông trong xã hội xưa, họ luôn có quyền lựa chọn nhiều hơn một người, nhưng tình cảm chân thật luôn hướng họ về nơi có bóng hình duy nhất, và chính điều đó khiến những tâm sự họ viết ra hết sức gần gũi với con người hiện đại, bởi “điều gì xuất phát từ trái tim sẽ luôn chạm đến trái tim”.

Qua những tâm sự ấy, ta thấy “tình trong giá thú” đâu chỉ là chuyện nâng khăn sửa túi, chia ngọt sẻ bùi, mà còn biết bao nỗi niềm khi chẳng may vợ chồng phải chia lìa hai ngả âm – dương, như cây không liền cành chim không liền cánh. Giới thiệu và góp chút lời diễn giải những tâm sự trên, người viết chỉ có một mong muốn bé mọn là hé cho người đọc thấy một không gian chan chứa nghĩa tình đằng sau cánh cửa Nho phong còn ít nhiều kín kẽ suốt trăm năm.

Chú thích:

9. Thành phố Bangkok ngày nay. 
10. Tức vua Thiệu Trị sau này. 
11. Tức Thuận Thiên Cao Hoàng hậu của vua Gia Long.
12. Tức vua Minh Mạng. 
13. Bài vị ghi tên tuổi, chức tước người đã mất. 
14. Tuyển thị là người con gái được chọn tiến cung. 
15. Tiềm để là nơi ở của hoàng tử được chỉ định kế vị nhưng chưa lên ngôi. 
16. Lời dẫn bài thơ Đệ nhị cảnh – Vĩnh thiệu phương văn của vua Thiệu Trị trong Thần kinh nhị thập thắng cảnh (Hai mươi cảnh đẹp chốn kinh thành). 

Chia sẻ câu chuyện này
Share