Hàm cá mập – Kỳ 1: Biển xanh sâu thẳm

Tác giả Phạm Vĩnh Lộc
Hàm cá mập – Kỳ 1: Biển xanh sâu thẳm

Cá mập đã tồn tại trước cả thời khủng long và đến hiện tại, chúng vẫn là một trong những nguyên nhân khiến loài người sợ bước chân xuống biển.

  • – Tôi thấy nó rồi, mình dừng ở đây đi!

Tôi đứng ở mũi thuyền nói vọng lại cho người ngư dân. Ông ta gật đầu, đưa ngón cái lên tỏ ý đã hiểu, rồi thả dây buộc neo. Hít một hơi sâu, tôi đeo kính lặn và phóng xuống nước. Cuối cùng, tôi đối diện với nó, loài cá mập lớn nhất trái đất.

  • – Ghê, to như khủng long!

Chợt nghĩ Bà Triệu nói câu “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông” là nghĩa ẩn dụ thôi, chứ nghĩa đen thì kiểu gì solo chém được con quái vật cỡ này. Nó quạt cho một phát là dẹo cả thuyền ấy chứ.

Con cá hơi khựng lại khi tôi nhảy xuống trước mặt. Sau ít giây ngơ ngác, nó tiếp tục di chuyển mà chẳng buồn quan tâm đến gã phá đám. Cũng phải, tôi 1m8 nặng 77kg, nhưng nó tới 18m nặng 34 tấn!

  • – Úi!

Vây đuôi khổng lồ quật vào bắp đùi tôi. Con cá bơi sát đến mức chỉ cần đưa tay ra là chạm tới. Tôi nhẹ nhàng bơi cạnh nó ngắm nghía. Thân hình đồ sộ cỡ toà nhà ba tầng lướt đi êm ru giữa đại dương xanh thẳm, để lại sau lưng dải bọt khí phập phồng. Những đốm trắng nom như hươu sao khảm trên lớp da xám bạc nhảy múa lấp lánh dưới nắng trời.

Cố ý chạm vào cá mập voi sẽ ăn phạt với số tiền tương đương cỡ 7 triệu VND, nhưng nó bơi đụng mình thì không sao. Bị một con quật đuôi trúng chân đau phết, cảm giác như va phải tảng đá trơn như mỡ. 

Lại nói, con cá ung dung há cái mỏ dẹt ra hút thức ăn. Đuôi nhẹ nhàng phe phẩy uyển chuyển rẽ nước sang hai bên. No nê thỏa mãn, nó khoan thai lượn tròn một vòng như từ giã rồi lặng lẽ bơi ra biển lớn, nhập bọn cùng hai đứa bạn khác. Tôi mỉm cười rồi bơi lên thuyền, không quên gửi lời chào tạm biệt sinh vật vĩ đại và đẹp đẽ nhất mình từng thấy.

Đây là trải nghiệm của tôi ở Oslob. Có khoảng hai con quanh quẩn ở vịnh. Nếu quốc bảo Trung Hoa là gấu trúc, Việt Nam là sao la, Indonesia là đười ươi, thì Philippines là những sinh vật khổng lồ hiền lành chỉ ăn phù du này. Do có thông tin chính phủ Philippines sẽ đóng cửa để bảo tồn nên tôi tranh thủ. Giả sử xui xẻo bạn sẽ chẳng thấy gì, còn hên thì thôi, kỳ quan thế giới sẽ bơi cùng bạn. 

Đến nay trở về nhà sau chuyến đi ấy đã lâu, tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác lặn dưới đại dương và gặp loài mãnh thú của đại dương này. Cá mập voi rất hiền lành, nhưng thú thực, hình ảnh một con cá mập lừ đừ tiến đến gần mình vẫn kích hoạt một bản năng rất nguyên thủy, không chỉ của tôi, mà của cả nhân loại . Có hẳn một thuật ngữ dành cho nó là Galeophobia – tức Nỗi sợ cá mập.

Khi vua Tự Đức băng hà, những ông trùm thực sự của nhà Nguyễn là hai đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Hai người này quyết không đầu hàng Pháp mà muốn chiến tới cùng. Về sau, Tôn Thất Thuyết mất bên Trung Quốc, còn Nguyễn Văn Tường bị đày sang Tahiti. Nơi lưu đày quan đại thần nhà Nguyễn có biệt danh Nữ hoàng Thái Bình Dương

Đảo Tahiti lớn gấp đôi Phú Quốc và thậm chí hơn cả Singapore (1000km2 so với 500km2 & 700km2) và nằm giữa Thái Bình Dương nên biển siêu đẹp, không hề thua kém Maldives. Tuy nhiên, nơi này có nhiều cá mập và có một loài đặc biệt nguy hiểm là cá mập hổ.

Về sau, các vua Thành Thái và vua Duy Tân đều bị thực dân Pháp đày sang đảo Réunion bên Ấn Độ Dương. Hòn đảo được lựa chọn để lưu đày hai vị vua Việt Nam yêu nước lại sở hữu lượng cá mập cao bất thường, cùng số người tử vong vì cá mập cũng cao nhất Trái Đất. Nơi đây là nhà của đầy đủ ba loài cá mập nguy hiểm hàng đầu gồm cá mập bò, cá mập hổ và cá mập trắng.

Cá mập trắng lớn

Cá mập gồm rất nhiều loài và con người không nằm trong thực đơn. Thường chúng đớp chỉ để kiểm tra vì tò mò. Tuy nhiên, thực dân Pháp chắc chắn đã có tính toán khi lấy những hòn đảo đầy cá mập làm địa điểm lưu đày. Cá mập là những sinh vật săn mồi thượng hạng. Chúng có thể ngửi được 1 giọt máu trong 1 triệu giọt nước biển (và phát cuồng), đồng thời cơ thể tích hợp định vị toàn cầu GPS sinh học giúp chúng biết chính xác vị trí của mình ở đâu trong đại dương bao la. 

Ở đây tôi xin liệt kê năm loại mà theo tôi là nguy hiểm nhất:

  1. 1. Cá mập trắng lớn: quái thú 5m này thường đóng vai ác trong các bộ phim liên quan tới biển (vd Đi tìm Nemo, Hàm cá mập, Biển xanh sâu thẳm). Kiểu tấn công thương hiệu là húc mạnh từ dưới lên và phập để đánh giá độ ngon của con mồi. Với hàm răng y hệt bẫy gấu, một cú táp chính xác của nó là bạn gần như về gặp ông bà tổ tiên rồi. Bạn nào muốn trải nghiệm bơi với cá mập trắng có thể ghé 3 điểm sau:
  2.  
  • – Guadalupe (Mexico)
  • – Cape Town (Nam Phi)
  • – Đảo Hopkins hoặc Grindal (Úc)
  1.  
  2. 2. Cá mập hổ: con này cái gì nó cũng cắn, cả sắt thép cũng không tha. Trên thân nó thực sự có vằn. Thỉnh thoảng người ta câu được, mổ bụng lại thấy chân tay đầy trong ruột.
  3.  
  4. 3. Cá mập Mako vây ngắn: hung bạo và thần tốc, cá mập Mako là loài nhanh nhất. Nó thường bơi theo hình số 8 và nhe hàm răng khủng khiếp của mình khi nhắm được nạn nhân.
  5.  
  6. 4. Cá mập vây trắng đại dương: xảo quyệt và nguy hiểm. Đây là loài rất cơ hội, nó thường có mặt chỗ đắm tàu để liên hoan. Trong Thế chiến thứ Hai, tàu Nova Scotia chìm ngoài khơi Nam Phi, chỉ có 192 trên 1000 người còn sống sót trở về. Vùng biển đó trở thành một bãi máu.
  7.  
  8. 5. Cá mập bò: bạn này người chắc nịch. Tuy tiếng tăm không bằng cá mập trắng nhưng có thể xem như loài đáng sợ nhất vì vừa khát máu, vừa bơi được dưới sông hồ, có môi trường rất rộng. Trong thế giới động vật, bất cứ thú ăn thịt nào đơn độc đều săn mồi rất thành thạo. Cá mập bò là một trong số đó.

Thực tế, người ta chết vì bị ngựa đá còn nhiều hơn cá mập. Miễn là mình đừng phạm vào những quy tắc người ta đã khuyến cáo khi đi tắm biển là được. Tất nhiên bao gồm  cả không nên tắm chỗ nào đã gắn biển cảnh báo vùng nước có nhiều cá mập hoạt động. Đó gọi là điếc không sợ súng. Trong kỳ sau, tôi sẽ kể lại câu chuyện đi săn cá mập của người Việt Nam.

Từ trái qua phải theo chiều kim đồng hồ: Cá mập đầu vây trắng đại dương – Cá mập hổ – Cá mập Mako vây ngắn – Cá mập bò.

Share