Do Thái – Ả Rập diễn nghĩa – Phần 3: Những bức tường ở Bờ Tây, bảo vệ hay chia cắt (1)

Tác giả La Gia Thịnh
Do Thái – Ả Rập diễn nghĩa – Phần 3: Những bức tường ở Bờ Tây, bảo vệ hay chia cắt (1)

Medhat Karaja, một thợ mộc người Palestine, lớn lên và lập nghiệp ở một thành phố thuộc vùng West Bank (Bờ Tây), một khu vực do quân đội Israel chiếm đóng. Trước đây, cơ sở kinh doanh của anh làm ăn phát đạt, có lúc phải hơn chục thợ làm việc hết công suất mới có thể đáp ứng nổi nhuư cầu của thị trường xung quanh. Giờ đây, mọi thứ đã khác, mỗi ngày chỉ có anh và người bạn thân của mình đến làm việc. Năng suất cũng giảm nhiều do nhu cầu đã rớt xuống mức thấp nhất. Việc kinh doanh của Medhat, hay nói đúng hơn là kinh tế của cả khu vực này đã bị bóp chết sau khi chính phủ Israel đi một nước cờ rất “cay nghiệt”.

Sau khi quân đội Israel giành quyền kiểm soát vùng West Bank này năm 1967, hàng trăm ngàn người Israel đã di cư vào khu vực này (thuật ngữ gọi là Israeli Settler). Với sự hỗ trợ tối đa của chính phủ và quân đội, họ đã dựng nên nhiều khu định cư (Israeli Settlement) vào tạo dựng đời sống ấm no, với điều kiện y tế, giáo dục, an sinh xã hội phát triển. Chỉ có điều, hầu hết những sự định cư này đều là bất hợp pháp và gây ra sự bất mãn tột độ cho cộng đồng người Palestine. 

Ở West Bank, nằm xen giữa những khu định cư của người Do Thái Israel là các thành phố lớn nhỏ đã có mặt từ rất lâu đời của người Palestine. Trong số đó phải kể đến Bethlehem và Hebron, hai thành phố nằm giữa lòng West Bank, với lịch sử quan trọng và dân số tương đối lớn.

Vậy điều gì đã “cướp đi” hơi thở kinh tế và sự tự chủ của người Palestine? 

Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 6 năm 2002. Khi đó, chính phủ Israel bắt đầu cho khởi công một dự án mang tính bước ngoặt và sẽ mãi thay đổi lịch sử của toàn bộ vùng West Bank – họ cho xây những bức tường. Một hệ thống tường phân cách dài hơn 700km, với những đoạn cao hơn 8 mét có gắn kẽm gai, với chủ ý chia cắt và cô lập những vùng đất của người Palestine ở West Bank. Hệ thống này vẫn đang được xây thêm và kéo dài liên tục. Hơn nữa, chính phủ Israel vẫn chưa cho thấy dấu hiệu rằng họ sẽ dừng lại. 

Đây là một nước đi tàn nhẫn, đầy tai tiếng, và có thể nói là mang tính sát thương chí mạng mà Israel đã thực hiện để khẳng định sự áp đảo và lộ rõ mưu đồ kiểm soát lấy vùng tranh chấp này, và xa hơn là đạt được những mục tiêu phục quốc mà dân tộc Israel đã đề ra từ khi hồi hương.

Một thanh niên Palestine chờ qua trạm kiểm soát tại bức tường ngăn cách của Israel gần thị trấn Jayyous, Bờ Tây (2/11/2010).
Một thanh niên Palestine chờ qua trạm kiểm soát tại bức tường ngăn cách của Israel gần thị trấn Jayyous, Bờ Tây (2/11/2010) - Nguồn: Getty Image

Ngọn nguồn của việc xây tường này bắt đầu từ những vụ đánh bom của quân khủng bố Hamas Palestine nhắm vào các khu định cư của người Do Thái Israel. Không để dân Do Thái chết oan, chính phủ Israel buộc phải có biện pháp. Sau nhiều cuộc họp, với vô số các biện pháp được đưa ra, người Israel đã có lời giải. Họ tiến hành xây dựng hệ thống tường lũy kiên cố, và gọi nó là Hàng rào Ngăn cách (Separation Barrier) hoặc Hàng rào Bảo vệ (Security Fence) với chức năng ngăn chặn và hạn chế tối đa “những thành phần khủng bố Palestine”, theo cách gọi và tuyên truyền của phía Israel. 

Quan chức Israel vẫn luôn nói ra rả trên báo đài rằng hệ thống này được xây để người Palestine không thể ra khỏi West Bank và xâm phạm đất Israel. Nếu đúng như vậy, họ phải xây hàng rào này dọc theo biên giới West Bank mới phải. Nhưng thực tế cho thấy rằng hơn 85% tổng chiều dài của hệ thống này được xây… sâu trong lòng West Bank. Thuật ngữ chính trị được dùng ở đây là facts on the ground, ý nói những điều xảy ra trên thực tế tại một khu vực, có ảnh hưởng đến đời sống người dân tại đó, và thường là khác so với những điều mà các bên đã nêu ra trên báo đài hoặc trong các hiệp định.

Khoảng 85% bức tường nằm trong lòng West Bank thay vì chạy dọc theo ranh giới năm 1967 được quốc tế công nhận, gọi là Green line - Nguồn: Al Jazeera

Nói cách khác, hệ thống tường rào này đã cắt sâu vào lãnh thổ của người Palestine. Nó đã lấy đi rất nhiều đất đai canh tác, và đẩy người Palestine vào thế cực kỳ bị động. Ở nhiều nơi, chính phủ Israel chỉ mở cửa rào đúng một lần trong năm để nông dân Palestine sang bên kia thu hoạch ô liu trên mảnh đất mà cha ông họ đã canh tác ngàn đời. Hệ thống này còn chia cắt nghiêm trọng các cộng đồng người Palestine, ngăn chặn các tuyến đường dẫn đến thành phố thiêng Jerusalem, nơi mà các thánh tích của người Hồi giáo vẫn còn đó sau hàng thế kỷ. Các tuyến đường đến các trụ sở công cộng, nơi làm việc, trường học, bệnh viện cũng bị cắt đứt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và kinh tế của người Palestine ở West Bank. 

Cũng chính vì điều này mà Tòa án Công lý Quốc Tế (International Court of Justice) đã cho rằng việc xây dựng những bức tường này là hoàn toàn trái pháp luật, nó đã xâm phạm nghiêm trọng tài sản và quyền tự quyết của người Palestine. 

Tóm lại, việc xây tường của chính phủ Israel chính là một sự đàn áp và cô lập trắng trợn, bóp nghẹt nền kinh tế yếu ớt của Palestine, đẩy người Palestine vào thế chỉ có hai lựa chọn, hoặc là bỏ xứ đi thật xa, hoặc là chấp nhận bị cai quản và giam cầm ngay trên chính mảnh đất của bao thế hệ gia đình mình. Việc xây tường sâu vào lãnh thổ West Bank cũng gia tăng đáng kể diện tích đất của người Israel, một hành động cho thấy âm mưu thôn tính của người Israel. 

Một thanh niên Palestine cắm cờ lên bức tường Israel trong một cuộc biểu tình kỷ niệm chín năm đấu tranh chống lại bức tường tại làng Bilin ở Bờ Tây, ngày 28 tháng 2 năm 2014. - Nguồn: Oren Ziv/Activestills.org
Một thanh niên Palestine cắm cờ lên bức tường Israel trong một cuộc biểu tình kỷ niệm chín năm đấu tranh chống lại bức tường tại làng Bilin ở Bờ Tây, ngày 28 tháng 2 năm 2014. - Nguồn: Oren Ziv/Activestills.org
Chia sẻ câu chuyện này

Thiết kế Trần Văn Hậu

Share