Vết nứt thứ ba, cũng là vết nứt trầm trọng nhất, nằm ngay trong lòng của những người Do Thái. Hiện nay, mặc dù đều cho rằng tôn giáo của mình là Do Thái, cộng đồng này cũng có những sự phân chia rõ rệt.
Cụ thể, họ thuộc bốn nhóm chính, khác nhau bởi mức độ “ngoan ngoãn” trong việc tuân thủ và thực hành các điều răn Do Thái giáo, với nền tảng là kinh Toran. Chia theo mức thang này, theo mức độ từ trên xuống ta có Haredi (“ultra-Orthodox” – Cực đoan), Dati (“religious” – Đức Tin), Masorti (“traditional” – Truyền thống) và Hiloni (“secular” – vô thần).
Ở Israel, khoảng 10% dân số là Haredi, 10-15% là Dati, 30-40% là Masorti, và 40-50% là Hiloni. Những nhóm này có lối sống và quan điểm chính trị xã hội khác biệt rõ rệt, do đó có vai trò trong xã hội rất khác nhau. Nhóm Hiloni có tư tưởng hiện đại và tiến bộ, thường giới hạn việc sinh con, và có nhiều đóng góp phát triển xã hội. Ngược lại, những người Haredi lại có đông con, và thường không có việc làm. Đàn ông Haredi dành toàn bộ thời gian tại các trường học hoặc lễ đường để cầu nguyện, nghiên cứu kinh sách. Do đó, tỉ lệ thất nghiệp của nhóm này cực cao, lại được chính phủ nuôi. Không khó hiểu khi họ bị xem là gánh nặng trong xã hội, dẫn đến việc các nhóm Do Thái khác bất bình, kêu gọi họ thay đổi, hoặc yêu cầu chính phủ cắt giảm trợ cấp.
Bất chấp sự phản đối và cái nhìn có phần khó chịu từ các cộng đồng khác, nhóm Haredi Cực đoan vẫn không mảy may bận lòng, thứ duy nhất họ hướng về là Thượng Đế và những điều răn. Cũng chính những sự khác biệt này mà khi được hỏi về nhận dạng bản thân, những người thuộc nhóm secular (Vô thần) đều cho rằng họ nghĩ mình là người Israel trước, sau đó mới là người Do Thái (Israel first, Jews second), điều này hoàn toàn ngược lại với những người Haredi.