Làm nghề này, luôn phải đối diện với nguy cơ thập tử nhất sinh. Lâu lâu họ mổ bụng ra thấy xác người trong bao tử là bình thường. Ngư dân tên Phạm Thủ ở Bình Châu (Quảng Ngãi) kể về mức độ tinh quái của một con cá mập đuôi trắng:
“Nó xẹt qua mặt tôi và mắt nó lừ lừ, tôi nghĩ con này lạ quá, có cái đuôi trắng. Ý nghĩ vừa thoáng qua đầu, đã thấy nó quay lại tấn công liền. Giờ nghĩ lại thì tôi rất ngạc nhiên vì cách tấn công của nó rất khôn lanh, tinh quái, cắt ống thở của mình để chặn đường sống rồi mới bắt đầu tấn công”
Anh cho biết thêm:
“Nó tấn công thẳng vào ngực tôi, răng ngược của nó bấu vào thịt tôi và nó day liên tục để dứt thịt ra khỏi người. Tôi đau quá nên thò tay vào miệng nó vạch ra. Tôi vạch mạnh đến nỗi một ngón tay bị răng cá cắt đứt gân và bây giờ thành bị tật. Nhưng con cá này cũng lạ lắm, nó cắn mình rồi xông vô cắn đứt luôn dây nịt chì nặng cả chục kg đeo trên lưng và lôi đi để nuốt, trông thật đáng sợ”
Ngư dân tên Hải mô tả trải nghiệm khi đối diện với hung thần đại dương:
“Thấy ổng thì cũng sợ tê người, nhưng mình đừng bỏ chạy liền, nó tưởng con mồi, nó sẽ đuổi theo cứ nhìn trừng trừng vào mắt nó thì nó sẽ bỏ đi”
Ngư dân tên Hiệp ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) nhận định về việc săn cá mập ở Phú Quốc:
“Săn cá mập là nghề mà thắng lớn hay trắng tay tùy thuộc vào cảm hứng của thủy thần. Nếu hôm nào ra khơi, ông dễ tính thì cá mập khổng lồ sẽ liên tục cắn câu. Có nhiều hôm, lênh đênh cả mấy ngày trên biển, chỉ câu được những con nhám mập trên dưới 20kg. Với nghề này, chuyện trắng khoang về bờ là hết sức bình thường”
Để ăn được lộc biển, chẳng có gì là dễ dàng cả. Ngư dân phải đem tính mạng mình ra đặt cược một canh bạc chưa biết có lời lỗ gì không. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn còn bám trụ với nghề. Vì mưu sinh là một chuyện, mà còn vì tình yêu nước, như lời chia sẻ đầy tự hào của lão ngư Lê Văn Trí chuyên đánh bắt ở Hoàng Sa:
“Nghề câu của Thủy Đầm truyền từ đời này sang đời khác, đến giờ càng phát triển với đội tàu hiện đại ra biển xa hơn. Tôi nói với con cháu mình giữ nghề câu này là giữ biển khơi của cha ông để lại, là góp phần giữ nước“